Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong vòng 2 tháng trở lại đây, bệnh viện đa can thiệp cho hơn 20 trường hợp đột quỵ não, trong đó có nhiều người trẻ dưới 40 tuổi.
Bỗng nhiên bị đột quỵ não
Mới đây là bệnh nhân nam là N.V.T (37 tuổi) ở TP Hạ Long nhập viện trong tình trạng đau đầu ẩm ỉ, buồn nôn, chóng mặt 3 ngày trước.
Tình trạng đau đầu ngày càng dữ dội nên gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu, bệnh nhân lúc đó còn tỉnh táo, không yếu liệt chân tay. Chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình động mạch cảnh trong trái.
Sau hội chẩn các chuyên khoa, các bác sĩ quyết định can thiệp nút mạch cầm máu khối phình bị vỡ nhằm ổn định tình trạng xuất huyết và tránh nguy cơ tái xuất huyết cho người bệnh.
Kíp can thiệp do bác sĩ Ngô Quang Chức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Quảng Ninh) phụ trách cùng các bác sĩ, kỹ thuật viên trong khoa tiến hành luồn vi ống thông từ động mạch đùi lên đoạn mạch não bị tổn thương.
Cách này nhằm tiếp cận túi phình động mạch cảnh trong trái và thực hiện nút bít túi phình bằng vòng xoắn kim loại (Coil) dưới hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền 2 bình diện (DSA). Kết quả chụp mạch kiểm tra thấy, túi phình bị vỡ đã được bít hoàn toàn.
Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh, không yếu liệt tay chân, còn đau đầu, nói chuyện và vận động nhẹ nhàng.
Theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới, năm 2022 có đến hơn 16% người bị đột quỵ mới chỉ trong độ tuổi 15 – 49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới).
Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Bác sĩ Chức cho biết: “Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, chúng tôi đã can thiệp nút mạch cấp cứu cho khoảng 20 trường hợp bệnh nhân đột quỵ não, đặc biệt là có ca ở độ tuổi còn khá trẻ như bệnh nhân T. Đây là bệnh nhân trẻ có tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp. Gia đình cũng không ai đột quỵ não.
Bệnh nhân đến với chúng tôi sau khi bệnh khởi phát ba ngày, mất thời gian vàng điều trị đột quỵ nên sau can thiệp nút mạch bệnh nhân còn đau đầu do di chứng của xuất huyết não. Bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi, điều trị để vùng não tổn thương ổn định trở lại”.
Đa số người trẻ không nhận diện rõ dấu hiệu đột quỵ não
Bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh) cũng cho biết: “Khoa cũng mới tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân 16 tuổi vào viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, chụp cắt lớp phát hiện xuất huyết não thất do vỡ dị dạng mạch máu não (AVM) đã được chuyển tuyến theo dõi điều trị”.
Theo bác sĩ Thoa, phần lớn những bệnh nhân trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ những dấu hiệu điển hình của đột quỵ cũng như không nghĩ rằng đột quỵ có thể xảy ra với mình, vì vậy khiến bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng.
“Chúng tôi đã từng tiếp nhận không ít bệnh nhân trẻ nhập viện chậm trễ nên việc điều trị hạn chế, khó cải thiện, để lại di chứng kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống về sau, thậm chí có trường hợp tử vong.
Vì vậy, việc xác định thời gian bệnh nhân có triệu chứng đột quỵ là rất quan trọng, ảnh hưởng đến phác đồ của bác sĩ, bởi ở mỗi khung giờ sẽ được xử lý bằng phương pháp khác nhau để đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Trong vòng 2-6 giờ đầu, bệnh nhân đột quỵ cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và có hướng điều trị kịp thời”, bác sĩ Thoa nhấn mạnh.
Bác sĩ Thoa cũng cho biết, trước đây, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nhận định này hiện không còn chính xác vì số lượng bệnh nhân trẻ đột quỵ ngày càng gia tăng.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 100 ca đột quỵ não và số ca mắc có xu hướng tăng qua các năm. Trong đó, bệnh nhân ở độ tuổi thanh thiếu niên và trung niên ngày càng nhiều, chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ.
Ngoài nguyên nhân đột quỵ não có thể do bệnh lý như người có dị dạng mạch máu não bẩm sinh hay có các bệnh lý về tim mạch thì tình trạng đột quỵ não trẻ hóa còn do các thói quen không lành mạnh.
Theo bác sĩ Thoa, các thói quen lối sống làm gia tăng nguy cơ đột quỹ nảo ở người trẻ như: hút thuốc lá, lười vận động, lạm dụng rượu bia, thức khuya… . Các thói quen này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì… Đây là những thói quen khiến người trẻ đến gần hơn với đột quỵ.
“Trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là vàng.
Vì vậy, khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, yếu liệt tay chân, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt… người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế có đủ phương tiện chẩn đoán, cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt.
Càng lâu đưa bệnh nhân đến viện thì tỷ lệ tử vong càng cao hoặc di chứng tàn phế nặng nề.
Đặc biệt, không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà bởi điều đó vô tình kéo dài thời gian và đánh mất cơ hội sống của chính người bệnh”
Bác sĩ Nguyễn Thị Thoa