Điều gì quan trọng hơn việc xác định được thành công trong cuộc sống — thông minh dựa trên sách vở (Book Smart) hay thông minh dựa trên kỹ năng sống (Street Smart)? Câu hỏi này là trung tâm của một cuộc tranh luận quan trọng về tầm quan trọng tương đối của chỉ số thông minh (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ).
Những người ủng hộ cái gọi là “thông minh dựa trên sách vở” có thể cho rằng chỉ số IQ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xác định mức độ sống tốt của con người trong cuộc sống. Thay vào đó, những người ủng hộ tầm quan trọng của thứ được gọi là “thông minh dựa trên kỹ năng sống” sẽ cho rằng EQ thậm chí còn quan trọng hơn. Vậy thì chỉ số nào quan trọng hơn?
Hiểu về cuộc tranh luận giữa IQ và EQ
Trong cuốn sách Emotional Intelligence của mình, tác giả và nhà tâm lý học Daniel Goleman đã gợi ý rằng EQ (hay chỉ số số trí tuệ cảm xúc) thực sự có thể quan trọng hơn IQ. Tại sao lại như vậy? Một số nhà tâm lý học tin rằng các thước đo tiêu chuẩn về trí thông minh (tức là điểm IQ) quá hạn hẹp và không bao gồm đầy đủ các chỉ số thông minh của con người.
Ví dụ, nhà tâm lý học Howard Gardner đã cho rằng trí thông minh không chỉ đơn giản là một khả năng chung chung. Thay vào đó, ông ngụ ý rằng thực sự có đa dạng trí thông minh và mọi người có thể có thế mạnh trong một số dạng.
Thay vì tập trung vào một chỉ số thông minh chung chung, thường được gọi là yếu tố g, một số chuyên gia tin rằng khả năng hiểu và thể hiện cảm xúc có thể đóng một vai trò ngang nhau, nếu không muốn nói là quan trọng hơn ở cách mà mọi người sống.
Sự khác biệt giữa IQ và EQ
IQ và EQ được đo lường và kiểm tra như thế nào? Chỉ số thông minh, hay IQ, là một con số lấy từ một bài kiểm tra trí thông minh được tiêu chuẩn hóa. Trong các bài kiểm tra IQ ban đầu, điểm số được tính bằng cách chia tuổi trí tuệ của mỗi cá nhân cho tuổi đời của họ và sau đó nhân với 100.
Vì vậy, một đứa trẻ có độ tuổi trí tuệ 15 và tuổi đời 10 sẽ có chỉ số IQ là 150. Ngày nay, điểm của hầu hết các bài kiểm tra IQ được tính bằng cách so sánh điểm của người dự thi với điểm trung bình của những người khác trong cùng nhóm tuổi. IQ đại diện cho các khả năng như:
Xử lý không gian trực quan
Kiến thức về thế giới
Khả năng lý luận logic và trừu tượng
Trí nhớ dùng trong công việc và trí nhớ ngắn hạn
Lý luận định lượng
Chỉ số cảm xúc đề cập đến khả năng nhận thức, kiểm soát, đánh giá và thể hiện cảm xúc của một người. Các nhà nghiên cứu như John Mayer và Peter Salovey, cũng như các nhà văn như Daniel Goleman, đã giúp làm sáng tỏ chỉ số cảm xúc, khiến nó trở thành một chủ đề nóng trong các lĩnh vực từ quản lý kinh doanh cho đến giáo dục. EQ tập trung vào các khả năng như:
Xác định cảm xúc
Đánh giá cảm xúc của người khác
Kiểm soát cảm xúc của chính mình
Nhận biết cảm xúc của người khác
Sử dụng cảm xúc để tạo điều kiện giao tiếp xã hội
Hiểu và thông cảm với người khác
Chỉ số nào quan trọng hơn?
Tại một thời điểm, chỉ số IQ được coi là yếu tố quyết định chính của sự thành công. Những người có chỉ số thông minh cao được cho là được định sẵn cho một cuộc sống hoàn thiện và gặt hái thành tựu, và các nhà nghiên cứu đã tranh luận xem trí thông minh là sản phẩm của gen hay môi trường (tranh luận về việc hình thành do bản chất hay do sự nuôi dưỡng).
Tuy nhiên, một số nhà phê bình bắt đầu nhận ra rằng có trí thông minh cao không đảm bảo cho sự thành công trong cuộc sống. Nó cũng có lẽ là một khái niệm quá hạn hẹp để có thể bao gồm đầy đủ phạm vi rộng lớn của khả năng và kiến thức của con người.
Chỉ số IQ vẫn được công nhận là một yếu tố quan trọng của sự thành công, đặc biệt là khi nói đến thành tích học tập. Nhìn chung, những người có chỉ số IQ cao thường học tốt ở trường, thường kiếm được nhiều tiền hơn và có xu hướng khỏe mạnh hơn.
Nhưng ngày nay các chuyên gia công nhận rằng chỉ số IQ không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành công trong cuộc sống. Thay vào đó, nó là một phần của một chuỗi ảnh hưởng phức tạp — một mảng bao gồm chỉ số cảm xúc. Nhiều công ty hiện bắt buộc đào tạo chỉ số cảm xúc và sử dụng các bài kiểm tra EQ như một phần của quá trình tuyển dụng.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những cá nhân có tiềm năng lãnh đạo mạnh mẽ cũng có xu hướng thông minh hơn về mặt cảm xúc, cho thấy rằng chỉ số EQ cao là một phẩm chất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp.
Ví dụ, một công ty bảo hiểm đã phát hiện ra rằng EQ có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của việc bán hàng. Các đại lý bán hàng xếp hạng thấp hơn về các khả năng quản lý chỉ số cảm xúc như sự đồng cảm, sáng kiến và sự tự tin đã được tìm thấy để bán các hợp đồng với mức phí bảo hiểm trung bình là 54.000 đô la. Các đại lý được xếp hạng cao về các thước đo EQ đã bán các hợp đồng trị giá trung bình là 114.000 đô la.
Khả năng cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn của người tiêu dùng khi đứng trước các quyết định mua hàng. Nhà tâm lý học từng đoạt giải Nobel, Daniel Kahneman phát hiện ra rằng mọi người thà làm việc với một người mà họ tin tưởng và thích, hơn là một người mà họ không thích, ngay cả khi điều đó có phải trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm kém chất lượng.
Tác giả: Kendra Cherry