Ba em bé Lưu Tuyết Trân, Mai Quốc Bảo, Phạm Tường Lan Thy ra đời năm 1998 là những thành quả đầu tiên, mở ra hy vọng cho hàng triệu người hiếm muộn tại nước ta.
Sáng 27/4, hàng chục gia đình có con nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã tụ hội về Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) tham dự buổi lễ đặc biệt. Đây là lễ kỷ niệm 25 năm ngày 3 em bé đầu tiên ở Việt Nam chào đời nhờ kỹ thuật này.
Ông Mai Văn Phơn, 68 tuổi, ngồi lặng lẽ trong lễ kỷ niệm ở Bệnh viện Từ Dũ sáng 27/4. Cách đây đúng 25 năm, tại nơi này, các bác sĩ đã chạy ra ôm chầm lấy ông khi người vợ đậu thai từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
“Ngay từ đầu, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) đã nói, xác suất đậu thai của vợ tôi là 0,05 phần nghìn! Cực kỳ thấp! Kỹ thuật quá mới, vợ tôi lại lớn tuổi (43 tuổi). Nói thật lòng, tôi không có nhiều hy vọng”, ông nói.
Vợ chồng ông Phơn kết hôn từ năm 1983. Suốt 15 năm, họ chạy chữa khắp nơi, ai chỉ ở đâu cũng đi, thuốc thang nào cũng uống. Tiền bạc, thời gian, công sức không thể kể hết để mong có con.
“Khó nói nhất là chuyện tình cảm gia đình. Bao năm hai vợ chồng đi làm về cứ ngồi nhìn nhau… Vì vậy, dù ít hy vọng nhưng chúng tôi vẫn quyết làm. Ngay lần chuyển phôi đầu tiên, vợ tôi đã đậu thai.
Tôi không bao giờ quên, bác sĩ chạy ra hỏi tôi có phải Mai Văn Phơn không. Tôi vâng, mọi người ùa ra ôm chầm lấy mình, còn mình thì mừng muốn xỉu”, ông cười và kể lại.
Suốt 9 tháng sau đó, vợ ông Phơn sống ở viện gần như suốt thai kỳ. Hành trình vất vả đến tận ngày sinh con. Theo dự kiến, ca mổ này xếp thứ hai nhưng đột nhiên người mẹ có dấu hiệu suy tim, thai bị nhau quấn cổ hai vòng.
Giáo sư Ngọc Phượng gọi ông lên báo tình hình và nói, phải mổ gấp để cứu cả mẹ và con. “Tất cả nhờ cô giúp cháu”, ông trả lời. Và như vậy, Mai Quốc Bảo là cậu bé đầu tiên ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam vào lúc 2h45 ngày 30/4/1998.
“25 năm qua, Bảo là đứa con ngoan, học hành tốt. Cháu đã đi làm. Khi vào đại học vài tháng, mẹ qua đời, Bảo ít nói, trầm tính hơn”, ông Phơn nói, giọng nhỏ dần.
“Lúc nhỏ, em hơi phiền vì nhiều người biết mình ra đời từ IVF”
Nụ cười rạng rỡ là ấn tượng của rất nhiều người khi gặp Lưu Tuyết Trân (25 tuổi) sáng nay. Từ 5h sáng, hai mẹ con Trân đã thuê xe từ Tiền Giang lên TP.HCM để kịp dự lễ.
Trân tâm sự khi em đang học khoảng lớp 8, có đoàn quay phim xuống Tiền Giang phỏng vấn. Lúc đó, mẹ mới nói em là cô bé đặc biệt được sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm.
“Hồi nhỏ, em ngại vì mọi người biết chuyện này, đôi khi thấy phiền vì ai cũng hỏi. Nhưng khi lớn lên và biết suy nghĩ hơn, em lại thấy mình rất đặc biệt và may mắn. Em tự hào vì mình là một trong 3 em bé đầu tiên ở Việt Nam sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm”, cô gái nói.
Bà Trần Thị Bạch Tuyết (58 tuổi, Tiền Giang) là mẹ của Tuyết Trân. Sau 5 năm kết hôn nhưng không có thai, vợ chồng bà nhờ một cơ duyên đã đăng ký thụ tinh ống nghiệm. Gần một tháng sau, bà được chọn thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mới nhất ở Việt Nam bấy giờ. Biết có đau đớn và nguy cơ thất bại, nhưng đây cũng là cơ hội rất hiếm hoi.
Chi phí thụ tinh ống nghiệm cũng là một khó khăn khi chồng bà là công chức, bà là nội trợ. Nhưng bước qua tất cả, bà may mắn đậu thai ngay lần đầu thực hiện IVF.
Tuyết Trân chào đời ngày 30/4/1998, hơn một năm sau em mồ côi cha. Bà Tuyết mất đi điểm tựa vững chắc, vất vả kiếm sống. Sau vài năm, bà xin vào công sở làm việc ổn định hơn và nuôi dạy Trân nên người.
“Bao nhiêu năm chỉ có hai mẹ con, mẹ dành tất cả mọi thứ tốt nhất cho em. Mẹ càng cưng chiều, em càng muốn bù đắp cho mẹ nhiều hơn. Em không TP.HCM học đại học mà chọn ở Tiền Giang, rồi đi làm gần nhà để chăm lo cho mẹ nhiều nhất”, Trân nói.
“Tôi chỉ mong con ăn học thành tài, có ích cho xã hội”, bà Tuyết chia sẻ trong lễ kỷ niệm 25 năm kỷ niệm ngày ra đời 3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam.
“Người ta nói bà này bị khùng khi muốn triển khai IVF”
Đó là tâm sự của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Giáo sư Phượng cho hay, trong những năm làm nghề, tiếp xúc với sự đau khổ của những người phụ nữ hiếm muộn, bà và đồng nghiệp tin rằng mình có trách nhiệm phải giúp đỡ và giải quyết tình trạng đau khổ đó.
“Khi biết thế giới có thụ tinh ống nghiệm, chúng tôi cố gắng lắm để thành lập Khoa hỗ trợ sinh sản, phòng Thụ tinh trong ống nghiệm (tại Bệnh viện Từ Dũ). Thời điểm đó, cả nước khó khăn, ăn còn thiếu, kinh tế lại kém nên không nhiều người ủng hộ.
Tiền không được cấp, chúng tôi tự bỏ tiền và vận động thêm để mua sắm trang thiết bị, dụng cụ. Nhiều người còn nói, bà này chắc khùng rồi, đang thiếu ăn lại muốn làm ra thêm người. Khó vật chất, tinh thần càng khó hơn”, bà nhớ lại.
Đồng hành cùng bác sĩ Phượng là Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Hai người phụ nữ đã lên Sở Y tế, UBND – HĐND TP.HCM, ra Bộ Y tế để được giấy phép thực hiện thụ tinh ống nghiệm.
“Tôi nhớ mãi hình ảnh anh Lưu Tấn Trực, cha của Lưu Tuyết Trân chắp tay vái khi ca mổ vừa kết thúc. Anh vừa làm vậy vừa nói: Trời ơi, gần 50 tuổi đầu mới có đứa con thế này. Bao nhiêu năm qua đi, mỗi lần xem lại tôi đều rơi nước mắt”, giáo sư Phượng nói.
nguồn: Vietnamnet.