HỌC LÀM SALES TỪ 8 MẨU CHUYỆN CƯỜI ĐẦY Ý NGHĨA!

1. Vừa nãy tôi đi mua vàng mã cúng ông bà, chủ tiệm hỏi có mua iphone cho các cụ không.

Tôi hỏi lỡ các cụ không biết dùng thì sao, nó liền nói Steve Jobs xuống dưới đó rồi, anh ta sẽ mở khoá đào tạo các cụ là cái chắc, cứ yên tâm. Thế là tôi mua!

Xong nó nói có mua ốp lưng bảo vệ không, tôi OK.

Sau đó nói lại hỏi có mua tai nghe bluetooth không, tôi cũng OK.

Rồi thằng đó hỏi có mua sạc dự phòng không, tôi hỏi sao phải mua? Nó nói lỡ các cụ xài hết pin thì sao, vậy là tôi mua thêm cục sạc!

Cuối cùng tôi trả tiền và xin thằng chủ cái danh thiếp, nó hỏi tôi xin làm gì? Tôi nói: “Anh đốt danh thiếp em cho ông bà anh, lỡ cái iphone có hư thì ông bà còn báo mộng cho em bảo hành!”

-> Luôn luôn chào hàng nhiều hơn, và làm gì cũng phải tính toán chu toàn.

2. Ở một nhà nghỉ du lịch

Anh chàng nọ hỏi: Ông chủ, tắm ở đây mất bao nhiêu tiền?

Ông chủ: Nhà tắm nam 40 nghìn, nhà tắm nữ 400 nghìn.

Anh chàng nọ: ông ăn cướp đấy à…

Ông chủ: Cậu muốn đến nhà tắm nam hay nhà tắm nữ?

Anh chàng nọ quyết đoán đưa ra 400 nghìn.

Anh chàng nọ bước vào nhà tắm nữ, liếc mắt nhìn, toàn là nam.

Anh em trong phòng tắm: Lại một thằng nữa rồi!

-> Trước giờ kinh doanh không phải là dựa vào giá cả, mấu chốt là dựa theo nhu cầu khách hàng.

3.

– Chào anh, em bán kính lúp, kính hiển vi các loại…

– Xin lỗi, tôi không có nhu cầu.

– Thế anh cầm danh thiếp của em, lúc nào cần thì alo em nhé.

– Sao chữ bé thế? Anh không thấy gì cả!

– Ái chà chà, thật tình cờ em lại có đúng sản phẩm anh đang cần đây!

-> Khi khách hàng không có nhu cầu, hãy tìm cách tạo ra nhu cầu cho khách hàng. Khi không có thị trường, hãy tự tạo ra thị trường.

4. Một cặp vợ chồng nọ đi dạo qua các cửa hàng. Người vợ nhìn thấy một bộ đồ ăn cao cấp và tỏ ý muốn mua. Ông chồng chê món đồ đó đắt đỏ nên không muốn chi tiền. Người bán hàng xem qua rồi nói nhỏ một câu với người chồng. Sau khi nghe xong, ông không còn do dự, liền lập tức bỏ tiền ra mua.

Tại sao người chồng lại thay đổi nhanh chóng này đến như vậy?

Người bán hàng nói: “Bộ đồ ăn này quý như thế, vợ của anh sẽ không nỡ để anh rửa chén đâu”.

-> Quan niệm của con người rất khó cải biến, điều quan trọng là cần biết chớp thời cơ và hiểu rõ tâm lý của đối phương.

5. Người bán gà quay đã có ngày làm việc cực kỳ tốt. Anh ta tự hào nhấc con gà cuối cùng lên cân và quay lại nói với khách hàng: “Con này giá 6,35 USD”.

“Mức giá hợp lý đấy nhưng con này hơi nhỏ”, người phụ nữ mua hàng đáp. “Anh không có con nào lớn hơn à?”

Sau một hồi suy nghĩ, người bán hàng nhanh chóng cất con gà vào tủ đồ ăn, dừng lại một vài giây, rồi lại lấy nó ra.

“Con này nặng hơn chút. Giá 6,65 USD”, người bán gà rụt rè đáp.

Người phụ nữ cân nhắc một chút rồi đưa ra quyết định cuối cùng: “Ồ, tôi nghĩ ra rồi. Tôi sẽ lấy cả hai con”.

-> Đừng lừa dối khách hàng, vì bạn không bao giờ biết điều gì đang đợi mình phía trước.

6. Người quản lý báo cáo với ông chủ: “Anh chàng Gines hết thuốc chữa rồi thưa ngài, ngày nào đi làm anh ta cũng gà gật, tôi cũng đã đổi bộ phận làm việc cho anh ta ba lần rồi, nhưng lần nào anh ta cũng thế, không bỏ được thói quen ngủ gật của mình”.

“Vậy cho anh ta ra cửa hàng bán Pyjama đi, treo trên người anh ta một bảng quảng cáo: Pyjama chất lượng, thực nghiệm tại chỗ”- Ông chủ nói.

-> Công sở không có người vô dụng, chỉ có người bị dùng sai chỗ.

7. Một bệnh nhân thần sắc tiều tụy đến gặp bác sĩ nói: “Đám chó hoang gần nhà tôi đêm nào cũng sủa không ngừng, tôi phát điên lên được vì mất ngủ!”. Nghe vậy, bác sĩ kê cho anh ta đơn thuốc an thần.

Một tuần sau, bệnh nhân này lại đến gặp bác sĩ, thần sắc còn tiều tụy hơn trước. Thấy vậy, bác sĩ hỏi: “Thuốc an thần đó vô hiệu sao?”

Bệnh nhân thờ thẫn trả lời: “Tôi tối nào cũng đuổi theo lũ chó đó, thế nhưng dù khó khăn lắm mới bắt được một con, nó cũng không chịu uống thuốc an thần.”

-> Bán hàng phải hướng dẫn khách hàng sử dụng cụ thể.

8. Ở Nga, khi cuộc nội chiến vừa kết thúc, thực phẩm rất khan hiếm, giá bán các loại sản phẩm phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt của nhà nước. Nhưng một người dân ở một thành phố nhỏ vẫn bán năm trăm rúp một con ngỗng và sống sung túc. Người hàng xóm cũng muốn học theo nên đăng quảng cáo lên báo, lập tức các nhân viên Cheka (an ninh xô viết) đến nhà và tịch thu ngỗng của anh ta.

-Ông hàng xóm ơi, – người bị tịch thu ngỗng hỏi – sao Cheka không bắt ngỗng của ông? Vì ông cũng bán một con năm trăm rúp mà?

-Thế anh viết quảng cáo thế nào?

-Tôi viết: bán ngỗng năm trăm rúp một con.

-Anh viết ngốc như thế bị bắt mất ngỗng là phải. Tôi luôn viết thế này:

“Hôm chủ nhật tôi có đánh rơi năm trăm rúp tại quảng trường Nhà Thờ. Ai nhặt được mang đến tôi xin hậu tạ một con ngỗng”. Thế là hôm sau một nửa thành phố mang đến cho tôi năm trăm rúp.

-> Sức mạnh của bán hàng nằm ở cách tiếp cận khách hàng độc đáo, linh hoạt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *