Hai bệnh viện được đầu tư gần 10.000 tỉ đồng cỏ mọc um tùm, thành nơi chăn thả gà
Trong khuôn khổ thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV chiều 26/10, nói về vấn đề lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Vấn đề lãng phí là nhìn thấy được, nhưng khi người dân hỏi không trả lời được. Dân hỏi đất vàng quý lắm, ra bao nhiêu tiền, nhưng sao để đứng yên như thế, hàng chục năm vẫn thấy cỏ mọc! Ai phải chịu trách nhiệm chứ!? Nhà nước, doanh nghiệp hay ai được cấp phải có trách nhiệm. Tại sao không làm và nếu không làm phải thu lại. Nếu làm mà vướng, thì vướng chỗ nào phải tháo gỡ chỗ đó, không thể để như vậy”…
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu: “Hay hai bệnh viện tại Hà Nam, dân không có bệnh viện để khám chữa, Nhà nước bỏ tiền ra xây rồi, nhưng hàng chục năm vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Nếu của tư nhân, họ đã thu hồi xong vốn, vốn đó được hoàn trả rồi. Nhưng Nhà nước vẫn để không thế, không ai chịu trách nhiệm à? Đó là lãng phí! Làm sao lại để được như vậy”.
Cận cảnh cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bạch Mai tại TP.Phủ Lý (Hà Nam) bỏ hoang gây lãng phí. Clip: Trịnh Trọng
Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam là dự án đồng khởi công xây dựng cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Dự án cơ sở 2 của hai bệnh viện này được kỳ vọng sẽ là phương án giảm quá tải hiệu quả cho các bệnh viện tuyến Trung ương ở miền Bắc.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 118.941m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.990 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỉ đồng và nguồn khác.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 117.714m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.968 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỉ đồng và nguồn khác.
Sau gần 2 năm chậm tiến độ, đến tháng 10/2018, khu khám bệnh thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ở cơ sở 2 đã chính thức được khánh thành. Thế nhưng việc khánh thành chỉ tạm dừng ở cắt băng mà chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Sau 6 năm, việc đưa khu khám bệnh vào hoạt động vẫn chưa được thực hiện.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt ngày 29/10, bên ngoài bệnh viện này cổng đóng then cài. Bên trong bảo vệ nuôi nhốt chó mèo, là nơi chăn thả gà. Từ khi khánh thành đến nay, khoa Khám bệnh chưa đi vào hoạt động. Mặc dù chưa đi vào hoạt động nhưng bảng chữ ngoài cổng đã có dấu hiệu bong tróc. Bên trong công trình có dấu hiệu xuống cấp, xung quanh cỏ mọc um tùm khiến nhiều người đi qua không khỏi xót xa.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, tháng 10/2018 cũng diễn ra lễ khánh thành phòng khám bệnh đa khoa của bệnh viện. Tuy nhiên, đến nay bệnh viện mới hoàn thiện giai đoạn 1 nên chỉ đảm bảo được chức năng khám ngoại trú và cấp cứu ban đầu. Sau một năm đi vào hoạt động, tháng 3/2020 bệnh viện thông báo chính thức tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân.
Trong đợt dịch Covid-19 năm 2022, bệnh viện này được thay đổi chức năng thành bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân tại khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh hết căng thẳng, bệnh viện tạm thời đóng cửa, được bảo vệ trông coi. Dù chưa được khai thác tối ưu, một số tòa nhà, công trình chức năng xuất hiện tình trạng bong tróc, xuống cấp, cửa kính bung vỡ.
Người dân 10 năm mong mỏi chờ đợi
Chứng kiến hình ảnh hai bệnh viện cỏ dại mọc um tùm, bỏ hoang, bà Nguyễn Thị Liên, 61 tuổi, ở TP.Phủ Lý thở dài. Ngày nào bà Liên cũng đi qua bệnh viện để thu nhặt ve chai, chứng kiến bệnh viện chưa được đưa vào sử dụng lãng phí, xuống cấp bà tỏ vẻ tiếc nuối.
Theo bà Liên, cách đây gần 10 năm gia đình bà cùng nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã đã bàn giao đất để xây dựng 2 dự án bệnh viện. Gia đình bà Liên bàn giao 4 sào đất.
“Khi được đầu tư, người dân rất bằng lòng, đồng tình. Chúng tôi mong muốn bệnh viện được hoạt động bởi nhu cầu khám chữa bệnh cao, đỡ phải đi lại lên Hà Nội khám, điều trị cực khổ, tốn kém, giải toả được lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh lân cận và một số tỉnh phía trong đổ ra. Chứng kiến cảnh bệnh nhân, người nhà chờ đợi đến lượt khám chữa bệnh ở hai cơ sở tại Hà Nội, tôi thấy mệt mỏi. Nhiều gia đình khó khăn đi xa chi phí rất tốn kém”, bà Liên cho hay.
Mỗi lần ốm đau thay vì phải đi bệnh viện, chị Nguyễn Thị La, 36 tuổi, ở TP.Phủ Lý lại lựa chọn khám tại cơ sở y tế tư nhân.
“Tôi đành lựa chọn khám tại bệnh viện tư thay vì mỗi lần ốm đau đi lên Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức chờ đợi khám rất mất thời gian, có khi mất cả ngày để khám chưa kể đi lại xa, tốn kém. Tôi chỉ mong mỏi hai cơ sở này sớm được đi vào hoạt động. Suốt 10 năm qua người dân chúng tôi luôn mong mỏi từng ngày. Gia đình tôi đã bàn giao 100m2 đất để xây dựng bệnh viện”, chị La cho hay.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 do Bộ Y tế làm chủ đầu tư và thực hiện, bệnh viện chỉ là đơn vị thụ hưởng. Bệnh viện đã chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nhận cơ sở 2 để đưa vào hoạt động phục vụ người bệnh.
Tại hội nghị triển khai công tác Y tế năm 2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, Bộ đang phối hợp Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế giải quyết vướng mắc như điều chỉnh thời hạn hợp đồng, những vấn đề chưa phù hợp để đảm bảo cơ sở pháp lý.
Bộ trưởng thông tin thêm, Bộ Y tế đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án thuộc bộ, cùng đó Tổ Công tác của Chính phủ bao gồm đại diện Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng… rà soát, đánh giá lại toàn bộ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy tiến độ dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của hai bệnh viện đồng thời có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Đến thời điểm này Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Xây dựng để đề xuất những biện pháp điều chỉnh cơ chế, đảm bảo cơ sở pháp lý, nhanh chóng bắt tay vào tháo gỡ những khó khăn vướng mắc với các nhà thầu. Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các nhà thầu để thúc đẩy triển khai thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Chúng tôi liên tục có ý kiến với Bộ Xây dựng. Khi Bộ Xây dựng trả lời, chúng tôi sẽ bắt tay ngay cùng các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, đưa hai cơ sở vào hoạt động”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, việc xây dựng 2 cơ sở bệnh viện nhưng chưa đưa vào sử dụng suốt nhiều năm qua là sự lãng phí vô cùng lớn.
“Có những bệnh viện quá tải thế mà có chỗ lại bỏ không. Tôi đề nghị phải làm rõ tại sao như thế? Tại sao khai thác chậm, từ đó xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai bởi nhu cầu khám chữa bệnh sau Covid-19 vô cùng lớn, nhiều bệnh viện Trung ương quá tải thế mà 2 cơ sở đầu tư khá lớn gần 10.000 tỷ đồng thì bỏ hoang, cỏ mọc um tùm”, bà An chia sẻ.
Bà An cho rằng, tiền xây dựng bệnh viện từ thuế đóng góp của nhân dân đóng góp, nhu cầu của người dân là cấp thiết. Việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân là điều rất cần để cho chuỗi sản xuất được tiếp tục.
“Nếu dân không khoẻ sao lao động được. Bên cạnh đó, việc Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2 sớm đi vào hoạt động thì tất cả người dân ở các vùng được tiếp cận y học hiện đại. Mục tiêu là thế mà chưa đạt được trong khi có nơi 2, 3 người chung một giường bệnh”, bà An nói thêm.