Ngày nay, vì nhu cầu tinh thần càng được đề cao, nên những cuốn sách về thiền, về khám phá nội tâm, càng được yêu chuộng. Thế nhưng, việc khám phá nội tâm không có nghĩa là ta cũng ngừng khám phá thế giới bên ngoài. Mà nói đúng hơn là ta khám phá và xúc chạm với thế gian để hiểu hơn về nội tâm của chính mình.
Vì điều kiện công việc linh hoạt, tôi thường có cơ hội được đi lại nhiều nơi, xúc chạm với nhiều người. Tôi nhận ra một điều rằng, thông qua sự tương giao giữa người với người, giữa người với các nền văn hóa, môi trường,… mà tôi thấy tâm mình rõ hơn. Chẳng hạn, khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, tôi biết tâm mình lúc đó như thế nào. Khi gặp những người thành công và địa vị cao trong xã hội, tôi nhìn vào tâm xem liệu nó có đang ngã mạn, tức so sánh hơn thua hay không. Như vậy, việc ngồi một chỗ mà tu đôi khi lại khiến ta tự đóng khung chính mình. Hãy để cái thấy của mình được mở rộng, được đa dạng thông qua các trải nghiệm trong cuộc đời.
Tôi nhớ hồi còn là sinh viên, một người bạn của tôi kể rằng chỉ trong vòng một năm thôi mà anh đổi việc những 6 chỗ. Điều đó có nghĩa là cứ một vài tháng, anh lại thay đổi việc. Nhiều người cho rằng anh không kiên định. Có người cho rằng anh ta thiếu may mắn. Có người thì tự bảo sao anh ta không cố gắng ở một công ty lâu dài hơn để thử thách sức chịu đựng của mình. Nhưng tôi thì nghĩ rằng, mình không ở trong hoàn cảnh của người ta, mình không biết được. Đừng vội phán xét và đánh giá. Khi nghe anh kể, tôi mới thấy hóa ra anh ta cũng có cái nhìn khá nhạy bén. Mỗi công ty anh ta gắn bó dù ngắn ngủi nhưng anh lại nhìn thấy những điểm phù hợp, chưa phù hợp với bản thân. Và thế, anh ta tiếp tục trải nghiệm để thấy ra cái nào là phù hợp. Như vậy, mỗi trải nghiệm là sự chọn lựa riêng của mỗi người, quan trọng là học được gì, thấy ra được gì trong trải nghiệm đó. Và hơn nữa, thật lý thú khi anh ta chịu trải nghiệm, và không hề sợ hãi. Nhiều người mãi làm một việc mà họ đã chán nản, đã biến nó thành một thói quen, và họ lại làm như một cái máy. Trong thói quen, người ta không thực sự học được cái gì mới mẻ cả. Thói quen khiến người ta ở trong vùng an toàn hoài và đánh mất đi sự nhạy bén. Hành vi nhận thức theo thói quen là một trở ngại cực kỳ lớn cho việc giác ngộ.
Thi thoảng, tôi nói chuyện với một vài người và thấy họ cũng bị dính mắc vào cái gọi là thói quen. Những người này thường khá bị động và thiếu động lực sống. Họ quen thuộc với những việc mình làm trong một thời gian dài đến nỗi dính mắc hoàn toàn vào đó. Giống như một người vợ quen sống với một người chồng, và bây giờ dứt ra thì không chịu được, thì đau khổ. Một phụ thuộc hoàn toàn nguy hiểm. Vì thế, khi cái mới, khi sự thử thách,… đến với họ, họ không đủ nhạy bén và linh hoạt để đối diện. Vì thế, cái cốt lõi là hãy luôn nhìn lại chính mình, để thấy cái gì phù hợp, cái gì chưa phù hợp để điều chỉnh, cái gì đang bị lặp đi lặp lại, cái gì mà mình cần học hỏi trải nghiệm thêm, để làm mới bản thân, để kích hoạt lại sự nhạy bén của nội tâm.
Việc hướng ra ngoài để trải nghiệm không có nghĩa là ta không có thời gian để hướng vào trong. Mà ta vẫn có thể hướng vào thân tâm mà thấy trong các việc làm hàng ngày. Khi đi, khi chạy, khi đứng, khi ngồi, đều có thể tinh tấn – chánh niệm – tỉnh giác. Vậy nên, những quan niệm nào nói rằng hãy hạn chế việc trải nghiệm bên ngoài để khám phá bên trong là hoàn toàn chưa thuyết phục. Nếu ta biết mình trong tất cả mọi việc ta làm, thì ta sẽ điều chỉnh hành vi và nhận thức sao cho phù hợp. Một tôn chỉ quan trọng mà Phật dạy là hãy tự trải nghiệm mà thấy ra sự thật, chứ không phải chỉ ngồi một chỗ mà thấy ra. Nếu có ngồi, thì hãy để việc ngồi xuống ấy là hoàn toàn tự nhiên.