Nghiên cứu của chuyên gia tâm lý tội phạm cho thấy, trẻ em từ giai đoạn sơ sinh đến 6, 7 tuổi là thời kỳ dễ chịu ảnh hưởng từ người mẹ nhất vì đây là thời điểm trẻ nhỏ học cách thể hiện tình cảm. Các chuyên gia đã khảo sát nhiều tội phạm và thấy rằng họ thường bị mẹ ruột thờ ơ, bỏ mặc trong thời thơ ấu. Nhìn chung, mối quan hệ giữa phụ huynh và con cái trong các trường hợp này rất xấu, có xu hướng thù ghét, bài trừ lẫn nhau. Do ít nhận được sự quan tâm, chăm sóc và an ủi tinh thần nên họ không biết cách trân trọng đồng loại như những người bình thường. Ngoài ra, họ cũng không có khả năng bày tỏ nhu cầu được yêu thương và quý trọng. Điều này không chỉ khiến cuộc đời họ phải trả giá đắt mà còn là quả bom cho xã hội, cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh thê lương. Không chỉ người mẹ mà người bố cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ. Robert K. Ressler, chuyên gia về chân dung tâm lý tội phạm chia sẻ về một tình huống, bố của kẻ phạm tội thường xuyên bận rộn, thỉnh thoảng mới trở về nhà. Khi trở về, ông ta thường xuyên đánh đập mẹ và đứa con mỗi khi không hài lòng. Vì vậy, kẻ phạm tội lúc nào cũng sợ hãi bố mình.
Thêm vào đó, người bố còn có hành vi lạm dụng tình dục đối với anh ta. Cuộc khảo sát cho thấy 40% tội phạm bị bố mẹ bạo hành hoặc quấy rối tình dục khi còn nhỏ, 70% người phạm tội đã từng chứng kiến cảnh bạo lực từ khi còn nhỏ và nhìn nhận mình với tư cách người bị hại. Chính vì nguyên nhân này, hầu hết tội phạm đều có vấn đề tâm lý khi còn nhỏ. Theo thời gian, các vấn đề tinh thần này sẽ có nhiều chuyển biến bất thường như rối loạn chức năng tình dục, mối quan hệ giữa người với người kém. Từ đó, họ dễ dàng đi vào con đường phạm tội.
Theo sách: Tâm lý học tội phạm phác hoạ chân dung kẻ phạm tội