Nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn thời máu lửa
Sáng một ngày cận 20/10, bà Bùi Thị Vân (79 tuổi, ở ngõ 282 phố Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) dậy đi chợ từ sớm. Hôm nay, bà trực tiếp vào bếp chuẩn bị những món ăn đơn giản cho cả gia đình. Năm nào cũng vậy, vào những ngày cả nước tôn vinh phái nữ, bà Vân cũng nhận được những lời chúc tốt đẹp của các con cháu trong gia đình.
Điều đặc biệt, ít ai biết, bà Vân từng là nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn – công việc mà tưởng chừng chỉ dành cho nam giới. Người lính lái xe phải đối mặt với mưa bom bão đạn với muôn vàn gian truân, thậm chí nơi sự sống và cái chết rất mong manh.
Trong ký ức, bà Bùi Thị Vân nhớ như in ngày lái xe cung đường Trường Sơn đầy khắc nghiệt. Clip: Gia Khiêm
Ngẫm lại, bà Vân cười bảo: “Tuổi thanh xuân chẳng nghĩ gì về cái chết hay sợ chết. Không tưởng tượng là phụ nữ mình lại làm được như thế”.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Vân kể, những ký ức về một thời ôm vô lăng tải đạn, tải thương trên cung Trường Sơn vẫn còn y nguyên trong tâm trí. Chỉ lên bức ảnh đen trắng chụp một cô gái trẻ măng đứng bên chiếc xe Gaz 51, bà cười cho biết, ngày Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh được thành lập, chị em lái xe đều ở độ tuổi hai mươi. Vào chiến trường nhưng tất cả vẫn vô tư, không nghĩ gì đến sống chết.
Nói về cơ duyên đưa mình đến cái nghiệp vốn tưởng chừng như chỉ dành cho nam giới, bà Vân nhớ lại, khi mới 16 tuổi, bà đã trốn nhà, khai tăng thêm 2 tuổi với suy nghĩ “không thể ngồi yên một chỗ khi chiến trường đang ác liệt” tình nguyện xin vào lực lượng thanh niên xung phong. Ngày rời quê hương lên đường vào chiến tuyến, gia đình bà đã khóc hết nước mắt vì thương con gái.
Ba năm lăn lộn làm đường, xây sân bay Yên Bái, cô gái Vân lần đầu tiên ý thức hết được sự khốc liệt của chiến tranh. Máy bay Mỹ liên tục lượn trên đầu. Bom rải rát rạt khiến cả đội phải sơ tán liên miên. Có những sáng thức dậy ra công trường, cô gái 16 tuổi chỉ còn thấy lỗ chỗ những hố bom đen ngòm và vẫn còn nghi ngút khói.
Đến năm 1968, chiến sự càng lúc càng leo thang. Mỹ huy động lực lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm với ý đồ cắt đứt huyết mạch cho viện từ Miền Bắc cho miền Nam. Lúc này, đoàn 559 được giao nhiệm vụ phải tăng khối lượng chi viện gấp đôi.
Lái xe nam khi đó không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong để lập đội lái xe vận tải hỗ trợ đưa hàng và người vào chiến trường.
“Nghe tin này, dù biết sẽ rất nguy hiểm, nhưng tôi cùng một số chị em vẫn quyết tâm viết đơn tình nguyện lên đường. Cùng tình nguyện với tôi còn gần chục nữ thanh niên xung phong khác”, bà Vân nhớ lại và cho hay, cuối năm đó, chiếc xe tải cỡ lớn ậm ạch chạy về phía Thanh Hóa, Nghệ An chở theo các cô gái tuổi đôi mươi như mình vào đào tạ lái xe ngắn hạn trong vòng 45 ngày.
“Khi ấy, chúng tôi đều còn rất trẻ, chẳng biết sợ là gì, chỉ muốn được đóng góp sức mình cho đất nước, cho cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc. Đi xa, đi vào chiến trường thật nhưng ai cũng vui như Tết. Những cô nữ dân công vốn chỉ quen với phá đá, mở đường như chúng tôi lần đầu tiên được hưởng cảm giác ngột ngạt, oi nồng dầu máy của cabin.
Trường lái của chúng tôi khi đó chỉ là những trảng đất trống mấp mô. Bom đạn khoét xuống đất những hầm hố sâu hoắm. Thầy dạy là các anh lái xe đã có kinh nghiệm. Cứ vừa lái vừa tập tránh hố bom, vượt địa hình. Lạ cái là chỉ hơn 1 tháng, tất cả chị em đều có thể bon bon chạy xe”, bà Vân nhớ lại.
Tới ngày 18/12/1968, tại xã Hưng Phổ, Hương Khê, Hà Tĩnh, Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh chính thức ra đời với 45 cô gái miền Bắc đang căng tràn thanh xuân.
Nhiệm vụ chính của Trung đội là chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 18, 20, 22 vào đến bờ bắc sông Gianh (Quảng Bình). Giao hàng xong, họ lại chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập. Có những lúc do yêu cầu nhiệm vụ, đội lái xe ấy còn phải đi sâu vào chiến trường, sang đất bạn Lào.
Nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn vượt những cung đường đỏ lửa
Trong ký ức bà Vân hiện về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt. Bà nhớ những chuyến xe đầu tiên của mình. Mặc dù học ở trường lái nhưng những chuyến đầu tiên bà Vân vẫn rất sợ. Để đảm bảo an toàn, ban đầu, Trung đội nữ được bố trí đi giữa đội hình, phía trước và sau đều có xe của các nam đồng nghiệp yểm trợ.
17 giờ chiều, cả đoàn gần chục chiếc Gaz từ Vinh chuyển bánh hướng về phía vĩ tuyến 17. Trời cuối năm hun hút gió và rét căm căm. Ghế lái xe tải thì cao, buộc chị em như bà Vân phải kê can lên; phía sau lưng cũng được đệm bằng balo để vừa tầm vô lăng. Ngồi trong cái cabin chật chội ấy nhìn ra con đường gồ ghề chạy sát bên mé vực, Vân khẽ rùng mình.
Vừa lái, vừa căng mắt ra nhìn đường, vừa cố nghe tiếng động cơ của xe phía trước, trong phút chốc, mồ hôi trên tay các cô gái đã rịn đầy vô lăng, ướt đầm lưng áo. Có chị em sợ đã phải bật khóc. Nhưng xe vẫn đi vì hàng phải được chuyển. Sau một, hai chuyến, cả đội bắt đầu quen với những cung đường.
“Đường Trường Sơn rất ác liệt, ngày nào B52 cũng đánh bom rải thảm, bom toạ độ. Những chuyến xe chở hàng không được chần chừ, ngày cũng như đêm đều phải vượt qua lưới lửa từng phút, từng giờ. Để tránh tổn thất, ban chỉ huy yêu cầu trung đội lái xe nữ chuyển sang chạy xe ban đêm.
Đề phòng đối phương phát hiện, những chiếc xe tải nguỵ trang cây lá, chạy trong bóng đêm dày đặc mà không được rọi đèn. Mỗi chiếc xe chỉ được đốt một ngọn đèn nhỏ tù mù gắn phía trước gầm xe. Những chiếc đèn gầm, đèn rùa được bọc lại bằng giẻ để có thể chiếu được vài ba mét. Tôi vừa điều khiển xe vừa phải rò đường tránh bom, né đạn, tránh vực, vượt ngầm… bằng cảm tính”, bà Vân chia sẻ.
Căng thẳng nhất là những lần lái xe gặp phải bom của kẻ thù. Trong một lần chở thương binh về Vinh, xe của nữ lái xe Trường Sơn gặp máy bay Mỹ. Lúc này, từ phía thùng xe, gần chục thương binh vỗ ầm ầm vào thành hét lớn: “Các cô chạy đi, bỏ xe chạy đi, kệ chúng tôi! Chúng tôi bị thương rồi, có chết cũng không sao! Chạy nhanh đi!”
“Lúc ấy, tôi vừa hoảng vừa thương, nghĩ anh em đã chiến đấu đến mất một phần xương máu, gửi lại một phần cơ thể ở chiến trường rồi, giờ phải cứu họ bằng mọi giá, sao có thể bỏ lại đồng đội chỉ vì lo cho an toàn của bản thân,” bà Vân run run. Không còn nghĩ được nhiều, Vân bẻ lái, tăng ga chạy vào một nhánh đường nhỏ. Bom vẫn ì ầm nổ.
“Có chết, chúng em sẽ cùng ở lại với các anh. Chúng em sẽ không bỏ xe, bỏ người lại. May sao, lúc này có đoàn công binh gần đó phát hiện xe nên đã chạy tới, cõng thương binh vào nơi trú ẩn an toàn… Bom thả phía sau thì tôi chạy xe về phía trước, thả phía trước thì rẽ sang đường khác, cứ thế thoắt ẩn thoắt hiện giữa núi rừng”, bà Vân bồi hồi.
Nhiệm vụ của người lính lái xe đó là vượt 200-300km đưa hàng vào chiến trường rồi đón những đồng đội bị thương quay trở về hậu cứ. Trước khi giao xe, lính lái xe được đơn vị phát cho bộ dụng cụ để tự sửa chữa khi xe hỏng trên đường. Đối với người lính lái xe, bộ dụng cụ sửa chữa xe là một hành trang không thể thiếu.
“Đường Trường Sơn rất xấu mà xe hầu hết xe cũ nên cứ chạy được vài ba ngày là nhịp bị gãy, lốp nứt vì cán phải các mảnh bom, mảnh pháo. Nhưng hay bị hỏng nhất là bộ điện máy vì những cơn mưa nắng bất ngờ.
Xe bị hỏng hóc giữa đường, tôi phải tự làm thợ như cánh tài xế nam. Nói thật bom đạn không sợ mà lại sợ ma, sợ khoảng rừng trống, vừa sửa xe vừa khóc nức nở vì xe bị kẹt giữa rừng thăm thẳm, chỉ có tiếng gió rít mạnh. Bộ dụng cụ sửa xe đã gắn bó bên tôi suốt những năm tháng ác liệt ở chiến trường với bao kỷ niệm không thể nào quên. Năm 1975 xuất ngũ về địa phương, tôi xin đơn vị bộ dụng cụ làm kỷ niệm đời lính lái xe”, bà Vân nói.
Sống và chết chỉ cách nhau một lằn bánh xe, một con dốc đứng là thế nhưng điều may mắn là không ai trong số 45 nữ lái xe Trường Sơn ngày ấy tử trận. Họ vẫn hồn nhiên dưới mưa bom, bão đạn; hồn nhiên hát lên những bài ca “Cô gái mở đường, Tôi người lái xe…” trong cabin nồng mùi xăng. Trên mỗi chuyến xe, họ mang theo những thứ hành trang vô cùng đặc biệt và rất… con gái. Đó là những chùm hoa rừng Vân hay treo lên buồng lái mỗi khi khởi hành; là những lá thư từ hậu phương giấu kín trong túi ngực.
“Bom đạn ác liệt là vậy nhưng chúng tôi luôn rất lạc quan. Có chị em sốt rét tóc bị rụng hết, hết sức gian khổ, không có nước, rừng thiêng nước độc nhưng tinh thần chị em hăng lắm. Lái xe vất vả, nam thế nào nữ vậy, xưa có thùng phuy xăng phải cắm vòi hút, chị em chúng tôi uống xăng rất nhiều.
Nhiều người thời đó hay trêu tưởng đi văn công mà đi lái xe thì vui vẻ bảo nhiệm vụ nào được giao cũng hoàn thành tốt”, bà Vân cười bảo, tấm ảnh nụ cười tươi của bà được chọn làm ảnh bìa cho cuốn sách “Nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn”. Bà Vân cũng được ví là “hoa khôi” của Trung đoàn nữ lái xe lúc bấy giờ.
Chuyến xe định mệnh
Bà Vân nhớ, cuối năm 1970, trong một chuyến chở thương binh từ chiến trường về quân khu điều trị, bà gặp chàng trai Nguyễn Trần Đừng (quê Thanh Trì, Hà Nội) bị thương nặng ở chân, không đi lại được nên đã cõng người lính lên xe. Đây cũng là chuyến xe định mệnh của cuộc đời để sau này cả hai nên duyên vợ chồng.
Trên xe, chàng thanh niên Đừng xin địa chỉ và hòm thư của Vân. Sau chuyến xe định mệnh ấy, thi thoảng nữ “hoa khôi” lái xe lại nhận được những lá thư tình. Chữ viết trong thư nắn nót từng dòng, lời lẽ tha thiết: “Chỉ gặp một lần trên chuyến xe do tôi chở mà về về cứ nhớ nhớ, thương thương…” hay “Trong chiến tranh rất nhiều bom đạn nhưng không hề sợ. Chỉ khi đối diện với người mình yêu thì có những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng không nói ra được”.
“Hồi đó trong quân đội rất nghiêm khắc. Hồi đó chúng tôi phải thực hiện 3 khoan: chưa yêu thì khoan yêu, yêu rồi thì khoan lấy, lấy rồi thì khoan sinh con. Tôi chấp hành tốt nên những năm tháng ấy không ý định hay yêu đương gì. Sau này, đến năm 1974 trước tình cảm của chàng trai Hà thành cả hai tổ chức đám cưới.
Bây giờ tôi có 5 người con đều đã trưởng thành, cuộc sống ổn định. Với tôi, thành tích của những năm tháng lái xe Trường Sơn không chỉ là việc phục vụ chiến trường mà còn tìm được một mái ấm gia đình hạnh phúc. Cách đây 10 năm chồng tôi không may mắc bạo bệnh qua đời khiến tôi suy sụp rất nhiều. Hiện tại có 2 người con trai của tôi theo nghề lái xe trong quân đội. Các con gái thì làm may. Trung đội của chúng tôi hằng năm cứ đến tháng 12 sẽ tập trung 1 lần và tổ chức gặp mặt nhau tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam”, bà Vân chia sẻ thêm.