HÃY ĐỀ PHÒNG GIÃN TĨNH MẠCH NGAY KHI CÒN TRẺ

Giãn tĩnh mạch nghe có vẻ là bệnh người già nhưng nếu không có biện pháp phòng chống ngay từ khi trẻ thì bạn cũng sẽ dễ mắc bệnh khi chưa già. Bên cạnh những căn bệnh thời đại như đau dạ dày, tiểu đường, trĩ thì bệnh giãn tĩnh mạch cũng nằm trong nhóm các bệnh nên được quan tâm từ sớm.

Giải thích theo y khoa thì suy tĩnh mạch mạn tính là tình trạng xảy ra do hiện tượng trào ngược máu trong tĩnh mạch, gây ra giãn tĩnh mạch (d > 3mm). Trào ngược tĩnh mạch xảy ra khi có sự suy van tĩnh mạch làm ứ trệ dòng máu trong các nhánh tĩnh mạch hiển. Bình thường áp lực tĩnh mạch ở chi được điều hòa bởi các van này. Van không còn hoạt động gây gia tăng áp lực tĩnh mạch và có thể gây ra triệu chứng. Nếu cơ chế bơm máu ở cẳng chân kém thì càng gây nên triệu chứng trầm trọng.

Dễ hiểu hơn thì dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến bạn bị giãn tĩnh mạch chân:

  • Yếu tố di truyền: Giãn tĩnh mạch là một trong những bệnh có thể di truyền trong gia đình, nếu ba mẹ bạn mắc bệnh thì nguy cơ giãn tĩnh mạch của bạn cũng sẽ cao hơn.
  • Giới tính: Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, quá trình mang thai và thói quen mang giày cao gót.
  • Tuổi tác: Khi càng lớn tuổi thì sẽ càng dễ mắc bệnh này.
  • Nghề nghiệp: các nghề phải đứng quá lâu hay ít vận động như giáo viên, nhân viên bán hàng, nhân viên văn phòng,…
  • Khối lượng cơ thể: Nếu trọng lượng cơ thể nặng sẽ làm khiến máu dồn nhiều về phía chân, gây áp lực lớn lên các mạch máu.

Như vậy, những công việc phải đứng nhiều hay ngồi nhiều đều không tốt cho sức khoẻ tĩnh mạch, nếu bạn đang làm những công việc phải ngồi nhiều như văn phòng hay bắt buộc phải đứng nhiều giờ trong ngày thì hãy thận trọng và phòng ngừa bệnh từ sớm.

Để phòng chống bệnh, bạn có thể áp dụng những cách đơn giản sau:

  • Hãy đứng lên thường xuyên nếu bạn phải ngồi lâu hoặc nghỉ ngơi nếu bạn đứng lâu.
  • Khi nghỉ ngơi, nên kê chân lên cao.
  • Bảo đảm nạp đủ xơ, vitamin và uống nhiều nước.
  • Vận động mỗi ngày như đi bộ, đạp xe,…
  • Hạn chế đi giày cao gót quá cao hoặc nhiều tiếng một ngày.

Mẹ mình là bệnh nhân giãn tĩnh mạch rất lâu rồi, hiện tại mẹ mình đi lại cũng khá khó khăn, thường xuyên đau nhức, sau chân có lộ rõ những tĩnh mạch. Hiện mẹ chỉ điều trị bằng mang vớ dành riêng cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch và dùng thuốc theo bác sĩ. Hiện chị mình cũng có dấu hiệu giãn tĩnh mạch và như bạn đọc ở trên thì bệnh có thể di truyền trong gia đình nên mình nghĩ nếu không cố gắng phòng chống bệnh thì đến khi U40, mình cũng có thể mắc bệnh này như mẹ và chị.

Nếu trong nhà có người bị bệnh này, bạn sẽ hiểu những khó khăn khi bị giãn tĩnh mạch, do đó nếu công việc của bạn đang khiến đôi chân không khoẻ thì hãy điều chỉnh một số thói quen và vận động mỗi ngày để phòng chống bệnh hiệu quả.

Nguồn tham khảo: VinMec

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *