“Đừng sống một cách lãng phí” – Đây là khẩu hiệu quen thuộc mà tôi thấy xuất hiện trong nhiều video truyền cảm hứng. Thường những người sáng tạo nội dung sẽ bắt đầu bằng bí quyết của sự phát triển (hoặc bất cứ điều gì họ cho là như vậy), và sau đó chia sẻ câu chuyện cá nhân: Những câu chuyện về người đã khám phá ra điều tuyệt diệu ở giai đoạn sau này của cuộc đời. Tôi nghe dạng nội dung này vô số lần, và lần nào nó cũng làm tôi nổi hết da gà.
Mọi người thường nói: “Không tin nổi là mình đã lãng phí nhiều thời gian của cuộc đời như vậy để làm x trong khi đáng lẽ nên làm y.”
Và sau đó sẽ là lời kêu gọi hành động: “Đừng lãng phí cuộc đời bạn thêm nữa. Đừng dành thời gian (hoặc tiền bạc) vào những thứ không mang lại kết quả”.
Lí do tôi không hài lòng với cách suy nghĩ trên là sự nhấn mạnh vào việc không để cuộc sống ‘trôi qua vô ích’. Và trong khi ý tưởng về việc áp dụng thay đổi vào lối sống của bạn có thể truyền cảm hứng, tất cả có thể chỉ tồn tại trong chốc lát, và rất nhanh chóng được thay thế bằng cảm giác tội lỗi.
Tại sao nhỉ?
1. Nếu bạn chỉ dựa hoàn toàn vào động lực, bạn đang tự chuẩn bị cho thất bại. Điều này không hẳn là tệ, nhưng đó là điều quan trọng cần nhận ra khi bạn bắt đầu hành trình với những điều quan trọng với mình.
2. Trong thời đại ngày nay, rất hiếm khi ai đó cảm thấy hài lòng với vị trí hiện tại của mình. Luôn có những điều chúng ta ‘có thể’ làm tốt hơn. Có thể bạn nên dành nhiều thời gian hơn để tập luyện violin hồi 8 tuổi. Có lẽ bạn nên học được 4 ngôn ngữ trước khi lên 10. Hay bạn cảm thấy mình đã phung phí tiềm năng thể thao bởi quá chú tâm vào sách vở hoặc trò chơi điện tử. Dù gì đi nữa, không ai xuất sắc ngay từ đầu, và rất ít người cảm thấy họ đã làm đủ.
3. Sự phát triển là một quá trình, không phải là một trạng thái cố định. Nói rằng bạn ‘phí hoài’ cuộc sống của mình là phủ nhận những cố gắng của bạn trong suốt thời gian qua. Tôi đã có cảm giác không đủ giỏi từ thời thơ ấu. Liệu có người sẽ nói với một học sinh lớp 5 rằng nó không làm được nhiều điều có ích trong cuộc sống? Rằng nó đã lãng phí tiềm năng của mình? Rằng nó đang làm mọi việc sai hướng? Có lẽ chẳng ai sẽ nói thế cả.
Vậy làm sao để biết liệu bạn còn đủ trẻ và đủ nhiệt huyết để bắt đầu một mục tiêu mới? Câu trả lời dĩ nhiên là: Bạn luôn có thể.
Stan Lee không viết một cuốn truyện tranh ăn khách cho đến khi ông gần 39 tuổi.
Toni Morrison viết tiểu thuyết đầu tay của mình lúc 40 tuổi, giành giải Pulitzer lúc 56 tuổi, và được trao giải Nobel khi 62 tuổi.
Martha Stewart không xuất bản cuốn sách nấu ăn đầu tiên cho đến khi bà 41 tuổi.
Julia Child không xuất bản cuốn sách dạy nấu ăn đầu tay cho đến khi bà 50 tuổi.
Betty White không nổi tiếng cho đến khi bà 51 tuổi.
Wally Blume, người sáng lập Denali Flavors (tạo ra kem Moose Tracks), không bắt đầu công việc kinh doanh của mình cho đến khi ông 57 tuổi.
Có vô số tấm gương tiêu biểu như trên, và nhiều người thậm chí bắt đầu đam mê của họ còn muộn hơn. Thật buồn cười khi nghĩ rằng chúng ta cần phải biết tất cả mọi thứ trong những năm 20 tuổi, hoặc năm 30 tuổi, hay thậm chí là năm 40. Nếu bạn vẫn còn sống và khỏe mạnh, bạn vẫn còn thời gian.
Đừng để mình sa vào vòng luẩn quẩn của cảm giác tội lỗi vì hoàn cảnh hiện tại. Bạn đã làm đủ rồi. Bây giờ không phải là lúc tiếc nuối, mà là thời khắc bạn cần chạy đà cho những mục tiêu tốt đẹp tiếp theo.