HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ CÔN MINH – LỆ GIANG – SHANGRILA TRONG 9 NGÀY VỚI 13 TRIỆU ĐỒNG
P/s: Khuôn khổ bài đăng có hạn nên nếu bạn nào muốn tìm hiểu chi tiết hơn có thể vào Facebook cá nhân của mình ạ. Cảm ơn các bạn đã theo dõi 😀
Trung Quốc là một đất nước rất kỳ lạ, nhưng thú vị. Bỏ qua một vài hạn chế như ngôn ngữ, nhà vệ sinh (vâng chính là nhà vệ sinh), không dùng thẻ visa… thì đây là một nơi mà bạn có thể tìm thấy mọi mong muốn về một chuyến du lịch: Nền văn hoá lâu đời, cảnh sắc tuyệt đẹp, ẩm thực phong phú, nhiều công trình kiến trúc nguy nga đồ sộ… Bản thân mình có một niềm yêu thích với văn hoá Trung Quốc từ nhỏ, nên mỗi lần được đi Trung Quốc thấy kiểu rất đặc biệt, khác hẳn với việc đi những đất nước khác. Lần này chọn Lệ Giang là một quyết định sáng suốt. Sang đây mới thấy vì sao giới trẻ Trung Quốc lại có mong muốn bỏ việc đến Lệ Giang mở khách sạn. Lệ Giang rất đẹp, nhưng trong cái đẹp đó còn ẩn chứa chút gì đó rất tình, rất vấn vương, chứ không giống như Phượng Hoàng cổ trấn, chỉ đẹp thoáng qua chứ không đọng lại gì nhiều.
1/Phương tiện đi lại:
Hai lần gần đây nhất đi Trung Quốc thì mình đều chọn đường bộ, với phương tiện chủ yếu là tàu. Còn vì sao lại lựa chọn đường bộ thì là do mình thích thế ) Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn máy bay cho tuyến Hà Nội-Côn Minh với giá vé khứ hồi khoảng 4 triệu gì đó, sau đó tiếp tục lựa chọn tàu cao tốc hoặc máy bay để đi tiếp đến Lệ Giang. Còn từ Lệ Giang lên Shangri-la hiện nay mới chỉ có xe bus chứ chưa có tàu hay máy bay. Còn nếu ai thứ nhất là rảnh, thứ hai là muốn tiết kiệm chi phí, thứ ba là thích đi tàu như mình thì tham khảo lộ trình như sau nhé (mình chỉ ghi chiều đi, vì chiều về cũng y như thế không khác gì):
– Hà Nội – Lào Cai: Xe khách Hà Sơn Hải Vân 250k/ chiều (vé VIP). Các bạn nên chọn xe Hà Sơn Hải Vân vì đi khá đúng giờ, hơn nữa sẽ có xe trung chuyển miễn phí chở các bạn đến sát cửa khẩu. Thứ ba là có văn phòng ở ngay cửa khẩu, nên khi từ Trung Quốc về các bạn có thể ra ngay đây mua vé. Thời gian di chuyển từ Hà Nội lên đến Lào Cai là khoảng 4 tiếng nhé. Bọn mình xuất phát từ Hà Nội lúc 8h sáng, đến nơi khoảng hơn 12h gì đó, trong khi mình mua vé tàu Hà Khẩu-Côn Minh lúc 18h tối. Tức là mình còn hẳn 4,5 tiếng để làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, ăn uống, ra ga tàu, đổi vé tàu… Mình nghĩ bạn không cần phải vội vàng đi chuyến tàu sớm hơn từ Hà Khẩu đên Côn Minh làm cái gì cả. Rất nhiều nhóm đã bị lỡ tàu do làm thủ tục nhập cảnh quá lâu. Số điện thoại đặt vé xe Hà Sơn Hải Vân: 19006776.
– Hà Khẩu – Côn Minh: tàu cao tốc – 110 tệ/chiều (360k). Đây là tuyến tàu mới được đưa vào khai thác từ tháng 11 nên rất mới, sang đẹp xịn mịn. Vì không muốn vội vội vàng vàng làm cái gì cho khổ nên mình chọn giờ tàu chạy là 18h12p tối, đến Côn Minh là 21h50p, còn thừa thời gian để lên chuyến tàu đêm kế tiếp đến Lệ Giang.
– Côn Minh – Lệ Giang: Mình chọn tàu chậm với giá vé là 197 tệ (650k)/chiều. Lý do là vì mình muốn tiết kiệm một đêm tiền phòng khách sạn, bạn lên tàu ngủ một giấc là đến nơi khoẻ re. Tàu Trung Quốc chạy rất êm, mỗi người một giường tương đối thoải mái. Với cái đứa dễ ngủ như mình thì lên tàu là ngáy khò khò đến tận lúc cập ga Lệ Giang…
– Lệ Giang – Shangri-la: Xe bus 70 tệ (230k)/chiều. Bạn có thể lên trang https://www.chinabusguide.com/ để xem trước giờ xe chạy mà căn thời gian cho hợp lý. Ví dụ bọn mình đến Lệ Giang lúc 10h sáng thì sẽ chọn chuyến 11h30 để đi tiếp, trong lúc chờ đợi thì tranh thủ ăn tạm gì đó ở bến xe. Thời gian di chuyển từ Lệ Giang lên Shangri-la cũng tầm 4 tiếng đồng hồ. Nhưng không hiểu sao lúc đi thì mình được ngồi xe bus hai tầng sang xịn, mỗi người một ghế thoải mái mà lúc về phải ngồi bus chợ, xập xệ chật chội dã man. Chắc có lẽ là do giờ xe chạy khác nhau sẽ có những xe khác nhau.
P/s:
+/Mọi vé tàu ở Trung Quốc mình đều đặt mua trên trang https://vn.trip.com/?locale=vi_vn nhé. Trip có giao diện tiếng Việt rất dễ sử dụng, về hướng dẫn đặt vé thì mời Google rất chi tiết luôn. Mình chỉ lưu ý các bạn nên làm cẩn thận phần điền tên nếu không muốn mua lại vé. Còn nếu mà cảm thấy không tự tin có thể liên hệ với Facebook chị @Nguyen Thi Kim Thoa. Chị ý có dịch vụ nhận đặt vé tàu, xe, máy bay, tên lửa, phi thuyền… ở Trung Quốc. Bạn chỉ cần trả thêm một khoản phí nho nhỏ, rung đùi đợi vé thôi.
+/ Bạn cũng nên lưu ý rằng giờ Trung Quốc nhanh hơn Việt Nam 1 tiếng nhé. Tức là nếu ở Việt Nam là 8h sáng thì bên Trung Quốc đã 9h sáng rồi, nên nhớ mà căn thời gian không lỡ tàu xe bên này là rất đau khổ luôn.
+/ Vé xe bus Lệ Giang-Shangri-la thì một ngày có rất nhiều chuyến, bạn không cần phải đặt trước mà cứ ra thẳng bến xe mà mua.
2/ Chỗ ở:
Chuyến đi lần này bọn mình có tổng cộng 6 đêm ở khách sạn, 2 đêm ngủ trên tàu. Trong đó thì 2 đêm ở Shangri-la, 3 đêm ở Lệ Giang, 1 đêm ở Côn Minh. Chi phí lưu trú cho một người trong cả chuyến đi là khoảng 2.100k. Tất cả khách sạn mình đều đặt qua Booking, lý do là bởi không cần phải thanh toán ngay lập tức, nếu không ưng hoặc chọn khách sạn khác bạn cũng có thể huỷ mà không mất phí miễn trong thời gian quy định. Cuối cùng, bạn có thể dựa vào điểm số và review đánh giá công khai của mỗi khách sạn để cân nhắc. Làm ơn đừng đi du lịch kiểu đến nơi xong ở đâu thì ở nữa, 2019 rồi. Hãy tạo cho mình thói quen chủ động trong mọi thứ có thể, thì chuyến đi mới theo đúng kế hoạch mà bạn đề ra được. Cả 3 khách sạn mình thuê này có một điểm cộng to đùng là host đều chém tiếng Anh lưu loát, dịch vụ tuyệt vời (đối với mình), phòng ốc sạch sẽ gần trung tâm. Mình sẽ lưu link từng khách sạn dưới này để các bạn tham khảo:
– Yi’s Hostel (Shangri-la): Chủ hostel chém tiếng Anh siêu đẳng, biết một chút tiếng Việt do có thời gian từng sống ở Hải Phòng luôn. Tiffany cực chu đáo, bọn mình đến và rời Shangri-la đều có xe riêng đưa đi đón về tận nơi miễn phí. Phòng ốc thì tương đối sạch sẽ, bài trí theo phong cách đặc trưng của Shangri-la, có máy sưởi và nệm sưởi đầy đủ. Từ khách sạn đi bộ ra công viên Quy Sơn chỉ mất vài phút. Điểm cộng nữa là hostel có 3 còn mèo siêu đáng yêu, đứa nào đứa nấy trông đểu lắm. Giá một phòng đôi ở đây là 700k/đêm. Đây là link khách sạn: https://bit.ly/2O5y3ap
– Lijiang Gui Yuan Tian Ju Guesthouse (Lệ Giang): Mọi người đi Lệ Giang thường hay kêu ca là phải kéo đến vỡ cả bánh xe vali nếu ở trong cổ trấn. Nhưng bọn mình thì khoẻ re bởi khách sạn có dịch vụ kéo xe chở hành lý lúc đến và về hoàn toàn miễn phí. Khách sạn bài trí theo phong cách cổ điển, phòng ốc đẹp đẽ sạch sẽ. Chị chủ cũng nói tiếng Anh lưu loát, tư vấn cho bọn mình nhiều thứ hữu ích. Đặc biệt, trà của khách sạn cực ngon nhé các bạn. Ngon đến mức, mấy đứa mặt dày ngồi lì ở dưới sảnh người ta châm trà uống đến mấy lần vẫn không thèm đi ) Giá ở đây cũng khoảng 700k/đêm thôi nhưng phòng xịn hơn ở Shangrila nhiều. Khách sạn nằm ngay gần Mộc phủ nên bạn đi bộ ra trung tâm phố cổ cũng tương đối gần thôi. Link khách sạn: https://bit.ly/2KEj2u7
– Kunming Upland International Youth Hostel (Côn Minh): Có chữ quốc tế nên đây là khách sạn hiếm hoi mình gặp ở Trung Quốc toàn khách nước ngoài, nhân viên thì nói tiếng Anh vù vù. Khách sạn rất vui do có khu vực quầy bar riêng, buổi tối nếu không biết đi đâu bạn có thể xuống ngồi chơi, giao lưu làm quen này kia… Từ ga Côn Minh về khách sạn hết khoảng 20-30 tệ taxi, thời gian di chuyển tầm 20 phút. Khách sạn này cũng có giá khoảng 700k/đêm cho phòng đôi nhé. Link khách sạn: https://bit.ly/37s9ID9
3/ Visa:
Vẫn rất nhiều bạn inbox hỏi mình là đi Trung Quốc làm giấy thông hành là được đúng không? Ừ đúng rồi hàng xóm láng giềng, anh em 16 chữ vàng thì cứ thế sang thôi visa làm cái gì ) Thôi đùa đấy, bạn chỉ có thể làm giấy thông hành để đi mấy vùng giáp biên giới thôi nhé, để đi vào sâu hơn cần phải có visa. Visa thì nếu bạn ở Hà Nội mình khuyến khích tự đi xin vì nó dễ lắm luôn. Tuy nhiên nếu bạn ở nơi khác như mình, thì nên làm dịch vụ cho nó được việc, chứ cái tiền đi lên đi xuống rồi nhỡ lên Hà Nội lại phải đi ăn uống nhậu nhẹt gặp gỡ bạn bè nó tốn gấp mấy lần tiền làm visa=)) Visa đi Trung Quốc thì trước nay mình vẫn làm ở Nam Thanh, địa chỉ 51 Đào Duy Từ. Nếu ở xa bạn chỉ cần gửi hồ sơ theo đường chuyển phát nhanh, không cần lên tận nơi, lúc nhận cũng vậy cực kỳ tiện lợi. Hồi mình làm là tháng 8-2019 nên giá vẫn là 80$. Còn bây giờ các bạn sẽ phải làm đắt hơn, khoảng 100-110$ gì đó do lệ phí cấp visa của Trung Quốc tăng sau khi mở Trung tâm dịch vụ visa.
4/ Các apps cần thiết:
Thực tế thì nếu nhóm bạn có một chiếc Apps phiên dịch chạy bằng cơm (như nhóm mình) thì mấy apps phiên dịch cũng chả cần thiết lắm. Nhưng nếu ù ù cạc cạc thì nên tải về phòng lúc cần dùng. Tuy nhiên cũng nên an tâm bởi Lệ Giang, Côn Minh và Shangri-la mình thấy người có thể nói tiếng Anh cũng hơi hơi nhiều, không đến mỗi mù tịt đâu.
+ Wechat: Ôi thôi để mà nói về sự bá đạo của Wechat có mà cả ngày. Người Trung Quốc họ làm mọi thứ trên Wechat luôn. Bọn mình cũng trao đổi với chủ khách sạn, chủ tour Ngọc Long Tuyết Sơn, lái xe taxi… hoàn toàn trên Wechat. Chỉ có một hạn chế là bây giờ muốn lập tài khoản Wechat bạn cần được một người Trung Quốc nhập mã giới thiệu thì mới kích hoạt được. Cố mà tìm cách có tài khoản nhé, quan trọng đấy )
+ 有道翻译官: App để dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh. Bạn có thể dịch giọng nói, văn bản, thậm chí chụp ảnh mặt chữ, nó sẽ phiên sang ngôn ngữ bạn chọn. Cái này cực hữu ích khi xem thực đơn gọi món ăn nhé )
+ BaiduMap: App chỉ đường, chỉ sử dụng nếu có tên các địa danh bằng tiếng Trung nhé.
+ App VPN, Betternet: app để vượt tường vào Facebook, Google… Mặc dù mua sim quốc tế không bị chặn, nhưng khi bạn dùng mạng wifi thì vẫn bị chặn nên cứ tải về nhé.
5/ Các địa danh bằng tiếng Trung (cực kỳ cần thiết):
Đừng bao giờ giơ cái địa chỉ bằng tiếng Latin ra trước mặt người Trung Quốc, họ đánh cho đấy. Đùa thôi chứ người Trung Quốc họ không đọc được chữ Latin, giống như các bạn nhìn vào chữ Thái Lan vậy. Nên điều đầu tiên khi hỏi đường là đưa ra tên các địa danh bằng tiếng Trung. Mình đã tổng hợp sẵn, có đối chiếu từ nhiều nguồn trên Google và để ở đây, các bạn lưu vào điện thoại mà dùng nhé:
A/Shangri-la:
1. Shangri-la: 香格里拉县
2. Phố cổ Shangrila: 独克宗古城
3. Công viên Quy Sơn: 龟山公园
4. Tu viện Songzanlin: 松赞林寺
5. Bạch Thủy Đài: 白水台
B/Lệ Giang:
1. Lệ Giang: 丽江
2. Đại Nghiên cổ trấn: 大研古镇
3. Quảng trường Ngọc Hà: 玉河广场
4. Bánh xe nước lớn: 大水车
5. Đường lớn Tứ Phương: 四方街
6. Cầu Đại Thạch: 大石桥
7. Vạn Cổ Lầu: 万古楼
8. Mộc Phủ: 木府
9. Công viên Đồi Sư Tử: 狮子山公园
10. Công viên Hắc Long Đàm: 黑龙潭公园
11. Thúc Hà cổ trấn: 束河古镇
12. Bạch Sa cổ trấn: 白沙古镇
13. Ngọc Long Tuyết Sơn: 玉龙雪山
14. Ấn tượng Lệ Giang: 丽江印象
15. Thung lũng Lam Nguyệt: 蓝月谷
6/ Các lưu ý nho nhỏ nhưng tác dụng to to:
– Sim 4G: Rất nên mua, mua từ Việt Nam mà cầm sang, mỗi người một cái dùng cho chủ động chả đáng bao nhiêu đâu đừng tiết kiệm. Mình mua sim của bác @Nguyễn Quang Hiển, loại China Unicom 8 ngày 7Gb tốc độ cao. Giá sim là 340k/chiếc, có giảm giá tuỳ vào độ lươn lẹo của bạn. Sim dùng ổn định, vào mạng rất nhanh kể cả lên vùng cao như Shangri-la mà không cần dùng tới VPN hay Betternet… Lưu ý là khi lắp sim xong, bạn phải bật chế độ roaming lên thì mới sử dụng được nhé chứ đừng vội bẻ sim )
– Giấy vệ sinh/giấy ăn: 2019 rồi nhưng mình vẫn chưa hiểu người Trung Quốc có thâm thù đại hận gì với giấy ăn/giấy vệ sinh? Trừ Lệ Giang thì nhà vệ sinh tương đối sạch sẽ tử tế, các nhà vệ sinh tại ga tàu, nhà hàng công cộng đều là một niềm đau, nếu nhịn được thì cố mà nhịn vì siêu bẩn và không có giấy đâu nên đi đâu nhớ mà cầm giấy theo. Các quán ăn thì có quán sẵn giấy, có quán không có giấy, có quán thì có giấy nhưng bán (vâng bán 3 tệ một gói giấy)… nên cũng cứ là mua giấy khô giấy uớt giắt vào người nếu không muốn phải chùi mồm vào áo 🙂
– Đồ ăn: Nói chung đồ ăn Trung Quốc không dành cho số đông người Việt mình vì tương đối nhiều dầu mỡ, cay, mặn… Đồ ăn của Vân Nam thì không đến nỗi kinh dị như đợt trước mình đi Hồ Nam, nhóm mình lại ăn thùng uống vại nên thấy cũng ngon. Đồ ăn nhanh kiểu KFC này kia cũng có nên bạn không cần phải mang lương thực dự trữ từ Việt Nam sang đâu cho nặng người. Mình cũng sẽ giới thiệu một số quán ăn ngon cho bạn nào chịu khó vào đọc review từng ảnh trong album, bạn nào lười thì bye )
– Thuốc: Mọi người hay căn dặn loaị thuốc quan trọng nhất là thuốc chống sốc độ cao. Nhưng nhóm mình lại chả có phản ứng gì, kể cả hôm đi Ngọc Long Tuyết Sơn mấy đứa trong nhóm chúng nó cười hô hố hô hố từ chân núi lên đến đỉnh nào mà vẫn khoẻ như voi=)) Tuy nhiên để đề phòng thì bạn cứ mua thôi chứ mỗi người mỗi khác. Ngoài ra là men tiêu hoá, thuốc tiêu chảy cho những ai bụng dạ yếu. Rồi thi trà gừng, thuốc giảm sốt… thừa còn hơn thiếu nhé.
– Đổi tiền: Đợt mình đi thì tỉ giá là 3280 (100 tệ ăn 328k). Bạn ở Hà Nội thì ra Hà Trung đổi, còn ở Hải Phòng thì ra Hùng Lệ ở Lương Khánh Thiện. Một lưu ý là bạn nên đổi dư tiền ra nhé cho chủ động. Vì thẻ visa hay master card hầu như là vô dụng ở Trung Quốc. Nhóm mình hôm cuối thiếu tiền mua sắm, may mà ở Côn Minh có một chi nhanh Bank of China có nhận đổi tiền USD, tuy nhiên thủ tục rất lâu.
– Quần áo: Thời tiết đợt mình đi là cuối thu, Shangri-la tương đối lạnh, Lệ Giang lạnh vừa, Côn Minh thì hơi nóng nên bạn đừng mang quần áo quá dày mà hãy mang đồ nhiều lớp để nếu nóng thì cởi ra. Kiểu như một áo giữ nhiệt, một áo len, một áo khoác… À mang quần áo tông ghi, đỏ hoặc nâu đất chụp ảnh bao đẹp nhé…
– Ga tàu: Bạn nên đến ga Hà Khẩu hôm đầu tiên sớm chút và đổi tất cả vé tàu trong cả hành trình thành vé cứng, những lần sau chỉ việc lôi vé ra thôi không phải xếp hàng đổi nữa. Tàu bên Trung Quốc chạy chuẩn từng phút, và bạn phải lên tàu trước 20p nên nhớ bố trí thời gian nhé, đừng đi sát quá là ở lại đấy.
7/ Lịch trình
Lịch trình thực tế của mình có hơi khác các bạn khác. Mình chọn đi Shangrila trước rồi mới vòng về Lệ Giang để không phải đổi khách sạn nhiều lần, cũng như tận dụng được tôí đa thời gian. Thời gian ở mỗi nơi mình nghĩ là vừa đủ để thong dong khám phá, chứ không phải đi lấy thành tích.
– Ngày 25-10-2019: 4 cháu bé lên xe khách từ Hà Nội đến thẳng Lào Cai, có mặt ở Lào Cai lúc 12h trưa. Làm thủ tục nhập cảnh xong lên chuyến tàu lúc 18h12 giờ Trung Quốc ở Hà Khẩu và đến Côn Minh lúc 21h50p. Đợi ở ga đến 23h25 thì lên tàu đêm đi Lệ Giang.
– Ngày 26-10-219: Tầm 9h20p sáng đến Lệ Giang, di chuyển đến bến xe bus Lệ Giang để mua vé Lệ Giang – Shangrila. Ăn uống tại bến xe rồi 11g30 lên xe. Chiều đến Shangrila ăn chơi khám phá phố cổ.
– Ngày 27-10-2019: Khám phá tu viện Songzanlin. Chiều tối lại về phố cổ ăn chơi.
– Ngày 28-10-2019: Sáng dậy trả phòng, mua vé xe về Lệ Giang lúc 11h. Về đến nơi là hơn 3h chiều, nhận phòng khách sạn xong đi ăn uống khám phá phố cổ.
– Ngày 29-10-2019: Dành nguyên một ngày lang thang khắp các con đường trong Đại Nghiên cổ trấn. Chiều lên Vạn Cổ Lâu chọn một quán cafe để ngắm hoàng hôn Lệ Giang.
– Ngày 30-10-2019: Đi núi Ngọc Long Tuyết Sơn, xem show Ấn Tượng Lệ Giang và thăm thung lũng Lam Nguyệt.
– Ngày 31-10-2019: Thăm Thúc Hà cổ trấn, Bạch Sa cổ trấn rồi về ăn tối, chuẩn bị ra bến tàu. Đi chuyến tàu đêm lúc 22h40p về Côn Minh
– Ngày 1-11-2019: Đến Côn Minh lúc 9h sáng, bắt taxi về khách sạn cất đồ sau đó dành cả ngày đi chơi và mua sắm ở phố đi bộ Nanping. Tối về khách sạn ngồi bar làm cốc bia cho chill chia tay Trung Quốc.
– Ngày 2-11-2019: Trả phòng rồi ra ga đi chuyến tàu 11h17p về Hà Khẩu. 15h chiều đến nơi, dừng ở siêu thị ngay sát cửa khẩu để mua nốt ít quà cáp. Nhập cảnh về Việt Nam, mua vé xe về Hà Nội lúc 17h chiều, 21h tối có mặt ở bến xe Mỹ Đình, kết thúc chuyến đi.
8/ Tổng kết:
Chuyến đi này nhóm mình mỗi người chi tiêu cơ bản hết khoảng 13 triệu đồng, bao gồm cả tiền visa, di chuyển, ăn ở, đi lại. Nhóm mình không đi quá tiết kiệm mà toàn ở chỗ đẹp, ăn toàn chỗ ngon, ăn vặt bét nhè ) Trung bình mỗi bữa ăn chính hết khoảng 200-250 tệ cho 4 người, chỗ ở thì khoảng 700k/phòng đôi một đêm. Trung Quốc không dễ đi, nhưng cũng không quá khó và đáng để bạn trải nghiệm đấy. Điều quan trọng là phải chuẩn bị thật kỹ, tin mình đi, trước khi đi phải lên Facebook, Google đọc 124956586 bài review vào. Đọc, chắt lọc thông tin và hỏi lại những điều còn thắc mắc cho đến khi thông suốt. Cuối cùng là nhấn mạnh, Lệ Giang là nơi vô cùng (chữ vô cùng*3) đáng đến, hết dịch rồi thì xách balo lên đi ngay và luôn nhé các bạn
#checkinvietnam #checkin #shangrila #legiang