Haruki Murakami: Tôi không mơ. Tôi viết.

Trong buổi phỏng vấn ngắn, Haruki Murakami chia sẻ về cuốn sách mới nhất, được viết ở tuổi bảy mươi, cùng những tâm sự về quá trình viết của riêng ông.

Cuốn tiểu thuyết của tác giả vĩ đại người Nhật Bản Haruki MurakamiKilling Commendatore (được xuất bản dưới tên tiếng Việt Giết chỉ huy đội kị sĩ), ngay từ đầu, bao hàm những dạng thức tồn tại đặc biệt: một chiếc chuông bí ẩn tự ngân vang; một ý tưởng trừu tượng đã đánh cắp cơ thể của một người đàn ông cao hai mét trong một bức tranh nọ, cùng một chuyến đi kỳ lạ đến một thế giới ngầm. Như chính tác giả đã viết trong một điểm rơi của cuốn sách, “một số điều chẳng mang ý nghĩa nào nhất định cả.”

Nhưng ấy là ngài Murakami, người sở hữu những tiểu thuyết đầy tiếng tăm đặt giữa ranh giới thực và siêu thực, trần tục và huyền ảo, cuộc sống đều đặn thường nhật và những diễn tiến chẳng ai lường trước. Thật quá khó để mô tả Killing Commendatore – nó quá lớn lao và cũng quá phức tạp – nhưng cuốn sách ấy chạm tới nhiều chủ đề quen thuộc trong tiểu thuyết Murakami: bí ẩn của tình yêu lãng mạn, sức nặng của lịch sử, sự siêu việt của nghệ thuật, cuộc tìm kiếm những thứ khó nắm bắt nằm ngoài tầm với của chúng ta.

Từ đâu ông nảy ra ý tưởng cho “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ”?

Tôi cũng chẳng rõ. Tôi đón lấy nó từ đâu đó, sâu trong tâm trí mình. Một cách đường đột, tôi muốn đặt bút viết một hai đoạn đầu tiên. Tôi cũng không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đó. Rồi tôi cất nó vào ngăn kéo bàn làm việc, và tất cả những gì tôi phải làm khi đó là chờ đợi thôi.

Vậy phần còn lại của cuốn sách thì sao?

Rồi thì, một ngày nọ, tôi lại nảy ra ý tưởng rằng tôi có thể viết nó, và tôi bắt đầu viết, tiếp tục viết. Ta chờ đợi một thời điểm thích hợp, và rồi nó sẽ đến với ta. Ta chỉ cần tự tin rằng, vào một lúc nào đó, mình sẽ có được một ý tưởng. Tôi tự tin vì tôi đã viết gần 40 năm, tôi biết cách làm điều đó.

Quá trình viết có khiến ông gặp khó khăn nào không?

Khi không viết những dòng chữ của riêng mình, tôi dịch. Ấy là một công việc tuyệt vời để làm trong những khoảng chờ đợi: Tôi cũng đang viết đấy, nhưng nó không phải là cuốn tiểu thuyết của riêng tôi. Vì thế, nó giống như một cách huấn luyện hoặc lao động chân tay vậy. Ngoài ra, tôi chạy bộ, nghe nhạc và làm việc nhà, chẳng hạn như ủi đồ. Tôi thích ủi đồ lắm. Có vẻ như tâm trí tôi không có điểm nào hỗn loạn khi viết cả. Về cơ bản, việc ấy rất vui.

Ông có đọc những bình phẩm về tác phẩm của mình không?

Tôi không đọc lời bình. Có nhiều tác giả cũng nói điều này, và họ đang nói dối – nhưng tôi thì không. Mặc dù vậy, vợ tôi thì có đọc chúng, và bà ấy chỉ đọc thành tiếng cho tôi nghe những ý kiến phản đối tôi. Bà ấy bảo tôi phải học cách chấp nhận những phản ứng tiêu cực. Những lời có cánh, hãy quên đi.

Sách của ông tràn ngập những điều phi thực và kỳ ảo. Cuộc sống của ông có tương tự thế không?

Tôi là một người rất thực tế, tôi cũng thực dụng nữa, nhưng khi đặt bút viết tiểu thuyết, tôi đi đến những nơi kỳ lạ, bí ẩn trong chính bản thân mình. Những gì tôi làm là khám phá bản thân, là dò tìm, khai phá bên trong chính mình. Nếu nhắm mắt và đi sâu vào chính mình, ta có thể sẽ thấy một thế giới khác. Giống như là khám phá vũ trụ vậy, nhưng là bên trong chính mình. Ta tới một nơi khác, một chốn nguy hiểm và đáng sợ, và điều quan trọng là phải biết đường quay trở lại.

Việc nói quá nhiều về những tầng nghĩa ẩn tàng trong những tác phẩm có vẻ như quá khó khăn với ông. 

Mọi người luôn hỏi tôi về những cuốn sách: “Ý của ông là gì; ý của ông là như thế nào thế?” Nhưng tôi không thể giải thích bất cứ điều gì cả. Tôi nói về bản thân mình, và tôi nói về thế giới, một cách ẩn dụ, và ta không thể giải thích hay phân tích phép ẩn dụ được – ta chỉ cần chấp nhận nó mà thôi. Mỗi cuốn sách là một phép ẩn dụ mà.

Trước đó, ông đã nói rằng “Killing Commendatore” là một sự tôn kính đối với The Great Gatsby, một cuốn tiểu thuyết mà ông đã dịch sang tiếng Nhật khoảng mười năm trước. “Gatsby” vẫn thường được xem như một câu chuyện bi thương về giới hạn của giấc mơ Mỹ. Làm thế nào mà ý niệm ấy xuất hiện trong cuốn sách mới của ông?

The Great Gatsby là cuốn sách yêu thích của tôi. Tôi đã đọc nó khi mới 17 hoặc 18 tuổi, sau khi rời khỏi trường học, và bị ấn tượng bởi câu chuyện ấy, bởi ấy là cuốn sách về một giấc mơ – và cách mọi người cư xử khi giấc mơ ấy tan vỡ. Đây là một chủ đề rất quan trọng đối với tôi. Tôi không nghĩ đó nhất thiết phải là giấc mơ Mỹ, mà là giấc mơ của một chàng trai trẻ, giấc mơ nói chung.

Ông thường mơ về điều gì?

Tôi không mơ, trừ một hay vài lần một tháng – hoặc có thể tôi đã mơ nhiều hơn đấy, nhưng tôi chẳng nhớ giấc mơ nào cả. Nhưng tôi cũng chẳng cần mơ, bởi tôi có thể viết rồi.

 Via New York Times

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *