Bác sĩ Nguyễn Công Nguyên, khoa Phẫu thuật tiêu hóa – Gan mật tụy (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều ca hóc xương cá gây thủng thực quản, thủng ruột rất nguy hiểm.
Xương cá xuyên thủng thực quản, màng tim
Ca hóc xương cá biến chứng nặng nề nhất là bệnh nhân Hoàng Văn Q (55 tuổi), bị hóc xương cá sau khi ăn canh cá.
Sau 1 ngày bệnh nhân bị đau ngực, khó thở, sốt cao 39 độ. Sau khi thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ đánh giá đây là 1 trường hợp hóc xương cá gây biến chứng thủng thực quản, gây áp xe trung thất, tràn mủ màng tim.
Bệnh nhân đã được tiến hành thủ thuật dẫn lưu màng ngoài tim ra nhiều dịch mủ trắng, nhịn ăn, đặt sonde dạ dày, phối hợp điều trị kháng sinh.
Tuy nhiên bệnh nhân vẫn sốt cao, đau ngực khó thở nhiều. Nội soi thực quản dạ dày thấy tổn thương là xương cá gây thủng thực quản, chảy mủ vào lòng thực quản; nhưng không thể can thiệp gắp bỏ dị vật qua nội soi.
Bệnh được phẫu thuật nội soi ngực phải xác định tổn thương là dị vật – xương cá (mang cá) đâm thủng thực quản, màng tim gây áp xe trung thất và tràn mủ màng ngoài tim.
Kíp phẫu thuật chuyên khoa Lồng ngực phối hợp với chuyên khoa Tiêu hóa đã làm sạch áp xe trung thất; lấy dị vật xương cá; mở màng tim; dẫn lưu màng phổi 2 bên, dẫn lưu màng tim; nội soi ổ bụng mở thông hỗng tràng để nuôi dưỡng.
Sau mổ bệnh nhân được bơm rửa màng tim; phối hợp điều trị kháng sinh, nuôi dưỡng qua mở thông hỗng tràng. Sau mổ 2 tuần bệnh nhân được rút dẫn lưu màng phổi và dẫn lưu màng tim. Bệnh nhân được ra viện, về nhà tiếp tục dinh dưỡng qua mở thông hỗng tràng.
Khám lại sau 1 tháng bệnh nhân được nội soi thực quản dạ dày lỗ thủng thực quản đã liền, không còn thấy tổn thương; bệnh nhân đã bắt đầu được ăn uống đường miệng và rút mở thông hỗng tràng sau 2 tuần.
“Đây là trường hợp biến chứng nặng nguy hiểm tới tính mạng nhưng đã được chúng tôi phẫu thuật nội soi hoàn toàn với sự phối hợp của 2 chuyên khoa: Phẫu thuật Tiêu hoá – Gan mật tuỵ và Phẫu thuật Lồng ngực – Mạch máu”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Ca bệnh hóc xương cá thứ 2 là ông Trần Tuấn V, nam 57 tuổi, vào phòng khám cấp cứu vì sốt, đau bụng quanh rốn xuất hiện sau khi hóc xương cá 4 ngày.
Khám lâm sàng bệnh nhân có đau bụng khu trú cạnh rốn. Sau khi thăm khám và siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ nhận thấy có hình ảnh dị vật cản quang hình que, nghi ngờ là xương đâm thủng ruột non ra ngoài gây thâm nhiễm tổ chức xung quanh.
Bệnh nhân được được phẫu thuật nội soi ổ bụng, xác định tổn thương là thủng ruột non do dị vật xương cá; 1 đầu còn nằm trong lòng ruột non và 1 đầu đâm thủng ruột non ra ngoài; được mạc nối lớn bọc lại
Các bác sĩ tiến hành gắp dị vật và khâu lại lỗ thủng ruột non. Bệnh nhân sau mổ ổn định và ra viện sau 5 ngày.
Ca hóc xương cá thứ 3 là ông Nguyễn V. L, nam 68 tuổi, không rõ thời điểm hóc xương, đau bụng âm ỉ 1 tháng, có sốt nhẹ, vẫn ăn uống được.
Sau khi thăm khám lâm sàng, chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ xác định bệnh nhân có dị vật cản quang trong ổ bụng, thâm nhiễm tổ chức xung quanh.
Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi, tổn thương là dị vật xương cá dài khoảng 2cm nằm hoàn toàn trong mạc nối lớn; kiểm tra toàn bộ ruột non, đại tràng không thấy tổn thương thủng, rò dịch tiêu hoá. Sau mổ bệnh nhân ổn định và ra viện sau 3 ngày.
Hóc xương cá- tai nạn thường gặp nguy hiểm
Theo bác sĩ Nguyên, hóc xương là tai nạn sinh hoạt khá thường. Xương cá ban đầu có thể chỉ gây vướng mắc ở hầu họng, nhưng sau đó có thể di chuyển xuống thực quản, dạ dày, ruột non hoặc đại tràng gây các biến chứng nặng nề.
Hóc xương cá nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nặng như: nhiễm trùng áp xe vùng cổ, trung thất; rò thực quản; tụ máu hầu họng, tràn mủ màng phổi, màng tim; viêm phổi thậm chí tử vong.
Do đó hóc xương cá cần được chẩn đoán sớm và chính xác để xử lý kịp thời bằng nội soi tai mũi họng hoặc nội soi thực quản dạ dày ống mềm để gắp bỏ dị vật.
Bác sĩ Nguyên cũng khuyến cáo, khi bị hóc xương cá, người dân không nên chữa mẹo theo dân gian hoặc ăn miếng thức ăn to để xương trôi xuống dưới vì xương cá càng di chuyển sâu hơn xuống dưới, càng khó xử lý qua nội soi và càng có nguy cơ biến chứng nặng nếu xương cá chọc thủng đường tiêu hoá.
Thủng đường tiêu hoá là biến chứng hiếm gặp hơn tuy nhiên đây là biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao. Trường hợp có các biểu hiện bất thường, đau tức ngực, đau bụng, sốt hoặc có các biểu hiện khác cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế để kiểm tra phát hiện kịp thời và xử lý biến chứng.