*Bối cảnh
Những năm từ 1887 tới 1893 là thời kỳ nước Pháp gia tăng lấn chiếm các vùng đất của Xiêm, cũng như ý đồ xâm lược nước này. Đụng độ chủ yếu trong thời kỳ này là thông qua một cuộc chiến ủy nhiệm ở Lào. Nhưng phía Xiêm lại có một điểm yếu chí tử: kinh đô Bangkok của họ nằm ngay gần cửa sông Chao Phraya, trong khi quân Pháp lúc đó có hải quân khá mạnh. Lo ngại hải quân Pháp, từ năm 1887 Xiêm đã ráo riết chi mạnh tiền hiện đại hóa hải quân. Tàu chiến và pháo đài được xây dày đặc trên các bờ biển vịnh Thái Lan, trong khi quân đội Xiêm được chuyên gia phương Tây đào tạo, chủ yếu là Anh và Đan Mạch. Và để cho chắc, thì Xiêm giao luôn chức Tư lệnh Hải quân Xiêm cho đô đốc André du Ples de Richelieu – người Đan Mạch. Chính André du Ples de Richelieu đã khuyên vua Xiêm rằng: ”có đầu tư đến đâu thì tàu chiến Xiêm vẫn sẽ thua Pháp, và Pháp chỉ mất nửa ngày để đưa tàu từ Sài Gòn tới phong tỏa Bangkok”. Thay vào đó, ông đề xuất xây nhiều pháo đài ven biển để phòng ngự. Ngay sát kinh đô Bangkok, nơi sông Chao Phraya đổ ra biển là huyện Paknam, tỉnh Samut Prakan. Ở cửa sông đó, quân Xiêm cho xây một pháo đài cực lớn, lấy tên là ”Pháo đài Phra Chulachomklao”. Loại pháo chủ yếu dùng là Wigger Armstrong 6 inch nhập từ Anh (nay vẫn còn).
*Chuẩn bị
Như một hành động để gây sức ép với Xiêm, đầu tháng 7 năm 1893 Pháp cho 3 chiến hạm tiến vào gần cửa sông Chao Phraya. Nếu đi ngược sông sẽ lên kinh thành Bangkok của Xiêm. 3 tàu của Pháp gồm: pháo hạm Comete, thông báo hạm Inconstant và tàu hơi nước Jean Baptiste Say. Có lẽ Pháp định khiêu khích, chỉ cần quân Xiêm mắc bẫy là sẽ có cớ tấn công xâm lược. Ngày 13/7/1893, hạm đội Pháp đến thả neo ngoài khơi huyện Paknam, tỉnh Samut Prakan của Xiêm.
Phía triều đình Xiêm lúc này sợ đánh sẽ tạo cớ cho Pháp xâm lược, nhưng cũng lo nếu tàu Pháp theo sông Chao Phraya đến kinh đô sẽ chống đỡ không kịp. Do vậy, quân Xiêm tính cách: đừng cho nó vào sông là được. Thế là quân Xiêm cửa ít nhất 5 chiến hạm ra đi lòng vòng trước mũi tàu Pháp để nó không vào được cửa sông. Hai bên cứ thế vờn nhau nhiều giờ.
Bất ngờ, đến khoảng 5 giờ chiều trời nổi mưa bão lớn. Tàu Xiêm không còn nhìn thấy tàu Pháp. Lúc này, quân Pháp nhờ mua chuộc được một tàu hoa tiêu địa phương của Xiêm, đã dẫn hạm đội Pháp vượt qua mưa bão lẫn tuyến phòng thủ của hạm đội Xiêm mà không bị phát hiện. Khoảng 6h15 chiều, khi tạnh mưa thì hạm đội Xiêm tá hỏa khi biết tàu Pháp đã vượt qua từ lâu, đang tiến thẳng vào cửa sông.
*Hải chiến
Quân Xiêm lúc đầu chủ quan vốn không hề ban lệnh cho các pháo đài bờ biển. Khi thấy tàu Pháp tiến đến gần, ban đầu lính Xiêm định theo ý triều đình, không dám bắn tàu Pháp. Ngay cả công sứ Đan Mạch gần đó cũng lệnh cho đô đốc người Đan Mạch chỉ huy quân Xiêm là André du Ples de Richelieu không được can thiệp. Nhưng, André du Ples de Richelieu không chịu rút lui hèn hạ như thế. Vậy là ông chạy khắp các pháo đài dọc bờ biển, lệnh cho lính Xiêm giương nòng pháo lên nhằm thẳng vào tàu Pháp.
Lúc 6h30 chiều ngày 13/7/1893, pháo Xiêm đồng loạt nã vào hạm đội Pháp. Quân Xiêm cũng thả tàu mang bom và bắn ngư lôi. Nhưng trình độ chiến đấu yếu kém của quân Xiêm nhanh chóng thể hiện. Tàu mang bom đi trượt mục tiêu, ngư lôi thì nổ sớm. Pháo bắn từ bờ nhiều nhưng chẳng trúng tàu Pháp bao nhiêu. Toàn bộ chỉ làm chết được 3 lính Pháp và phá được tàu hoa tiêu của ngư dân dẫn đường cho Pháp.
Các tàu Pháp thấy đạn bắn dày thì chuyển bơi ngược ra khơi cướp các chiến hạm Xiêm. Quân Xiêm trên các chiến hạm thì vốn được chủ trương không được đánh khiêu khích trước nên khi bị tấn công thì bị động, không kịp chống trả. Lính Pháp ôm súng lên cướp được nhiều tàu Xiêm, nhưng không thể lái nên phải bỏ lại. Trong lúc quay về, thì tàu hơi nước Jean Baptiste Say bất ngờ bị mắc cạn. Nhưng pháo hạm Comete và thông báo hạm Inconstant tiếp tục luồn lách qua làn đạn để vào cửa sông. Đến tối ngày hôm đó, lợi dụng đêm tối, tàu Pháp tập kích vào một số đơn vị quân Xiêm trên bờ, giết nhiều lính lẫn dân thường Xiêm, làm rối loạn quân Xiêm ở đó. Xong việc, họ tiếp tục ngược dòng Chao Phraya, và đến 10 giờ đêm hôm nó, 2 tàu chiến Pháp đã đến đậu trước tòa Công sứ Pháp ở Bangkok.
*Kết quả
Với việc 2 tàu chiến Pháp hiên ngang bơi đến kinh đô không gặp nhiều trở ngại, vua Xiêm biết rằng mình không thể chống lại sức mạnh hải quân phương Tây. Vì thế, ngay sau sự cố Paknam ngày 13/7/1893, phía Xiêm đã nhanh chóng đồng ý kí kết các hiệp ước thau thiệt với Pháp, cắt ngay và luôn Lào và tả ngạn sông Mekong ở Campuchia cho Pháp. Đó chính là bước cuối cùng, đánh dấu Pháp chinh phục hoàn toàn Đông Dương.
Tổng cộng, Pháp chỉ có 3 lính chết, 2 bị thương trong sự cố Paknam. Phía Xiêm chết gần chục người, hạm đội bị phá hủy gần hết. Tàu hơi nước Jean Baptiste Say bị mắc cạn bị lính Xiêm bắt nhưng sau đó công sứ Pháp cũng gây sức ép để thả họ ngay. Xiêm còn phải bồi thường 3 triệu Franc cho Pháp vì ”gây hấn”. Tổng kết sự kiện Paknam, là một thất bại lớn cho Xiêm, mất người, mất tiền, mất đất, danh dự cũng chẳng còn (đất mình phải để cho một ông Đan Mạch đánh hộ),… nhưng đổi lại thì cũng giữ được độc lập. Pháp sau vụ Paknam kết thúc việc lấn chiếm đất đai của Xiêm, đến năm 1907 còn trả cho Xiêm 2 tỉnh Chanthaburi và Trat.
