Mononoke Hime là một bộ phim khá đặc biệt của đạo diễn Hayao Miyazaki. Không chỉ đánh mạnh vào chủ nghĩa môi trường (như cách Spirited Away xoay quanh chủ nghĩa tư bản), mà với tư cách một câu chuyện, Mononoke Hime tuyệt vời ở chỗ nó phức tạp hơn nhiều so với hầu hết những điều mà người xem có thể nhận ra. Mâu thuẫn giữa con người với con người, giữa tự nhiên với tự nhiên, giữa con người với tự nhiên, những chủ đề trong phim chứa nhiều tầng nghĩa và tinh tế đến từng chi tiết, chúng được biểu hiện thông qua cách tập trung tiếp cận cả thế giới thay vì bất cứ một nhân vật riêng lẻ nào. Nhưng điều đấy không có nghĩa là Mononoke Hime không xây dựng nên những nhân vật sâu sắc.
Có rất nhiều câu chuyện phía sau Mononoke Hime mà người xem chỉ có thể biết đến thông qua những lời chia sẻ của đạo diễn và nhà sản xuất. Một trong số đó là mối quan hệ giữa Lang thần Moro và Trư thần Okkoto. Trong suốt chiều dài bộ phim, chúng ta chỉ có thể thấy được hai vị thần của những cánh rừng này đều dành sự tôn trọng nhất định cho nhau, ví dụ như câu nói của Moro “Là Okkoto, cuối cùng cũng có một kẻ biết phải trái xuất hiện ở đây”, hay là việc Okkoto biết Moro có một cô con gái loài người tên là San và trò chuyện một cách lịch sự với San. Nhưng trong những lời chia sẻ về Mononoke Hime, có lần Hayao Miyazaki đã nói rằng Moro và Okkoto có mối quan hệ rất tốt, mà trong ngôn ngữ của bác già, thì cái “rất tốt” này thường để chỉ một mối quan hệ tình cảm. Vậy nên, như một lẽ đương nhiên, người xem đặt ra rất nhiều giả thuyết về những câu chuyện phía sau bộ phim, một trong số đó là mối quan hệ giữa San và Phu nhân Eboshi. Sau đây, mình sẽ đưa ra vài góc nhìn cá nhân về mối quan hệ này.
Điều đầu tiên cần phải nhắc đến là mối quan hệ giữa Lang thần Moro và Phu nhân Eboshi. Có bao nhiêu sự hận thù ở giữa hai kẻ này? Mọi người có thể cho rằng sự hận thù này xuất phát từ mục đích của hai người ở cương vị hai phe đối lập. Một bên là Moro với vai trò bảo vệ rừng già, bảo vệ tự nhiên. Bên kia là Eboshi với mong muốn phát triển xã hội, mang đến cuộc sống ổn định cho những người dưới trướng của bà. Nhưng thực ra, sự thù hận giữa hai kẻ này còn sâu đậm hơn thế.
Phải căm hận đến mức nào mới có thể khiến cho Moro luôn luôn bất chấp tất cả mọi thứ để lao vào cố gắng giết chết Eboshi? Căm hận đến mức nào mà dù thân xác như rã rời, cận kề cái chết thì Moro vẫn chờ Eboshi đến để được “nghiền nát đầu mụ đàn bà đó”? Thậm chí sẽ “dành hơi thở cuối cùng cho mụ đàn bà đó”. Và mặc dù hơi thở cuối cùng đó Moro đã dùng để cứu San, thì cho đến tận lúc đã bị Thần rừng tước đi sinh mạng rồi, cái đầu của Moro vẫn lao đến cắn đứt tay của Eboshi. Ngay cả Eboshi cũng cảm nhận được sự thù hận đó, Eboshi nói San là “Cô gái đã bị bọn sói đoạt mất linh hồn, nó sống chỉ để giết ta”. Moro không nói nhiều về chuyện con người chiếm đoạt rừng già, nhưng luôn nhắc đi nhắc lại về chuyện phải giết chết Eboshi. Sự thù hận này không chỉ là vì mục đích lớn lao nữa rồi, mà ắt hẳn phải có khúc mắc cá nhân ở bên trong. Phải biết là một khi nhắc đến thân phận con người của San, Moro sẽ giận dữ phát điên, và khi Ashitaka nói đến chuyện đó, Moro đã nói thế này “Con người đã xâm chiếm rừng và vứt lại con bé khi chúng bỏ chạy”. Vậy phải chăng sự thù hận này là thứ Moro dành cho kẻ đã vứt bỏ đứa con gái đáng yêu và tội nghiệp đó?
Ở phía ngược lại, Eboshi cũng căm ghét Moro không kém. Mặc dù sự căm ghét đấy không được thể hiện ra ngoài nhiều, nhưng giữa muôn vàn động vật, thần linh trong khu rừng, Eboshi chỉ mong muốn loài sói chết hết sạch. Chuyện này chẳng liên quan gì đến việc sói tấn công người dân của bà, bà thậm chí còn chẳng phiền lòng khi lũ sói làm thế, thậm chí đã quen với việc đó. Thay vào đó, Eboshi lại nói rằng “Không có khu rừng và bọn sói, nơi đây sẽ trở thành vùng đất phù trú, ngay cả công chúa Mononoke cũng trở lại thành người”. Eboshi muốn lũ sói chết đi để San được làm con người. Mặc dù Eboshi đã mua lại những cô gái bị bán làm nô lệ rồi cho họ công ăn việc làm và giúp đỡ những người bị bệnh tật, thì mình không cho rằng bà ấy cao thượng đến mức sẽ làm một điều gì đó như việc cứu lấy cuộc đời của một kẻ hoang dã xa lạ như San. Trừ khi San là đứa con gái mà bà đã bỏ lại trong rừng khi bị lũ sói tấn công.
Nói đến đây thì có lẽ nhiều người sẽ lấn cấn. Nếu San là con gái của Eboshi thì tại sao bà ấy lại để mọi người tấn công San? Thì vấn đề phải đánh giá qua một cái nhìn bao quát hơn một chút. Eboshi là một người mẹ, nhưng Eboshi cũng là một người lãnh đạo. San là người của tộc sói, và sói đã giết chết người dân của bà. Bà không thể công khai ngoảnh mặt làm ngơ trước mắt những người còn lại được. Nhưng Eboshi sẽ không đẩy San vào chỗ chết. Ta có thể thấy khi Ashitaka có động thái muốn bảo vệ San, Eboshi đã nói “Hãy để hắn làm những gì hắn muốn”. Hơn ai hết, Eboshi hiểu rõ sức mạnh của Ashitaka, nếu thực sự muốn giết chết San, Eboshi sẽ ngăn cản Ashitaka bằng mọi giá. Và khi mọi người đồng loạt muốn lao đến giết chết San, Eboshi đã ngăn lại và chỉ cho phép dùng hỏa lực tấn công từ xa. Ngay cả trong trận chiến tay đôi với San, Eboshi cũng không chủ động tấn công mạnh mẽ mà chỉ phòng thủ và vờn qua vờn lại với San. Đặc biệt là với vòng vây ở đó, muốn giết chết San thì không khó, nhưng Eboshi không hề làm như vậy. Mình cho rằng khoảnh khắc đó Eboshi cũng đang chờ đợi Ashitaka đến để bà không phải tự tay giết chết con gái mình.
Nếu đánh giá Moro và Eboshi qua lăng kính của những người mẹ, ta có thể dễ dàng nhận thấy sự tương đồng và tương phản giữa hai kẻ này. Đặc biệt là thông qua cảm xúc và suy nghĩ của họ về việc San ở bên Ashitaka.
Khi Ashitaka ngăn cản cuộc chiến giữa Eboshi và San, Eboshi đã vừa nhếch lông mày đe dọa vừa hỏi rằng “Cậu sẽ lấy một cô gái sói làm vợ à?”. Chú ý vào câu này nhé, chả ai lại hỏi như thế trong một cuộc chiến với kẻ địch cả, đặc biệt là khi rõ ràng rằng hai kẻ được hỏi chỉ vừa mới biết nhau. Câu hỏi này giống câu hỏi của những bậc phụ huynh trong nhà khi con gái dẫn bạn trai về ra mắt hơn. Eboshi biết chắc chỉ có Ashitaka mới dám thân cận với San, và ở cương vị một người mẹ, dù biết rằng Ashitaka sẽ bảo vệ con gái mình, bà ấy vẫn sẽ có cái cảm giác lo lắng bất an của những bậc phụ huynh bình thường, kiểu “Gì cơ, mày tính động vào con gái bà à?”
Về phía Moro cũng vậy. “Im mồm đi thằng ranh, mày có thể làm gì cho nó? Mày có thể bảo vệ San không?”, đây chính là sự lo lắng và bảo vệ của một người mẹ. Và khi Ashitaka nói rằng hai người họ có thể cùng nhau tồn tại, Moro cười muốn điên, cười một cách khinh thường giống như Eboshi đã từng làm và hỏi lại “Mày muốn cùng San chống lại con người à?”. Điểm tương đồng giữa hai người mẹ này là họ đều lo lắng cho San nhưng đồng thời họ cũng có phần nào đấy tin rằng Ashitaka sẽ đứng về phía San. Ashitaka là một con người, một con người với cái tư duy muốn tự nhiên và con người có thể cùng tồn tại. Nhưng Eboshi cho rằng Ashitaka muốn sống cuộc sống hoang dã với bầy sói và Moro cũng nghĩ Ashitaka sẽ vì San mà chống lại con người. Hai người mẹ này, đều là thủ lĩnh của phe phái mình, đều nghi ngờ Ashitaka, nhưng họ đều muốn thử tin tưởng vào chàng trai trẻ này một lần.
Khi Ashitaka hỏi “Con người và rừng không thể sống trong hòa bình sao?”, Moro nói rằng không còn kịp nữa rồi, vì con người đã tập hợp lại để hủy hoại rừng già. Trong một hoàn cảnh khác, cũng là vấn đề tương tự, đáp lại câu hỏi của Ashitaka, Eboshi lựa chọn tiếp tục tấn công rừng già và vị thần ở đó. Và khi nói đến mối quan hệ giữa San và khu rừng, trong khi Eboshi cho rằng “Không có khu rừng, công chúa Mononoke sẽ trở lại làm người”, thì Moro lại bảo rằng “Nó là con gái của tộc sói, nếu rừng bị diệt, nó sẽ chết cùng”. Cách phát triển nhân vật này của Moro và Eboshi cũng là điều khiến người ta nghi ngờ về việc Eboshi là người đẻ ra San. Bởi vì nếu cùng xây dựng hình ảnh người mẹ, ắt hẳn sẽ phải tạo ra hai người mẹ hoàn toàn bất đồng, đối nghịch về tất cả các khía cạnh, đặc biệt là quan điểm của hai bên.
Vậy như nếu San là con gái ruột của Phu nhân Eboshi, thì bố của San là ai? Bắt đầu từ cái tên của bộ phim, cũng chính là cách con người gọi San – Mononoke Hime. Mononoke là “linh hồn oán hận”, còn Hime là “công chúa”. Cái tên này có thể hiểu là “công chúa của những linh hồn oán hận” hoặc “công chúa được nuôi bởi những linh hồn oán hận”. Phần “linh hồn oán hận” thì có thể hiểu được, bởi San trưởng thành trong rừng già, trưởng thành giữa những vị thần và những động vật oán hận loài người vì phá hoại thiên nhiên. Nhưng “công chúa” thì sao? Không ai tò mò về danh xưng này à?
Có thể mọi người cho rằng San được gọi là “công chúa” bởi vì con người coi San là đứa con gái của rừng già, của Lang thần, của kẻ đầu đàn sói, nhưng mình không thỏa mãn với câu trả lời này. Mình cho rằng người đầu tiên gọi San là công chúa chính là Eboshi (dù sao bà cũng là người có tiếng nói nhất ở Thị trấn Sắt mà), bởi theo cách nào đó, bà chính là lãnh chúa ở đây, thậm chí người dân ở đây còn không biết đến Thiên hoàng, vậy nên bà chính là vị vua của Thị trấn Sắt, và con gái của bà sẽ được gọi là công chúa.
Hoặc một khả năng khó tin hơn nữa, San là con gái của Phu nhân Eboshi và Thiên hoàng. Nhưng rõ ràng là thông tin của bộ phim cho thấy rằng Eboshi vốn là một nô lệ được bán cho hải tặc, và chồng bà (trước khi chết) là người chỉ huy đoàn hải tặc đầu tiên của Nhật Bản cơ mà, sao lại liên quan gì đến Thiên hoàng được? Nói đến chuyện này, chúng ta cũng cần xét đến hoàn cảnh lịch sử của bộ phim. Mặc dù là một bộ phim giả tưởng, nhưng Mononoke vẫn có vài chi tiết liên quan đến lịch sử trong thế giới thật.
Đạo diễn Hayao Miyazaki cho biết rằng Mononoke Hime được xây dựng dựa trên thời kỳ Mạc phủ Muromachi của Nhật Bản. Trước thời Muromachi, Mạc phủ Kamakura bắt đầu cho phép thuyền buôn sang nhà Nguyên (Trung Quốc) buôn bán. Nhưng đến thời Minh cai trị Trung Quốc, khi Mạc phủ Muromachi nắm mọi quyền hành ở Nhật Bản, hải tặc bắt đầu phát triển, dần dần trở nên lớn mạnh hơn với nhiều lãnh chúa địa phương chuyển sang làm hải tặc và xâm chiếm những vùng ven biển của Trung Quốc và Triều Tiên. Một trong số đó có thể chính là người chồng đã chết của Eboshi, có lẽ đó cũng chính là lý do bà biết đến súng trường Trung Quốc và tìm cách phát triển, sản xuất nó trên diện rộng.
Tên đầy đủ của Eboshi là Eboshi Gozen. Từ Gozen đính kèm sau tên bà không phải là họ mà là một cách dùng kính ngữ, dùng để tôn xưng những người phụ nữ có vị thế cao trong xã hội. Hoặc có thể liên hệ đến những samurai nữ nổi bật có vai trò lớn trong lịch sử Nhật bản như Tomoe Gozen và Hangaku Gozen. Từ đó có thể kết luận, Eboshi không chỉ có sức mạnh ở Thị trấn Sắt, mà ngay cả khi quay trở lại đế đô, bà cũng có được sức ảnh hưởng nhất định. Và chắc chắn là giữa Phu nhân Eboshi và Thiên hoàng có một mối quan hệ nào đó, thậm chí là mối quan hệ tình cảm. Điều này được thể hiện qua đoạn đối thoại giữa Eboshi và thầy tu Jiko mang theo bức thư của Thiên hoàng.
Jiko nói rằng Eboshi phải “giữ lời hứa với Thiên hoàng”. Dựa trên những tình tiết trong bộ phim thì có lẽ Thiên hoàng đã giao hẹn rằng sẽ không gây phiền phức với việc Eboshi thống lĩnh Thị trấn Sắt, đổi lại Eboshi phải mang đầu của Thần Rừng trở về. Cá nhân mình cho rằng đây là một lời giao hẹn khá nhẹ nhàng, Jiko lại còn nói là “lời hứa”. Câu hỏi đặt ra là Phu nhân Eboshi có thể thân thiết với Thiên hoàng đến mức nào mà lại dám hứa hẹn như vậy? Đặc biệt là việc Thiên hoàng chỉ lấy cái đầu của Thần rừng mà bỏ qua Thị trấn Sắt, trong khi bộ phim cho thấy có rất nhiều kẻ đang nhắm đến món lợi béo bở đấy.
Bức thư của Thiên hoàng được Jiko mang đến không phải thánh chỉ hay gì cả, nó chỉ là một bức thư gửi đến cho Eboshi, chỉ ký tên chứ không đóng dấu triện gì cả. Và Eboshi còn phe phẩy bức thư như không, giơ nó ra cho những cô gái khác xem như một thứ đồ thú vị, còn khiến cho Jiko phải nói là “cũng chẳng có gì đặc biệt đâu”. Hành động đấy cho thấy rằng đối với Eboshi, Thiên hoàng không có gì là quá to lớn hào nhoáng cả. Việc giơ bức thư của Thiên hoàng ra cho những cô gái khác xem về cơ bản không khác gì chuyện vui đùa bình thường cả, thậm chí còn hơi giống với một cô nàng đang giận dỗi người tình của mình nên tỏ thái độ (just for fun). Cuối cùng, Eboshi cũng bảo rằng “Ta sẽ giữ lời hứa”. Lời nói này cho thấy rằng giao hẹn với Thiên hoàng cũng không phải vấn đề gì to tát lắm và nó phụ thuộc vào việc bà có muốn làm hay không mà thôi. Có thể tùy hứng đàm phán với Thiên hoàng mà không có mối quan hệ thân thiết nào đó thì khá là vô lý rồi.
Trên đây là vài phân tích nho nhỏ đọc vui chơi của mình. Cách mà Ghibli kiến tạo thế giới qua từng bộ phim cho thấy rằng họ chú trọng đến bối cảnh của từng nhân vật. Và nếu các nhân vật khác trong Mononoke Hime cũng đều có một câu chuyện quá khứ nhất định nào đó, như chuyện Phu nhân Eboshi từng có một người chồng hải tặc, thì đơn giản là mình không tin rằng San chỉ là một đứa trẻ không cha không mẹ bị vứt vào rừng sâu.
Tái bút: Ngoài ra, có một chi tiết nữa mình khá lưu ý. Đó là ở Thị trấn Sắt không có một đứa trẻ con nào. Mặc dù người ta vẫn yêu nhau như đôi vợ chồng Toki, nhưng không có trẻ con. Mình đoán rằng có lẽ lý do là vì họ biết Eboshi từng mất một đứa con nên họ không muốn bà ấy đau lòng, vì người dân ở đây vô cùng yêu quý và tôn trọng Eboshi. Hoặc là vì tư tưởng rằng mạnh mẽ như Eboshi cũng không bảo vệ được con cái nên họ lựa chọn đưa những đứa trẻ đi khỏi Thị trấn Sắt.