Tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ đã cho chúng ta các kỹ thuật chế tạo chip mới, những ổ SSD nhanh hơn, hàng loạt ứng dụng của AI và machine learning. Tất cả đều góp phần giúp cải tiến và tăng hiệu suất của máy tính hiện đại.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Lancaster, UK, lại tiếp tục đẩy những công nghệ này lên 1 tầm cao mới với phát minh có tên UltraRAM – sự kết hợp hoàn hảo giữa những điểm tốt nhất của RAM và ổ cứng SSD. Về cơ bản, UltraRAM là 1 loại RAM có tốc độ cực nhanh và không xóa dữ liệu sau khi tắt máy.
Đa số chúng ta không còn xa lạ gì với ổ cứng SSD, và rất nhiều sản phẩm máy tính hiện nay đều đã được trang bị sẵn thiết bị này vì tốc độ đọc và lưu trữ dữ liệu tuyệt vời mà nó mang lại. SSD sử dụng bộ nhớ flash, có khả năng lưu trữ dữ liệu và không làm mất dữ liệu khi bạn tắt máy tính. Trái lại, nếu bạn, bằng 1 cách nào đó, lưu dữ liệu trên RAM, thì những dữ liệu đó sẽ bị mất đi khi máy tính tắt hoặc hết pin đột ngột.
Vì lý do này, RAM thường chỉ được sử dụng để lưu trữ dữ liệu một thời gian ngắn trước khi chúng được xử lý. Bất cứ khi nào bạn mở 1 file hay một phần mềm trên máy tính, dữ liệu sẽ được chuyển từ SSD (hoặc ổ HDD) đến RAM để quá trình truy cập có thể diễn ra nhanh chóng hơn. Dĩ nhiên, SSD cũng có thể đóng vai trò thay thế cho RAM, nhưng không ai làm như thế cả, bởi vì ngay cả những sản phẩm lưu trữ nhanh nhất hiện nay cũng khó lòng bì kịp với tốc độ của DRAM.
Đó là vì sao chúng ta sử dụng ổ cứng lưu trữ và RAM một cách riêng biệt: Một thiết bị giúp chúng ta lưu trữ dữ liệu trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm, trong khi thiết bị còn lại sở hữu tốc độ nhanh hơn, có thể đọc và ghi dữ liệu vào CPU trong nháy mắt, nhưng toàn bộ dữ liệu đó sẽ “bốc hơi” khi mất điện.
Báo cáo của các nhà khoa học tại Đại học Lancaster cho thấy UltraRAM là một phiên bản thế hệ tiếp theo của RAM có thể giải quyết dứt điểm những vấn đề nêu trên cũng như tận dụng tối đa ưu điểm của SSD và RAM: Tốc độ và khả năng lưu trữ lâu dài. Một ngày nào đó, phát minh này sẽ đóng cả 2 vai trò ổ cứng và bộ nhớ cho máy tính, và được gọi bằng tên chung là bộ nhớ “universal”.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “UltraRAM có thể lưu trữ dữ liệu trong hơn 1000 năm và độ bền không hề suy giảm trong hơn 10^7 chu kỳ ghi/xóa, cho thấy nó là bộ nhớ bất biến (non-volatile) và có khả năng lưu trữ lâu dài”.
Về cơ bản, UltraRAM tận dụng những đặc tính cụ thể của chất bán dẫn thường được dùng cho đèn LED và laser để vừa tạo ra sự dung hợp tuyệt vời giữa RAM/SSD, lại mang đến cơ hội sản xuất đại trà với chi phí tương đối thấp. Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu thành công, phiên bản hoàn thiện nhất có thể trở nên cực kỳ phổ biến và được dùng trong mọi loại thiết bị hiện nay, từ máy tính, đồng hồ thông minh cho đến những thiết bị console hay máy chủ dữ liệu. Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về bài nghiên cứu của Đại học Lancaster trong liên kết này.
Nghe hứa hẹn là vậy, nhưng chúng ta cũng không nên vui mừng quá sớm, bởi đây không phải lần đầu tiên các nhà nghiên cứu cố tìm cách trang bị cho RAM những đặc tính tốt nhất của ROM nói chung và SSD nói riêng. Những nguyên nhân dẫn đến các thất bại trước đây bao gồm chi phí sản xuất quá cao, tốc độ sản phẩm chậm hơn kỳ vọng hoặc kích thước sản phẩm quá lớn, không phù hợp với máy tính hiện nay.