Hiểu tác phẩm Các Bản thế vì và Sự Nguỵ phỏng của Baudrillard thế nào?

Tôi vừa đọc Các Bản thế vì và sự Nguỵ phỏng do tò mò và thấy có vài ý thú vị, song phần cuối chưa ổn lắm. Ở phần cuối, tôi không hiểu làm thế nào mà việc phê phán các bản thế vì rốt cuộc lại vô hiệu?

Quan niệm của Baudrillard giúp ta hiểu rõ hơn thế giới [hậu] hiện đại ra sao? Những phê bình về quan niệm của ông? Và tìm ở đâu một bản mô tả dễ hiểu về tác phẩm của ông (không ưng văn phong Baudrillard lắm)?

[(1): Tên tác phẩm gốc tiếng Pháp là Simulacres et Simulation, dịch tiếng anh là Simulacra and Simulation. Simulacra là vật mô phỏng; các học giả tiền bối VN dịch là “bản thế vì”; Simulation là sự mô phỏng, song với ý nghĩa là mô phỏng nguỵ tạo, phi thực tại, cho nên mình xin tạm dịch là “nguỵ phỏng”. Mọi chú thích là của người dịch.]

_____________________

Tôi đã đọc và nghiên cứu khá nhiều về Baudrillard, đặc biệt là tác phẩm này và khái niệm của nó. Tôi không phải là chuyên gia gì đâu. Đây là những gì tôi biết.

Chúng ta kể những câu chuyện và tạo nên các mô hình về thế giới. Ở vài thời điểm trong quá khứ, những mô hình này được dựa trên Thực Tại, trên liên giữa chúng ta với thực tại. Qua thời gian, mô hình bắt đầu dựa trên những mô hình khác, làm tăng khoảng cách với thực tại. Cuối cùng, chúng tách lìa hoàn toàn khỏi hiện thực, trở thành hiện-thực-thậm-phồn [ND: còn được dịch “siêu-thực-tại”; mình sẽ tuỳ vào văn cảnh mà dùng cả hai cách dịch]. Chúng không còn liên kết với thứ gì thực nữa, hoặc chỉ còn mang bất cứ nghĩa nào mà ta gán cho chúng. Điều này rất giống với khi chúng ta kể cho ai đó một câu chuyện, rồi họ lại kể cho người khác, và cứ thế… cho đến cuối cùng, câu chuyện tiến triển thành một thứ gì hoàn toàn khác xa nguyên bản.

Các bản thế vì là các mô phỏng hoàn hoàn trôi tự do khỏi thực tại; là cái thậm chí không dựa trên thực tại mà chỉ đơn giản là dựa trên những mô phỏng khác.

Một ví dụ thực tế của nó:

Bạn là một thiếu niên và muốn mời một cô nàng hẹn hò. Bạn làm sao đây? Chà, khả năng là bạn sẽ thực hiện theo những gì bạn thấy trên chương trình truyền hình. Chương trình TV đó lại có khả năng là đã đi mô phỏng/sao chép chương trình TV khác, và cứ thế. Dễ thấy là ví dụ về phim hành động và bạo lực. Bạn có để ý cảnh hành động hồi xưa khá là vụng về không? Ngày nay, máy quay bay trên mọi địa hình, lia những cảnh quay chậm, trong khi diễn viên thì toàn nhào lộn hề hước. Đó là bởi họ lấy những gì diễn ra ở quá khứ, rồi sao chép nó. Rồi họ chép nó lần nữa. Giờ thì so sánh phim hiện đại và phim 50 năm trước xem. Hoàn toàn khác nhau. Cái kiểu bạo lực hành động mà ta xem ngày nay là một hiện thực thậm phồn, nó hoàn toàn vượt khỏi và không liên hệ gì với thực tại. Đây là hiệu ứng sao chép bản sao.

Khi cô nàng đồng ý hoặc không, nàng cũng đang dính líu vào một nguỵ phỏng. Bạn là một cầu thủ? Nghe ngầu chứ? Bạn có mời nàng “đúng cách” không? Nếu có, có thể nàng đồng ý. Quyết định của nàng hầu như hoàn toàn là một quyết định siêu-thực-tại-tính, bởi không có gì thực sự liên kết với thứ gì có thực. Cả hai người đều tham gia vào sự nguỵ phỏng. Tất cả đều được dựa trên một nghi lễ [hình thức] được sao chép từ các bản sao trong quá khứ, không có liên hệ với bất kỳ nguyên bản nào (nàng có thể từ chối vì bạn xấu trai, nhưng bạn hiểu ý tôi rồi đấy).

Và bạn chẳng thể tìm thấy nguyên bản của bất kỳ thứ gì, chỉ có nhiều bản sao và diễn giải thay thế hơn. Một điều mà Baudrillard chỉ ra, rằng bằng cách nào mà ta có thể gọi một người là kẻ khủng bố, nhưng ở góc nhìn khác thì người đó lại là một chiến binh vì tự do.

Đây là lý do bạn thấy những tự sự (2) khác nhau ở những vùng khác nhau của thế giới. Chẳng sự kiện nào có giá trị khách quan cả, mọi sự kiện đều mở cho sự diễn giải.

Baudrillard cho ta thấy rằng không có cách nào biết được một thứ gì đó thực sự là gì, hoặc nên là gì, bởi không đâu có dấu vết của Thực Tại, ngoại trừ đôi lúc vô tình nhận ra được. Nhân loại có khả năng tạo mô hình của thực tại, và rồi chúng ta nhầm lẫn mô hình và thực tại. Sau rốt, chúng ta quên rằng luôn có một Thực Tại; và mọi thứ chúng ta tin đều xuất phát từ một kiểu mô hình hoặc diễn giải nào đó. Vấn đề là những mô hình này được sao chép từ những bản sao rất nhiều lần, tự thân chúng đã tuột khỏi kiểm soát, lao vào quỹ đạo của hiện-thực-thậm-phồn.

[(2) Tự sự (narrative): ở đây không có nghĩa là kể chuyện mà là cách kiến tạo những hình ảnh, sự kiện,… bằng các loại ngôn ngữ: viết, nói, âm nhạc, văn hoá,… Chủ nghĩa Hậu hiện đại phân biệt Đại tự sự (Grand Narrative) – những gì được xây dựng để trở thành chân lý phổ quát, tuyệt đối, nhằm chính đáng hoá một số vấn đề, có thể là chính trị, văn hoá… – và Tiểu tự sự (Petit Narrative) – những gì chưa hoàn thiện, manh mún, nhỏ lẻ, đang trên quá trình hình thành. Trong phần trả lời này, người bình luận dùng “tự sự” với nghĩa của “đại tự sự”.]

Hầu như mọi thứ trên tin tức là một nguỵ phỏng của một kiểu loại, một thứ gì đó tiếp cận trật tự siêu-thực-tại. CNN có thể là kẻ thủ phạm lớn nhất của hiện-thực-thậm-phồn, toàn bộ nền tảng của họ chỉ đơn giản là viết ra những tự sự về thế giới, sử dụng những mảnh vụn hay những dấu vết của thực tại như là những chứng cứ thuyết phục người ta rằng tự sự đó là đúng. Tại bất kỳ thời điểm nào tôi cũng có thể lên website của họ và lướt qua hàng tá tự sự hoặc diễn giải được cấu trúc thành. Thậm chí khái niệm “tin tức” hiện nay hoàn toàn mang siêu-thực-tại-tính, bởi tin tức căn bản được tuyển lựa và cấu trúc bởi những quy tắc diễn giải tràn lan của mạng lưới [mà nó ở phụ thuộc].

Chẳng hạn, nếu nhà xuất bản thiên tả, thì sự thất bại của một chính khách cánh hữu sẽ được viết thành tin tức, còn thất bại của phe cánh tả thì sẽ được tái diễn giải hoặc tránh đề cập. Điều tương tự cũng sẽ đúng với những trang tin thiên hữu.

Chúng ta không thể làm gì về chuyện này được cả. Toàn cầu vận hành trên sự nguỵ phỏng như thế, và các trật tự đang trở nên ngày càng mang tính chất của hiện-thực-thậm-phồn do Internet và mạng xã hội.

Bạn có để ý cách mà trong một chuỗi twitter hay facebook, sau mỗi giây sẽ có hàng tá câu chuyện và diễn giải mới không? Là một chủ thể, giờ đây bạn phải chịu tác động bởi hàng ngàn mô hình mới một thực tại trong một ngày (3). Không có biện pháp khả dĩ nào để truy nguyên hoặc giải cấu trúc chúng trong cuộc đời bạn. Và vấn đề sẽ ngày càng trầm trọng. Cuối cùng chỉ còn hư vô, bởi không thể làm gì với nó; nhân loại thực sự yêu thích việc cấu trúc những mô hình này vì nó cho họ cảm giác quyền lực và kiểm soát. Bởi vậy, không có một cái nhìn tối hậu nào.

[(3) Câu gốc: As a subject, you are now subjected to a thousand new models of a reality a day. Một chủ thể (subject) là một thực thể có khả năng tự nhận thức và kinh nghiệm một cách độc lập; ở đây, chủ thể không thể tự thân ý thức thực tại mà phải thông qua những bản thế vì.]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *