GIẢ VỜ CHĂM CHỈ

08:30: Bạn thức dậy trong khi phòng ký túc vẫn đang chìm trong bóng tối, các bạn cùng phòng của bạn còn đang ngủ nên bạn đánh răng rửa mặt nhẹ nhàng, ăn một cốc sữa chua yến mạch, sau đó trang điểm và mặc đồ thật đẹp để chuẩn bị ra ngoài.

09:00: Bạn chuẩn bị xong và đến phòng tự học, tìm một nơi ít người rồi ngồi xuống. Sau đó việc đầu tiên bạn làm là mở điện thoại lên. Bạn vui vẻ nghĩ: “Ôi 9 giờ 10 phút, mình giỏi quá đi, hôm nay lại là một ngày dậy sớm chăm chỉ học bài”. Đột nhiên, bạn nhớ ra hôm nay chưa xem lượt tương tác trên Weibo, thế là bạn mở Weibo ra, có hơn 100 lượt likes. Bạn nghĩ: “Thế này cũng khá ổn” và bạn tiện tay lướt xem trang chủ Weibo, thả tim vlog mới của idol. Bạn cứ lướt mãi lướt mãi, vèo cái đã qua nửa tiếng, thấy phòng tự học ngày càng đông, bạn cuối cùng cũng bỏ điện thoại xuống. 

09:40: Bạn chính thức bắt đầu một ngày học hành chăm chỉ. Bạn nghĩ: “Mình giỏi thật đấy!” rồi mở quyển sách tiếng Anh ra bắt đầu học thuộc từ mới. Học được một lúc thì ý thức của bạn bắt đầu mơ hồ, hai mắt díp lại với nhau. Bạn lại tự nói với bản thân: “À đúng rồi, tối qua mình thức khuya học bài, hay giờ mình ngủ một lúc rồi tí dậy học tiếp nhỉ?” và thế là bạn gối đầu lên sách để ngủ. 

10:30: Bạn thấy mình nghỉ ngơi cũng đủ rồi nên lại cầm sách tiếng Anh lên tiếp tục học thuộc từ mới, cuối cùng thì lần này bạn có thể học bài mà không bị phân tâm rồi. Thời gian trôi đi, trong phòng tự học người đến người đi mà bạn vẫn còn ngồi ở đây nên bạn tự thấy mình thật chăm chỉ.

11:30: Sau một tiếng có thể tạm coi là tập trung học bài, bạn xem điện thoại và nghĩ: “Đã 11 rưỡi rồi, phải ăn trưa thôi, nay ăn gì giờ nhỉ?”. Bạn mở app đặt đồ ăn, lướt lên lướt xuống, mãi chẳng chọn được món nào. Bạn lại nghĩ: “Thôi đành vậy, lại ăn cơm thôi”. Đặt đồ ăn xong, bạn tắt điện thoại, tiếp tục học bài trong lúc đợi cơm.

12:30: Bạn sắp đói lả cả người rồi, đợi mãi cuối cùng đồ ăn cũng đến, bạn cất sách vở vào cặp, vội vàng về ký túc xá.

13:00: Bạn ăn trưa xong thì quyết định ngủ trưa một lúc, bạn nghĩ: “Đằng nào thì sáng mình cũng dậy sớm thế cơ mà”. Đặt xong báo thức lúc 14 giờ 30, bạn chuẩn bị ngủ trưa. NHƯNG trước khi ngủ thì phải làm gì nhỉ? Tất nhiên là lướt điện thoại rồi!!! Thế là bạn lại mở Weibo, xem xem lượt likes tăng bao nhiêu, có ai ra vlog mới không. Lướt mãi lướt mãi thế mà đã 14 giờ rồi, cuối cùng bạn cũng tắt điện thoại bắt đầu ngủ.

14:30: Báo thức vang lên, nhưng bạn vừa mới bắt đầu ngủ làm sao nỡ ra khỏi chăn cơ chứ. Nên là, bạn tắt báo thức, ngủ thẳng đến 4 giờ chiều.

16:00: Bạn thức dậy, xem đồng hồ thì thấy lại sắp đến giờ cơm mà trong phòng cũng chỉ có một bạn đang học thuộc Triết thôi. Thế là bạn nghĩ: “Thôi giờ cũng muộn rồi, không đến phòng tự học nữa, mình cũng học Triết đi, mai thi rồi”. Và thế là, trong phòng ký túc nhỏ, tư tưởng của các vĩ nhân được đọc đi đọc lại rất nhiều rất nhiều lần.

18:00: Đồ ăn bạn đặt đã đến, đúng lúc bạn cùng phòng cũng về gần đủ rồi. Bạn nghĩ: “Đây là lúc mình có thể ăn uống và thư giãn một chút”.

19:30: Cả phòng ký túc cùng nhau học bài, chăm chỉ học thuộc để chuẩn bị cho kì thi Triết học ngày mai. Mọi người nói với nhau: “Nhiều nội dung thế này tối nay làm sao mà học hết được”. Cả phòng cười đùa nhộn nhịp nên không lúc nào là bạn có thể tập trung học bài được. Lúc thì bạn ăn cái này cái kia, lúc thì đi gội đầu, lúc thì giặt quần áo, mãi một lúc sau bạn mới quay lại bàn tiếp tục học bài. Cả phòng cùng ôn thi đến 12 giờ đêm, cả phòng cuối cùng cũng yên tĩnh lại. Các bạn cùng phòng bảo bạn ngủ sớm đi, miệng bạn thì nói: “Thôi thôi, ngủ gì mà ngủ, đã học xong đâu mà ngủ.” nhưng trong lòng thì nghĩ: “Ôi mình cũng học từ chiều rồi, thôi chả sao đâu, kiểu gì cũng qua môn thôi mà”.

00:30: Bạn nhìn bạn cùng phòng lần lượt đi ngủ, hoặc nằm trên giường lướt điện thoại, bạn lại thấy lo lắng: “Không được, mình phải ôn xác suất, ngày kia thi rồi”. Thế là, bạn lại ngồi dậy, bật đèn bàn, lấy vở ra, vừa xem bài giảng trên mạng vừa ghi chép lại. 1 giờ 30 sáng, cuối cùng, bạn cũng chuẩn bị đi ngủ.

Bạn nói bạn không chăm chỉ à? Không đâu, bạn rất chăm chỉ rồi mà. Bạn thức khuya dậy sớm, bạn học Triết mấy tiếng liền, bạn còn thức khuya để ôn xác suất, sao có thể nói bạn không chăm chỉ được chứ?

Đúng thế, bạn đã rất chăm chỉ, nhưng bạn đã thực sự nỗ lực chưa?

Bạn chưa thật sự nỗ lực đâu, lúc học thuộc từ mới thì trong đầu bạn chỉ nghĩ đến bài viết trên Weibo của mình có thêm bao nhiêu lượt likes, lúc học thuộc Triết thì bạn lại buôn chuyện với bạn cùng phòng. Mà nếu có thì chỉ có khoảng thời gian thức khuya học xác suất thì bạn mới thực sự tập trung học bài. Bạn nghĩ mình đã ôn rất kỹ môn Triết rồi, nhưng mà, thực tế đã dội cho bạn một gáo nước lạnh. Bạn tự tin bước ra khỏi phòng thi, nhưng khi thấy bài của mình chỉ được 7.8 điểm, bạn thực sự nghi ngờ không biết có phải thầy cô chấm nhầm cho bạn rồi không.

Mặc dù rất đau lòng nhưng bạn vẫn mở Zhihu và bắt đầu tìm kiếm sự an ủi cho tâm hồn mình, lướt mãi lướt mãi thì bạn nhìn thấy một câu hỏi “Bạn đã từng thấy sinh viên nào giả vờ chăm chỉ chưa?” .

Đừng có nghĩ xa xôi nữa, thừa nhận đi, chính là bạn đấy!

Có một loại nỗ lực gọi là “giả vờ chăm chỉ”. Lúc nào bạn cũng thấy bản thân học tập rất chăm chỉ, nhưng chính bạn lại lười biếng trong lúc học. Bạn luôn thấy bản thân mình bận rộn nhưng thực ra lại chẳng làm được việc gì. Nỗ lực là điều tốt, nhưng “giả vờ chăm chỉ” lại là lỗi của bạn rồi.

Tôi hy vọng tất cả chúng ta có thể chữa khỏi căn bệnh “giả vờ chăm chỉ” này, thật sự dành thời gian và năng lượng cho những việc chúng ta cần làm nhất và có ích nhất cho tương lai của chính chúng ta.

Nếu bạn thấy tôi nói đúng thì hãy dành 1s like bài viết nhé, chúng ta hãy cùng nhau loại bỏ căn bệnh “giả vờ chăm chỉ” này thôi!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *