Đối với Zhang Yu, Giáng sinh năm nay hoặc ngay cả Tết Nguyên đán sắp tới đều chỉ là những ngày tháng trôi qua bình thường. Cô gái 25 tuổi ở Thượng Hải đã quyết định dành những quãng thời gian này chỉ với bố mẹ và chị gái tại quê nhà, ở tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc, từ chối những buổi họp mặt gia đình lớn theo truyền thống.
Xu hướng cắt đứt quan hệ gia đình
Sự xa cách trong một thập kỷ đã làm cho Zhang cảm thấy cô khó gần gũi họ hàng, đến mức cô cảm nhận hầu hết thành viên trong đại gia đình như những người xa lạ. “Tôi hài lòng sống cuộc sống của mình mà không cần phải can thiệp vào cuộc sống của họ”, Zhang chia sẻ với Sixth Tone, cô công nhận quan điểm của mình có vẻ lạnh lùng nhưng khiến bản thân thoải mái.
Ngược lại, ở độ tuổi 20, Saumy Chen đã có một quyết định thậm chí còn “lạnh lùng” hơn. Cô thông báo với tất cả họ hàng bên nội rằng cô sẽ cắt đứt mọi quan hệ, ngoại trừ một người anh họ. Tuyên bố này được đưa ra trong một nhóm nhắn tin gia đình, trong bối cảnh bản thân cô cảm thấy tức giận và thất vọng. Sau đó, cô gái 20 tuổi xóa toàn bộ họ hàng khỏi danh bạ điện thoại.
“Mọi thứ đều sẽ tới lúc kết thúc, đặc biệt là với một mối quan hệ độc hại với họ hàng như tôi”, Chen nói. Cô cho biết bản thân và gia đình từ nhiều năm đã không con chung sống hoà thuận vì những bất đồng trong cuộc sống.
Trên khắp đất nước Trung Quốc, thanh niên ngày càng cảm thấy xa cách với gia đình, họ không còn nỗ lực duy trì mối quan hệ gia đình theo kiểu truyền thống như thế hệ cha mẹ.
Xu hướng định hình lại mối quan hệ gia đình như một phần của một mô hình rộng lớn hơn đang nổi lên trên khắp Trung Quốc, đặc biệt là trong thế hệ sau những năm 1990. Những người trẻ như Zhang dần chấp nhận sự xa cách này, trong khi những người như Chen quyết định cắt đứt quan hệ, cho rằng những mối quan hệ này không còn quan trọng nữa.
Người trẻ không mặn mà với họ hàng vì áp lực cuộc sống
Hiện tượng này, được gọi là “duanqin”, hay “mối quan hệ họ hàng bị rạn nứt”, đã thu hút sự chú ý rộng rãi từ tháng 5/2023 sau khi một bài đăng trên mạng xã hội của tạp chí Sanlian Lifeweek của Trung Quốc.
Bài đăng đã thu hút hơn 145.000 lượt thích và 1.400 bình luận trên nền tảng tiểu blog Weibo, nổi bật trong đó nói tới khoảng cách giữa các thế hệ. “Mối quan hệ họ hàng mà thế hệ đi trước bỏ công sức, tiền bạc để duy trì không được thế hệ trẻ đánh giá cao. Họ có xu hướng tránh so sánh và xung đột với người thân”, bài báo viết.
Một cuộc thăm dò được thực hiện trong cùng bài đăng, hỏi người đọc về lý do khiến không còn quan tâm đến gia đình. Gần một nửa trong số 116.000 người được hỏi coi đó là điều bình thường, cho rằng đó là do tiếp xúc hàng ngày ở mức tối thiểu, trong khi 43% khác tin rằng một số người thân chỉ đơn giản là “không đáng để ghé thăm”. Chủ đề này lại nổi lên gần đây, khi quyết định cắt đứt quan hệ với nhiều thành viên trong gia đình của một cô gái trẻ, được coi là cách để cô giải quyết chứng trầm cảm của mình.
Hu Xiaowu, phó giáo sư tại Đại học Nam Kinh, đã chú ý đến xu hướng gia tăng của duanqin trong một bài luận xuất bản năm 2022, trong đó ông nhấn mạnh sự phổ biến của nó ở những người sinh ra trong những năm 1990 và 2000. “Trong khi các thế hệ sau thập kỷ 70 và sau 80 vẫn quan tâm tới mối quan hệ họ hàng dù họ cũng thiếu liên lạc do xa cách lâu ngày và lịch trình bận rộn, thì thế hệ hậu thập niên 90 và sau thập niên 2000 lại mất kết nối với người thân của họ, cả về hành vi và cảm xúc”, Hu nói với Sixth Tone.
Bài luận của ông bao gồm một cuộc khảo sát, trong đó tiết lộ rằng hầu hết các cá nhân dưới 30 tuổi hiếm khi liên lạc với người thân của họ. Bên cạnh đó, không có sự tiếp xúc thường xuyên với người thân nào được ghi nhận ở những người dưới 18 tuổi, so với 19% những người ở độ tuổi 40 và 25% những người trên 50 tuổi.
Zhang coi mối quan hệ yếu đi của cô với anh em họ là sự phản ánh khoảng cách giữa cha cô và anh chị em của ông, những người đã chuyển đến nhiều thành phố khác nhau ở tỉnh Sơn Đông để lập gia đình. Những chuyến thăm ông bà hàng năm ở nông thôn trong dịp Tết Nguyên Đán đã giảm dần sau khi ông nội cô qua đời cách đây một thập kỷ.
Zhang nói: “Họ không giữ liên lạc thường xuyên và là đàn ông, họ thường ngần ngại bày tỏ cảm xúc của mình”. Điều này càng được nhấn mạnh khi gia đình cô biết tin về cái chết của người dì lớn nhất thông qua bên thứ ba mà không được mời đến dự lễ tang.
Chang Qingsong, phó giáo sư tại Trường Xã hội học và Nhân chủng học của Đại học Hạ Môn cho biết việc thu hẹp quy mô gia đình và sự xuất hiện của các cấu trúc gia đình mới, như các hộ gia đình có cha mẹ đơn thân hoặc các hộ gia đình có thu nhập kép nhưng không có con cái đã góp phần vào tình trạng đứt gãy quan hệ trong bối cảnh xã hội đô thị hoá và di cư.
Chang cho biết: “Điều này không chỉ bao gồm sự xa cách về mặt vật lý và giảm tương tác mặt đối mặt mà còn bao gồm sự xa cách về mặt cảm xúc, chẳng hạn như cảm giác xa lạ và không tin tưởng vào người thân, dẫn đến giảm khả năng tương tác”.
Cuộc sống hiện đại khiến giới trẻ bận rộn
Đô thị hóa ở Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong ba thập kỷ qua, đạt 65% vào năm 2022. Số người di cư trong nước cũng tăng mạnh, đạt 376 triệu vào năm 2020, từ 6,5 triệu vào năm 1982 và 221 triệu vào năm 2010. Đầu những năm 2000, thuật ngữ “thế hệ trôi nổi” được dùng để mô tả những người lao động trẻ nhập cư không còn ưu tiên kết nối với gia đình và quê hương ban đầu của họ. “Trong xã hội hiện đại, ảnh hưởng của những mối quan hệ thứ yếu như bạn bè, đồng nghiệp ngày càng gia tăng. Ngày càng có nhiều người có xu hướng ưu tiên kết bạn hơn là dành thời gian cho người thân”, Chang giải thích.
Yin Zitian, một sinh viên 23 tuổi thích nói chuyện với bạn bè qua mạng xã hội hơn là tham dự các buổi họp mặt gia đình, cho biết: “Internet đã cách mạng hóa các tương tác xã hội của chúng ta”. Yin chỉ gặp gia đình trong các lễ hội hoặc đám cưới, giải thích rằng sự dè dặt của cô bắt nguồn từ quá khứ gặp phải những cuộc gặp gỡ tiêu cực sau khi cha mẹ cô ly hôn và thái độ chỉ trích của người thân đối với những lựa chọn trong cuộc sống của cô.
Trong khi đó, Zhang cho biết cô cảm thấy như mình đang đóng vai một đứa trẻ hoàn hảo khi gặp gỡ người thân. Cô coi những cuộc tụ tập này như một “cuộc chiến vô hình”, nơi các bậc cha mẹ khoe khoang về thành tích của con cái họ, điều này càng khiến cô ngăn cản việc tìm kiếm mối liên hệ thực sự với người thân của mình.
Trong một cuộc thăm dò khác trên weibo, hơn 40% trong số 190.000 người được hỏi cho rằng “xung đột ý tưởng” là nguyên nhân chính làm suy yếu mối quan hệ gia đình, với gần một phần tư tin rằng họ có thể sống tốt nếu không có những kết nối này. Trên ứng dụng Xiaohongshu, người dùng thường xuyên thảo luận về những người họ hàng hống hách và chia sẻ chiến lược về cách quản lý những mối quan hệ này dưới hashtag “những người thân khó chịu” đã thu hút hơn 130 triệu lượt xem.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo trong nước Young Finance, giáo sư Hu lưu ý rằng mặc dù áp lực gia đình là phổ biến ở mọi thế hệ, nhưng giới trẻ ngày nay cảm nhận nó sâu sắc hơn cha mẹ họ. Nhưng thay vì tiếp thu sự tiêu cực hoặc tìm kiếm sự đồng cảm, họ đối mặt với áp lực một cách quyết đoán hơn, thường là thông qua internet.
Nhớ lại cuộc tranh cãi nảy lửa xảy ra sau quyết định cắt đứt quan hệ gia đình, Chen coi hành động của cô là một hình thức tự vệ cần thiết sau nhiều lần đau khổ về tinh thần. “Có lẽ thế hệ của chúng tôi đang ở trong một tình thế khó xử. Chúng tôi biết nguyên nhân cốt lõi của nhiều vấn đề, nhưng về mặt khách quan, chúng tôi có thể không giải quyết được chúng”, cô giải thích. Mặc dù một số người thân đã xin lỗi nhưng cô cảm thấy họ chưa bao giờ thực sự hiểu được những bất an trong lòng cô.
“Ở một mức độ nào đó, chúng ta hơi ích kỷ khi tập trung nhiều hơn vào bản thân và không học cách quan tâm nhiều đến người khác”, Yin trầm ngâm, cho rằng đó là “di sản” của chính sách một con. Là con một, những người như Yin thường nhận được sự quan tâm tuyệt đối của cha mẹ, điều này có thể làm giảm sự đánh giá cao của chúng đối với các mối quan hệ gia đình rộng lớn hơn.
Nhưng không phải tất cả các bạn trẻ đều cảm thấy tách biệt như vậy. Theo Yin, một số bạn bè của cô vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với đại gia đình của họ. Mặc dù tôn trọng sự gần gũi của họ nhưng cô không cảm thấy bị buộc phải thay đổi cách tiếp cận của mình. Cô nhận xét: “Việc cắt đứt quan hệ gia đình không nhất thiết là một điều xấu”.
Giáo sư Hu cho rằng mối lo ngại của xã hội về sự thay đổi trong tình cảm gia đình có thể đã bị cường điệu hóa, vì nó không gây tổn hại đáng kể cho xã hội. Ông tin rằng những thay đổi trong tương lai, đặc biệt là sau khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách một con, hoặc những thay đổi về di chuyển xã hội, có thể khôi phục lại mối quan hệ gia đình chặt chẽ hơn một cách tự nhiên.
Theo Zhang, không phải tất cả các mối quan hệ đều bị cắt đứt. Năm ngoái, một người anh họ đã mất liên lạc từ lâu đã tìm đến cô để hỗ trợ công việc học tập của anh ấy. Zhang nói: “Có vẻ như gia đình đã giúp anh ấy liên lạc với tôi. Đối với tôi, việc duy trì kết nối trong gia đình nên là một lựa chọn hơn là bắt buộc”.