Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) đã lên đến mức xấu.
Đối với người dân ở Hà Nội và TP.HCM, ô nhiễm không khí đã trở thành một cảnh tượng quá quen thuộc. Trước đó, ứng dụng Air Visual, với tính năng theo dõi chất lượng không khí toàn cầu, cũng cho thấy Hà Nội là nơi ô nhiễm không khí nhất thế giới vào ngày 3/1/2025.
Các chỉ số hiển thị cũng cho thấy mức độ ô nhiễm này vượt qua cả những điểm nóng về mức độ ô nhiễm không khí của thế giới gồm các tên tuổi từ Delhi của Ấn Độ hay Lahore thuộc Pakistan trên bản đồ ô nhiễm toàn cầu.
Câu chuyện buồn này cũng không có tiến triển khá hơn khi tới sáng 7/1/2025, Hà Nội đã xác lập một “kỷ lục buồn” khi trang tổng hợp hơn 30.000 trạm quan trắc không khí trên toàn thế giới (IQAir) xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới với chỉ số chất lượng không khí (AQI) 235.
Mùa hè năm ngoái, tôi có cơ hội được chọn làm phiên dịch cho một sự kiện liên quan chủ đề giám sát ô nhiễm không khí. Nhờ đó, tôi mới tận mắt thấy các hình ảnh, tận tai nghe câu chuyện những đứa trẻ bị hen suyễn, về các triệu chứng sẽ được thuyên giảm khi các em tránh xa những con đường đông đúc.
Năm 2013, một bé gái 9 tuổi bị hen suyễn đã tử vong vì ô nhiễm không khí, trở thành người đầu tiên trên thế giới có ô nhiễm được ghi trên giấy chứng tử.
Các dữ liệu chính thức được Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc UNEP cho thấy, hơn 90% trong số 2,5 tỷ người dân trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á hít thở không khí mà Tổ chức Y tế Thế giới coi là không an toàn. Không khí ô nhiễm trầm trọng là nguyên nhân gây ra sự khó thở, dẫn đến hàng triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Ông Dechen Tsering, giám đốc khu vực và đại diện của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tại Châu Á và Thái Bình Dương khẳng định: “Ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà khu vực Đông Á và Đông Nam Á đang phải đối mặt ngay lúc này”.
Dòng khí tất cả chúng đang đang hít thở không bị phân chia bởi các bức tường và ranh giới quốc gia, ranh giới địa lý mà chúng ta dựng lên. Các nhà khoa học ví von, đây là kẻ hủy diệt giấu mặt, kẻ hủy diệt vô hình.
Không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, gây tổn thương gan và thận, ung thư và trầm cảm, làm tăng các tình trạng dị ứng và hen suyễn. Nhưng sự quan tâm về mức độ nguy hại của nó chưa thật sự lớn.
Hãy lấy một ví dụ, khi đến một nhà hàng, nếu món ăn có dính tóc hoặc vài hạt bụi, người ta dễ dàng hét toáng lên. Điều này cho thấy, người ta rất cẩn trọng với những thứ đưa vào cơ thể.
Vậy mà, có rất ít người thực sự quan tâm câu chuyện ô nhiễm không khí, dòng khí chúng ta hít vào thở ra để duy trì sự sống hằng ngày? Không quan tâm, ít quan tâm, hay là bất lực bởi họ nghĩ rằng, có quan tâm cũng không làm cho câu chuyện tốt hơn lên?
Ô nhiễm không khí đe dọa tất cả chúng ta, nhưng tác động không như nhau. Nếu bạn thuộc nhóm thu nhập thấp đến trung bình, rủi ro phơi nhiễm của bạn sẽ cao hơn.
Như đã nói ở trên, ngay cả trước khi một đứa trẻ được sinh ra, ô nhiễm không khí có thể đi qua nhau thai và làm gián đoạn sự phát triển và tăng trưởng của em bé. Tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể làm tăng khả năng sảy thai của phụ nữ.
Như vậy, hiểu về ô nhiễm không khí thôi là chưa đủ. Than trách từ câu chuyện bên tách cà phê đến những tự sự trên mạng xã hội cũng chưa đủ. Vì chúng ta cùng chung dòng khí, hít thở chất lượng không khí như nhau, nên chúng ta cần phải chung tay thay đổi theo hướng tích cực và tìm giải pháp khả thi.
Điều đầu tiên cần bàn đến đó chính là việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Nhận thức của chúng ta về không khí được nâng cao nhờ đại dịch. Đại dịch gần đây đã chỉ ra hướng đi này cho ngành công nghiệp và những nỗ lực giữ cho không khí của chúng ta trong lành nên được tiếp tục.
Một giải pháp rất quan trọng nữa cần được nhắc đến đó là cần có nỗ lực phối hợp giữa các bên liên quan. Các chuyên gia y tế, các tổ chức giáo dục, các sở ngành, viện nghiên cứu và Chính phủ phải hợp tác với nhau để giải quyết tác động lâu dài của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe thể chất và nền kinh tế.
Lấy một ví dụ tại Ấn Độ. Người ta nhận thấy, mặc dù cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn, vẫn có hy vọng về câu chuyện sẽ chuyển hướng tốt lên.
Đó là do có ứng dụng Sameer của chính quyền trung ương Ấn Độ. Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí theo thời gian thực đã xác nhận rằng xếp hạng chất lượng không khí của Delhi thực sự “rất kém”, phản ánh tác động lan rộng của khói bụi.
Do vậy, Ấn Độ đã rất nỗ lực trong việc giảm thiểu mức độ ô nhiễm bằng cách thực hiện các biện pháp như kiểm soát khí thải từ xe cộ, cấm đốt rơm rạ và khuyến khích sử dụng nhiều nguồn nhiên liệu sạch hơn…
Cũng cần nhấn mạnh thêm một gợi ý quan trọng về giải pháp khả thi. Đó là những bài học kinh nghiệm, sáng kiến thành công từ các nước đã đi trước để Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi.
Trung Quốc đã biến cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí thành cơ hội – giảm khói bụi trong khi thúc đẩy đổi mới công nghệ sạch và dẫn đầu về khí hậu toàn cầu. Việt Nam cũng có thể tham khảo có chọn lọc và cũng có thể làm như vậy nếu phù hợp.
Bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo, phát triển công nghệ sạch và thực thi các tiêu chuẩn khí thải chặt chẽ hơn, chúng ta cũng có thể đạt được không khí sạch hơn và nền kinh tế xanh phát triển mạnh mẽ. Đó vừa là về sức khỏe, vừa là về việc định vị vị thế cho các đô thị trọng điểm của Việt Nam trong việc tìm ra lời giải của bài toán toàn cầu mang tính bền vững.
Khi những tiếng thở dài vì chất lượng không khí còn vang lên, khi người dân ở cả Hà Nội, TP.HCM vẫn vật lộn để thở, vật lộn với cuộc khủng hoảng chất lượng không khí ngày càng gia tăng, điều quan trọng là phải xem xét các giải pháp đã được chứng minh là hiệu quả ở những nơi khác. Tất nhiên, bối cảnh thì khác nhau, nhưng định hướng chiến lược thì rất đáng chú ý.
Người Trung Quốc, từng phải “vật vã” vì bầu trời đầy khói bụi, đã có một nghiên cứu điển hình hấp dẫn. Năm 2013, khi đối mặt với tình hình tương tự như Hà Nội và các đô thị bị ô nhiễm trầm trọng, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành “Kế hoạch hành động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí” toàn diện.
Kế hoạch đầy tham vọng này, bắt nguồn từ các nguyên tắc phát triển bền vững và sức khỏe cộng đồng, mang lại những bài học tham khảo, có định hướng tích cực, có giá trị cho Việt Nam khi chúng ta đang nỗ lực vạch ra con đường phù hợp để hướng tới không khí trong lành hơn, một cuộc sống xanh hơn.