Khi tôi 14 tuổi, bố tôi đã kể một câu chuyện làm tôi nhớ mãi.
“Mỗi thế hệ đều phải làm tốt hơn thế hệ trước. Thế hệ bố đã làm tốt hơn thế hệ ông nội của con, nên bố mong con cũng sẽ làm tốt hơn bố.
Ông nội không sở hữu một chiếc xe hơi.
Và bây giờ, bố có một chiếc Toyota.
Trong tương lai, nếu con làm ăn phát đạt, con có thể sở hữu một chiếc Mercedes.”
Theo thời gian, nhiều người xung quanh tôi cũng thảo luận rất nhiều về quan niệm này, hay còn gọi là tiến bộ qua các thế hệ.
Mấu chốt ở đây là: mỗi thế hệ được thừa hưởng dựa trên những gì thế hệ trước đã xây dựng. Theo lý thuyết này, họ nên có cuộc sống tốt đẹp hơn. Và tôi được cho là sẽ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, giàu có hơn và hạnh phúc hơn so với bố mẹ của mình.
Gần hai thập kỷ sau, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng khái niệm này nghe có vẻ hay trên giấy tờ, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng như vậy.
Đừng hiểu lầm – cuộc sống đã trở nên tốt đẹp hơn ở nhiều khía cạnh khác nhau
Nếu nhìn vào những chỉ số dễ đo lường như GDP bình quân đầu người và tuổi thọ, tôi nghĩ rằng khó có thể nói chúng ta kém may mắn hơn thế hệ cha mẹ.
Công nghệ tiến bộ và chúng ta đã có được sự tiện lợi và thoải mái. Chúng ta tận hưởng những dịch vụ mà cha mẹ chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng được: thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng, gọi xe, phương tiện giao thông công cộng có điều hòa không khí.
Ngay cả các chuyến bay đến những địa điểm từng được coi là lạ lẫm cũng trở nên rẻ hơn nhờ sự phát triển của hàng không và các mô hình kinh doanh mới.
Điển hình là: Cha mẹ tôi đã đi tuần trăng mật tại Hồ Toba ở Medan; nơi tưởng như xa xôi nhưng giờ đây lại gần như là một điểm đến phổ biến cho kỳ nghỉ cuối tuần theo chuẩn của người trẻ.
Tuy nhiên, cảm giác thế hệ của chúng ta không phát triển vượt bậc cũng là điều bình thường. Dưới đây là những lý do.
Giả sử bạn chạy bộ để giữ dáng. Trong tuần đầu tiên, vất vả lắm bạn mới chạy được 1 km. Nhưng sau 9 tuần, bạn có thể chạy thoải mái 5 km. Đến cuối năm, bạn hoàn thành cuộc chạy marathon đầu tiên của mình.
Cảm giác tiến bộ nhanh chóng này thật kỳ diệu và truyền cảm hứng. Nhưng từ đây, mọi thứ thay đổi; bạn bắt đầu vào giai đoạn bão hòa. Thời gian và quãng đường bạn chạy không còn cải thiện với tốc độ chóng mặt như trước nữa.
Bạn chạy nhanh hơn so với một năm trước. Nhưng việc thiếu sự tiến bộ đáng kể khiến bạn thất vọng. Bạn cảm thấy không hài lòng và bế tắc. Có lẽ bạn cần tìm lý do mới để tiếp tục chạy.
Trên nhiều phương diện, các quốc gia phát triển cũng giống như vậy. Tăng trưởng lương và tăng trưởng kinh tế chắc chắn đã chậm lại so với thời của cha mẹ chúng ta. Thu nhập hộ gia đình trung bình ở Singapore vào năm 1980 là $990. Năm 2022 là $10,099. Chúng ta khó có thể thấy mức tăng trưởng thu nhập như vậy một lần nữa.
Đúng là, khách quan mà nói, chúng ta đang sống ở một nơi tuyệt vời so với phần còn lại của thế giới. Nhưng cũng hoàn toàn bình thường và hợp lý khi bạn cảm thấy ‘chán chường’ về mọi thứ vì bạn không còn cảm nhận được sự tiến bộ như mong đợi.
Sự bất bình đẳng trong từng quốc gia đã tăng lên, nhưng giữa các quốc gia lại giảm đi. Sự tiến bộ chưa đồng đều.
Vậy điều gì đã xảy ra? Công nghệ, toàn cầu hóa và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng đã tạo ra người thắng lớn và cả kẻ thua cuộc. Có rất nhiều công nhân sản xuất hàng loạt, người lao động bán lẻ, và nhiều người làm công để đóng vai trò cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Quan trọng là phải nhận ra rằng các phân khúc của xã hội không tiến triển với cùng một tốc độ – sự tiến triển đồng đều giữa các thế hệ hiếm khi xảy ra.
Nói chung, chúng ta có điều kiện vật chất tốt hơn so với trước đây. Nhưng có lẽ bạn không cảm nhận được điều đó vì sự thiếu hụt tương đối.
Tại sao? Đầu tiên, chúng ta dành phần lớn thời gian trong nước, nên cơ sở so sánh chỉ dựa trên người nước mình. Thật khó để cảm thấy biết ơn trừ khi bạn rời khỏi đất nước để đến những nơi khác không may mắn như vậy.
Để tiếp tục thúc đẩy sự bất mãn, trong những năm gần đây, nhiều người nhập cư giàu có và tài năng đã đến làm việc và sinh sống tại nước ta.
Bạn có cảm thấy mình ngày càng nghèo đi không?
Cũng giống như một người thông minh có thể cảm thấy mình ngốc nghếch trong một căn phòng toàn người thông minh hơn, đó là điều tự nhiên khi bạn sống chung thành phố với các triệu phú và tỷ phú.
Việc phân biệt giữa “trở nên tốt hơn” và “trở thành người giàu có” rất quan trọng. Lấy ví dụ, Singapore là một quốc gia thịnh vượng, nhưng người dân ở đây lại là một trong những người kém hạnh phúc nhất thế giới.
Điều này được gọi là nghịch lý của sự tiến bộ.
Nếu chúng ta muốn cuộc sống của các thế hệ tương lai tốt lên, không phải chỉ là làm thêm của cải vật chất.
Đúng vậy, tăng trưởng kinh tế và sự giàu có về vật chất đã đưa chúng ta đi được một quãng đường dài. Ngày nay chúng vẫn quan trọng. Nhưng cũng cần phải nhận thức được giới hạn của chúng khi nói đến việc cải thiện phúc lợi của chúng ta.
Đổi lại sự thịnh vượng vật chất, người Singapore đã phải hy sinh một số điều.
Họ hoạt động trong trạng thái cạnh tranh khốc liệt – hay còn gọi là tâm lý “kiasu” – ngay từ khi còn nhỏ. Điều này gây ra căng thẳng, lo âu và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Họ thiếu kiên nhẫn, không lịch thiệp và không biết tha thứ. Họ vội vàng để đạt được các mốc quan trọng của người trưởng thành, và cảm thấy thất bại nếu không đạt được chúng.
Tất cả những điều trên không tốt cho sự hạnh phúc của chúng ta. Và chúng ta vô tình quên đi nhiều thứ: Các mối quan hệ, quan điểm sống, cách nhìn nhận về việc lập gia đình và có con cái – xét trong bối cảnh vấn đề sinh sản là bài toán hóc búa ở nhiều quốc gia.
Ồ, tôi chợt nghĩ: Sự phát triển qua các thế hệ là gì… nếu thực sự không có thế hệ tiếp theo?
Giờ đây, đó là điều đáng để suy ngẫm.