GHOSTING – “BÓNG MA” TÂM LÝ CỦA NGƯỜI BỊ CHẤM DỨT MỐI QUAN HỆ MÀ KHÔNG RÕ LÝ DO

Bạn đang ở trong một mối quan hệ tốt đẹp (tình yêu, bạn bè, công việc…) và đột nhiên, người còn lại biến mất mà không hề thông báo trước. Không cuộc gọi, không tin nhắn và cũng không lời giải thích. Mọi nỗ lực liên lạc của bạn với họ trở nên vô nghĩa. Xin chia buồn, bạn đang phải trải qua hiện tượng ghosting. (từ này mình không tìm thấy từ tiếng Việt tương đương nên mình để nguyên vậy nha, tạm hiểu là “bơ toàn tập” cũng được nhưng chưa đầy đủ).

Những đối tượng có xu hướng thực hiện ghosting

Tại sao một người lại chọn cách biến mất khỏi cuộc đời người khác đơn giản như vậy, thay vì để lại ít nhất là một cuộc hội thoại để chấm dứt mối quan hệ? Nạn nhân có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết lý do chính xác của việc mình bị ghost. Mặc dù cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa về hiện tượng ghosting nhưng một số nghiên cứu hiện có đã chỉ ra rằng những người sau đây sẽ có xu hướng chọn ghosting:

  • thuộc kiểu nhân cách tránh né (avoidant type personality) (những người này do dự khi thiết lập hoặc hoàn toàn trốn tránh việc gắn bó về tình cảm với người khác)
  • những người có vấn đề về lòng tin hoặc sự độc lập (trust and dependency issues) nên không sẵn lòng để tìm hiểu ai đó sâu sắc và thường tìm tới những cách gián tiếp để kết thúc mối quan hệ.

Những nghiên cứu khác phát hiện rằng, những người tin vào định mệnh sẽ dễ dàng chấp nhận ghosting hơn những người tin rằng một mối quan hệ thì cần sự vun vén.

Có nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người nào dùng ghosting để chấm dứt mối quan hệ thì bản thân họ có thể cũng đã từng bị ghost.

Những tổn thương mà ghosting mang lại

Ghosting khiến nạn nhân hoang mang, không biết phải phản ứng thế nào vì họ hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Họ tự đặt ra trong đầu vô vàn câu hỏi về lý do của chuyện này nhưng rốt cục thì họ cũng không biết là tại sao và rơi vào sự bế tắc, bất lực đến tột độ.

Tệ hơn nữa. người bị ghost bắt đầu tự vấn bản thân. Họ nghĩ mình đã không đủ tốt, nghĩ mình là người có lỗi và thậm chí có những suy nghĩ xấu xa, chỉ trích chính mình. Họ chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực do chính mình tạo ra, khiến sức khỏe tinh thần bị bào mòn.

Làm sao để vượt qua nỗi đau ghosting?

Điều quan trọng cần ghi nhớ là việc bạn bị ghost không hề nói lên giá trị của bạn, lỗi không phải nằm ở bạn. Ghosting chỉ cho thấy đối phương đã không có đủ dũng cảm để đối mặt với sự không thoải mái khi phải kết thúc mối quan hệ, rằng đối phương không hiểu hoặc tệ hơn là không quan tâm đến hậu quả của hành vi mà họ gây ra. Vì vậy, bạn hãy để họ rời đi, tránh xa những gì nhắc bạn nhớ đến họ. Đừng cho phép họ bào mòn năng lượng của bạn. Hãy dành thời gian, sức lực và tâm trí để làm những gì khiến bạn hạnh phúc và đón chờ những gì tốt đẹp nhất ở trước mắt. Bởi vì “bạn chỉ cần sống tốt, trời xanh tự an bài”.

Bài viết có tham khảo từ Psycom và Psychologytoday.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *