“Trên chuyến bay từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, có hai mẹ con đã làm mọi người phải chú ý.
Người mẹ chưa đến 30 tuổi, dáng dấp người lao động chân tay, rất có thể là nông dân. Bé trai tầm 3 tuổi. Ngồi vào chỗ sau khi đã được cô tiếp viên giúp thu xếp mớ ba lô túi xách cồng kềnh, người mẹ trẻ nói oang oang:
– Em ơi, chị là người nhà của Hàng không Việt Nam, đi vé nội bộ, có gì em giúp chị với nhá!
Cô tiếp viên tươi cười:
– Chị yên tâm, chúng em có trách nhiệm với tất cả hành khách, không riêng gì chị.
Trước kiểu khoe khoang ngớ ngẩn của chị nhà quê kia, những người ngồi gần đó cố che dấu nụ cười mỉa mai. Thằng bé, chắc là quen lê la chơi một mình trên nền nhà, không chịu được cảnh gò bó, bị thắt dây ăn toàn nên cứ khóc ré lên, đòi mẹ bế.
Thay vì dỗ dành con, chị ta cho nó mấy cái đét vào lưng, quát to:
– Mày có im không thì bảo?
Cô tiếp viên chạy đến hỏi chị có cần giúp đỡ gì không. Người mẹ trẻ bảo cho xin một cốc Bảy Úp. Cô nhân viên hỏi lại có phải Seven Up không.
– Không, cháu nó chỉ thích uống 7 Up thôi!
Đám đông xung quanh phì cười.
Ngồi ngay cạnh cháu bé là một ông chưa đến 50 tuổi, dáng nho nhã trí thức. Nhìn là biết ngay ông ta suốt đời chỉ ăn học và làm việc trong phòng máy lạnh. Lúc loa thông báo yêu cầu mọi người tắt các thiết bị điện tử, ông cười với cô tiếp viên:
– Anh cần tranh thủ làm việc, em cho anh để iPad ở chế độ trên máy bay được không?
Rồi ông cắm cúi viết lách gì đó trên cái iPad của mình, không quan tâm đến hai mẹ con chị nhà quê đang ồn ào bên cạnh. Đến khi thằng bé khóc to quá, chưa có biểu hiện gì là có thể dỗ nó nín, ông đưa cái iPad của mình cho nó nghịch. Có được đồ chơi mới lạ, thằng bé thôi khóc, tay rờ rẫm màn hình cảm ứng, tỏ ra thú vị với những thay đổi trên màn hình. Mọi người được yên thân, máy bay hạ cánh an toàn.
Ta thấy thích cái ông trí thức này, càng để ý đến ông ta.
Ông nói nhỏ với người mẹ:
– Chị kiểm tra cho đủ hành lý đi, đưa thằng bé tôi bế cho.
Tưởng là chỉ bế đỡ một lúc, ai ngờ ông ta cõng thằng bé xuống máy bay, đi vào tận phòng trả hành lý ký gửi. Mặc dù không có hành lý ký gửi, ông vẫn bế đứa bé đứng chờ người mẹ lấy xong hành lý rồi giúp cô ta sắp xếp lên xe đẩy. Đúng lúc này người nhà “làm trong Hàng không Việt Nam” của cô nhà quê kia xuất hiện, ông bàn giao cho họ rồi vội vàng xách cái cặp da chạy ra chỗ anh tài xế đang đứng đợi đón.
Câu chuyện rất nhỏ. Nhưng ta đã rút ra được một bài học lớn.
Người nhà quê không đáng khinh vì những thứ ngô nghê do ít học của họ.
Người có học là người biết giúp đỡ người quê mùa chứ không tỏ ra khinh mạn họ để khẳng định đẳng cấp của mình.”