Tôi vốn yêu thích nghệ sĩ Chí Trung với vai Táo Giao Thông trong Táo Quân. Tuy nhiên, tôi và một số người lại khó đồng cảm với status mới đây của ông:
“Tại sao đàn bà đẹp thường kết hôn với đàn ông không ra gì? Vì đàn ông thông minh không bao giờ cưới đàn bà đẹp”.
Một đồng nghiệp tôi yêu quý muốn dùng câu chuyện này để SV phân tích trong bài giảng về giới. Tận dụng cơ hội này, chúng ta cùng thử đóng vai SV nghiêm túc, để cùng nhìn xuyên qua chất “triết lý” của câu nói.
Làm như vậy, ta có thể chỉ ra các khuôn mẫu và định kiến đã ăn sâu bén rễ vào từng câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt, từng suy nghĩ tự động không suy xét, từng thái độ theo kiểu quán tính, từng hành vi vô thức … vốn rất khó nhận dạng trong cuộc sống hàng ngày nếu ta không chủ động dừng lại để tự vấn và soi vào.
—
Thoạt đầu, câu nói triết lý này dường như phản ánh định kiến dân gian về những kiếp hồng nhan bạc mệnh. Phụ nữ xinh đẹp thì có số phận xấu xí. Tuy nhiên, đó không phải do Trời già ghen ăn tức ở, mà là do phụ nữ xinh đẹp phải xếp sau đàn ông về quyền lựa chọn.
Trong câu triết lý đó, hôn nhân chỉ có một “chủ thể CHỦ ĐỘNG” duy nhất, đó là ĐÀN ÔNG – người có khả năng chủ động chọn lựa để cuộc sống của mình tròn đầy.
Phụ nữ chỉ được nhắc tới với vai trò THỤ ĐỘNG. Cuộc sống của họ là HỆ QUẢ sau khi đàn ông đã lựa chọn XONG. Nói cách khác, họ ngồi im CHỜ đàn ông chọn vợ xong, rồi mới đến lượt họ chọn chồng.
Bởi đàn ông thông minh chỉ chọn những cô gái có nhan sắc xấu xí hoặc tầm thường, nên sau khi chờ đàn ông đã chọn xong, những phụ nữ xinh đẹp không còn lựa chọn nào khác là cưới những gã đàn ông “ngu lâu” còn sót lại sau lựa chọn đó.
Theo câu triết lý này, cuộc sống của phụ nữ có hạnh phúc hay không phụ thuộc vào sự lựa chọn của đàn ông. Bởi họ chỉ “ăn thừa” những người đàn ông kém cỏi đã bị chọn lọc tự nhiên (đàn ông thông minh) gạt xuống hàng thứ cấp.
—
Nối với ý thứ nhất, không những đàn ông chọn xong vợ mới đến lượt phụ nữ chọn chồng. Đó còn là đàn ông TINH HOA (aka “thông minh”) chọn xong vợ mới đến lượt những người đàn ông “ngu lâu còn lại”.
Sự phân hóa xã hội kiểu này được xây dựng trên nền tảng đề cao “tính nam bá quyền” (hegemonic masculinity). Đó là khi những người đàn ông “tinh hoa” được quyền lựa chọn phụ nữ TRƯỚC TIÊN. Đặc quyền của họ phải được đáp ứng đủ đầy trước khi người đàn ông có trí tuệ kém cỏi hơn được quyền chọn vợ.
Tính nam bá quyền là thuật ngữ chỉ những quy chuẩn nam tính chi phối, lấn át, thống trị xã hội. Nó giải thích cho sự khuất phục của không những phụ nữ mà cả những người đàn ông không sống theo hệ quy chuẩn kiểu “con đực đầu đàn”. Ở gốc rễ của vấn đề, tính nam bá quyền vượt ra ngoài phạm vi nam nữ, trở thành một khung lý thuyết để hiểu về sự bất bình đẳng quyền lực trong toàn xã hội, nơi nạn nhân là cả phụ nữ và đàn ông, nhất là cộng đồng LGBT+.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, ở những xã hội nơi tính nam bá quyền được đề cao thì sẽ có nhiều hơn khả năng xảy ra nội chiến, xung đột, và các vấn đề xã hội. Những người đàn ông thiếu may mắn, ít cơ hội tìm được hạnh phúc cho riêng mình có thể trở thành một phần của bất ổn xã hội và nạn nhân của chính những bất ổn ấy.
Một ví dụ điển hình là ở các quốc gia dư thừa quá nhiều đàn ông (như Trung Quốc, Ấn Độ, tương lai là Việt Nam) sẽ có nhiều nam giới phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Ví dụ, họ phải dựa một phần vào nguồn phụ nữ từ những hoạt động buôn bán người phi pháp.
Chính vì thế, câu triết lý nói trên thật ra hơi thiếu logic, và có thể khiến rất nhiều đàn ông, gồm cả các đại gia hay chính khách tai to mặt lớn phải giật mình. Nếu vợ họ xinh đẹp, phải chăng do họ bản chất là ngu ngốc, là nạn nhân của tính nam bá quyền trong tầng lớp đàn ông alpha male?
Câu nói ấy cũng có thể khiến chính tác giả đưa mình vào thế việt vị. Ông hoặc là phải nhận bản thân “không ra gì”, hoặc phải công nhận rằng bạn gái hiện tại của mình “không hề xinh đẹp”, hoặc ông sẽ phải coi cô muôn đời là “tình nhân” mà không bao giờ có thể trở thành một người vợ.
—
Như vậy, cả hai khía cạnh đàn ông (thông minh hay ngu ngốc) đều đã được đề cập. Vậy còn đàn ông đẹp trai và xấu trai? Vậy còn phụ nữ thông minh thì sao?
Trong câu triết lý ở trên, phụ nữ không được gắn với khía cạnh trí tuệ. Đàn bà – hay một nửa thế giới loài người được gắn với khía cạnh “nhan sắc”. Người đàn ông thì “có khôn có dại”, nhưng người phụ nữ thì chỉ “có xinh có xấu” mà thôi.
Khuôn mẫu giới này vừa (1) gạt đàn ông ra ngoài những quan tâm và nhu cầu chính đáng của họ về vẻ bề ngoài, vừa (2) nhấn mạnh giá trị của phụ nữ ở phần da thịt. Khuôn mẫu khiến ta vô thức quên rằng phụ nữ cũng là người, cũng có một bộ não, và đàn ông cũng là người, cũng muốn mình bảnh bao, đẹp đẽ.
Không ai có thể chối cãi là IQ của nam nữ tương đương nhau. Tuy nhiên, khi đề cập đến tình yêu, hôn nhân, hay các mối quan hệ xã hội, đàn ông dường như bị “mất mặt”, họ xấu đẹp không quan trọng vì giá trị của họ hay bị đánh đồng với độ dày của cái ví tiền. Còn phụ nữ dường như bị “mất não”. Họ trở thành một thực thể nhục dục, thụ động chờ đàn ông chấm điểm giá trị của mình dựa trên sự xinh xấu của thịt da, và sau đó “bị” lựa chọn.
Đó là lý do tại sao trong câu triết lý ở trên, đàn ông đẹp hay xấu không hề được nhắc tới.
Đó là lý do tại sao trong câu triết lý ấy, phụ nữ thông minh cũng trở nên vắng mặt. Nếu đàn ông thông minh biết cách chọn hạnh phúc, chẳng lẽ phụ nữ thông minh không biết cách chọn chồng? Không lẽ họ chỉ biết ngồi yên nhìn đàn ông chọn xong rồi chấp nhận những ông chồng hạng hai? Không lẽ họ mất khả năng dùng chính sự thông minh đó để quyến rũ đàn ông thông minh?
Khi một bạn comment hỏi Chí Trung về số phận của phụ nữ thông minh, ông trả lời rằng họ “KHÓ CÓ HẠNH PHÚC”.
Đó là vì hạnh phúc của đàn bà là hệ quả của sự chọn lựa XONG XUÔI của đàn ông. Đàn bà là kẻ “ăn thừa” sau khi đàn ông đã chọn xong.
Suy ra từ câu triết lý này, đàn bà dường như không thể hạnh phúc, kể cả khi họ có sắc đẹp và trí tuệ. Nếu họ xinh đẹp thì họ bất hạnh vì chồng họ chỉ là chỉ là một kẻ trong đám “đàn ông chẳng ra gì” còn sót lại. Nếu họ có trí tuệ thì họ bất hạnh vì không thể đành lòng sống với đàn ông “chẳng ra gì”.
Nhẽ ra, nếu có một cuộc cạnh tranh về việc tìm bạn đời, thì đó phải là cuộc cạnh tranh giữa những kẻ thông minh (bất kể nam nữ), chứ không phải giữa đàn ông thông minh và đàn ông ngu dốt. Phụ nữ ở đâu trong cuộc cạnh tranh ấy? Bởi công cuộc tìm đôi đâu chỉ xoay quanh con đực và những cuộc chiến dành quyền giao phối?
Và cuối cùng, kẻ thực sự thông minh có thể sẽ không cạnh tranh tìm bạn đời dựa trên những tiêu chuẩn cứng nhắc như “đàn ông thông minh nên lấy đàn bà xấu xí”. Nếu thực sự thông minh, họ sẽ lựa chọn dựa trên sự PHÙ HỢP với từng hoàn cảnh riêng biệt của bản thân.
—
Tạm ngừng sự nghiêm túc, thật ra, câu triết lý của Chí Trung có thể xuất phát từ ý tốt.
Có thể ông chỉ muốn nói rằng đàn ông thông minh thì không coi trọng da thịt đàn bà. Tuy nhiên, có lẽ do bản thân cũng là nạn nhân của khuôn mẫu giới, ông đã vô thức tiếp tục giữ những khuôn mẫu ấy trong câu nói, thành ra tự mâu thuẫn với chính ý tốt (nếu có) của mình. Câu nói ấy khiến không ít đàn ông thông minh + phụ nữ vừa thông minh vừa xinh đẹp bỗng nhiên phải nhìn lại “nhan sắc” và “phẩm chất” người bạn đời của mình. Họ rất có thể cảm thấy câu triết lý ông đúc kết về người vợ, người chồng của mình (xấu người/ xấu nết) hình như hơi… kém duyên.
Có thể ông chỉ muốn chia sẻ một quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, ông có thể đã quen miệng mà vô tình “vơ đũa cả nắm” bằng cách dùng DANH TỪ CHUNG “đàn ông/ đàn bà” để đúc kết cuộc sống hôn nhân của toàn thể thế giới loài người, dùng câu chuyện RIÊNG của chính cá nhân mình để đánh giá CHUNG toàn nhân loại.
Có thể ông có ẩn ý về mối quan hệ Nga-Ukraine (!) như dòng trạng thái ám chỉ. Có thể ý ông muốn coi Ukraine là một cô gái xinh đẹp. Và cô ta không có lựa chọn nào khác là phải lấy một ông chồng ngu xuẩn (tức là Nga)? Kể cả khi Ukraine muốn ly hôn để đến với những ông chồng thông minh hơn (nhập EU và NATO) thì ông chồng hiện tại (Nga) cũng sẽ đánh cho tan xác vì nó vốn là một thằng đốn mạt “chẳng ra gì”?
Cũng có thể, vì ông là một nghệ sĩ hài trong Táo Quân, câu triết lý ấy vốn là có ý hài hước cho vui, “tào lao” và “câu view” (như chính lời ông nói trong comment). Nếu vậy, câu nói ấy “hài” hước hay “hề” hước hẳn phụ thuộc vào khẩu vị thẩm định của mỗi người.
Hài hước là một chỉ số đáng tin cậy của trí thông minh. Người hài hước thường là người thông minh (nhưng không nhất thiết ngược lại). Chính vì thế, “hài” khác với “hề”. Một nghệ sĩ hài (comedian) thường phải là người có tư duy tốt, khả năng bao quát và nhạy cảm để nhìn ra được lằn ranh mong manh giữa “hài hước” và “phản cảm”. Họ phải tài trí đến mức có thể khiến khán giả dù bị chọc tức hay chế giễu mà vẫn cứ phải cười.
Đó là lý do Táo Quân trở thành một chương trình nơi hài hước chính là vũ khí để dân đen mỗi năm một lần được xả vào mặt các quan chức vô trách nhiệm, làm họ điên tiết mà cũng chỉ có thể cười trừ.
Đó là lý do tổng thống Ukraine là “diễn viên hài” chứ không phải “thằng hề”. Ông đến từ một gia đình bố là giáo sư, mẹ là kỹ sư, vợ là kiến trúc sư, bản thân ông có chuyên ngành luật, Dù quan điểm về ông xấu tốt ra sao, không thể phủ nhận series truyền hình (đã có phụ đề tiếng Việt trên Youtube) “Đày tớ nhân dân” (Servant of People) của ông khá là xuất sắc.
Theo: Nguyen Phuong Mai