Khi xã hội ngày càng phát triển thì những thú vui của trẻ nhỏ cũng phát triển theo, với những ba mẹ có điều kiện muốn con được đầy đủ theo ý nó muốn thì không biết bao nhiêu là đủ, còn với gia đình khi từ nhỏ đã phải mưu sinh như gia đình của Liên, An trong truyện thì việc ngồi bên ngoài trên chiếc chõng kẽo kẹt hóng gió, đợi tàu đêm qua cũng là 1 niềm vui cuối ngày rồi. Và chính chúng phải bán hàng thay mẹ hay chứng kiến sự vất vả để kiếm sống của mọi người xung quanh mới tạo ra sự đồng cảm, cảm thông.
Tôi đã từng đọc “Hai đứa trẻ” với tư cách là đứa trẻ, và giờ với tư cách là mẹ của 2 đứa trẻ. Tôi vẫn còn nhớ, trong kí ức mình là hình bóng 2 đứa bé ngồi đợi tàu đêm, nghe thấy tiếng còi vang báo hiệu và ánh đèn xanh le lói từ đằng xa. Những kí ức đơn thuần về hình ảnh và những âm thanh mường tượng ấy tạo cho tôi một thói quen đến bây giờ: đếm toa tàu mỗi khi đợi tàu qua. Còn cảm nhận của bây giờ ư, một mớ suy nghĩ hỗn lộn thông qua một câu hỏi: có phải chính ta đã cướp đi quyền được hạnh phúc đến từ những điều đơn giản của con?