kham-pha-cau-chuyen-dac-biet-phia-sau-buc-anh-“nhung-dua-tre-ben-ho-guom-ngay-giai-phong-thu-do”

Khám phá câu chuyện đặc biệt phía sau bức ảnh “Những đứa trẻ bên Hồ Gươm ngày Giải phóng Thủ đô”

Câu chuyện đặc biệt phía sau bức ảnh “Những đứa trẻ bên Hồ Gươm ngày Giải phóng Thủ đô”

Mấy ngày vừa qua trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh của nghệ sĩ Quang Phùng chụp vào sáng sớm ngày 10/10/1954 – ngày tiếp quản Thủ đô, tại Hồ Gươm. Trong ảnh là 7 đứa trẻ đang chơi đu bám trên cành phượng ven hồ để chờ bố trở về, nhưng có đến 3 em mất bố. Họ là những chiến sĩ đã hy sinh trước ngày Giải phóng Thủ đô. 

Khám phá câu chuyện đặc biệt phía sau bức ảnh

Theo anh Phú, cô bé đu cây (thứ hai từ trái sang) và nhân vật cầm quả bóng trong bức ảnh chung của lớp 8D1 chính là cùng một người. Còn người đứng ngay cạnh bên phải là cô bé đang cười trên cành phượng trong bức ảnh của nghệ sĩ Quang Phùng. Ảnh: NVCC

Thông tin này cách đây gần 1năm cũng đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng cung cấp cho PV Báo Dân Việt đăng tải dịp 10/10/2022. Người đã yêu Hà Nội bằng cả trái tim, đã cung cấp thông tin về bức ảnh “Những đứa trẻ bên Hồ Gươm” (Còn có tên khác Những đứa trẻ sáng mùa thu).

Theo một trong số người là nhân vật trong bức ảnh cho rằng đây là sự nhầm lẫn của tác giả ảnh. Bởi các nhân vật trong ảnh là bạn học của mình. “Các bạn thời điểm này đang là học sinh lớp 8D1 Trường THCS Hoàn Kiếm. Thời điểm chụp ảnh này vào năm 1987 khỉ cả lớp đang chuẩn bị thi vào cấp 3. 

Khám phá câu chuyện đặc biệt phía sau bức ảnh

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng năm nay đã bước sang tuổi 91. Ảnh: Gia Khiêm

Cả nhóm thường ra bờ hồ chơi trước khi vào lớp học thêm buổi chiều. Khoảnh khắc sau khi bức ảnh này được chụp là cành phượng gãy. Cả nhóm trong ảnh đã rơi hết xuống hồ. Chính vì chi tiết đó nên tôi rất nhớ. Các nhân vật trong ảnh hiện vẫn còn đầy đủ. Bạn nữ trong ảnh rõ mặt nhất là bạn Phương Bùi…”, anh Nguyên Việt Phú – người chia sẻ thông tin nói.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng cho biết, bức ảnh này lần xuất hiện là khi được Sở Văn hóa Hà Nội sử dụng để thông tin, triển lãm về ngày Giải phóng Thủ đô. Cũng từ đó, bản thân ông cũng như mọi người đều đinh ninh thời điểm chụp rơi vào giai đoạn những ngày đầu Giải phóng Thủ đô. 

Khám phá câu chuyện đặc biệt phía sau bức ảnh

“Những đứa trẻ bên Hồ Gươm” được nghệ sĩ Quang Phùng ghi lại. Ảnh: NVCC

Khám phá câu chuyện đặc biệt phía sau bức ảnh

Bức ảnh tập thể lớp 8D1 năm 1987, trong đó có 7 nhân vật chính trong bức ảnh đang bị nhầm lẫn về mốc thời gian của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng. Ảnh: NVCC

Nhiều năm về sau, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng đã tập hợp và đưa bức ảnh này vào bộ ảnh ký sự nhân dịp Kỷ niệm Giải phóng Thủ đô. Tới năm 2012, bộ ảnh này lần được tiên xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng nhân dịp Kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2012). 

Anh Nguyễn Việt Phú, người đã trực tiếp chứng kiến bức ảnh ra đời khẳng định bức ảnh ra đời vào thời điểm chụp khoảng năm 1987, khi cả lớp anh đang chuẩn bị thi vào cấp 3 chứ không phải giai đoạn những năm 1954.

Để bảo đảm sự chính xác, anh Phú cũng gửi kèm 2 bức ảnh chụp tập thể lớp 8D1 vào năm 1987 để so sánh. Theo anh Phú, cô bé đu cây (thứ hai từ trái sang) và nhân vật cầm quả bóng trong bức ảnh chung của lớp 8D1 chính là cùng một người.

Khám phá câu chuyện đặc biệt phía sau bức ảnh

Nghệ sĩ Quang Phùng chia sẻ lại với PV Dân Việt về bức ảnh của mình chụp. Ảnh: Gia Khiêm

Còn người đứng ngay cạnh bên phải là cô bé đang cười trên cành phượng trong bức ảnh của nghệ sĩ Quang Phùng. 

Anh Phú kể tiếp, lớp anh thuộc khóa 1984-1987, cô Chủ nhiệm là cô Bùi Bình An. Trong nhiều năm học cấp 2, nhóm của anh thường hay ra bờ hồ để chơi trước khi vào lớp học thêm vào buổi chiều. Học sinh toàn ở các phố Lý Quốc Sư, Tràng Thi, Chân Cầm… nên bờ hồ Hoàn Kiếm là sân chơi chính.

Lý giải mặc dù nhiều năm đi qua, anh Phú vẫn nhớ ra là ngay sau khoảnh khắc bức ảnh được chụp, cành phượng đã gãy. Cả nhóm trong ảnh đều rơi hết xuống hồ. Đặc biệt, các nhân vật trong ảnh đều vẫn còn đầy đủ và có thể xác nhận thông tin. 

Chị Bùi Thị Mai Phương, nhân vật cười tươi trong bức ảnh nhất trong bức ảnh của nghệ sĩ Quang Phùng cũng chia sẻ, nhiều năm qua đã định cư tại Canada và vừa trở về Hà Nội trong một vài ngày gần đây. 

Chị Phương khẳng định mình chính là “cô bé” trên cây, đang cười và nhìn thẳng vào ống kính. “Cành phượng này, chúng tôi đã đu 1-2 năm. Lúc đầu cành phượng rất cao, nhưng sau đó thấp dần xuống và rồi… gãy vào đúng sau khi bức ảnh được chụp”, chị cười nói. 

Mong chờ cuộc hạnh ngộ đặc biệt

Chia sẻ thêm, anh Phú khẳng định, việc anh phản hồi thông tin về bức ảnh chỉ nhằm giúp mọi người hiểu hơn về bối cảnh chính xác của một tư liệu quý giá. “Ảnh cụ Quang Phùng chụp chung quanh hồ Hoàn Kiếm có lẽ có tới hàng chục nghìn tấm nên việc nhầm lẫn có thể xảy ra. Bản thân tôi cũng là người cầm máy, nên để nhớ hết tất cả các cú bấm, đặc biệt với ảnh đường phố ra vô cùng khó khăn. Tôi và các bạn cùng lớp rất vui khi có thêm một tấm ảnh quý giá để lưu giữ. Ngoài giá trị về nghệ thuật, bức ảnh còn mang theo ký ức không thể phai”, anh vui vẻ nói. 

Khám phá câu chuyện đặc biệt phía sau bức ảnh

Nghệ sĩ Quang Phùng mong chờ sẽ được gặp lại nhân vật trong bức ảnh của mình. Ảnh: Gia Khiêm

Trong khi đó, phải mất rất lâu “lục tìm lại” trí nhớ đã dần bị mờ nhòe đi theo năm tháng, nghệ sĩ Quang Phùng mới có thể mang máng nhận ra sự xê dịch và nhầm lẫn thời gian của mình đối với bức ảnh đặc biệt này. 

Năm nay nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng đã bước sang tuổi 91. Ông bảo, trải qua hai lần tai biến và tuổi đã cao, đầu óc mình cũng không còn tinh anh như trước. Dù vậy, ông vẫn đau đáu tình yêu với Hà Nội. Đặc biệt, ông thích chụp những bức ảnh mang tính chất phản biện xã hội. Nhưng từ nhiều năm nay, ông đã không còn có thể mang chiếc máy Leika cũ kĩ phai màu theo thời gian lên đường để ghi lại những nhịp đập hàng ngày của Thủ đô nữa. 

“Ảnh này lần đầu tiên được Sở Văn hóa Hà Nội dùng và được ghi chụp ngày 10/10. Giờ nghĩ lại, tôi cho chưa chắc đã phải. Ngày xưa mình chụp có ghi tháng ngày bao giờ đâu. Ngay cả ảnh gia đình mình, sau 1-2 năm nhìn lại cũng không nhớ chính xác chụp vào lúc nào”, ông kể.

Ông tâm sự, về sau, ông tập hợp 6 ảnh, đưa vào ký sự ảnh về ký ức những ngày Giải phóng Thủ đô. Bộ ảnh có nhân vật chủ yếu là các em nhỏ, như biểu tượng của hòa bình, khát vọng vươn lên để chạm vào cảm xúc và trái tim của người xem theo cách hoàn toàn không có sự sắp đặt. 

“Mục đích của tôi là chụp những khoảnh khắc gây xúc cảm cho bạn đọc về Hà Nội nói chung, để thấy được sự quý giá cả hòa bình, lấy xúc cảm làm cốt lõi”, nghệ sĩ Quang Phùng nói. 

Do thời gian đã trải qua quá lâu, bản thân chụp đến hàng trăm nghìn tấm ảnh “đường phố”; đặc biệt trải qua 2 lần tai biến và tuổi đã cao nên trí  nhớ của ông đến từng nhịp đập đã có phần không chuẩn. 

Thông qua chúng tôi, ông gửi lời cảm ơn đến những người đã yêu mến và cung cấp thêm thông tin để hoàn thiện tác phẩm. 

Chị Mai Phương mới từ Canada trở về Hà Nội và anh Việt Phú, những người “góp mặt” trong câu chuyện vui về “Những đứa trẻ bên Hồ Gươm” cũng gửi lời chúc sức khỏe tới nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng. Các anh chị cũng đánh giá cao những đóng góp lặng lẽ của lão nghệ sĩ với Hà Nội trong suốt những năm tháng đã qua.

Cả hai bên đồng thời mong muốn sẽ có một cuộc hạnh ngộ sớm nhất để cùng ngồi lại với nhau, cùng xem những bức ảnh “cụ già Hà Nội” chụp để xem liệu còn khoảnh khắc nào mà các anh, chị còn xuất hiện nữa hay không. 

Với chúng tôi, hy vọng rằng buổi gặp tới đây đó của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng và những nhân vật trong chính khoảnh khắc đáng nhớ bên hồ Hoàn Kiếm năm nào sẽ có cái kết đẹp. Một cuộc hạnh ngộ của những người con mang tình yêu tha thiết Hà Nội. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng sinh năm 1932 tại Hà Nội. Ông đặc biệt quan tâm đến ảnh phản biện. Vì theo ông, đó là những bất cập mà Hà Nội cần khắc phục, việc chuyển tải những bất cập đó qua ảnh sẽ góp tiếng nói để thành phố thay đổi.

Đó là những bức ảnh chụp bốt điện bị viết vẽ, phun quảng cáo nhem nhuốc; những cây cổ thụ bị mục gốc ở Hồ Gươm; những hàng cây phong bị đóng cũi xấu xí quanh hồ; những cây chết khô khẳng khiu… Các bức ảnh về đề tài phòng, chống ma túy của ông đã tạo được hiệu ứng xã hội rất lớn. Những bức ảnh “Hoa rơi mặt hồ” là lời cảnh báo về ô nhiễm mặt nước Hồ Hoàn Kiếm được nhiều người quan tâm.

Các triển lãm cá nhân của ông gồm có chủ đề: Chống ma túy, Hoa rơi mặt hồ…, sách ảnh cá nhân Dạo quanh Hồ Gươm cùng những bộ ảnh lớn: Hà Nội, 36 phố phường gồm 5.000 ảnh chọn lọc trong 20 năm; Ma túy tuổi học trò gồm 1.000 ảnh chọn lọc trong 10 năm; Hàng rong Hà Nội gồm 5.000 ảnh chọn lọc trong 15 năm; Nghị quyết Đảng đi vào đời sống gồm 500 ảnh chọn lọc trong 7 năm… Năm 1993, ông nghỉ hưu nhưng vẫn cống hiến miệt mài trong lĩnh vực nhiếp ảnh và dạy học đến hiện tại.

Ngoài giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội (năm 2013), ông còn được trao Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc – Bộ Công an, Huy chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam – Bộ Ngoại giao, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam – Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam – Hội Nhiếp ảnh Việt Nam… Đặc biệt, với những đóng góp của mình, ông được vinh danh Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2022.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *