Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Bà không chỉ được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm, mà qua một số giai thoại, ta còn thấy rằng Hồ Xuân Dương xứng đáng được mệnh danh là Bà chúa cà khịa
1. Cà khịa quan
Một buổi sáng, Hồ Xuân Hương cùng chị em phụ nữ đang giặt quần áo ở một bến nước ven hồ Tây. Bỗng, trên con đường cái gần chỗ ấy, có một đoàn người (quan và lính) đi qua. Đây là đoàn người mà vị quan chỉ giữ một chức vụ không lớn trong triều đình; song lại thích có “tiền hô hậu ủng” (lính đi trước kiệu quan loa báo dẹp đường, lính đi sau kiệu quan cầm giáo bảo vệ). Toàn thể chị em đều đứng dậy nghiêm trang, im lặng, ngừng việc giặt giũ. Riêng Hồ Xuân Hương tỏ vẻ không hề hay biết, vẫn chổng mông, cúi khom người, tay vỗ đôm đốp vào đống váy, áo đã ngâm nước. Thấy vậy, vị quan cho dừng kiệu, rồi sai lính xuống gọi Hồ Xuân Hương lên để trị tội “phạm thượng”. Nhưng, biết Hồ Xuân Hương là người quen, lại là nhà thơ, nên vị quan ấy chỉ ra lệnh cho Bà đọc thơ để chuộc lỗi. Suy nghĩ chốc lát, Hồ Xuân Hương thong thả đọc hai câu thơ Nôm theo thể thất ngôn đường luật:
Võng đào ông lớn đi trên ấy,
Váy đụp bà con vỗ dưới này.
Biết không thể “trị tội” được Hồ Xuân Hương, vị quan đã giục quân lính đi ngay. Hồ Xuân Hương và chị em được một bữa cười nói hả hê, vui vẻ.
2. Cà khịa Nguyễn Ánh
Sau khi lên ngôi và tiến ra Bắc Hà, đặt quan chức mới củng cố ngai vàng, Nguyễn Ánh cho dân chúng treo đèn kết hoa, chào mừng tân triều.
Khi một viên quan khâm sai được lệnh đi công tác ở các tỉnh, quan chức Thăng Long cũng dựng cổng chào và đến xin câu đối của Hồ Xuân Hương. Bà đã cho câu đối:
Thiên tử tinh kỳ đương bản diện,
Tướng quân thanh thế áp tam thùy.
Câu này theo nghĩa hay ho có nghĩa là:
Vế 1: cờ xí của nhà vua đăng đầy khắp chốn, quá uy danh đến nỗi che hết nửa mặt người.
Vế 2: Uy danh của vị tướng khâm sai cũng rất lớn, bao trùm cả 3 cõi.
Những tưởng câu này nghe rất hay, nhưng sau khi ngẫm nghĩ kỹ, người dân và quan binh đã hiểu ý nghĩa của câu đối theo một hướng hoàn toàn khác:
Vế 1: Cờ của vua Gia Long che nửa mặt người – câu này quá bình thường, chẳng có gì là khen vua cả vì cờ lệnh của hoàng đế đúng là một nửa (cờ hình tam giác).
Vế 2: Uy danh của vị tướng khâm sai bao trùm cả 3 cõi – câu này 100% là chê, Vì trước đó, trong bài thơ vịnh cái quạt, bà đã dùng “3 cõi” này để mô tả cái quạt bị méo, dù banh ra cỡ nào cũng không che đủ bốn góc, cũng giống như uy danh tướng khâm sai dù đi công tác khắp các tỉnh cũng chưa đủ bao trùm cả nước.
3. Cà khịa chú Khách
Có một chú Khách (tức là chàng trai người Trung Quốc ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây) chạy loạn sang Việt Nam, làm nghề bán kẹo lạc đường. Biết tiếng văn chương tài giỏi của Hồ Xuân Hương, bèn tìm đến Cổ Nguyệt đường (nhà Hồ Xuân Hương ven hồ Tây) để làm quen, tán tỉnh với ý đồ lấy làm vợ. Hồ Xuân Hương không muốn tiếp chuyện anh chàng này, đã ra vế xướng và thách đối với điều kiện: nếu đối được thì sẽ tiếp tục ngồi chơi, nếu không đối được thì phải ra khỏi nhà ngay lập tức. Vế xướng của Hồ Xuân Hương như sau:
Chân đi hài hán, tay bán bánh đường, miệng nói líu lường, ngây ngô ngây ngố.
Vế xướng của Hồ Xuân Hương có nghệ thuật chơi chữ ở chỗ kết hợp một số động từ (đi, bán, nói) với một số danh từ, tính từ vừa thể hiện rõ nguồn gốc, nghề nghiệp, phong thái bất thường của chú Khách, vừa chỉ tên gọi một số triều đại phong kiến nổi tiếng của Trung Quốc: Hán – Đường – Ngô. Chú Khách ấy không đối được, đành phải bước ra khỏi Cổ Nguyệt đường.
Nguồn: Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An