Tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, chúng ta ai cũng có lúc tự hỏi liệu bản thân có đang làm đủ tốt, có đang đi đúng hướng, có đủ khả năng để đối phó với mọi bất trắc có thể xảy đến hay không? Cảm giác nghi ngờ bản thân thường xuất hiện khi chúng ta cảm thấy thiếu tự tin về những quyết định và lựa chọn mà chúng ta đã đưa ra, thấy không đủ khả năng thực hiện những việc cần phải làm hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy rằng chúng ta chưa đủ tốt. Hệ lụy là việc đó khiến chúng ta nhiều lúc không nhận ra được hết tiềm năng của bản thân. Dưới góc nhìn của mình, sự nghi ngờ bản thân là bình thường. Chúng ta không đơn độc, có rất nhiều người, cả những người nổi tiếng, thành công hay giàu có cũng không tránh khỏi trải nghiệm cảm giác này.
Nếu như chúng ta ở trong vòng an toàn của mình, chúng ta sẽ không bao giờ nảy sinh cảm giác nghi ngờ về bản thân. Mọi việc cứ diễn ra đều đều theo thói quen. Mọi thứ gần như nằm trong sự tính toán, tầm kiểm soát của chúng ta. Chúng ta không thể tiến bộ nếu chỉ làm những việc dễ dàng, quen thuộc như vậy.
Chỉ khi bước ra ngoài và chấp nhận rủi ro chúng ta mới trở nên dễ bị tổn thương, mới cảm thấy nghi ngờ chính mình. Đó có thể là khi chúng ta thử một điều mới hay ở giữa những con người, môi trường làm việc hay môi trường sống mới. Có một câu nói nổi tiếng rằng “Nếu bạn là người thông minh nhất trong phòng thì thực sự là bạn đã ở nhầm chỗ,” vậy nếu chúng ta cảm thấy mình là người kém cỏi nhất trong phòng, vậy thì hãy ở yên đó, chúng ta đang ở đúng chỗ rồi đó. Bởi vì điều này có nghĩa là chúng ta đang đối mặt với những thách thức và chúng ta sợ thất bại cùng với vô vàn những nỗi sợ khác. Nhà phê bình bên trong chúng ta bắt đầu lên tiếng: “Mình không thể theo kịp họ được đâu,” “Việc này vượt quá sức của mình,” v.v… Nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng đối mặt với thất bại là một điều gần như không thể tránh khỏi. Khi chúng ta thành công thì thất bại sẽ loanh quanh trực chờ ở một góc khuất nào đó và sẵn sàng nhảy bổ ra bất kỳ lúc nào. Vậy thì thay vì nghĩ rằng “Mình sẽ thất bại trong việc này thôi,” hãy chuyển sang suy nghĩ rằng “Mình sắp học được điều gì đó.” Việc này thúc đẩy chúng ta nhìn lại, đặt câu hỏi về các kết quả đã đạt được, thử nghiệm các chiến lược mới, có cái nhìn khách quan và cởi mở với nhiều cách thức giải quyết vấn đề khác.
Chúng ta học bằng cách thử và thất bại và thử lại. Giống như thời còn thơ bé, chúng ta học thông qua làm. Một đứa bé đang bò muốn tập đi, đứng dậy, ngã, và sau đó lại đứng dậy một cách không mệt mỏi. Đây là một tiến trình học hỏi tự nhiên, nó được thúc đẩy bởi sự tò mò, sự khát khao và khám phá.
Khi còn bé chúng ta học theo cách tự nhiên như vậy, nhưng khi chúng ta đi học, hệ thống giáo dục đã hình thành trong chúng ta suy nghĩ rằng học và làm là hai quá trình tách biệt, học diễn ra trước làm. Chúng ta cần phải học thuộc lòng lý thuyết trong một lĩnh vực nào đó, sau đó chúng ta mới đủ điều kiện để thực hành những gì chúng ta đã học vào thực tế. Nhưng thực tế không hoàn toàn giống như vậy, học đi đôi với hành. Như đã nhắc đến ở trên, chúng ta học thông qua việc thử, thất bại, rồi lại tiếp tục.
Cuối cùng thì thế giới này còn rất nhiều điều chờ đợi chúng ta khám phá. Đừng để sự nghi ngờ bản thân ngăn cản chúng ta có cơ hội học tập những điều mới. Thử, chưa đạt được kết quả như mong muốn (thậm chí thất bại), thử lại. Dần dần chúng ta sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân và những người khác. Khẳng định được khả năng của bản thân trong một lĩnh vực nhất định, rồi lại tiếp tục khám phá, học hỏi những điều mới, lại tiếp tục nghi ngờ bản thân và lại thử. Hãy sử dụng việc nghi ngờ bản thân như một dấu hiệu chỉ dẫn tới các cơ hội học tập và tận dụng mọi cơ hội mà chúng ta có thể.