Hoàng Thượng từng nói, nếu như Trẫm chỉ là một Vương gia giàu có, lại có thêm Hoàng hậu một người vợ hiền, thì hai người vợ xinh đẹp là nàng và Thế Lan là đủ rồi.
Nếu như khen sự hiền đức có lẽ chỉ là nể chút mặt mũi thì khen “người vợ đẹp” lại là lời xuất phát từ đáy lòng.
Nhìn lại khắp hậu cung ba ngàn giai lệ, người để Hoàng thượng có thể thân mật gọi bằng tên thật cũng chỉ có Hoàn Hoàn và Thế Lan.
Rốt cục hoa hồng trắng và hoa hồng đỏ, Hoàng thượng càng yêu ai hơn?
Cuối cùng, sau khi xem hết Chân Hoàn truyện tôi liền nhận ra, nếu như Chân Hoàn không có hào quang nữ chính che chở thì Thế Lan mới chính là hình mẫu lí tưởng của mọi nam nhân trên thế giới này.
Khi Chân hoàn vẫn chưa nhập cung, có thể nói Hoa phi chính là sủng phi được ưu ái nhất hậu cung, những phi tần khác có đuổi thế nào cũng không bì kịp. Điều này không chỉ Phương Nhược cô cô nhắc đến, Thái hậu từng ám thị qua, thậm chí Hoàng hậu cũng vì thế mà phạm qua sai lầm.
Có thể thấy trong Hậu cung Hoa phi hoàn toàn chuyên sủng, chỉ cần Hoàng thượng đến Hậu cung thì có tám, chín phần là sẽ đến chỗ Hoa phi. Vậy nhưng dẫu cho Hoàng thượng có là “khách quen” của Dực Khôn cung đi nữa, thì mỗi lần, Hoa phi đều sẽ đợi Người ở trước cửa.
Hoàng thượng nói “Trời trở lạnh rồi, đừng đợi trước cửa nữa.”. Nếu như Hoa phi chỉ thỉnh thoảng một vài lần đứng đợi, Hoàng thượng có lẽ sẽ nghĩ chỉ là do ăn no, muốn đi dạo. Thiết nghĩ để Hoàng thượng phải đặc biệt dặn dò như thế thì đây chắc hẳn đã là việc thường ngày. Đừng nhìn thấy hậu cung nhiều giai nhân, người có thể mỗi lần đều đứng ở cửa cung đợi Hoàng thượng đến, ngoại trừ Hoa phi vẫn là không có người thứ hai.
Ví dụ như Hoàng hậu, mặc dù ngoài miệng nói mong chờ Hoàng thượng nhưng gần như chỉ luôn ở trong cung tiếp giá. Hoàn Hoàn ngoại trừ một lần khi tình cảm mới vừa chớm nở, trái tim còn thổn thức có ở Túy Ngọc HIên đợi qua thì sau này, khi đã thành “vợ chồng già” thì đều là Hoàng thượng vào tận trong cung rồi mới hay biết.
Tại sao chỉ có Hoa phi, đã đợi là đợi liền mười mấy năm?
Có lẽ là vì sự ngưỡng mộ của nàng với Hoàng thượng là xuất phát từ tận đáy lòng, có lẽ trước tình yêu, nàng đã hoàn toàn buông bỏ mọi kiêu ngạo. Đối với nam nhân mà nói, loại cảm giác “được ngưỡng mộ” này chính là đòn chí mạng.
Mọi người có nhớ An Lăng Dung sau khi bị Chân Hoàn biến thành “kẻ xui xẻo bị cô lập” đã phục sủng bằng cách nào không? Dáng vẻ trượt băng xinh đẹp thoát tục mới chỉ là một nửa, hơn tất cả chính là nàng ta đã nói với Hoàng thượng rằng: “Thần thiếp quá thương nhớ Hoàng thượng, chỉ cần được nhìn thấy Người từ xa thôi đã mãn nguyện rồi.”. An Lăng Dung chỉ vì muốn phục sủng mà thốt ra lời nói chưa chắc xuất phát từ nội tâm nhưng Hoàng thượng vừa nghe thấy liền đã mềm lòng. Huống hồ Thế Lan đem mười mấy năm cũng chỉ như một ngày mà chờ đợi, mà ngưỡng vọng, Hoàng thượng làm sao lại không phân biệt được, làm sao lại không động lòng?
Hoàng thượng đã nắm lấy tay Hoa phi mà cảm khái rằng, năm ấy khi nàng nhập Vương phủ cũng mới mười bảy tuổi. Hoàng thượng nhớ lại năm đó, cảm khái thời gian trôi quá quá nhanh, cũng là cảm khái tình cảm trước sau như một của Hoa phi với Người.
- Yến tiếc đêm giao thừa năm ấy, Hoàng thượng vì Niên Canh Nghiêu đánh trận đại thắng mà long nhan rạng rỡ, khi tất cả mọi người nâng ly chúc mừng Người không nhìn Hoàng hậu ngồi ngay cạnh lấy một cái, cũng chẳng để ý đến bất cứ phi tần nào, chỉ đặc biệt quan tâm Hoa phi, hỏi nàng ly rượu đã cạn hay chưa. Hoa phi vui mừng giống như được lật thẻ bài, kiều diễm mỉm cười mà đáp “Thần thiếp đương nhiên cạn rồi!”
Hoàng thượng ngay sau đó liền tán thưởng công lao của Niên Canh Nghiêu, tất cả liền hiểu. Hóa ra yến tiệc đông vui đến thế, Hoàng thượng chỉ @mình Hoa phi là có lí do cả, Niên gia lập đại công rồi.
Trong hoàn cảnh này, nếu người được @ là Hoàn Hoàn thì chắc nàng đã nghĩ, Hoàng thượng sủng ái thiếp chẳng qua là vì công lao của nhà mẹ đẻ thiếp mà thôi. Vậy mà Hoa phi nghe xong, trong mắt chỉ ngập tràn tình yêu mà nói “Ca ca lập công ở tiền triều, thần thiếp tận tâm ở Hậu cung âu cũng là điều nên làm.” Dù cho gia thế Niên gia có bao nhiêu hiển hách, Hoa phi cũng chưa từng một lần hoài nghi tình cảm giữa mình với Hoàng thượng.
Điều mà Hoa phi dành cho Hoàng thượng chính là phu thê nhất thể ân ái và tín nhiệm. Đây là điều mà Hoàng thượng không thể tìm thấy ở bất cứ phi tần nào khác trong hậu cung, những người mà người thì kính sợ, người lại chỉ vì lợi ích mà tranh sủng. Chính vì vậy, thứ tình cảm ân ái thân mật không nghi kị nơi hậu cung với Hoàng thượng mà nói chính là một loại sa sỉ phẩm.
Ngay đến Hoàn Hoàn luôn miệng gọi “Tứ lang” khi ở cạnh Hoàng thượng cũng đều dè dặt cẩn thận từng chút mà dò đoán Thánh ý. Có lần Hoàng thượng ban tặng nàng một đôi giày ngọc, đôi giày độc nhất vô nhị trên đời này, Người thậm chí còn nhớ cả cỡ chân của Hoàn Hoàn thì đây là một món quà chứa đựng biết bao nhiêu là tình ý và ấm áp. Vậy mà Hoàn Hoàn lại hoài nghi, nàng nói “Hi vọng không chỉ là “sủng” (chiều chuộng), Người còn có thể dành cho thiếp một chút “ái” (tình yêu).” Hoàng thượng nghe xong vẻ mặt có thể không có gì nhưng nội tâm chắc sẽ có chút hụt hẫng.
Chân Hoàn luôn theo đuổi thứ tình yêu thuần khiết và hoàn mĩ, điều này khó tránh khỏi khiến Hoàng thượng có chút mệt mỏi khi ở cùng nàng. Vô hình chung nó khiến tình cảm của hai người bị ngăn cách bởi một bức tường vô hình, rất khó để khiến đối phương buông bỏ phòng bị.
- Sự quan tâm mà Hoa phi dành cho Hoàng thượng là điều các phi tần khác chẳng thể bì được.
Vì cuộc hẹn với Chân Hoàn ở Ngự hoa viên, Hoàng thượng dầm mưa dẫn đến cảm mạo, các phi tần trong cung thay nhau lần lượt thăm bệnh, riêng Hoa phi không chịu luân phiên, nàng không yên tâm để người khác chăm sóc Hoàng thượng, tự mình ngày đêm chầu trực bên Người mới yên lòng.
Cùng là chăm sóc Hoàng thượng lúc bị bệnh, Hoàng hậu lại nghĩ cuối cùng cũng nắm giữ được tướng công của mình rồi. Lời thoại của Hoàng hậu mặc dù tràn ngập yêu thương cùng lo lắng nhưng nội tâm lại chỉ để ý đến tình cảm của riêng mình, hành động và cám xúc suy cho cùng cũng chỉ là xuất phát góc độ lợi ích của bản thân. Hoàng hậu chẳng nghĩ đến tại sao Hoàng thượng lại bị bệnh, Hoàng thượng đến lúc nào mới có thể khỏe lại.
Cùng là ăn cơm, điều Hoa phi quan tâm là Hoàng thượng thích ăn món nào thì lần sau làm nhiều một chút, không thích ăn món nào thì lần sau để xa Người một chút; điều Hoàng hậu quan tâm là, gần xa nhắc Người thân là Vua một nước, đừng nên quá mức sủng ái Hoa phi hay Chân Hoàn cũng như Niên gia hay Chân gia, Hoàng hậu luôn thích vào bữa cơm thuận miệng lên một lớp chính trị, nếu không thì cũng báo cáo một chút tình hình; Chân Hoàn cũng vậy, phân tích chỗ nào tốt cho Hoàng thượng, khuyên Người đừng nên phục vị cho Hoa phi, chẳng qua là nàng cao tay hơn một chút, khiến Hoàng thượng dễ tiếp nhận hơn một chút mà thôi.
Tóm lại, những người khác khi ở bên Hoàng thượng đều sẽ nghĩ cho lợi ích của mình. Chỉ có Hoa phi, cơm canh nguội rồi thì đợi Hoàng thượng đến mới hâm nóng, sợ hâm quá nhiều lần đồ ăn sẽ không ngon nữa. Chỉ có Hoa phi, thật tâm quan tâm đến hỉ nộ ái ố của Người.
- Hoa phi vẫn còn những đặc điểm tính cách mà đối với nam nhân mà nói chính là “chí mạng” – biết làm nũng.
Phân cảnh kinh điển nàng kéo đai áo Hoàng thượng dẫn vào tẩm cung chúng ta không nói nữa, hãy nói đến lần nàng tùy ý ghen tuông một cái đã khiến Hoàng thượng vui đến rạng rỡ.
Hoàng thượng vì đợi Chân Hoàn ở Ngự hoa viên mà nhiễm phong hàn nhưng lại nói dối rằng vì muốn hái hoa dâng tặng Thái hậu. Hoa phi vừa nghe đã biết liền nói “Chỉ sợ hoa trong Ngự hoa viên đã thành tinh câu dẫn Hoàng thượng đi mất rồi.” Hoàng thượng nghe xong không những không giận còn cười vui vẻ.
Còn nhớ chuyện Kỳ tần gặp ác mộng, Hoàng thượng lẽ nào lại nhìn không ra nội hàm bên trong? Vậy nhưng lần nào Người cũng nguyện ý đến thăm, không vạch trần ngược lại còn khen Kỳ tần đáng yêu.
Vậy Chân Hoàn biết làm nũng không?
Cũng biết, chỉ là…
Lần cầu xin cho cha của An Lăng Dung, Chân Hoàn cố ý đợi khi Hoàng hậu và Hoa phi đều đã đến thăm Hoàng thượng xong rồi mới đến, đến nơi liền cố tình cầm lấy quạt của Hoa phi, giả vờ nói “Thần thiếp không bằng Hoa phi nương nương có trái tim nhân hậu. hoàng thượng vừa muốn dỗ dành vài câu thì nàng lại quỳ xuống, đọc một bài lịch sử vì bố của An Lăng Dung mà cầu xin. Hay rồi, thì ra là nàng bày trò đợi Trẫm sập bẫy đây mà, làm nũng chẳng phải vì yêu, chẳng qua là vì có sẵn ý đồ.
Hoa phi làm nũng vì muốn Hoàng thượng dỗ dành, còn Chân Hoàn làm nũng vì muốn dỗ Hoàng thượng theo ý mình.
Cái sự làm nũng mà thêm vào một chút lí trí thì không còn đáng yêu nữa rồi.
Đến đây hẳn mọi người đã hiểu, dù cho Hoa phi tội ác đa đoan, can dự triều chính nhưng đến cuối cùng Hoàng thượng vẫn không nỡ ban chết, để cho nàng một mình ở Dực Khôn cung, muốn sau này phong Qúy nhân.
Vì ở chỗ Hoa phi, Hoàng thượng được yêu, được ngưỡng vọng, được quan tâm, có thể cảm nhận được tình cảm vợ chồng thân mật không nghi kị. Một người vợ như Hoa phi dường như đã thỏa mãn mọi nhu cầu về tình cảm của nam nhân trên đời này.
Có lẽ nếu Hoàng thượng và Thế Lan chỉ là một đôi phu thê bình phàm như bao gia đình khác thì có lẽ đây đã là một đôi phu thê hạnh phúc viên mãn rồi.