Câu chuyện này có liên quan đến đầm long – khu đầm lầy được người dân truyền tai nhau có giao long trú ngụ bên dưới.
Giao long dường như chỉ xuất hiện trong truyền thuyết và chưa từng có tài liệu nào chứng minh sự tồn tại của loài thủy quái này, vì vậy, những câu chuyện xung quanh giao long càng trở nên kỳ lạ và bí ẩn.
Lão Tất nói, thầy anh ta từng kể về một câu chuyện có liên quan đến giao long. Trong câu chuyện ấy, đích thân ông đã ra tay, thay đổi phong thủy cho một gia đình nọ, giúp họ trở nên giàu có gấp bội.
Câu chuyện này, xảy ra tại một thành phố nọ ở phía Nam Trung Quốc, nơi đây nổi tiếng với một cái đầm lầy thần bí, giống như từ trên trời rơi xuống vậy. Theo ghi chép trong lịch sử, vào những năm Thiên Bảo thời nhà Đường, một tảng đá nọ bỗng dưng nứt ra, từ kẽ nứt đó phun trào một dòng nước màu xanh đậm, dần dần lấp thành đầm lầy. Nghe đồn, nếu ném một viên sỏi xuống đây, lập tức nó cũng sẽ nhuốm màu xanh bích óng ánh, rất đẹp.
Người dân nơi đây cảm thấy vô cùng kì lạ, bèn nhảy xuống đào xem bên dưới có gì không, nhưng càng đào, dòng nước tuôn ra càng mạnh. Một lúc lâu sau, họ tìm thấy rất nhiều vòng sắt to ngang bắp tay, giống như mạng nhện, nối lại với nhau, cắm sâu vào vách núi, như chiếc chìa khoá đang giam giữ thứ gì đó bên dưới.
Nhận thấy mọi chuyện không đơn giản, dân chúng mời về một thầy phong thuỷ. Thầy phán không được đào tiếp, ở sâu dưới cái đầm này có một con giao long đang bị trấn áp, thứ nước tạo thành cái đầm này đều là nước dãi của nó. Hơn nữa, con giao long này đã thành tinh, người thường không cách nào có thể giết chết nó được, vậy nên một vị cao nhân nào đó đã dùng vòng sắt để trói nó lại, hao phí 1000 năm mới trấn áp được.
Thầy phong thuỷ còn nói, đây cũng là một cơ duyên hiếm có, bởi đợi khi giao long chết đi, linh khí ngàn năm tích tụ trong người nó sẽ tỏa ra, hoà vào núi trời vùng đất này, thời khắc đó, sẽ xuất hiện những bậc hiền tài xuất chúng!
Mọi người nghe vậy, liền xây một hội quán (nơi đọc sách, nghe giảng, học tập, hội họp của người xưa) để lấy may, hy vọng con cháu đời sau sẽ nhận được linh khí từ giao long mà nên người, thành tài. Quả nhiên sau đó, vùng này xuất hiện rất nhiều những nhân vật vĩ đại và tầm cỡ.
Tất nhiên, đây chỉ là những ghi chép trong dã sử (dòng văn chương mượn hiện tượng hoặc nhân vật lịch sử nào đó để khai triển nhân sinh quan của tác giả), không thể tin tưởng hoàn toàn, chỉ nên coi nó như một câu chuyện truyền thuyết dân gian mà thôi.
Nhưng Lão Tất cũng nói thêm, thầy anh ta từng kể rằng, đầm long lớn như vậy, quả thực có thể bảo vệ vùng đất nơi nó trú ngụ và sản sinh vô số nhân tài của nhiều năm về sau.
Tương tự, nơi nào sinh ra Hoàng Đế, vậy thì nơi đó cũng sẽ xuất hiện thêm một Chư Hầu. Ví như huyện Bái có Hoàng Đế Lưu Bang, sau này vùng đó lại có thêm “Ngũ Lý Tam Chư Hầu” (chỉ Vương Lăng, Chu Bột, Quán Anh: ba vị trọng thần thời Sơ Hán).
Thời trẻ, thầy của Lão Tất từng đi qua cái đầm long này, khi ấy ông bị thương nặng, được một gia đình gần đó cứu mạng. Sau đó ông quyết định ra tay trả ơn họ bằng cách “dẫn” long khí từ đầm long này về cho con cháu đời sau của gia đình họ.
Còn về việc làm sao “dẫn” được long khí vào nhà, Lão Tất nói mình cũng không rõ lắm, đại khái là sau khi giao long chết đi, linh khí của nó sẽ tỏa ra khắp nơi, người nào may mắn nhận được, sẽ được bổ sung thêm vận khí. Nếu chưa dẫn được toàn bộ long khí về nhà, vậy thì đồng nghĩa với việc, chắc chắn đang bị sinh linh nào đó ở gần đây cùng hút mất, lúc này, chỉ cần dùng một vài thuật pháp để dẫn về hết là được.
Thứ gọi là giao long, thực ra chính là một con rắn lớn đã thành tinh, vậy nên loài dễ gặp và hút được long khí nhất, chính là những con rắn tinh hay còn gọi là đại xà này.
Sau khi quan sát địa hình và đi hỏi chuyện người dân quanh đây, thầy của Lão Tất liền nghĩ ra một cách.
Mấy năm gần đây, vùng này lan truyền cách nói “đi giao”. Cách nói này khá phổ biến ở các vùng Hồ Bắc, Tứ Xuyên, chỉ những con rắn tinh ẩn sâu trong núi hoặc nước sâu, sau khi tu luyện một thời gian, trên đầu chúng sẽ có một dấu chấm màu đỏ rất to, đây chính là dấu hiệu đại xà chuẩn bị hoá “giao” (giao long/thuồng luồng).
Trong quá trình hoá giao, vào những ngày mưa to, nước dâng cao, chúng sẽ trôi theo dòng nước lần ra biển, hoá thành một con giao long thực thụ.
Cũng bởi đại xà vô cùng to lớn, do đó sẽ có những lúc chặn dòng nước lũ chảy qua vòm cầu, thậm chí gây vỡ đê, nước lũ ồ ạt đổ xuống, cảnh tang thương diễn ra khắp nơi. Vậy nên bên dưới những cây cầu đá lâu năm đều sẽ dựng ngược những cây kiếm sắc bén, được yểm bùa, dùng để giết những con đại xà hoá giao này. Nếu chúng chặn cầu hay gây chuyện ác cho nhân gian, những cây kiếm này sẽ cắm thẳng xuống và kết liễu con quái thú gian ác.
Người già ở vùng này kể, mấy năm nay, cứ mỗi mùa nước lũ, khi giao long đang trôi theo dòng nước xiết ra biển, kiếm trảm long ở dưới vòm cầu sẽ ngay lập tức chém chết chúng, nhuốm đỏ một dòng sông.
Thầy của Lão Tất gật đầu, bắt đầu làm phép mượn long khí. Pháp sự này khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Ông căn dặn gia chủ chuẩn bị 99 khúc gỗ. Nghe có vẻ nhiều, nhưng vào thời điểm đó, gỗ rừng bát ngát, chỉ cần thuê người tuỳ ý lên núi chặt về là được.
Tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, cũng là tháng hay xảy ra tai ương, đặc biệt là lũ lụt. Đợi tháng 7 đến, thầy Lão Tất liền đi men theo dòng nước chảy, sau khi xác nhận đúng địa điểm, liền bảo gia chủ kia mang 99 khúc gỗ ném xuống sông tại nơi ông chỉ.
Xong xuôi, ông quay về nhà họ, ngày nào cũng rượu chè, ca hát, không hề bất an hay vội vàng gì.
Gia chủ tuy rằng lo lắng, nhưng biết ông là cao nhân, nên không dám thúc giục.
Mấy tháng sau, thầy của Lão Tất lại dặn dò gia chủ chuẩn bị 3 con trâu lớn, đặc biệt phải là trâu cái, đẩy xuống sông một lần nữa.
99 khúc gỗ kia nghe có vẻ nhiều, nhưng thực ra không tốn là bao. Tuy nhiên, 3 con trâu lớn, đặc biệt lại còn vào thời khó khăn lúc bấy giờ, quả thực là một khoản tiền không hề nhỏ.
Gia chủ cũng có chút nghi ngờ, hỏi lại nhiều lần mới đành cắn răng cắn lợi sai người đi mua về 3 con trâu cái, đẩy xuống sông theo lời dặn.
Họ tưởng rằng, nếu mình đã bỏ ra nhiều công sức và của cải như vậy, thì ông thầy kia chắc hẳn cũng phải bắt đầu động tay động chân làm gì đó rồi. Nhưng, không ngờ rằng, ngày nào ông cũng chơi bời, rảnh rỗi vẽ tranh uống rượu, đi khắp nơi lần kiếm cổ vật.
Mặc dù gia đình này kính trọng ông thật, nhưng dần dần cũng trở nên khó chịu.
Đến cuối tháng 8 năm sau, gia chủ lại tìm đến thầy của Lão Tất, hy vọng ông có thể nhanh chóng cải vận cho họ. Ông bấm đốt tay tính toán, nói thời cơ cũng sắp đến rồi, sai họ chuẩn bị 5 con lợn cái, 5 con cá trích lớn giống cái và 7749 con gà mái già, tiếp tục quăng xuống sông là được.
Lần này họ không đồng ý làm theo, hỏi ngược lại, cớ sao lại cứ bắt họ vứt gia súc xuống sông? Ông lắc đầu nói, thiên cơ không thể tiết lộ. Tuy nhiên, mấy con vật này, không vứt xuống cũng được, không gây ảnh hưởng lớn tới đại cục, chỉ là không đủ hoàn hảo mà thôi.
Gia chủ liền hỏi: “Nếu không vứt chúng xuống thì sẽ ảnh hưởng như thế nào?”
Ông đáp: “Nếu vứt xuống, con cháu sẽ được hưởng danh lợi trăm bề. Còn nếu không, cơ bản vẫn đạt được lợi ích, chỉ là danh tiếng bị vấy bẩn mà thôi.”
Gia chủ có chút lo lắng: “Chịu tổn hại về danh tiếng, có khi nào là tiếng xấu lưu danh ngàn đời không?”
Ông cười lớn nói: “Không đâu, chỉ là sẽ phải mang danh “phong lưu” thôi, nói không chừng mấy chuyện đấy còn khiến nhiều người ngưỡng mộ mà ghen tức đỏ mắt không chừng.”
Gia chủ liền yên tâm mà nói: “Nếu như vậy thì… Nhà chúng tôi cũng không phải hạng giàu có gì, vậy nên có lẽ sẽ không vứt gia cầm, gia súc xuống nữa.”
Ông gật đầu, bảo họ chuẩn bị một cái thuyền gỗ, chất đầy những nhánh cây bồ kết lên thuyền, sau đó đợi đến khi màn đêm buông xuống thì chèo thuyền ra giữa sông, làm phép khiến nước sông dâng lên, phong ấn hang giao long, thay đổi vận thế, cắt đứt nhân quả.
Mặc dù Lão Tất nói rất đơn giản, nhưng tôi lại không hiểu cho lắm, liền hỏi lại anh ta, cái chuyện dẫn long khí về nhà này là sao? Mấy thứ như gỗ, trâu, lợn là gì? Người đời sau tổn hại thanh danh, cụ thể là như thế nào?
Lão Tất trả lời, mấy điều này anh ta cũng đã từng hỏi thầy mình. Ông đáp, 99 khúc gỗ là cho giao long xây hang ổ. Bởi, giao long rất để tâm đến việc xây dựng bố trí hang ổ của mình, nó nhìn thấy những thanh gỗ tốt như vậy, nhất định sẽ cắp vào sâu trong núi cao hoặc đầm nước rộng lớn, dùng gỗ chồng lên thành từng tầng, vô cùng kỳ công. Một khi giao long xây xong ổ, sẽ khó mà rời đi, như vậy mới có thể dễ dàng tìm thấy chúng.
Còn mấy con trâu cái, lợn cái đều là để cống cho giao long “giao phối”. “Dâm khí” của giao long rất nặng, truyền thuyết “Long sinh cửu tử” cũng để ngụ ý việc “giao phối” bừa bãi của giao long với các loài sinh vật khác và cho ra đời sau có nhiều hình hài khác nhau, như với trâu cái thì sinh ra Đặc Long, lợn cái sinh ra Trai Long.
Như vậy dần dần sẽ tiêu hao hết “dâm khí” trong người nó, để con người có thể tiếp nhận nhiều “chính khí” (khí tiết ngay thẳng của các bậc anh hùng) hơn, điều này cũng nhằm mục đích tốt, giúp ích cho con cháu của gia đình nhận khí.
Lão Tất kể, trước khi rời đi, thầy của ông từng nói với gia chủ rằng, ông dẫn long khí đi như vậy là trái với ý trời, hậu quả tất nhiên sẽ do ông gánh chịu, nhưng để an toàn hơn, nhà họ vẫn nên chuyển đi chỗ khác, tốt nhất là cắt hết liên lạc với những người trong dòng tộc, đợi sau khi con cháu phát đạt thành tài, thì quay trở về nhận tổ quy tông.
Cuối cùng, tôi hỏi Lão Tất, vậy con cháu đời sau nhà họ có giàu có phát đạt hay không?
Lão Tất tự hào nói: “Thầy tôi đích thân ra tay, sai thế nào được!”
Tôi vội vàng hỏi tiếp: “Thế con cháu nhà họ có mang danh “phong lưu” không?”
Lão Tất đáp: “Phải gọi là vang tiếng một vùng ấy chứ.”
Sau đó anh ta có nhắc đến tên người đó. Lúc này, tôi mới ngây người nhận ra, ban đầu còn cảm thấy câu chuyện này không đáng tin lắm, tuy nhiên sau khi tra cứu kỹ càng, mới phát hiện ra quả đúng là như vậy.
Có điều, không biết chỉ là trùng hợp, hay thực sự do gia chủ năm xưa không nỡ vứt mấy con gia súc xuống sông mà thành ra cơ sự như ngày hôm nay.
– HẾT –