Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 31/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế.
Đề xuất bỏ quy định trường học thu tiền mua Bảo hiểm Y tế
Góp ý vào nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành và các quy định có liên quan; bỏ quy định nhà trường thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh.
Đại biểu cho biết, theo phản ánh của một số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, một số giáo viên được giao nhiệm vụ này cảm thấy áp lực, nhiều lúc phải “năn nỉ” phụ huynh nộp, ảnh hưởng đến thời gian, tâm lý trong công tác giảng dạy.
Chưa kể đến việc không đạt được chỉ tiêu sẽ ảnh hướng đến đánh giá, phân loại thi đua khen thưởng, gây xung đột không đáng có giữa giáo viên và phụ huynh hoặc phụ huynh chậm nộp tiền không kịp thời mua bảo hiểm y tế làm ảnh hưởng quyền lợi học sinh.
“Bên cạnh đó, có phụ huynh chưa rõ được quy định cứ nghĩ nhà trường bán là nhà trường có lợi, có hoa hồng”, bà Thu Hằng nêu.
Để các thầy cô giáo chuyên tâm cho việc dạy học, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng trách nhiệm này nên được giao cho chính quyền địa phương, cơ quan bảo hiểm. Nhà trường chỉ có trách nhiệm cung cấp danh sách học sinh cho cơ quan bảo hiểm và thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh trong việc mua bảo hiểm y tế.
Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu để lựa chọn hình thức đóng phù hợp, có thể có phương án để học sinh được tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, trong đó vừa được nhà nước hỗ trợ đóng và được giảm trừ mức đóng theo thứ tự.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre thường xuyên nhận được ý kiến kiến nghị của cử tri đề nghị đối tượng này nên quy định theo hướng có quyền lựa chọn tham gia ở nhà trường hoặc theo hộ gia đình.
Bởi, theo quy định của luật hiện hành, đối tượng này nhà nước chỉ hỗ trợ 30% mức đóng; còn đối với đối tượng đóng theo hộ gia đình, người thứ hai chỉ đóng 70%, người thứ ba chỉ đóng 60%, người thứ tư đóng 50% và người thứ năm trở đi đóng 40%.
Đại biểu Yến Nhi cho biết, cả hai phương án Chính phủ trình hoặc quan điểm của Ủy ban xã hội đều có lợi cho đối tượng học sinh, sinh viên nên đề xuất giữ như dự thảo trình Quốc hội.
“Nếu chọn phương án cơ quan thẩm tra nêu, Chính phủ phải có cam kết tăng mức hỗ trợ của nhà nước lên ít nhất là 50%, để tránh trường hợp khi Luật thông qua rồi đến khi ban hành vẫn giữ như mức hỗ trợ cũ, đại biểu Quốc hội cũng không biết phải giải trình đối với cử tri như thế nào”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu quan điểm.
Tăng hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên
Quan tâm đến mục tiêu bao phủ Bảo hiểm Y tế toàn dân sớm đạt được, đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) góp ý xoay quanh vấn đề đối tượng tham gia Bảo hiểm Y tế đối với học sinh, sinh viên.
Đại biểu đề xuất bãi bỏ điểm d khoản 6 Điều 13 của dự thảo Luật, theo đó mở cho các em được đóng theo nhóm đối tượng hộ gia đình hoặc học sinh, sinh viên tại nhà trường.
Đại biểu cho rằng, mức đóng của học sinh, sinh viên bằng 4,6% mức lương cơ sở. Với mức đống này, đông đảo cử tri cho rằng vẫn cao so với thu nhập của họ. Do đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ theo quy định hiện hành.
Đồng thời đại biểu kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ ngân sách Nhà nước tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia Bảo hiểm Y tế. Bởi vì đây là một trong những tiền đề rất quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu bao phủ Bảo hiểm Y tế toàn dân.
Quan tâm tới quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là học sinh, sinh viên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo mà không để tự lựa chọn hình thức đóng. Như vậy sẽ kéo theo 2,8% số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia sẽ tham gia bảo hiểm y tế.
Nữ đại biểu đoàn Thái Bình bày tỏ mong muốn Quốc hội thông qua dự án Luật tại Kỳ họp này để Luật sớm có hiệu lực thi hành, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, qua đó sớm tháo gỡ, giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng như quyền lợi của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.