Vào năm 1512, sau bốn năm miệt mài, Michelangelo cuối cùng cũng đã hoàn tất loạt tranh vòm trần nhà nguyện Sistine, một trong những bộ tác phẩm lừng danh nhất trong lịch sử nghệ thuật nhân loại, mà trong số đó, đầu tiên phải kể đến họa phẩm ‘Sự sáng tạo Adam’ …
1.BẢN LĨNH THIÊN TÀI
Trước đó, Bramante, quản đốc xây dựng Vương cung Thánh đường Thánh Peter, do không hài lòng với việc Đức Giáo Hoàng Julius II ủy quyền cho Michelangelo thực hiện việc xây lăng mộ cho Giáo hoàng đã thuyết phục Đức Giáo Hoàng giao phó cho Michelangelo một số nhiệm vụ xa lạ với ý nghĩ rằng Michelangelo sẽ phải thất bại ở nhiệm vụ mới đó. Thoạt tiên, Đức Giáo Hoàng Julius II ủy thác cho Michelangelo vẽ bức tranh Mười hai Tông đồ trên trán tường nhà nguyện Sistine cùng các đồ trang trí xung quanh. Tuy nhiên, Michelangelo đã thuyết phục được Đức Giáo Hoàng giao cho ông một nhiệm vụ, một kế hoạch phức tạp hơn về một bộ tranh phức hợp trình bày về tất cả các sự kiện nổi bật trong Kinh Thánh như sự sáng tạo, sự sa ngã của con người, sự tuyên sấm của các nhà tiên tri, gia phả của Chúa Kitô; nghĩa là, toàn bộ lịch sử Ơn Cứu Độ.
Bố cục tổng thế của phức hợp tranh vòm trần nhà nguyện Sistine gồm hơn 300 hình ảnh trải rộng trên hơn 500 mét vuông trần nhà. Trần nhà được nâng bởi mười hai vị tiên tri gồm năm nữ tiên tri Sibyls của thế giới cổ đại và bảy nhà tiên tri của Israel – những người tiên tri về sự xuất hiện của Chúa Giêsu. Sự sáng tạo vũ hoàn và tạo dựng loài người của Thiên Chúa, sự sa ngã đánh mất ân sủng của Thiên Chúa và gia đình Nô-ê đại diện cho nhân loại, là ba bộ phận ở trung tâm của bộ tác phẩm, dựa trên chín chương đầu tiên của sách Sáng thế, trong đó Sự sáng tạo Adam, The Deluge, Adam và Eva trong Vườn Địa đàng, Cumaean Sibyl và Tiên tri Jeremiah là những bức tranh quan trọng nhất. Sự sáng tạo Adam của Michelangelo có thể chỉ là một phần của trần nhà nguyện Sistine, nhưng đã có một điều gì đó về bức tranh này làm cho nó nổi bật lên hết thảy các bức họa xung quanh.
Là một nhà điêu khắc, các yếu tố nghề nghiệp chính của Michelangelo được thể hiện trong bức họa này. Các hình vẽ cơ bắp và cử động đầy hiện thực và tràn đầy năng lượng đến nỗi nó giống như một kiệt tác điêu khắc trên cẩm thạch hơn là một tác phẩm của những nét cọ. Bức bích họa này đã khẳng khái nêu ra nhiều quan điểm nghệ thuật táo bạo của Michelangelo. Vào thời của Michelangelo, cảnh sáng tạo là một chủ đề phổ biến, nhưng Sự sáng tạo Adam đã phá vỡ các ranh giới được đặt ra trong lĩnh vực hội họa và đưa nghệ thuật của Michelangelo vượt lên trên khỏi những điều bình thường.
2.NỘI DUNG BỨC HỌA
Bức tranh này, theo một nghĩa nào đó, đã mô tả nhiều hơn cả Kinh Thánh về hoạt cảnh Thiên Chúa sáng tạo ra con người đầu tiên. Nó cho thấy sự khởi đầu của những gì sau này sẽ hình thành loài người.
Chiếm lĩnh toàn bộ nội dung bức tranh là Thiên Chúa và Adam. Adam, nằm ở phía bên trái, được vẽ theo một tư thế có phần khá thoải mái. Anh ta dường như đang muốn đáp lại một sự đụng chạm sắp xảy đến từ Thiên Chúa. Adam đang lãnh nhận sự sống trực tiếp từ Thiên Chúa, và thông qua anh ta, sự sống đó sẽ được trao ban cho toàn thể nhân loại. Hình dáng của Adam cong lên khi anh ta vươn mình về phía Thiên Chúa, khiến mọi người liên tưởng đến câu trong chương đầu tiên của sách Sáng thế: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa.” (St 1, 27)
Qua cách mà hai nhân vật chiếm lĩnh khung hình liên kết và tương ứng với nhau, người ta gần như có thể thấy được sự gần gũi mà Adam có với Đấng tạo ra mình. Michelangelo đã vẽ Adam theo cách khiến cho nhân vật này lặp lại hình dáng của Thiên Chúa, như thể người này chẳng là gì ngoài một phần mở rộng của người kia.
Thiên Chúa được trình bày như là một Đấng có thể tiếp cận, có thể chạm vào và muốn gần gũi với tạo vật khi hình ảnh của Ngài được vẽ thành một hình lồi hướng về phía Adam. Trong bức họa, hình dạng của Thiên Chúa được thể hiện như một nhân dạng. Ngài đã cao niên, nhưng ngay cả với mái tóc dài màu xám và bộ râu dài, cơ thể Ngài vẫn đầy nam tính và trẻ trung. Quả thực, so với những hình ảnh Thiên Chúa như một ‘Hoàng đế Chúa tể Vũ hoàn’ mà các họa sĩ khác đã vẽ trước đó, rõ ràng Michelangelo đã có một bước đi táo bạo trong tác phẩm này, nhưng vấn đề thực ra còn thâm sâu hơn thế nhiều.
Thiên Chúa là Đấng ngàn trùng chí thánh, hằng hữu, toàn năng và công thẳng; Thiên Tính Độc Nhất của Ngài hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng nhận biết và diễn tả của con người. Trước Michelangelo hơn 2000 năm, tiên tri Edekien đã viết những dòng này: “Từ trên cái vòm, ngay trên đầu chúng, có cái gì giống như đá lam ngọc, tựa như cái ngai, và trên cái gì tựa như cái ngai đó, có cái trông như hình dáng một người ở trên ngai đó, ở trên cao. Và tôi thấy có cái gì giống như kim loại lấp lánh, giống như một đám lửa bao quanh, từ khoảng coi như ngang lưng trở lên, còn từ khoảng coi như ngang lưng trở xuống, tôi thấy có cái gì giống như một đám lửa và ánh sáng chiếu toả chung quanh. Như hình cầu vồng xuất hiện trên mây một ngày mưa thế nào, thì ánh sáng chiếu toả chung quanh cũng như vậy. Đó là một cái gì trông tựa vinh quang của ĐỨC CHÚA.”(Ed 1, 26-28). Mô tả về Thiên Chúa, trong truyền thống Cựu Ước, là một sự bất khả, và cố gắng làm điều đó, là một sự điên rồ.
Thế nhưng sau công đồng chung thứ 7 Nicaea II năm 787, Hội Thánh đã định tín rằng con người có thể tạo tác và có thể tôn kính các ảnh tượng thánh mà không mắc vào tội tôn thờ ngẫu tượng, bởi lẽ “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14), Thiên Chúa đã không chê thân xác con người và đã thực sự nhận lấy thân xác một con người vào trong Ba Ngôi Chí Thánh. Tuy nhiên, trong truyền thống nghệ thuật thánh Trung Cổ, người ta vẫn luôn mường tượng một Thiên Chúa sẽ luôn khoác lên mình những bộ quần áo vương giả sang trọng và quý phái, nhưng Michelangelo lại vẽ Thiên Chúa thành một ông già trong chiếc áo dài đơn giản và thoải mái với hầu hết thân thể của Ngài được hiển lộ. Bức tranh của Michelangelo đặt ra một loạt câu hỏi trong tâm trí ta – Nếu đó thực sự là khuôn mặt của Thiên Chúa thì sao? Liệu đó có phải là một chân dung thân mật của Ngài mà ta mong muốn?
3.NHỮNG THÚ VỊ ẨN TÀNG
Nghệ thuật có thể rất minh bạch nhưng đôi khi cũng rất mơ hồ, và quả thật xoay quanh bức họa này nhiều tranh cãi đã nổ ra. Đầu tiên là các thiên thần đang đóng vai trò trợ giúp cho Đấng tạo hóa, họ không có cánh, điều này làm nảy sinh rất nhiều nghi ngờ về phẩm tính thiên thần của họ. Ngay dưới cánh tay của Thiên Chúa, có một nhân vật nữ, các nhà phê bình nghệ thuật truyền thống đã xác định nhân vật này là Eva, người đã kiên nhẫn chờ đợi bên cạnh Thiên Chúa cho đến ngày việc sáng tạo nên cô được hoàn tất. Một số người khác lại xác định cô là Đức Trinh Nữ Maria, người sau này sẽ thụ thai Đấng Cứu Thế là Chúa Kitô. Giả thuyết thứ hai này nổi lên vì đứa trẻ được vẽ bên cạnh nhân vật nữ – người ta tranh luận rằng đây có thể chính là Người Con Giêsu đang kiên nhẫn chờ đợi bên cạnh Cha của mình. Giả thuyết này được thúc đẩy bởi hình ảnh những ngón tay của Thiên Chúa, quả thực đang được đặt nhẹ lên trên đứa trẻ.
Các con số tỉ lệ ẩn trong các mảng tạo hình tác phẩm của Michelangelo thể hiện sự nỗ lực để làm cho sự sáng tạo Adam trở thành một công việc hoàn hảo. Do đó, sẽ hợp lý khi cho rằng rằng các tỉ lệ này đang liên kết với nhau trong một tổng thể không thể chia cách được. Ở một hướng khác, các nhà địa lý đã giải thích bức tranh này nhìn như là hai lục địa được nối với nhau bởi một dải đất hẹp nhưng lại bị cách nhau bởi một eo biển vô tình, có thể tưởng tượng như là Bắc Mĩ và Nam Mĩ được nối với nhau qua eo đất Trung mĩ, nhưng cuối cùng lại bị ngăn cách bởi kênh đào Panama. Các nhà y khoa lại phân tích bức tranh để tìm kiếm những chi tiết tượng trưng cho sự ra đời của một hài nhi, với giả thuyết của họ là cái phông nền đỏ mà họ giải thích là tử cung của con người với chiếc khăn màu xanh lá cây tượng trưng cho một sợi dây rốn gần đây đã bị cắt.
Chúng ta lại tiếp tục với phông nền màu đỏ nằm phía sau hình ảnh của Thiên Chúa, tức là chiếc túi mà Ngài đang dùng để lướt đến với Adam. Một số người tin rằng chiếc túi đó là hình ảnh một bộ não, dẫn đến kết luận cho rằng Thiên Chúa đã cố tình giữ trí thông minh khỏi Adam. Họ nói rằng Thiên Chúa muốn giữ kín kiến thức về thiện và ác khi Ngài sáng tạo Adam và chỉ sau khi Adam phạm tội, Thiên Chúa mới cho phép anh ta biết điều này. Nhưng nếu phân tích bức tranh này đã dạy chúng ta bất cứ điều gì, thì đó là Thiên Chúa không chỉ tạo ra con người, mà Ngài còn tạo nên mối quan hệ với con người.
4.NHỮNG Ý TƯỞNG THÂM SÂU
Ý nghĩa tầng mặt của bức tranh này có liên quan đến sự sáng tạo con người và sự khởi đầu của loài người, nhưng nhìn sâu hơn, bức tranh này muốn diễn tả mối quan hệ của Đấng Tạo Hóa với “tác phẩm” của mình.
Chỉ cần vươn tay ra, Thiên Chúa tạo ra Adam và chỉ ra đứa trẻ Kitô là vị cứu tinh của Adam. Ở đây, Đấng Tạo Hóa cho thấy Ngài thực sự là toàn tri và toàn năng. Ngài sắp ban cho Adam mọi thứ anh cần, nhưng Ngài cũng đã nhìn thấy trước sự sa ngã của con người sau khi bị ma quỷ cám dỗ. Do đó, Ngài vạch sẵn ra một kế hoạch cho một ơn cứu độ thông qua Người Con Chí Thánh của Ngài là Chúa Kitô.
Có một vùng xám lớn trong việc hiểu bức tranh này – Adam và Thiên Chúa buông tay nhau hay họ đang vươn tới nhau? Căn cứ vào cách ngón tay của họ được vẽ, thật khó để biết được liệu rằng Thiên Chúa và con người cuối cùng có được thỏa mãn mong muốn được ở cùng nhau? Quan sát hình dạng của Adam, chúng ta thấy rằng anh có một vẻ ngoài rất thoải mái, thoải mái đến độ ngây ngô. Điều này có thể được giải thích: mặc dù anh ta sống, nhưng anh ta vẫn vô hồn. Do đó, Adam đang hướng đến với Chúa để nhận được hồng ân cao cả nhất, hồng ân khiến con người nên khác biệt mọi loài tạo vật khác, đó là một linh hồn. Linh hồn thực sự đã phân biệt con người với mọi con thú khác đi lang thang trên các cánh đồng, với linh hồn, con người có thể làm được điều không tạo vật nào làm được: anh ta có thể nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên anh ta.
Nhiều người cho rằng Michelangelo đã tự mình nắm bắt được những gì Giáo hội đã cố gắng giải thích cho mọi người trong nhiều thế kỷ – ông đã nắm bắt được tia sáng thần thánh của cuộc sống, đó là: “Thiên Chúa và con người chẳng là gì nếu không phải là hình ảnh hoàn hảo của nhau.” Michelangelo, thông qua Sự sáng tạo Adam, âm thầm trình bày quá khứ, hiện tại và tương lai của loài người trong một khung hình. Người ta có thể nói rằng hình ảnh này được thực hiện ngay từ đầu, vì những gì nó thể hiện là không thể tin được. Đối với con mắt thường, nó chỉ đơn giản là một hình ảnh của hai nhân vật chạm vào nhau, nhưng nhìn gần hơn vào khoảnh khắc trước khi ngón tay của Thiên Chúa điểm hồn vào ngón tay của Adam, ta thấy rõ một điều: chính linh hồn khiến ‘con’ trở thành ‘người’.
Theo một hướng khác, lịch sử đã truyền lại một giai thoại rằng các Hồng y có nhiệm vụ giám tuyển nghệ thuật cho phức hợp bích họa vĩ đại này sau khi quan sát hồi lâu trong sự say mê thán phục trước tuyệt phẩm của Michelangelo, họ đã tìm gặp bậc thầy hội họa và đưa ra yêu cầu: Vẽ lại!
Chỗ cần chỉnh sửa chỉ là một tiểu tiết nhỏ, vì theo như giai thoại này, thoạt kỳ thủy Michelangelo vẽ Ngón Tay Thiên Chúa, tức là Chúa Thánh Thần, và ngón tay Adam, chạm vào nhau. Các Hồng y đã yêu cầu Michelangelo vẽ lại cho hai ngón tay không chạm nhau nhưng cách ra một khoảng. Các vị còn thêm một yêu cầu thoạt tiên xem ra khó hiểu nữa là Ngón Tay Thiên Chúa phải được vẽ như đang vươn ra hết mức, còn ngón tay Adam lại thả lỏng và hơi duỗi xuống.
Một chi tiết đơn giản nhưng ẩn chứa một ý nghĩa thần học thâm thúy miên viễn vô cùng: Thiên Chúa luôn ở đó, luôn vươn về phía tạo vật mà Ngài yêu thương đến cùng, “đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8), nhưng việc có đi tìm kiếm Người hay không lại là lựa chọn của con người. Nếu con người muốn, anh ta có thể vươn ngón tay ra chạm đến Thiên Chúa và lãnh nhận sự sống, ơn cứu độ và ơn làm nghĩa tử, còn nếu con người không muốn, thì dù là toàn năng, Thiên Chúa cũng không thể làm gì khác, vì Ngài đã cho con người được toàn quyền định đoạt chuyện nó có muốn yêu mến Ngài và trở nên con của Ngài hay không. Đốt ngón tay cuối cùng duỗi xuống của Adam, như vậy, biểu trưng cho Ý Chí và Tự Do của con người.
5.HỌA HÌNH SỰ SỐNG BẤT DIỆT
Bức tranh Sự sáng tạo Adam đã được giải thích hàng nghìn lần, và nó vẫn còn chưa được hiểu đầy đủ. Các chi tiết đáng kinh ngạc trong tác phẩm này rất thú vị, và cách nó phù hợp với tất cả các phần khác để tạo nên toàn bộ trần nhà nguyện Sistine thật là ngoạn mục. Vẻ đẹp thực sự của Sự sáng tạo Adam khiến nó mãi mãi là một kiệt tác vượt thời gian. Đó là một mảnh liên quan đến mỗi người chúng ta trên bề mặt trái đất này, đó là sự khởi đầu của tất cả chúng ta, bất kể mọi sự khác biệt giữa chúng ta.
Michelangelo đã nắm bắt cái khoảnh khắc trước khi tất cả bắt đầu để đưa chúng ta trở lại điểm bắt đầu của tất cả, khi loài người vẫn còn là một cái gì đó mơ hồ và mọi khả năng đều đang được đặt trước con người để nó lựa chọn. Michelangelo, trong hơn một trăm nét cọ, đã vẽ nên cuộc sống. Ông vẽ sự khởi đầu của sự sống, bản chất của sự sống, và, bằng cách đưa vào bức họa hình ảnh đứa trẻ Giêsu, ông đã vẽ nên Sự Sống Bất Diệt.
Lạc Vũ Thái Bình