Hiểu nhầm nào của người xem về một bộ phim, TV show hay ấn phẩm truyền thông khiến bạn thật sự khó chịu?
Trả lời bởi: David Henderson
———————————–
Việc người ta cho rằng 300 là một bộ phim tệ vì nó sai lịch sử.
300 thật ra có nhiều chi tiết đúng về người Sparta và trận đánh Thermopylae. Mô tả về đời sống và sự huấn luyện của người Sparta gần như chuẩn hết, cách sắp đặt hay bố trí cơ bản của chiến thuật khá chính xác, việc sử dụng các đơn vị quân chủng lạ thường như nhóm Immortal (có tên gọi như vậy bởi vì số lượng đơn vị luôn được giữ chính xác ở mức 10.000 qua việc tuyển mộ thường xuyên, tạo ấn tượng rằng đội này gần như không bao giờ có thương vong) cũng chính xác, và nhiều câu thoại ngầu bá cháy trong phim được lấy từ ngay trong tài liệu lịch sử:
- “Hãy trở về với tấm khiên, hoặc nằm trên đó.” (Ý là người lính sẽ thắng trận và trở về, hoặc là hy sinh và được mang về) là điều mà thật sự phụ nữ Sparta sẽ nhắn nhủ người đàn ông khi binh lính sắp ra trận. (ảnh 2)
- “Tự đến mà lấy xem!” Lời đáp trả “cứng” này là có thật. Vua Leonidas đã vặn lại như vậy khi Xerxes ra lệnh cho người Sparta quy hàng, giao nộp vũ khí. Đây cũng là khẩu hiệu của Quân đội Hy Lạp.
- “Vậy thì chúng ta sẽ chiến đấu trong bóng tối!” là câu đáp có thật của một tướng Sparta khi biết tin rằng cung tên của quân Ba Tư (đủ để) che phủ hết ánh sáng mặt trời.
- “Chỉ có đàn bà Sparta mới sinh ra đàn ông thực thụ” là câu trả lời có thực của Queen Gorgo khi được một người ngoại bang hỏi tại sao phụ nữ lại được nắm giữ quyền lực ở thành bang này.
- “Hãy đi và kể với những người Sparta đi qua, rằng ở đây, chúng ta nằm xuống dưới luật ở Sparta” là những từ được thật sự khắc trên đá tại Thermopylae, tuy là phần dịch vẫn còn tranh cãi.
Tí lưu ý, một trong số những câu nói ngầu nhất của người Sparta ghi chép bởi nhà tiểu luận học và tiểu sử học Plutarch không được đưa vào phim, có khả năng là vì đến Zack Snyder cũng nghĩ rằng câu nói có chút phi lý, không thể tin nổi:
- Khi một binh sĩ Sparta đối mặt với thứ mà anh ta nghĩ là hồn ma của một tên lính đã chết, anh ta lao vào với ngọn giáo của mình và hét lớn “NGƯƠI ĐANG CHẠY ĐÂU ĐỂ TRỐN KHỎI TA, CÁI LINH HỒN SẼ CHẾT ĐẾN HAI LẦN KIA?”
Như mấy bạn có thể thấy, người Sparta căng vãi chưởng, nhưng tôi thừa nhận là nhiều phần trong câu chuyện của phim 300 cũng lố bịch. Người Sparta làm gì ra trận với bộ dạng gần như là trần như nhộng. Quân Sparta không một thân một cõi cân hết quân Ba Tư, nhiều thành bang khác của Hy Lạp đã giúp đỡ trong thời gian chiến tranh này. Quân Ba Tư cũng chẳng dùng đến nào voi, tê giác, phù thủy hay là mấy tên người-cua béo ị trong trận Thermopylae cả:
(ảnh 3)
Hỏi phát: Làm sao mà mập ú được vậy trong khi chú em còn không tự cầm được thức ăn nhỉ?
Thế nhưng, tất cả những điểm sai lệch trên có thể được giải thích bằng một thứ duy nhất:
(ảnh 4)
Anh chàng này, khỏi phải tranh cãi gì, “vua” của những người kể chuyện không đáng tin (unreliable narrators).
Leonidas gửi Dilios về một mình từ trận chiến, cụ thể bởi vì anh ta có tài kể chuyện thiên bẩm. Câu chuyện về Leonidas mà chúng ta được nghe kể trong phim 300 không hề được xem hay có ý như là lịch sử trung thực về những gì đã xảy ra ở Thermopylae cả, đấy là sự tuyên truyền (propaganda) thôi.
Câu chuyện ta nghe là do Dilios kể với các quân lính ngay trước khi họ ra trận, trận đấu mà họ bị áp đảo quân số tỉ lệ 3-1. Mục đích của câu chuyện là để củng cố, xốc lại tinh thần cho lính tráng, để họ hiểu cho rõ rằng mình đang chiến đấu vì cái gì và tại sao họ sẽ chiến thắng. Trong phiên bản này, dĩ nhiên Leonidas và 300 lính của ông gần như là một lực lượng chiến đấu đầy anh hùng, thần thánh, không cần giáp chiến gì sất. Dĩ nhiên là phía Ba Tư đầy rẫy những nô lệ hình thù quái dị cộng thêm mấy con quái vật đúng nghĩa. Dĩ nhiên là bất cứ người Sparta nào lên tiếng phản đối ý tưởng ra trận đều không ngay thẳng và đồi bại. Dĩ nhiên là 300 người lính dũng cảm kia không thể bị đánh bại bởi quân lực, mà bị hạ gục bởi một kẻ phản bội, phản quốc. Dĩ nhiên kẻ phản bội đó là một tên khốn khổ, xấu xí, quái dị, một phiên bản đối nghịch hoàn toàn với hình tượng lý tưởng của người Sparta.
Câu chuyện là ví dụ tuyệt vời cho cách mà thần thoại, truyền thuyết được thêu dệt và tạo nên. Một sự việc có thật được thổi phồng, phóng đại và thêm thắt này kia để phù hợp với ý đồ tường thuật mà người kể muốn truyền đạt. Cũng chẳng khác gì cách mà mỗi phe trong Thế Chiến II “ác quỷ hóa” phe đối đầu qua propaganda bằng cách nói rằng những kẻ kia giết trẻ sơ sinh và tra tấn tàn bạo vậy – sẽ dễ dàng để khiến người ta giết chóc hơn nếu họ tin rằng đối thủ của mình là những con ác quỷ. Đấy là một trong số các phép sử dụng “người kể chuyện không đáng tin” tuyệt vời nhất trong phim ảnh hiện đại, và thật tiếc là đa số khán giả lại không nhận ra được điều đó.
Lưu ý quan trọng: Trước khi tôi bị lên thớt ở phần bình luận, tôi biết là phim này dựa trên graphic novel của Frank Miller, nhưng mà câu hỏi tập trung cụ thể vào phần phim thôi.
———————————–
Nguồn: https://qr.ae/pNr1Om