Jun Phạm (Phạm Duy Thuận) là thành viên đa tài của nhóm 365 khi vừa là ca sĩ, vừa là nhà văn, diễn viên và biên kịch. Nhân dịp anh vừa ra mắt cuốn sách thứ ba “Thức dậy anh vẫn là mơ”, Café Sách đã có buổi trò chuyện vui vẻ và lắng nghe những chia sẻ về niềm yêu thích sách, say mê viết của anh.
Từ hồi “con nít” đã đọc xong 7 cuốn Harry Potter dày cộp
Anh chia sẻ đọc sách nhiều sẽ giúp con người ta thành công hơn. Vậy việc đọc sách có vai trò như thế nào trong cuộc sống và sự nghiệp của anh ngày hôm nay?
Chắc chắn đọc sách sẽ giúp người ta thành công hơn. Đọc sách bổ trợ rất nhiều cho công việc của Jun, ví dụ khi làm biên kịch phim Tấm Cám chuyện chưa kể, kiến thức từ những cuốn sách lịch sử Jun đọc đã giúp Jun rất nhiều.
Thậm chí những cuốn sách thiếu nhi, truyện thần thoại, hư cấu, truyện viễn tưởng cũng có nhiều lợi ích đặc biệt.
Ngày trước Jun đọc Harry Potter, lúc đó chỉ là một đứa con nít mà có thể đọc liền 7 cuốn dày như vậy. Hành trình đọc bộ truyện giúp mình xây dựng được tính kiên nhẫn rất lớn, sau đó là khả năng tập trung cao. Sau khi đọc xong 7 cuốn đó, Jun nghĩ tại sao mình không thử đọc những cuốn sách khác của tác giả nào đó mình không biết. Và Jun bắt đầu kiếm cuốn thứ hai, thứ ba, rồi thứ 4. Mỗi cuốn sách mang đến cho mình kiến thức về những nền văn hóa khác nhau, về những điều mới lạ. Đọc sách không chỉ giúp mình mở rộng hiểu biết, đọc sách còn giúp mình rèn luyện những kỹ năng quan trọng cho công việc.
“Sách là món quà lớn do nhân loại tạo ra”
Sở thích đọc sách, đam mê viết của anh bắt đầu từ đâu? Có ai là người ảnh hưởng đến sở thích này của anh không?
Niềm mê viết sách của Jun xuất phát từ 2 yếu tố. Đầu tiên là bố Jun, ông là một người rất lãng mạn, hay đọc sách, viết thơ tình. Lúc đầu mình đọc thơ của bố thấy “sến” quá, nhưng càng đọc càng ngấm. Sau đó thì Jun bắt đầu thích đọc nhiều hơn và phát hiện ra mình cũng có gen di truyền.
Thứ 2 là mình đọc rất nhiều truyện, từ Harry Potter, rồi sang đến những tác phẩm của Haruki Murakami, Banana Yoshimoto… đọc xong mình càng mong muốn viết. Jun nghĩ những tác giả đó họ viết được thì tại sao mình lại không. Họ ở nước ngoài, còn mình ngồi ngay đây, nhưng cũng có gì khác nhau đâu. Và rồi mình bắt đầu học viết.
Hành trình “học viết” của anh như thế nào?
Mình nghĩ rằng để viết không có cách nào khác ngoài việc cứ viết, viết sai rồi sửa. Jun bắt đầu viết từ những tản văn, những đoạn ngắn đăng trên Blog 360. Rồi bạn bè vào đọc, nhận xét, khen chê. Viết phải tập dần dần, như 1 đứa trẻ tập làm văn vậy đó, viết rồi sửa, viết dở cứ viết, rồi sẽ viết hay.
“Jun nghĩ viết một cuốn sách ai cũng có thể làm được. Đó là kết quả của sự luyện tập, năng khiếu chỉ là một phần, quan trọng là luyện tập”
Vừa là ca sĩ, vừa là biên kịch, nhà văn…công việc vô cùng bận rộn, làm sao anh duy trì được thói quen đọc sách, viết sách của mình ?
Có một điều đó là những công việc trên bổ trợ cho Jun rất nhiều trong việc viết sách.
Dù công việc bận rộn đến mấy mình vẫn có thể sắp xếp thời gian để đọc sách, để viết. Ví dụ như đi hát, thì có thể là hát vào buổi tối, hát buổi sáng mấy ai nghe (cười), ban ngày rảnh mình sẽ đọc sách. Còn thời gian đóng phim thì ngược lại, làm việc chủ yếu vào ban ngày, buổi tối sẽ tranh thủ đọc. Nhiều người buổi tối sẽ muốn làm biếng, muốn nghỉ ngơi sau một ngày dài. Nhưng với Jun đó lại là thời gian yên tĩnh để mình có thể chiêm nghiệm được nhiều điều, là lúc nhìn lại bản thân mình, thời gian cho những cảm xúc thăng hoa.
Mặc dù có những lúc bào mòn chất xám nhiều khiến mình thấy mệt mỏi.
Nói truyện lãng mạn, ngôn tình không có giá trị là Vô căn cứ!
Hiện nay mảng sách lãng mạn (hay truyện ngôn tình) chiếm phần lớn đối với độc giả trẻ. Do nhu cầu được chia sẻ cảm xúc, được thấu hiểu của tuổi mới lớn, họ tìm đến những cuốn sách này. Nhưng có ý kiến cho rằng các tiểu thuyết lãng mạn này tiềm ẩn nguy hiểm bởi nó khiến các bạn chìm đắm trong sách truyện, gợi lên những mong muốn không thực tế. Thay vì đọc những cuốn sách đó thì nên dành thời gian đọc những cuốn sách khoa học, sách lịch sử thì tốt hơn.
Là một cây bút trẻ, viết cho những người trẻ anh nghĩ sao?
Jun nghĩ rằng điều đó là vô căn cứ. Nói về việc sống trong sách, trong văn thơ thì ông cha mình đã sống từ rất lâu rồi. Nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh… họ đều là những người có đời sống tâm hồn hết sức lãng mạn. Họ sáng tác và sống trong thơ ca, trong những câu chuyện.
Ngày nay giới trẻ có rất nhiều lựa chọn để giải trí: TV, Facebook, mạng internet…, nhưng bố mẹ mình ngày xưa thì đâu có, họ chỉ có những cuốn sách là nguồn giải trí duy nhất. Thời bố mẹ mình cũng đọc nhiều cuốn tiểu thuyết lãng mạn, tình yêu thì không thua gì các bạn trẻ bây giờ. Từ những tác phẩm kinh điển như “Cuốn theo chiều gió”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” đến truyện Quỳnh Dao… Bố mẹ chúng mình tâm hồn lãng mạn nhưng vẫn sống rất thực tế đó thôi.
Sách có nhiều loại, có sách đọc để học hỏi thêm kiến thức, có sách đọc để giải trí. Không nên phê phán sách tình cảm, yêu đương là xấu. Nếu mà so sánh giữa đọc sách ngôn tình và chơi game thì cái nào tốt hơn? Chắc chắn là đọc sách sẽ tốt hơn. Đọc sách văn học, tiểu thuyết lãng mạn có thể giúp các bạn học cách hành văn, vốn từ tốt hơn, tư duy nhạy cảm hơn. Người đọc có thể biết cách nuôi dưỡng cảm xúc hơn, biết yêu thương nhiều hơn. Đặc biệt, đọc truyện còn có thể khơi gợi đam mê viết, mong muốn tạo ra câu chuyện của riêng mình. Đây là thứ nuôi dưỡng tâm hồn rất tốt. Bản thân Jun đã trải qua và Jun hiểu điều đó.
Jun nghĩ rằng nên để các bạn trẻ sống với lứa tuổi của họ. Mình không thể gò ép các bạn đọc những cuốn như là “Tư duy đột phá”, “Ăn trưa bàn công việc”… Các bạn đã học quá nhiều thứ ở trường lớp rồi, nào Toán, Lý, Hoá. Chương trình học nặng khiến các bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và cần giải trí, các bạn tìm đến sách, đến những câu chuyện tình cảm, dễ thương. Đến một lúc nào đó khi họ trưởng thành hơn, khi 25 tuổi chẳng hạn, bắt đầu có nhu cầu tiếp nhận nhiều hơn nữa thì sẽ hướng đến những dòng sách khác.
Bây giờ các bạn đọc sách đã là một điều đáng mừng.
“Để thay đổi Văn hoá đọc phải bắt đầu từ giáo dục.”
Người ta phần nhiều đọc sách khi cần tìm một cái gì đó, khi được giới thiệu, khi sách đó “hot, nhưng đọc sách như một thói quen, một nhu cầu tự thân thì chưa. Theo anh làm sao để có thể khơi gợi cảm hứng đọc sách ở các bạn trẻ?
Jun nghĩ để xây dựng thói quen đọc sách, niềm đam mê sách cần phải bắt đầu từ nhà trường.Nhà trường là nơi các bạn trẻ học và đọc nhiều nhất. Đây phải là nơi nuôi dưỡng niềm đam mê sách, hình thành thói quen đọc sách cho các bạn.
Bây giờ bắt các em phân tích những tác phẩm các em không thích thì rất khó. Những tác phẩm như Rừng Xà Nu, Tắt đèn… đều là tác phẩm tiêu biểu văn học Việt Nam, các em cần học để biết về lịch sử đất nước. Nhưng các em không sống trong bối cảnh đó, nên khó có thể tìm được sự đồng điệu.
Thay vào đó, nhà trường cần cho các em học những cuốn sách mà các em thích, nên đưa những cuốn sách hay, best seller phù hợp vào giới thiệu trong chương trình học. Ví dụ Harry Potter chẳng hạn. Nó sẽ gợi nhiều cảm hứng cho các em hơn, ngoài ra khi tự lựa chọn tác phẩm cho mình các em sẽ có ý thức, trách nhiệm trong việc học.
Rất đáng mừng vì hiện nay các bạn trẻ Việt Nam bắt đầu có thói quen đọc sách nhiều hơn, và mình cũng đang góp một phần vào đó. Nhiều fan đến với mình vì âm nhạc, sau đó các bạn đọc sách của mình, từ sách mình các bạn tìm đến những cuốn sách khác. Đó là cách khơi gợi niềm yêu thích đọc sách một cách tự nhiên.
Fan của tôi đã đọc sách nhiều hơn.
Cá nhân anh thường đọc những loại sách gì? Cuốn sách yêu thích nhất?
Mình đọc khá nhiều thể loại, từ sách lịch sử, tiểu thuyết, truyện viễn tưởng…và cũng có nhiều cuốn sách yêu thích. Nhưng nếu chọn cuốn sách yêu thích nhất để giới thiệu với mọi người thì đó là cuốn “Đời thay đổi khi ta thay đổi” của tác giả Andrew Matthews.
Jun đã đọc trọn bộ 6 tập, đây là một cuốn sách hay và khá dễ đọc. “Đời thay đổi khi ta thay đổi” có khả năng truyền lửa, gợi cảm hứng rất nhiều cho các bạn trẻ. Cuốn sách cho thấy chỉ với một cách nhìn nhận khác mà cuộc đời bạn có thể thay đổi như thế nào. Sự việc thì vẫn thế, chỉ có cách nhìn của chúng ta là thay đổi và cuộc đời cũng sẽ thay đổi theo…
Đây cũng là bộ sách giúp Jun thành công như ngày hôm nay.
Trong hai cuốn sách trước đây, “Có ai giữ giùm những lãng quên” và “Nếu như không thế nói nếu như” chúng ta thấy một Jun Phạm tinh tế, nhẹ nhàng, một Jun Phạm đang cất tiếng hát từ trái tim đa cảm, giàu cảm xúc qua từng câu chữ. “Thức dậy anh vẫn là mơ” có gì khác biệt?
Hai cuốn sách trước kia nói về gia đình, những tản văn, những câu chuyện mà Jun đã trải qua. Nó bắt nguồn từ thực tế, còn “Thức dậy anh vẫn là mơ” là một câu chuyện do Jun tưởng tượng ra, một câu chuyện bắt đầu từ một giấc mơ.
Trong “Thức dậy anh vẫn là mơ” Jun lặn sâu vào thế giới của những giấc mơ, bơi giữa các vùng quên nhớ, khám phá khoảng trống mênh mông, vô tận của những ký ức bị đánh mất do chấn thương. Dường như không chuẩn bị trước, với một nhân duyên bí ẩn nào đó, Jun tình cờ bước vào thế giới của “duyên ma”.
Tình yêu là sợi chỉ xuyên suốt kết nối 3 giấc mơ dài “Thức dậy anh vẫn là mơ”, “Người điên cũng biết đau” và “Duyên ma” trong cùng một tập truyện ngắn.
Anh có thể chia sẻ quá trình hoàn thiện tác phẩm này?
Ý tưởng của câu chuyện ra đời từ… 3 năm trước, trong một giấc mơ. Nội dung câu chuyện xuất hiện trong một giấc mơ của mình, ngay khi vừa tỉnh dậy, mình lao vào viết luôn, các ý tưởng, hình ảnh cứ thế tuôn trào. Mình viết một mạch, hoàn thiện nửa câu chuyện ngay trong buổi sáng hôm ấy. Nhưng rồi mình lại không sao viết tiếp được, không sao hoàn thiện nửa còn lại, vì cảm xúc đã dừng ở đó. Hai năm sau Jun mải mê viết những cuốn sách khác “Có ai giữ giùm những lãng quên” và “Nếu như không thế nói nếu như” rồi làm biên kịch “Tấm Cám chuyện chưa kể” và quên mất câu chuyện dang dở kia. Mãi đến đầu năm nay, trên Newfeed có nhắc lại một đoạn ngắn trong câu chuyện kia, lúc ấy cảm xúc lại xuất hiện, và mình tiếp tục viết.
Nói chính xác ra thì Jun chỉ mất 1 buổi sáng để viết một nửa câu chuyện và 6 tháng để đi hết chặng còn lại. Nhưng con đường ấy lại kéo dài đến 3 năm.
Trạm Đọc chân thành cảm ơn anh vì sự chia sẻ chân thành!
Giới thiệu nhân vật
Jun Phạm (tên thật: Phạm Duy Thuận)
Là thành viên của nhóm nhạc 365DABAND
Tác giả cuốn sách:
– Nếu Như Không Thể Nói Nếu Như (Best seller 2013)
– Có Ai Giữ Giùm Những Lãng Quên (ra mắt 16/8/ 2014)
– 365 – Những Người Lạ Quen Thuộc
– Thức dậy anh vẫn là mơ
Biên kịch phim “Tám Cám chuyện chưa kể”
Thực hiện: Quỳnh Liên – Mi Ly/Cùng Đọc Sách