GỬI ĐẾN BẠN, NGƯỜI CÓ BUỒN ĐAU CŨNG CHẲNG THỂ RƠI NƯỚC MẮT / NGƯỜI KHÔNG THỂ KHÓC
“Dù buồn, dù cô đơn đến mấy tôi cũng không khóc. Phải cố mà chịu đựng chứ, làm sao mà phải khóc.”
Không biết từ khi nào xã hội của chúng ta đã hình thành định kiến ‘người mạnh mẽ sẽ không khóc’. Thậm chí đàn ông còn chỉ được phép khóc đúng ba lần: khi mới sinh ra, khi cha mẹ qua đời, khi cắn phải lưỡi. Ngoài ra, nếu lỡ rơi nước mắt, họ sẽ bị coi là kẻ yếu đuối, kém cỏi.
Càng lớn con người ta càng hà tiện với những giọt nước mắt. Xem phim buồn mà khóc thì xấu hổ lắm, nên ai cũng cố kìm nén để không khóc. Khi uất ức tức giận đến mức không thể chịu đựng nổi nữa, người ta vẫn cố cắn chặt môi để không cho nước mắt tuôn ra. Bởi bất cứ người trưởng thành nào cũng cho rằng khóc là yếu đuối, là đáng xấu hổ.
Khi cố an ủi một ai đó đang buồn rầu, ta cũng thường nói “Đừng khóc, phải cố vượt qua chứ”. Khi thấy một đứa trẻ vấp ngã trên đường, người lớn cũng thường chạy đến dỗ dành bằng câu “Nào! người mạnh mẽ thì không được khóc”.
Cứ cố giấu giếm, kìm nén những giọt nước mắt thì rốt cục ta sẽ trở thành người muốn khóc cũng không thể khóc nổi. Những giọt nước mắt ta cố kìm nén rốt cục sẽ quay lại tấn công ta
Có những người không thể khóc. Họ xấu hổ khi để người khác nhìn thấy bộ dạng mình khi đang khóc, họ cảm thấy bản thân mình trở nên quá yếu đuối, họ sợ rằng những giọt nước mắt vẫn kìm nén bấy lâu một khi tuôn ra sẽ khiến mình sụp đổ, nên họ cố cắn chặt răng ngăn không cho nước mắt rơi. Những việc như thế cứ lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ khiến đến một lúc nào đó họ có cố khóc cũng không thể khiến cho nước mắt rơi thêm một lần nào nữa.
Mọi người thường nghĩ rằng “Người mạnh mẽ không khóc”. Nhưng thực ra người không thể khóc mới là người yếu đuối. Họ thiếu khả năng bao bọc cho hình ảnh yếu đuối của bản thân mình nên mới cố tìm cách giấu nó đi. Họ cố khoác lên mình chiếc áo giáp để che đậy đi phần yếu đuối. Nhưng chiếc áo giáp đó lại làm bằng thủy tinh, nên khi phải đối mặt với cơn trầm uất không cách nào chịu đựng nổi, chiếc áo giáp ấy sẽ vỡ tan ra thành trăm ngàn mảnh vụn.
Nhà phân tâm học người Anh Harry Guntrip cho rằng, con người thà nhận mình là kẻ xấu xa còn hơn bị cho là kẻ yếu đuối. Tức là, để ngăn việc trải nghiệm bản ngã yếu đuối (weak self) của mình, con người tìm cách trở thành phiên bản xấu xa (bad self) của bản thân mình bằng cách trở nên hung hăng hoặc khiến mình cảm thấy tội lỗi.
Họ giấu thật sâu phần yếu đuối của mình vào bên trong, và thể hiện ra bên ngoài phần xấu xa, ngụy trang bằng cảm giác tội lỗi và sự giận dữ. Nếu để bảo vệ bản thân mà tách biệt hoàn toàn cảm xúc ra khỏi thái độ như thế này, thì rốt cục phần yếu đuối, bất lực sẽ cứ mãi trốn tránh ẩn nấp bên trong, còn nhân cách thể hiện ra bên ngoài sẽ trở nên xấu xa, sợ hãi và đầy giận dữ.
Người mạnh mẽ thật sự sẽ không che giấu hình ảnh yếu đuối của mình. Bởi họ đủ kiên cường để xử lý tình hình ngay cả khi hình ảnh yếu đuối của mình lộ diện. Họ thể hiện nguyên vẹn hình ảnh con người mình và để mọi việc diễn ra theo tự nhiên vốn có. Họ công nhận nỗi u buồn, sầu muộn, giải phóng chúng ra ngoài và vượt qua một cách lành mạnh.
Chúng ta khóc vì rất nhiều lý do khác nhau. Ta khóc khi buồn, khi vui, khi sợ hãi, khi đau đớn, khi oan ức, khi chia ly. Do vậy, cũng như cười, khóc là phương tiện quan trọng để ta thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh.
Nhìn từ khía cạnh phân tâm học, khóc giữ vai trò như chiếc ống xả để ta rửa sạch mọi giận dữ và công kích trong lòng. Một đứa trẻ sẽ vừa khóc vừa dậm chân vừa gào thét. Bằng cách đó, mọi sự tức giận, sợ hãi bên trong sẽ được thoát ra ngoài. Đối với người lớn, khóc là khi mọi cơ bắp trên cơ thể được xoa dịu. Khi khóc, dây thần kinh giao cảm hoạt động kém đi và dây thần kinh đối giao cảm được kích hoạt. Điều đó mang lại hiệu quả ngăn ngừa sự xuất hiện của các hành vi hay hoạt động mang tính công kích nguy hiểm. Thay vào đó, sự hung hăng, nỗi sợ hãi hay buồn bã được tống đẩy ra ngoài bằng thứ chất thải trong veo, chính là nước mắt. Vì thế khi khóc xong, ta sẽ cảm thấy cơ thể mình như được thanh lọc. Thêm vào đó, đứng trước một người đang khóc, cơn giận dữ sẽ lắng xuống, kích hoạt trong ta mong muốn được quan tâm, vỗ về người đó. Đó chính là hiệu quả làm nguôi ngoai sự kích động của đối phương.
Việc khóc còn mang có cả khía cạnh thích ứng. Khi chán nản hay buồn bã, sự công kích chưa được xử lý sẽ theo nước mắt chảy ra ngoài. Nhưng nếu ta cố ngăn nước mắt rơi dù vì bất cứ lý do gì, chức năng trung hòa và tống đẩy sự công kích cũng sẽ bị kiềm chế. Sự công kích không được đẩy ra ngoài sẽ tích tụ lại bên trong và đến một lúc nào đó sẽ tấn công ngược lại vật chủ. Điều đó sẽ khiến ta rơi vào trầm uất lúc nào không hay.
VẬY NÊN ĐỪNG BAO GIỜ CỐ CHE GIẤU CẢM XÚC CỦA MÌNH HAY KÌM NÉN ĐỂ KHÔNG KHÓC, VÌ ĐƯỢC KHÓC LÀ MỘT PHƯỚC LÀNH TRONG ĐỜI!
(Tài liệu và ảnh được trích từ cuốn Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn – Tác giả Kim Hae Nam)