GIẢ THUYẾT: Virus corona gây ra bệnh mạch máu

GIẢ THUYẾT: Virus corona gây ra bệnh mạch máu

GIẢ THUYẾT: Virus corona gây ra bệnh mạch máu

Tác giả: Dana G Smith
Nguồn: https://link.medium.com/8DCuK7KnW6


Những triệu chứng kỳ lạ cho thấy cùng một đặc điểm chung.
Vào tháng tư, sự xuất hiện của các cục máu đông là một trong số những triệu chứng bí ẩn gây ra bởi Covid-19 – căn bệnh ban đầu được cho rằng chỉ chủ yếu ảnh hưởng tới phổi dưới dạng viêm phổi. Rất nhanh sau đó đã có những báo cáo về việc người trẻ tuổi tử vong do đột quỵ liên quan tới virus corona. Nối tiếp đó là hiện tượng “ngón chân Covid”, khi ngón chân người bệnh trở nên đau nhức và chuyển màu đỏ hoặc tím.
Điểm chung của những triệu chứng này là gì? Sự suy giảm lưu thông máu. Thêm vào đó, thực tế cho thấy 40% trường hợp tử vong do Covid-19 có liên quan đến các biến chứng tim mạch, căn bệnh bắt đầu trở nên giống như nhiễm trùng mạch máu hơn là đường hô hấp đơn thuần.
Sau nhiều tháng đương đầu với đại dịch, ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ giả thuyết virus corona chủng mới có thể làm tổn thương các mạch máu. Điều này giải thích tỷ lệ hiện hành cao của các cục máu đông, đột quỵ và đau tim, đồng thời đưa ra câu trả lời cho các triệu chứng toàn thân hết sức đa dạng đã xuất hiện.
Tất cả những biến chứng liên quan đến Covid vẫn còn là bí ẩn. William Li, MD, chủ tịch Tổ chức Sự hình thành mạch máu [Angiogenesis] cho biết: “Chúng tôi đã quan sát được hiện tượng máu đông, tổn thương thận, viêm tim, đột quỵ và viêm [sưng] não. Đây là một loạt các hiện tượng tưởng chừng không liên quan và không thường thấy ở SARS, H1N1 hay hầu hết các bệnh truyền nhiễm.”
“Khi kết hợp tất cả dữ liệu lại với nhau, hoá ra chủng virus này có thể là một loại virus gây bệnh mạch máu.”, theo Mandeep Mehra, MD, trưởng khoa Tim mạch thuộc Bệnh viện Brigham and Women’s.
Trong một nghiên cứu xuất bản vào tháng tư trên tạp chí khoa học The Lancet, tác giả Mehra và một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra SARS-CoV-2 virus có thể xâm chiếm các tế bào nội mô lót mặt trong của các mạch máu. Các tế bào này bảo vệ hệ tim mạch bằng cách giải phóng protein điều hoà mọi quá trình từ đông máu cho tới phản ứng miễn dịch. Qua bài nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho thấy những tổn thương ở tế bào nội mô thuộc phổi, tim, thận, gan và ruột ở những bệnh nhân mắc Covid-19.
Mehra tuyên bố: “Khái niệm đang dần hình thành thể cho thấy đây không chỉ đơn thuần là một căn bệnh về đường hô hấp. Ban đầu thì đúng là vậy, nhưng thực tế, chính sự liên quan tới mạch máu mới lấy đi sinh mạng của con người.”
Một chủng virus có một-không-hai
Quá trình xâm nhập vào cơ thể của SARS-CoV-2 được thực hiện thông qua thụ thể ACE2 xuất hiện trên bề mặt của các tế bào nằm lót trong mũi và cổ họng. Khi vào đến phổi, virus dường như di chuyển từ phế nang qua các mạch máu cũng rất giàu thụ thể ACE2.
“[Virus] xâm nhập phổi, phá huỷ các mô khiến bệnh nhân bắt đầu ho. Sự phá huỷ mô phá vỡ một số mạch máu.”, Mehra giải thích. “Sau đó virus bắt đầu tiếp tục lây nhiễm qua các tế bào nội mô, tạo ra phản ứng miễn dịch cục bộ và làm viêm nội mạc (được tạo nên bởi lớp tế bào nội mô).”
Một loại virus đường hô hấp có thể tấn công các tế bào máu và lưu thông khắp cơ thể hoàn toàn chưa hề được phát hiện trước đó. Virus cúm như H1N1 không hề có đặc điểm này và ngay cả virus SARS, họ hàng gần với virus corona, cũng không lây lan vượt qua phổi. Những loại virus khác, như Ebola hay sốt xuất huyết, có thể gây tổn thương cho các tế bào nội mô nhưng chúng rất khác các loại virus đường hô hấp.
Benhur Lee, MD, giáo sư vi sinh vật học tại trường Y Icahn ở Mount Sinai, cho rằng điểm khác biệt giữa SARS và SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ một protein đặc biệt mà mỗi chủng virus yêu cầu để kích hoạt và lây truyền. Mặc dù cả hai loại virus đều bám vào các tế bào thông qua thụ thể ACE2, cần có thêm một protein với vai trò phân giải virus để vật liệu di truyền của nó có thể xâm nhập vào tế bào bị lây nhiễm. Protein mà SARS virus gốc cần chỉ xuất hiện trong các mô ở phổi, nhưng protein kích hoạt SARS-CoV-2 có mặt ở tất cả các tế bào, đặc biệt là tế bào nội mô.
“Với SARS1, protein cần thiết để phân giải virus khả năng cao chỉ có trong môi trường phổi, do vậy đó là nơi duy nhất mà virus có thể phát triển. Theo hiểu biết của tôi, nó không lây lan ra toàn thân.”, Lee nói. “SARS-CoV-2 được phân giải bởi một protein gọi là furin, và đây là một mối nguy lớn bởi furin xuất hiện trong mọi tế bào của chúng ta.”
Tổn thương nội mô có thể đưa ra lời giải cho các triệu chứng kỳ lạ virus gây ra
Nhiễm trùng mạch máu có thể lý giải nhiều khuynh hướng kỳ lạ của virus corona chủng mới, như tỷ lệ đông máu cao. Tế bào nội mô quản lý sự hình thành của các cục máu đông bằng cách tiết ra các protein với vai trò bật hoặc tắt quá trình đông máu. Những tế bào này cũng đảm bảo máu được lưu thông trơn tru và không bị tắc nghẽn do va phải bất kỳ góc gồ ghề nào trên thành mạch máu.
Sanjum Sethi, MD, MPH, một bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y tế Irving thuộc trường đại học Columbia cho biết: “Lớp tế bào nội mô chịu trách nhiệm điều tiết máu đông qua nhiều phương thức khác nhau. Nếu nó bị phá vỡ, đó có khả năng là điều thúc đẩy sự hình thành của các cục máu đông.”
Tổn thương nội mô cũng có thể là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng tim mạch và các cơn đau tim tự phát ở bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tổn thương đối với tế bào nội mô dẫn đến hiện tượng viêm mạch máu, khiến cho các mảng bám tích tụ bị nứt/vỡ gây ra đau tim. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai có mảng bám trên thành mạch máu thường trong trạng thái ổn định hoặc đang được kiểm soát bằng thuốc sẽ đột nhiên có nguy cơ lên cơn đau tim cao hơn nhiều.
“Phản ứng viêm và sự rối loạn chức năng nội mô tăng khả năng nứt/vỡ của mảng bám.” theo Sethi. “Sự rối loạn chức năng nội mô liên quan trực tiếp đến hệ quả xấu của tim, đặc biệt là nhồi máu cơ tim hoặc đau tim.”
Tổn thương mạch máu đồng cũng giải thích lý do vì sao các bệnh nhân với tiền sử huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và bệnh tim lại có nguy cơ cao bị biến chứng nặng do một virus tưởng chừng chỉ gây nhiễm trùng phổi. Hệ quả của tất cả các căn bệnh này là sự rối loạn chức năng nội mô. Những tổn thương và viêm sưng xuất hiện sau đó do nhiễm trùng đẩy tình trạng vượt quá giới hạn và gây ra các vấn đề nghiêm trọng.
Giả thuyết thậm chí còn có thể giải thích được vì sao thông khí thường không đủ để giúp nhiều bệnh nhân Covid-19 thở tốt hơn. Không khí di chuyển vào phổi với sự giúp đỡ của máy thở chỉ là một phần của hô hấp. Sự trao đổi khí giữa O2 và CO2 trong máu để cung cấp O2 cho phần còn lại của cơ thể cũng có tầm quan trọng tương tự và quá trình này phụ thuộc hoàn toàn vào chức năng của các mạch máu trong phổi.
Li cho biết: “Nếu bạn có các cục máu đông nằm trong các mạch máu cần thiết đối với sự trao đổi khí O2, thì dù cho không khí có thể di chuyển vào và ra khỏi đường thở, các lợi ích mà việc thở máy mang lại vẫn bị giảm thiểu khi tuần hoàn máu bị tắc.”
Một nghiên cứu công bố vào tuần trước trên Tạp chí Y học New England, mà Li là đồng tác giả, đã cho thấy những bằng chứng rộng rãi về các cục máu đông và sự nhiễm trùng mạch máu. Điều này trái ngược hoàn toàn với những người chết vì bệnh cúm H1N1, họ có số lượng máu đông trong phổi ít hơn 9 lần. Ngay cả cấu trúc của các mạch máu cũng khác biệt ở những lá phổi nhiễm Covid-19, với nhiều nhánh mới có khả năng hình thành sau khi các mạch máu ban đầu bị hư hại.
“Chúng tôi thấy các cục máu đông ở khắp nơi.”, Li nói. “Chúng tôi đã quan sát virus lấp đầy tế bào nội mô như lấp đầy máy lấy kẹo cao su (gumball machine). Tế bào nội mô phình ra và màng tế bào bị phá vỡ, để lại lớp nội mạc bị tổn thương.”
Cuối cùng, nhiễm trùng mạch máu có thể là cách virus lưu thông trong cơ thể và lây lan sang các cơ quan khác – điều hiếm thấy ở các căn bệnh đường hô hấp.
“Tế bào nội mô kết nối toàn bộ hệ thống tuần hoàn, có hơn 96 500km mạch máu phân bố khắp cơ thể chúng ta.”, Li cho biết. “Đây có phải một phương thức mà Covid-19 tác động đến não, tim và gây ra hiện tượng “ngón chân Covid”? Liệu SARS-CoV-2 có tự di chuyển qua các tế bào nội mô hay xâm nhập vào máu theo cách này? Chúng tôi không biết câu trả lời cho những câu hỏi đó.”
Nếu Covid-19 là một bệnh mạch máu, có lẽ liệu pháp chống virus tốt nhất không hề chống lại virus
Có một giả thuyết cho rằng hiện tượng máu đông và các triệu chứng ở các cơ quan khác được tạo ra bởi tình trạng viêm trong cơ thể hình thành do phản ứng miễn dịch quá mức – còn được gọi là “cơn bão cytokine”. Phản ứng viêm này có thể xảy ra trong các bệnh về đường hô hấp khác và các trường hợp viêm phổi nặng. Đó là lý do vì sao những báo cáo ban đầu về máu đông, biến chứng tim và triệu chứng thần kinh đã không đánh hồi chuông cảnh tỉnh. Tuy nhiên, tới nay, mức độ nghiêm trọng của các vấn đề sức khỏe liên quan tới Covid-19 đã vượt xa tình trạng viêm gắn liền với những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
“Chúng tôi cho rằng đã có xu hướng gia tăng đông máu gây ra bởi các virus [khác]. Tôi nghĩ phản ứng viêm thúc đẩy điều đó.”, theo Sethi. “Đây có phải là tính chất bổ sung hay là duy nhất của SARS-CoV-2? Có phải do căn bệnh đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều? Tôi nghĩ đó là những câu hỏi mà tiếc là chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời.”
Theo giai thoại, Sethi đã nói rằng số lượt yêu cầu ông nhận được với tư cách là giám đốc điều hành nhóm phản ứng tắc nghẽn mạch phổi (giải quyết các cục máu đông trong phổi) trong tháng 4/2020 nhiều hơn 2-3 lần tháng 4/2019. Câu hỏi mà ông hiện đang cố gắng trả lời chính là vì sao lại có nhiều bệnh nhân hơn trong tháng này, có phải do chạm tới đỉnh điểm của đại dịch hay do bệnh nhân nhiễm Covid-19 thực sự có nguy cơ hình thành máu đông cao.
“Tôi nghi ngờ từ những gì ta quan sát được và những dữ liệu sơ bộ đã cho thấy loại virus này có thêm yếu tố rủi ro về máu đông, nhưng tôi chưa thể được chứng minh điều đó.”, Sethi cho biết.
Nếu Covid-19 là một bệnh mạch máu, có những loại thuốc hiện nay có thể giúp bảo vệ trước tổn thương nội mô. Trong một nghiên cứu xem xét gần 9000 người mắc Covid-19 cũng được xuất bản trên tạp chí Y học New England, Mehra nhận thấy việc sử dụng hai loại thuốc statins (cho cholesterol cao) và thuốc ức chế ACE (cho huyết áp cao) đi kèm với tỷ lệ sống sót cao hơn. Statins làm giảm nguy cơ đau tim không chỉ qua tác dụng hạ thấp hàm lượng cholesterol hay ngăn ngừa mảng bám hình thành, mà còn làm ổn định mảng bám hiện có để hạn chế tình trạng nứt/vỡ.
“Hoá ra cả statins và thuốc ức chế ACE đều có thể ngăn chặn sự rối loạn chức năng mạch máu.”, Mehra trình bày. “Hầu hết những lợi ích mà hai loại thuốc này mang lại nằm ở các bệnh tim mạch mãn tính – như huyết áp cao, đột quỵ, đau tim, rối loạn nhịp tim hay suy tim. Trong mọi trường hợp, cơ chế bảo vệ hệ tim mạch đều bắt nguồn từ khả năng làm ổn định các tế bào nội mô.”
Mehra tiếp tục: “Cái chúng tôi muốn nói tới là có lẽ liệu pháp chống virus tốt nhất không hề chống lại virus. Liệu pháp điều trị tốt nhất thực sự có thể là một loại thuốc giúp ổn định các tế bào nội mô. Ở đây, chúng tôi đang cố gắng xây dựng một khái niệm hoàn toàn khác biệt.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *