Hỡi những giáo viên, dấu hiệu nào cho thấy một đứa trẻ đang có vấn đề về gia đình?

– Ngủ gật trong suốt các tiết học.

– Trốn tiết liên tục.

– Thay đổi đột ngột về hành vi hoặc điểm số.

– Dễ dàng bị bùng nổ cảm xúc bởi những thứ nhỏ nhặt.

– Từ chối làm việc với bạn cùng lớp, giáo viên hoặc bất kỳ ai.

Tôi không phải giáo viên nhưng từng là một học sinh ngỗ nghịch.

_____________________

u/nanneral (2.4k points – x2 helpful)

Còn tùy vào độ tuổi, nhưng nếu đứa trẻ tỏ ra quá già dặn hoặc quá trẻ con so với tuổi thì đó là một dấu hiệu rõ ràng đấy.

_____________________

u/WTFAULKNER17 (1.2k points)

Luôn quanh quẩn ở trường — đến trường từ rất sớm hoặc ở lại trường rất muộn.

_____________________

u/UlrikeMeinHaus (1.4k points)

Đứa trẻ có phản ứng như sau sang chấn ( đánh trả, né tránh bỏ chạy hoặc cứng người ) khi mắc một lỗi nhỏ.

_____________________

u/summadat (202 points)

Tôi đang học để trở thành một giáo viên, tôi đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ nhỏ và dạy hè trẻ em thành phố.

Thiếu nhận thức về ranh giới (thể chất, tình cảm….), luôn trong trạng thái phòng ngự (đừng nhầm lẫn với sự nhút nhát), sự thay đổi đột ngột trong hành vi, các phản ứng thái quá. Cái này còn phụ thuộc vào độ tuổi: sự hiểu biết và cởi mở về những chủ đề tình dục, đùa giỡn về việc tự sát và những suy nghĩ về tự sát.

Có những dấu hiệu thể chất dễ thấy như vết cào quanh vùng cổ hoặc cơ quan sinh dục, vết đỏ ở những rãnh trên cơ thể (sau đầu gối, trước khuỷu tay, những chỗ chúng ta thường không bị thương khi ngã), mặc quần áo bẩn trong một thời gian dài, mất vệ sinh, luôn ngủ gục vào ban ngày, luôn giấu cổ tay…..

Có rất nhiều dấu hiệu cần phải lưu ý. Tuy nhiên cũng có khả năng đây là những phán đoán sai (ví dụ, một đưa trẻ có thể có ba dấu hiệu trên nhưng gia đình đứa trẻ vẫn ổn và bạn biết rõ điều đó).

_____________________

u/TheCourtOfLaw (438 points)

Tôi không phải giáo viên, nhưng có gia sư cho trẻ từ 3 tuổi đến 5 tuổi khoảng nửa năm. Tôi chủ yếu làm việc ở hậu trường hoặc chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật. Vì vậy câu trả lời của tôi sẽ hướng về nhóm đó hơn.

Vài dấu hiệu: phản ứng sợ hãi thái quá, mất vệ sinh, luôn luôn đói bụng, không thể tập trung, liên tục gặp khó khăn về xã hội, có những hành động không đúng đắn so với tuổi, luôn lảng tránh nhà vệ sinh, luôn có những vết thương không thể lí giải, thường xuyên vắng mặt, hay gây rối…

Còn rất nhiều dấu hiệu khác nữa cho thấy trẻ có gia đình không êm ấm và một điều mọi người nên chú ý: không phải cứ có dấu hiệu trên là có chuyện xấu đang xảy ra. Chúng có thể chỉ là dấu hiệu của sự khác biệt về văn hóa, dậy thì, giai đoạn đầu của bệnh tâm lý như trầm cảm và lo âu, điều kiện thể chất, khó khăn về kinh tế hoặc đơn giản chỉ là những đặc điểm riêng biệt của đứa trẻ đó. Điều quan trọng là hãy để mắt đến đứa trẻ và trò chuyện với gia đình chúng để có cái nhìn sâu sắc hơn về tình hình hiện tại, tránh trường hợp bạn đưa ra kết luận quá vội vàng hay bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo.

Edit: Tôi muốn nói thêm: Để mắt đến đứa trẻ và hành động ngay lập tức cũng cực kỳ quan trọng bởi (với tư cách là một nạn nhân của sự bỏ rơi và bạo hành) nếu mọi thứ “không đủ tệ” để đảm bảo đứa trẻ sẽ bị đưa đi, bạn có thể khiến hoàn cảnh gia đình họ thậm chí còn tệ hơn địa ngục trần gian. Những kẻ bạo hành mang danh nghĩa người chăm sóc sẽ không trút giận lên bạn. Chúng sẽ xả hết mọi thứ lên những đứa trẻ vô tội.

_____________________

u/87319496 (376 points)

Một cậu học trò 15 tuổi của tôi bị rối loạn giấc ngủ. Cậu bé luôn luôn mệt mỏi. Cậu bé không thể trụ qua ngày mà không ngủ gật ít nhất 5 lần tại trường. Nếu bạn quan sát khi cậu bé ngủ, cậu bé sẽ rung chân dữ dội khi ngủ. Tôi cho rằng cậu bé có hội chứng chân không nghỉ (TN: restless leg), đó là lý do cậu bé không bao giờ có một giấc ngủ bình yên tại nhà, cũng như việc cậu bé luôn mệt mỏi vào ban ngày. Mẹ cậu bé nhận được rất nhiều cuộc gọi về điều này và bà ấy không hề làm gì hết. Bà ta đã được nói rất nhiều lần về việc giúp cậu bé hoàn thành một khóa nghiên cứu về giấc ngủ nhưng bà ta không chịu. Thật sự bực bội

_____________________

u/No_Humor_69 (124 points)

Không phải giáo viên, nhưng tôi từng là cố vấn trại hè và trưởng nhóm Nữ Hướng đạo trong nhiều năm. Dấu hiện lớn nhất là khi một đứa trẻ ghét cay ghét đắng việc bị người khác yêu cầu làm gì. Những đứa trẻ luôn có tâm trạng tồi tệ hay những đứa trẻ dễ nổi cáu bởi vài thứ nhỏ nhặt.

Khi tôi là cố vấn trại hè, tôi được một cô bé kể rằng bố cô đã đè lên mẹ và “cầm cổ mẹ” cho tới khi mẹ “chìm vào giấc ngủ”. Cô bé cũng kể “mẹ bảo con rằng nếu ba đè lên người mẹ lần nữa thì con được phép làm bố bị thương”. Cô bé thường đấm, đá, cắn và nhổ nước bọt vào những đứa trẻ khác. Tình hình quá đáng  lo ngại nên tôi và đồng nghiệp báo cáo toàn bộ sự việc cho Sở Dịch vụ Trẻ em và Gia đình (TN: DCFS – Department of Children & Family Services)

_____________________

u/rebecca_bruce (671 points)

Đầu tiên bạn phải thực sự hiểu học trò của mình. Đa số những học trò có vấn đề gia đình cuối cùng cũng chia sẻ với người khác. Tôi cũng nhận ra bởi bọn trẻ muốn đến trường cho dù chúng có thể không thích việc học. Trường học là nơi an toàn với bọn trẻ, chúng có đồ ăn, đa số giáo viên quan tâm đén chúng, chúng có bạn bè. Tôi mừng là tôi đã tạo được một môi trường an toàn để chúng có thể thoải mái tâm sự với tôi

_____________________

u/LongProblem (923 points)

Mức độ trưởng thành không tương xứng với những đứa trẻ cùng tuổi. Tỏ ra quá trẻ con có thể là hành động tìm kiếm sự chú ý bởi đứa trẻ đó bị bỏ rơi. Nếu đứa trẻ hành xử như một trẻ sơ sinh đó có thể là dấu hiệu bị lạm dụng tình dục.

Những đứa trẻ tỏ ra già dặn hơn cũng có thể là dấu hiệu bị bỏ rơi, nhưng không chỉ chúng bị bỏ rơi mà cả các anh chị em của chúng nữa. Nếu đứa trẻ tỏ ra quá trách nhiệm, chúng có thể đang đóng vai trò là ba mẹ với em của chúng, bởi bậc phụ huynh chúng đẩy trách nhiệm đó cho chúng

_____________________

u/mechamusicalgamer (613 points)

Một dấu hiệu chưa được nhắc tới là lấy nhiều thức ăn hoặc cảm giác thiếu an toàn về thực phẩm. Vợ tôi  từng là giáo viên một trường *Title I*, trong suốt sự nghiệp của cô ấy có quá nhiều lần cô ấy phát hiện bọn trẻ giấu thức ăn trong cặp hoặc hộp bút vì chúng biết rõ chúng sẽ không ăn cho tới bữa sáng hôm sau tại trường.

*TN: Em không hiểu rõ nghĩa nên giữ nguyên bản gốc, mong mọi người góp ý ạ.

>u/fl0wergurl (134 points)

Tôi từng đối mặt với sự ra đi của bố và gia đình di cư bằng cách tích trữ đồ ăn. Một nhà trị liệu đã nói rằng đó là cách tôi cố gắng kiểm soát cuộc sống của mình. Tôi giấu đồ ăn ở mọi nơi tôi có thể. Kẻ bạo hành tôi đã đáp trả bằng cách đặt khóa, dây xích quanh tủ lạnh và cửa tủ đựng thức ăn.

>u/notthesedays (67 points)

Trường của bạn có *Backpack Program* không? Bọn trẻ đủ điều kiện tham gia chương trình sẽ về nhà với những túi thức ăn dễ mở và không cần đông lạnh.

Ở một thị trấn tôi từng sống, người ta phải dừng chương trình đó lại bởi đa số những túi thức ăn đó được buôn bán để đổi lấy ma túy. 

____________________

u/selfproclaimedthot (175 points – x1 hugz)

Nạn nhân bị bạo hành đây, vài dấu hiệu mà tôi đã có là điểm số tụt giảm, đến muộn, thường xuyên đùa giỡn cợt nhả trong lớp khi mọi chuyện chuyển biến xấu, quần áo rách nát, lấy và ăn nhiều đồ ăn nhất có thể vào bữa trưa, đi bộ tới trường (dù là mùa đông), không mặc quần áo phù hợp với thời tiết và còn nhiều điều khác nữa.

Sau đấy có người bảo tôi là “có chuyện gì đó không ổn”. Điều duy nhất tôi từng được hỏi là việc tay tôi đỏ rực lên vì quá lạnh và khi tôi quay lại lớp sau khi đã được xác nhận rời khỏi trường. Không ai để ý khi tôi muốn tự sát, mặc dù tôi suýt trượt một lớp lúc đó.

Nếu bạn đang nghĩ cách giúp một đứa trẻ, đừng liên lạc với phụ huynh; bạn SẼ khiến mọi việc tồi tệ hơn. Tốt nhất là hãy giúp chúng bằng mọi cách có thể. Mua cho chúng đồ ăn trưa hay giúp chúng lập những kế hoạch khi lên 18 tuổi. Một giáo viên đã từng đưa cho tôi chiếc ô. Không ai có thể làm gì để giúp đỡ, nhưng vài người giúp tôi lập kế hoạch cho tương lai và điều đó có thể đã giúp tôi cải thiện tình hình hơn.

_____________________

u/Substantial_Stress83 (115 points)

Khi bọn trẻ làm những việc xấu mà không có lý do, đảm bảo cuộc sống giá đình của chúng có vấn đề.

_____________________

u/The-Kinnick-Dog (98 points)

Khi một học sinh có kiến thức về những điều mà đứa trẻ bình thường không nên biết. Học sinh tiểu học bình phẩm về những bộ phận cơ thể.

Những học sinh hoảng loạn, sợ hãi mỗi khi bị gọi điện về cho phụ huynh vì bất kỳ lý do nào. Trái tim tôi vụn vỡ khi thấy bọn trẻ bật khóc và không muốn đi khi chúng đang ốm.

_____________________

u/CreateYourself89 (83 points)

Điều này thật buồn…..

Ngoài ra mất vệ sinh cũng là dấu hiệu lớn nhất.

_____________________

u/flyting1881 (247 points)

Tình trạng nghỉ học thường xuyên và kéo dài. Nếu đứa trẻ nghỉ học quá nhiều đó có thể là dấu hiệu cho thấy không có ai đủ quan tâm để giám sát việc đến trường của đứa trẻ, hoặc người giám hộ không muốn đứa trẻ tới trường vì lý do gì đó.

CHỈ CÓ hành vi xấu với giáo viên thuộc một giới tính cụ thể hoặc một chủng tộc khác. (Không tính những trường hợp giáo viên có định kiến không hay.) Tôi từng dạy một vài học sinh, chúng chỉ vô lễ và gây rối với các cô giáo. Hóa ra bọn trẻ đều có vấn đề với mẹ mình ở nhà.

Tỏ ra sợ hãi quá mức khi gặp rắc rối. Dấu hiệu này khá khó để nhận biết, nhưng có sự khác biệt giữa những đứa trẻ sợ gặp rắc rối vì bố mẹ chúng sẽ quát mắng, tịch thu điện thoại của chúng và những đứa trẻ sợ gặp rắc rối vì chúng sẽ bị đánh.

_____________________

u/purplishisa (96 points)

Tôi là giáo viên cấp ba ở Mexico và tôi nhân thấy việc chú ý đến những học sinh ít nói hoặc nổi loạn sẽ giúp bọn trẻ mở lòng tâm sự hơn. Việc đó thật kỳ quặc bởi thường thì chúng luôn có những hành vi xấu hay phản ứng thái quá hoặc bạn có thể biết ngay bởi chúng mất vệ sinh… Một khi bọn trẻ đã mở lòng, bạn nhận ra những vấn đề tại nhà là lý do thật sự cho những vấn đề tại trường học

_____________________

u/LissaLove01 (215 points)

Từ kinh nghiệm đã dạy tiểu học và cấp hai của tôi:

Những đứa trẻ trở nên lo lắng quá mức mà lên cơn hoảng loạn khi bị gọi tên trong lớp. Cực kỳ sợ hãi khi bài tập bị điểm B trở xuống.

Những đứa trẻ rất ít khi nói chuyện, khi nói luôn dùng giọng nói cực kỳ nhẹ nhàng.

Những học sinh hoàn hảo, trông già dặn hơn rất nhiều so với bạn đồng lứa, và chúng không thể hòa nhập hoặc không biết cách trò chuyện với những đứa trẻ khác. Chúng ứng xử hoàn hảo đến đáng sợ.

(Cấp hai và cấp ba) Những đứa trẻ luôn ngủ gục cả ngày. Những đứa trẻ ngoan ngoãn bỗng dưng trở nên cứng rắn và mất đi sự cảm thông với người khác. Chăm chăm đặt mục tiêu sẽ đỗ vào một trường đại học “rất xa” và không bao giờ quay trở lại.

_____________________

u/Alert_Manner6995 (41 points)

Tôi nghỉ làm từ năm 34 tuổi, tôi từng dạy lớp 4 cho tới lớp 9.

Đôi khi những gì bọn trẻ kể không hẳn là sự thật, mà là cách bọn trẻ kể như thế nào, chẳng hạn như cao độ giọng nói. Một khi bạn đã hiểu bọn trẻ, bạn sẽ dễ dàng nhận ra khi bọn trẻ hành xử “không bình thường”. Có lúc, chúng sẽ kể thẳng mọi việc với tôi, đi sâu vào những chi tiết đầy khủng khiếp và đáng thương. Tôi cũng học được cách dựa vào trực giác của bản thân, tôi luôn cảm nhận được mỗi khi có điều gì đó không đúng. Ngoài ra, thi thoảng những đứa bạn tốt của bọn trẻ sẽ kéo tôi ra một góc và kể mọi chuyện.

Update: Tôi cũng muốn nói thêm là tôi chỉ làm việc cho hai khu học chính trong nhiệm kỳ của tôi và cả hai khu đều có hỗ trợ tư vấn tuyệt vời. So basically, I was a solid referral service. (TN: em không biết dịch chỗ này như nào, mong mọi người góp ý ạ

_____________________

u/Emeryunderscore (39 points)

Mơ mộng quá mức. Bọn trẻ có thể đang chạy trốn khỏi thực tại. Mất vệ sinh, đầu tóc bết, luôn cắn móng tay. Nếu bạn vô tình biết về thu nhập của bậc phụ huynh và thấy quần áo hay đồ đạc mà trong tình trạng tồi tệ so với mức thu nhập của họ. Những đứa trẻ không thể hòa nhập và trông như bị cả xã hội ruồng bỏ. Những đứa trẻ trông lúc nào cũng chán nản, thiếu hi vọng và tự tin vào bản thân, thiếu lòng tự trọng.

Chúng có thể sẽ không nói với bạn về việc bị bạo hành ngay cả khi bạn trực tiếp hỏi chúng, bởi bọn trẻ sợ rằng chúng sẽ bị bạo hành nhiều hơn, sợ bị chuyển đi nơi khác tệ hơn, sợ trở thành gánh nặng của bạn hoặc gia đình chúng, sợ làm gia đình chúng mất mặt, sợ mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn với em của chúng, bọn trẻ có thể nản lòng sau những lần thất bại khi cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ, hoặc nếu chúng đủ lớn có thể chúng đã có một kế hoạc chạy trốn rồi.

Nếu bạn không thể giúp bọn trẻ thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại, điều tốt nhất bạn có thể làm tiếp theo chính là sự kiên nhẫn, sự ủng hộ và động viên đối với chúng.

_____________________

u/ummugh (59 points)

Thật không may là có quá nhiều dấu hiệu. Điều rõ ràng nhất là đứa trẻ quá tự ti về bản thân. Đây là một dấu hiệu thường gặp cho dù cuộc sống gia đình của bọn trẻ tốt hay xấu. Một đứa trẻ có thể sẽ trở nên tự ti bởi cả hai trường hợp. Nó cho thấy có sự bạo hành đang diễn ra dù là bạo hành về thể chất hay tinnh thần, cả hai loại bạo hành này có thể sẽ không rõ ràng, nhưng bạo hành về thể chất thường được cho là “bạo hành thực sự” (bạo hành về tinh thần cũng là bạo hành thực sự). Rất dễ để nói đứa trẻ đó chỉ là quá nhạy cảm hoặc chúng trở nên lo lắng một cách vô lý chỉ vì bị điểm kém hoặc điều gì đó trên lớp, nhưng điểm chung của các hành vi này là có sự bạo hành về tinh thần ở nhà. Nhiều người sẽ phản biện rằng bọn trẻ ngày nay được cưng chiều quá mức và xứng đáng bị bạo hành về tinh thần (bởi đây không phải bạo hành thực sự???), nhưng không một đứa trẻ 8 tuổi nào xứng đáng phải bật khóc và lo lắng rằng chúng tồi tệ ra sao. Và không đứa trẻ 16 tuổi nào đáng phải chịu điều này. Bạo hành là bạo hành và nó thực sự ảnh hưởng rất lớn đến bọn trẻ đấy.

_____________________

u/Mykidsrmonsters (22 points)

Vắng mặt triền miên, luôn lấy hoặc trộm nhiều đồ ăn, hoảng loạn mỗi khi ai đó nhắc đến nhà, sợ hãi tột cùng khi làm mất áo len hoặc áo khoác (bởi chúng sẽ bị phạt), bịa ra những câu chuyện cuối tuần đầy hoang đường, không kể về một bậc phụ huynh cụ thể

_____________________

u/Evening_Rose_619 (122 points)

Một điều tôi chưa thấy được nhắc đến là việc có hai cái điện thoại. Một điện thoại “thường”, và một cái kẻ bạo hành đưa cho chúng để không có gì hiện thị ở cái kia. Điều này hầu hết ở trong bối cảnh đứa trẻ bị buôn bán và bạo hành bên ngoài, nhưng vẫn có thể áp dụng được với cuộc sống gia đình.

Ngoài ra về khía cạnh bị buôn bán, những cô bé thường đột ngột có bạn trai hơn tuổi và luôn được mua nhiều đồ đắt tiền. Đồng thời điểm số trên lớp và hiệu suất khi làm việc của chúng cũng bắt đầu xuống dốc khi chúng dành toàn bộ thời gian với “người bạn trai hơn tuổi” và cả “những người bạn” của hắn. Thường thì bậc phụ huynh sẽ không biết, một số biết nhưng coi như không có vấn đề gì. Điều này phải luôn được báo cáo. 

_____________________

u/AnnaKomnene1990 (44 points)

Những dấu hiệu rõ ràng nhất mà tôi có thể nghĩ được:

*mất vệ sinh

*luôn luôn ngủ gật trong lớp

*rất nhiều lần vắng mặt không lý do

*không hề cố gắng trong bất cứ việc gì

*luôn có hành vi gây rối (Đây không đơn thuần chỉ là một đứa trẻ luôn làm trò trong lớp. Tôi đang nghĩ tới vài học sinh không tài nào ngồi yên trong lớp mà không gây rối hay phá đám. Nó gần như là một điều bắt buộc vậy.)

Và thi thoảng chúng sẽ nói thẳng điều đó ra, như năm đầu khi tôi bắt đầu dạy một học sinh đã nói với tôi cậu bé chứng kiến thành viên trong gia đình mình cưỡng hi*p người khác. Đủ để tôi chạy thẳng xuống liên lạc với Sở Dịch vụ Trẻ em và Gia Đình (TN: DCFS – Department of Children & Family Services)

Tôi dạy cấp ba, nên có thể các dấu hiệu sẽ khác đối với những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn.

_____________________

u/Ohithere_insertname (32 points)

Người bạn cùng lớp của tôi từng bật khóc trước mặt cả lớp và giáo viên bởi cậu ấy không muốn giáo viên gọi điện về cho phụ huynh. Cậu ấy sợ họ sẽ đánh cậu ấy.

_____________________

u/Vegetable_Month_8293 (18 points)

Tôi từng làm trợ giảng và gia sư thay thế

– Bọn trẻ đến trường với tâm trạng bực tức. Phải, bọn trẻ có thể ghét trường học hay đang giai đoạn tâm trạng thay đổi thất thường tuổi dậy thì, nhưng nếu điều này thường xuyên xảy ra thì đó là hồi chuông cảnh báo với tôi bởi có khả năng rất nhiều vấn đề đã xảy ra trước khi chúng rời khỏi nhà.

– Sợ thất bại đến mức bọn trẻ có thể không thèm làm bài hoặc hoảng loạn khi mắc lỗi.

_____________________

u/willthisthingshutup (36 points)

Bắt nạt, bắt nạt quá mức.

Đặc biệt là những trẻ nhỏ tuổi; nếu bạn thấy một đứa trẻ 10 tuổi đang bạo hành một đứa trẻ khác, thường thì chúng đang bắt chước một người lớn mà chúng biết, hoặc đang trút giận lên bạn bè bởi chúng không biết làm gì khác. Đó là lý do tại sao việc phạt những đứa trẻ bắt nạt là một cách lười biếng để xử lý vấn đề. Chúng cần sự giúp đỡ và hướng dẫn.

_____________________

u/No-Abbreviations5280 (9 points)

Có những phản ứng bạo lực không phù hợp với tuổi. Ví dụ, bọn rẻ 10-13 tuổi gây rối bằng cách bắt nạt đứa khác.

Một dấu hiệu lớn nữa là sự giận dữ từ việc thiếu kiểm soát nhận thức – nếu kế hoạch bị thay đổi, bọn trẻ sẽ trở nên cáu gắt.

Hầu hết những đứa trẻ với cuộc sống gia đình tồi tệ tôi từng gặp đều có một trong hai dấu hiệu này.

Dấu hiệu thứ hai phổ biến hơn và có thể dễ dàng thay đổi. Những gì học sinh muốn là cảm giác được nắm quyền kiểm soát – và bạn xác định điều đó nghĩa là gì. Nó có nhất quán không? Tham gia vào các quyết định (nhỏ, có thể chấp nhận được) trong lớp? Được tự do di chuyẻn trong lớp học?

Với tư cách là một đứa trẻ cần điều này, cuộc đời tôi thực sự thay đổi khi một giáo viên nhìn thấu được tôi. Chúng không phải là “những đứa trẻ hư.” Chúng chỉ cần một phương pháp, một chiến lực khác. Và điều đó tốt cho tập thể còn lại trong lớp, bởi nó giảm được hiệu quả sự gián đoạn.

Hãy nhớ rằng công bằng không đồng nghĩa với bình đẳng.

_____________________

u/captaincheesecrunch (14 points)

Ý tôi là danh sách sẽ kéo dài mãi và có rấtt nhiều nghiên cứu minh chứng cho các hành vi này. Những dấu hiệu nhỏ như mơ mộng và không quan tâm đến trường học, hay rõ ràng hơn như rút lại lời nói và hoàn toàn thu mình lại khi được hỏi, tới những dấu hiệu nghiêm trọng như hứng thú đến các nội dung không phù hợp với lứa tuổi (một học sinh lớp 3 của tôi từng để lại một mẩu giấy ghi “momo sẽ giết mày” trên bàn đứa trẻ khác.) hoặc trở nên quá hung dữ và dễ xúc động. Đó là từng trường hợp cụ thể, nhưng tôi từng được những đứa trẻ kể thẳng rằng chúng ghét ở nhà, sợ hãi khi ở nhà hoặc có người đang làm chúng bị thương. Dạy học không phải lúc nào cũng vui đâu.

_____________________

u/BooksAndStarsLover (46 points)

Tôi từng là đứa trẻ có vấn đề về gia đình. Vì quá khứ của tôi nên đây là chủ đề tôi thực sự đồng cảm. Nếu tôi có thể liệt kê ra một điều có thể cứu được người khác vì họ nhận ra các dấu hiệu thì thật xứng đáng. Đây là một vài dấu hiệu:

● Mất vệ sinh: dấu hiệu rõ ràng cho thấy bị bỏ rơi hoặc bạo hành tình dục. Điều này có thể thể hiện qua quần áo (đặc biệt là những cô bé) và đầu tóc dính đầy bụi bẩn, đất cát, bọ….không đánh răng

● Đánh trả, cứng người, sợ hãi hoặc điên cuồng xin lỗi ngay lập tức khi mắc lỗi.

● Đi nhẹ hoặc nặng ra quần dù đã lớn và không có bệnh về thần kinh: Đây là dấu hiệu lớn bị bạo hành tình dục.

● Lấy trộm, giấu và dự trữ rất nhiều đồ ăn hoặc những đồ vật khác.

● Không muốn rời khỏi trường học hoặc thích trường học quá mức và trở nên chán nản u uất khi về nhà.

● Thiếu sự giám sát đáng chú ý đặc biệt là khi còn nhỏ tuổi.

● Liên tục xuất hiện những vết cắt, sẹo hay bầm tím trên cơ thể mà bọn trẻ không thể giải thích rõ ràng. Hoặc những vết thương không trùng khớp với lời giải thích ngay cả khi chúng có lý.

● Có sự hiểu biết về quan hệ tình dục nhiều hơn so với độ tuổi.

● Có máu ở quần lót.

● Có hành vi động chạm không phù hợp với những đứa trẻ khác.

● Phát triển và tăng cân kém. Hoặc sút cân nhanh.

● Không được cung cấp đầy đủ những đồ thiết yếu.

● Đứa trẻ có thể trở nên bạo lực trước lời khiêu khích rất nhẹ.

● Dùng ma túy, chất cấm khi còn nhỏ tuổi. Thường hút thuốc  lá và thuốc lá điện tử.

● Bắt nạt những đứa trẻ khác

● Khả năng giao tiếp xã hội hạn chế.

● Gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác,

● Khó ngủ khi xung quanh có người.

Các dấu hiệu cần lưu ý ở bậc phụ huynh:

● Không nhận ra sự đau khổ, lo lắng của con cái.

● Thể hiện rõ sự thiếu tình cảm và quan tâm.

● Over harsh disapline not equal to the crime so to speak (TN: em không rõ ý câu này nên để nguyên câu gốc ạ)

● Chỉ trích, nói xấu con cái về mọi mặt.

● Đổ lỗi cho con cái về những vấn đề mà không phải lỗi của chúng.

● Họ thường hạn chế cho con cái tiếp xúc với người khác.

● Đưa ra những lời giải thích , bao biện vụng về hoặc im lặng khi được hỏi về những vết thương lặp lại của con cái.

Tôi mong danh sách này sẽ giúp được ai đó. Làm ơn hãy lưu ý đến những dấu hiệu này và báo cáo ngay nếu bạn nhận ra chúng.

_____________________

u/TanTiger (66 points)

Tôi không phải là một giáo viên, nhưng tôi từng là đứa trẻ có vấn đề về gia đình. Tôi đoán dấu hiệu đó là tỏ ra quá yếu đuối.

Vào năm lớp sáu mẹ tôi bỏ rơi chị em tôi và rời đi với con chó. Nỗi buồn vô tận, bệnh trầm cảm và sự tức giận tra tấn tôi từng giờ từng phút mỗi ngày. Điều này khiến tôi sụp đổ và khóc nức nở mỗi khi một điều gì đó dù rất nhỏ không xảy ra như tôi mong đợi, mọi thứ trở nên quá mức đối với tôi.

Cuối cùng các giáo viên đã ngồi xuống và hỏi tôi mọi thứ ở nhà có ổn không, bởi tôi rất dễ bị xúc động mạnh. Tôi nhận ra điều này không bình thường chút nào với một đứa trẻ, rằng tôi không phải một đứa mau nước mắt mà thực chất tinh thần tôi đang sụp đổ. Giáo viên dạy toán đã trở thành người bạn tốt nhất của tôi vào năm đó. Cảm ơn cô Bentley. Cô là một người phụ nữ vĩ đại đã ở đó với em và truyền lại sự tích cực tới cuộc đời em, điều mà mẹ em không bao giờ có thể làm được.

_____________________

u/Chaelieshidiehole (37 points)

Giật bắn mình khi bạn đi qua chúng trong lớp và theo phản xạ cúi thấp đầu khi chúng ở phía sau bạn là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy bọn trẻ bị đánh đập ở nhà.

_____________________

u/okapi-forest-unicorn (17 points)

Nhìn chung thì hành xử quá thô tục, có hiểu biết về chủ đề tình dục, ma túy, tự sát hơn những gì người bình thường nên biết, gây rối quá mức nhưng đồng thời quá tuân thủ cũng là một dấu hiệu, 

_____________________

u/Emmalema_dingdong (27 points)

Tôi từng là một trong số học sinh mất vệ sinh và vấn đề ở nhà của tôi đơn giản chỉ là quá nghèo đói, tất cả đều quá phổ biến.

Giờ tôi là giáo viên và hầu hết các trường trong thành phố tôi sinh sống là *Title 1*. Dấu hiệu cảnh báo lớn nhất chính là hiểu biết sớm về tình dục. Nếu bọn trẻ đang dùng máy tính trường và tìm kiếm những từ ngữ như ngực hoặc mông, đây có thể là sự tò mò thông thường. Khi bọn trẻ tìm kiếm những thuật ngữ cụ thể về tình dục mà đáng lý ở độ tuổi đó chúng không nên biết, đó là dấu hiệu cực kỳ tệ đó.

_____________________

u/Emotional-Hall8294 (18 points)

Với học sinh nữ: Có những hành động tán tỉnh quá mức và không phù hợp với tuổi. Thích thầy giáo hơn là cô giáo. Đây là dấu hiệu bị bỏ rơi nghiêm trọng về mặt tình cảm bởi người mẹ và bị bạo hành tình dục từ khi còn rất bé.

_____________________

u/BringBackRobotWars (30 points)

Một điều tôi chưa thấy – luôn miệng xin lỗi một cách thái quá. Đó có thể là hậu quả của việc bị bạo hành về tinh thần, nhưng thường bị cho qua vì quá khó chịu.

_____________________

u/PerformanceLogical15 (17 points)

Bài này khiến tôi nhớ lại những ký ức kinh hoàng trước kia. Ba mẹ tôi nghiện rượu nặng. Hầu hết mỗi tối tôi phải đón họ từ ghế đá công viên về hoặc cố gắng ngừng họ không giết lẫn nhau hay đập bàn đập lọ chai. Hầu hết mọi thời gian họ đều gọi tôi là đứa thiểu năng.

Nói như này cho mọi người dễ hình dung. Ngày Giáng Sinh của tôi như này: Lúc đó tôi khoảng 9 tuổi gì đó. Đến 10 giờ sáng là mọi chuyện bắt đầu mất kiểm soát. Một người nằm bất tỉnh dưới sàn còn một người khóc lóc và không ngừng lặp đi lặp lại rằng tôi là một sai lầm, một đứa thiểu năng. Sau đấy tôi lục tìm được một vài cây xúc xích đông lạnh và đó là bữa ăn Giáng Sinh của tôi.

Các giáo viên luôn nói xấu và đình chỉ tôi vì tôi luôn mệt mỏi hoặc không làm bài tập và gây rối, rồi họ gọi tôi là đứa thiểu năng.

Cuối cùng tôi bỏ ăn vì ở nhà tôi không được phép rời khỏi nhà  ngoài giờ học, và ở trường tôi bị phạt đứng góc một mình mỗi ngày vì làm bài tập về nhà kém, và tôi không được phép nói chuyện với mọi người trong tiết học. Cả cuộc đời tôi bị đối xử như rác rưởi bởi ba mẹ và các giáo viên, tôi hoàn toàn bị cô lập.

Cho tới bây giờ, tôi bị rối loạn ăn uống và phải vật lộn để duy trì cân nặng.

Không một ai hỏi han. Không một ai quan tâm. Tôi mất đi tất cả sự tôn trọng với giáo viên khi  bạn cùng lớp tôi được thêm giờ và điểm khi kiểm tra vì người mẹ yêu dấu của cậu ta báo với nhà trường rằng con chuột lang của cậu ta chết và cậu ta đang có một khoảng thời gian khó khăn. Vì sao tôi thì bị đối xử như một súc vật, nhà trường lại hành động ngay vì con chuột lang hư cấu kia? Tôi đã học được rằng tôi còn kém cỏi, thấp hèn hơn con chuột lang kia.

Tính đến bây giờ là ba tôi đã biệt tích 3 năm, mẹ tôi thì chuyển đi 6000 dặm với người tình mới. Còn tôi một thân một mình không ai giúp đỡ, không có tiền, không có thức ăn, còn thằng nhóc kia được trợ giúp vì con chuột lang của nó chết.

Điên rồi.

_____________________

u/Kindaspia (14 points)

Một y tá ở đội khoa tâm thần của tôi từng nói rằng trẻ em thường gây rối ở những nơi chúng cảm thấy thoải mái nhất. Đa số trẻ con sẽ gây rối tại nhà bởi chúng cảm thấy thoải mái hơn ở đó so với bạn đồng lứa. Phải có chuyện gì xảy ra tại nhà mới khiến bọn trẻ thoải mái hơn khi ở trường so với ở nhà chứ? Điều này không áp dụng với tất cả, nhưng nó thật đáng suy ngẫm.

_____________________

u/goldibabi (13 points)

Tôi ghét cái thuật ngữ “vấn đề gia đình”. Mọi đứa trẻ đều đang phải đối mặt với một điều gì đó, và với tư cách là giáo viên nhiệm vụ của chúng ta là hiểu được học sinh của mình để biết được vấn đề của chúng. Đúng là có những đứa trẻ đang trong tình trạng tồi tệ, và tôi sẽ làm mọi thứ tôi có thể để giúp chúng có được sợ trợ giúp và dịch vụ chúng cần và trở thành nơi an toàn cho chúng ở trường. Tôi cũng sẽ làm điều đó với những đứa trẻ đạt điểm A các môn và đang vật lộn với chứng lo âu vì cố gắng trở nên hoàn hảo. Tôi xin lỗi – Tôi không nói xấu bạn hay câu hỏi của bạn, và tôi nghĩ bạn thực sự muốn biết và có mục đích tốt, nhưng sự thật là tất cả mọi đứa trẻ đều đang có vấn đề riêng.

_____________________

u/Bsmith0799 (23 points)

Tôi từng là đứa trẻ bị bạo hành – năm lớp 5

● cân nặng của tôi luôn thấp hơn hầu hết bạn bè đồng lứa.

● ba mẹ tôi có chuẩn bị đồ ăn hàng ngày nhưng tôi không được phép ăn, tôi luôn cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến việc ăn, thậm chí tôi đã từng nói với giáo viên rằng tôi phải mang đồ ăn về nhà nguyên vẹn. Đống đồ ăn đó chỉ đóng hộp để trưng thôi.

● tôi thường xuyên ăn trộm đồ ăn của các bạn cùng lớp và nếu bị phát hiện tôi sẽ giật mình và run rẩy không kiểm soát, trốn dưới gầm bàn, ghế xe khách….

● tôi thường xuyên vắng mặt vì bị thương, ba mẹ sẽ không cho tôi tới trường cho tới khi các vết thương của tôi lành hẳn.

● tôi tìm những cuốn sách của Dave Pelzer… từ thư viện trường, nhưng tôi quá sợ hãi để mang chúng về nhà nên là tôi luôn để lại chúng trên bàn học của tôi trong lớp

Khi cơ quan bảo vệ trẻ em được gọi (TN: CPS – Child protective services), (họ không đưa tôi đi mặc dù tôi bị thương, tôi cứng đờ người vì những âm thanh từ căn hộ gần đó làm tôi tưởng ba mẹ đang đến gần tôi) ba mẹ tôi hoàn toàn rút đơn học tại trường để dạy tôi tại nhà. Tôi không hề được quay lại trường công cho tới khi tôi CUỐI CÙNG cũng được giải cứu vào năm 15 tuổi, khi tôi vớ được điện thoại của ba khi ông ta bỏ quên nó ở nhà. Ông ta ra ngoài đi mua đồ và nhốt tôi trong nahf, nhưng quên mất điện thoại nên tôi đã liên lạc được với 911

_____________________

u/DassiDina (33 points)

Trở nên gắn bó quá mức với giáo viên. Tôi từng có một cậu bé có ba mẹ đang trong một cuộc ly hôn gây tranh cãi thậm tệ. Cậu bé luôn bám lấy tôi, luôn muốn ngồi gần tôi nhất có thể, cậu luôn tìm đến lớp tôi mỗi khi rảnh…

Cậu bé tội nghiệp. Ba mẹ cậu từng cãi nhau dữ dội ở bãi đậu xe bởi cả hai đều nghĩ hôm ấy là ngày họ đi đón cậu bé. Cậu bé chỉ biết đứng lặng ở đấy vì xấu hổ và đau khổ. Thật đau lòng. Tôi đã đến đó và đưa cậu vào trong, và hai con người tồi tệ đó còn không thèm để ý. Tôi tiến đến chỗ họ và nói: “Xin lỗi. Có lẽ hai vị không để ý, nhưng con trai hai vị, bạn bè của cậu bé và tất cả nhân viên của chúng tôi ở đây đều nghe được hai vị. Tôi nghĩ hai vị sẽ thấy thoải mái hơn khi mang cái này tới bãi đậu xe ở phía sau. Tôi sẽ gọi Buddy (không phải tên cậu bé) ra sau 10 phút nữa. Tôi chắc rằng lúc đó hai vị sẽ giải quyết xong sự hiểu nhầm này.”

Ơn trời họ đã dừng lại ngay lập tức. Họ không bao giờ lặp lại điều đó một lần nào nữa trong trường tôi. Không hẳn là một cái kết vui vẻ – họ “bù đắp” lại cho Buddy bằng cách tặng một đống quà cho cậu bé và tiếp tục hành xử tệ với nhau. Tôi nhớ rõ sự việc này, bởi sau đó những đứa trẻ khác trở nên tốt bụng hơn với Buddy và sự cảm thông của chúng mang lại nhiều hi vọng. Cuộc sống xã hội của cậu bé cải thiện dần và cậu bé trở nên vui vẻ hơn ở trường. Cậu bé vẫn trở nên căng thẳng và buồn bã mỗi khi ba mẹ đến đón về.

_____________________

Đây là bài dịch đầu tiên của em nên sẽ có nhiều sai sót, mong mọi người góp ý giúp em ạ 

Em hi vọng qua bài này mọi người có thể trải lòng, tìm được sự bình yên cũng như giúp đỡ được ai đó ạ.

Gửi mọi người thật nhiều cái ôm 

_____________________

Dịch bởi Kiều Như Nguyệt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *