Là một người học sinh vật học, tôi đã từng nghiên cứu một cách có hệ thống về các hành vi kì quái của đuỹ mèo nhà tôi:
1. Chỉ uống nước trong toilet, bình hoa (có vài cây phát lộc), bể cá, nhà tắm, không bao giờ chịu uống nước trong chén của mình trừ khi những địa điểm được liệt kê ở trên không có nước để uống. Lúc đầu cảm thấy rất khó hiểu, về sau tôi bắt đầu suy xét về sự tương đồng của loại nước mà nó thích uống và nhận ra được một điều: Nước mà nó uống thường sẽ có sinh vật sống hoặc là nước từ một nguồn nào đó chảy ra.
Để chứng minh cho việc này, tôi đã làm một vài thử nghiệm sau:
Tôi lấy mấy cây phát lộc trong bình hoa ra và phát hiện rằng nó không còn uống nước trong bình hoa đó nữa.
Sau khi con cá vàng mà tôi nuôi không may qua đời, tôi vẫn trữ nước trong bể cá (Miền Bắc thời tiết tương đối khô, trữ nước để tăng thêm độ ẩm) nhưng đuỹ mèo nhà tôi không còn uống nước trong bể cá nữa.
Nhưng khi tôi rót nước từ máy lọc nước vào chén nước của nó trước sự chứng kiến của nó, thì nó lại chủ động đến uống nước trong chén nước của mình. Trên cơ sở đó tôi nhận ra rằng những phỏng đoán của tôi bước đầu đã được làm rõ: “Các loài động vật trong tự nhiên có lẽ sẽ chủ động tìm nguồn nước có sinh vật sống hoặc nguồn nước chảy lưu động để uống, bởi vì những nguồn nước này trông đáng tin cậy hơn so với một vũng nước đọng”.
2. Cào ghế sofa: Đuỹ mèo nhà tôi từ nhỏ đã cực kì thích cào ghế sofa, cũng vì vậy mà nó rất hay bị chửi và bị đánh (không phải đánh mà là ôm ấp đồng thời kèm theo vài lời lẻ cay nghiệt để nó nhận thức được rằng việc nó làm là vô cùng sai trái). Nó yêu cái ghế sofa đến nổi tôi đã đặt ván cào móng khắp nhà cũng không thể ngăn nó cào ghế sofa.
Lâu dần, mỗi lần chuẩn bị cào ghế sofa nó sẽ quan sát xung quanh, nếu như bị phát hiện nó sẽ nhanh chóng lủi đi chỗ khác. Thậm chí có lúc nó vừa đặt móng lên ghế sofa nhưng phát hiện có người đang nhìn, nó sẽ ngoan ngoãn thu bộ nail của mình lại. Điều này chứng tỏ rằng nó đã nhận thức rõ được việc cào ghế sofa là sai trái, thậm chí có thể bị phạt nhưng vẫn cứ “được ăn cả, ngã ăn đòn”. Thế là tôi lại hoài nghi là liệu cái cảm giác mạo hiểm đó có mang lại hứng thú gì cho nó không? Vậy là một thử nghiệm khác ra đời.
Tôi bắt một camera wifi bên cạnh cái sofa, quay liên tục và phát hiện rằng ban ngày lúc không có ai ở nhà, nó hầu như không động vào cái ghế sofa, cả ngày trời chỉ cào sofa 1 đến 2 lần. Nhưng khi mọi người có mặt ở nhà thì tần số cào sofa của nó lại là 2 đến 3 lần mỗi giờ. Thử nghĩ đi, nếu cái ghế sofa thực sự mang lại cảm giác thú vị hơn mấy tấm ván cào kia thì ban ngày khi không có ai quản, nó phải cào lấy cào để cái sofa chứ? Nhưng không, ban ngày nó thậm chí còn không thèm dòm ngó tới cái sofa. Tôi đoán rằng nếu như trong nhà có người và việc nó cào sofa và lủi đi diễn ra một cách trót lọt sẽ khiến nó cảm thấy thoả mãn và thích thú, đồng thời còn có thể thu hút được sự chú ý của con sen, nhưng nếu phi vụ không thành công thì sẽ phải đối mặt với hậu quả. Có lẽ loại trò chơi cá cược này đã mang đến cho nó nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống nhàn hạ của mình.
3. Ăn cải thảo: Có người sẽ nói, mèo ăn thực vật là để tự nôn lông trong bụng ra, nhưng đuỹ mèo nhà tôi thì khác. Nó thường cắn một lá cải thảo ra khỏi củ và nhai ngấu nghiến, vì răng hàm chưa phát triển nên căn bản không thể nhai nát lá cái thảo để ăn được, chỉ có thể để lại vài dấu răng nông nông và sau đó bỏ cuộc hẳn. Nhưng tôi chắc chắn rằng đuỹ mèo nhà tôi không phải vì muốn nôn mà cố gắng ăn cải thảo vì trong nhà có cây Lan Chi và lá của nó dễ ăn hơn(loại lá mà không cần nhai vẫn có thể trực tiếp nuốt được) và tôi vẫn thấy lá của cây Lan Chi trong chất nôn của nó. Hơn nữa đuỹ mèo nhà tôi cũng khá đặc biệt, mẹ của nó là mèo hoang, sinh con trong một khuôn viên nhỏ, bầy con vừa cai sữa thì mẹ nó cũng bỏ đi, chúng tôi mang nó về chăm sóc từ lúc đó. Nó hầu như không ăn thịt (mỗi lần ăn cơm tôi đều gắp thịt cho nó ngửi nhưng nó chưa từng tỏ ra hứng thú với thịt), chỉ ăn đồ ăn dành cho mèo với một vài mùi vị nhất định. Mẹ tôi nói rằng từ nhỏ nó đã chưa từng ăn thịt nên không biết là thịt có thể ăn được. Dựa vào đó tôi chợt nhớ ra là lúc trước nhà tôi từng nuôi thỏ và cho thỏ ăn cải thảo mỗi ngày, lúc đuỹ mèo nhà tôi còn nhỏ ngày nào nó cũng đứng cạnh chuồng thỏ xem thỏ ăn. Một thời gian sau thì con thỏ qua đời, con mèo nhà tôi cũng sầu cả một tuần liền, liệu có phải lúc thơ dại nó đã bắt chước thỏ ăn cải thảo rồi sau này hình thành thói quen này hay không? (đến nay tôi vẫn không hiểu là nó cảm thấy cải thảo ngon hay là do cảm giác lúc nhỏ mách bảo nó phải ăn cải thảo).
4. Cảm nhận về các con số: Đuỹ mèo nhà tôi đôi lúc sẽ chạy ra ngoài chơi. Tôi sống ở một khu chung cư và đuỹ mèo nhà tôi hay chạy xuống tầng hầm chơi, mỗi lần như vậy tôi đều phải cuốc bộ xuống tận tầng hầm để gọi nó về.
Tôi nhận ra có một sự việc như thế này: Nhà tôi ở tầng 4, mỗi lần xuống gọi nó về nhà nó đều một mạch chạy qua tầng 1 và tầng 2 và đứng đợi tôi ở tầng 3, khi tôi lên đến tầng 3 thì nó lại tiếp tục chạy lên 1 tầng nữa là tầng 4 và đợi tôi ở đó. Cửa an ninh ở tất cả các phòng trong toà chung cư này lại đều giống nhau, khiến tôi liền nhớ đến một câu chuyện, tôi từng nghe qua một câu nói rằng hầu hết các loài động vật bậc cao đều có một số khái niệm về toán học bẩm sinh, giống như con người chúng ta khi nhìn thấy các vật thể có số lượng nhỏ hơn 5 đều có thể nhận biết ngay được số lượng mà không cần đếm , nhưng khi số lượng các vật thể lớn hơn 5 chúng ta đều cần phải đếm.
Có một thử nghiệm (lời truyền miệng, chưa biết thật giả) nghiên cứu cảm nhận về các con số ở loài quạ. Đại khái là có một mảnh đất canh tác thường xuyên bị quạ đến phá rối, ăn vụng. Để bảo vệ mùa màng những người nông dân đã xây một tháp canh, trên tháp có súng dùng để bắn đuổi quạ. Bọn quạ này thật sự rất thông minh, khi thấy có người lên trên tháp quan sát nó sẽ bay đi.
Dựa trên cơ sở đó để tiến hành thử nghiệm:
Có 2 người lên tháp sau đó 1 người xuống, quạ vẫn không hề bay lại, có vẻ như nó hiểu rằng 2 – 1 = 1, vẫn còn 1 người ở trên tháp. 3 người lên tháp sau đó 2 người xuống, quạ vẫn không hề ló mặt, nó có thể hiểu rằng 3 – 2 = 1. Nhưng khi 4 người lên tháp sau đó 3 người đi xuống, quạ lại bay đến ăn vụng và bị bắn hạ.
Có lẽ là vì trong tiềm thức nó không thể nhận biết các con số lớn hơn 3.
Phép tính 4 – 3 = 1 trong suy nghĩ của nó có lẽ là một con số nào đó lớn hơn 3 trừ đi 3 bằng
??? , nó không cách nào tính được.
Thế là tôi tự hỏi liệu cảm giác số học của mèo có phải là 3 hay không? Vì nó nhớ rằng số tầng khi nó đi xuống cầu thang là lớn hơn 1, lớn hơn 2 và lớn hơn hoặc bằng 3, nhưng vì 3 là giới hạn số học của nó nên nó chẳng thể biết rõ được rốt cuộc nó đã đi xuống tổng cộng bao nhiêu tầng. Để chứng minh cho việc này, một lần khi xuống gọi nó về nhà, như thường lệ, nó vẫn chạy trước và đợi tôi ở tầng 3, nhưng lần này khi tôi đến tầng 4, thay vì mở cửa vào nhà, tôi lại giả vờ đi tiếp lên tầng 5, quả nhiên nó nhanh chân chạy lên tầng 5 là đợi tôi ở đó, sau khi lên đến tầng 5 tôi lại tiếp tục giả vờ lên tầng 6 và nó vẫn hăng hái phi lên tầng 6 đợi tôi.
Dường như nó chẳng biết được đâu là nhà mình, cũng chẳng thể đếm được mình đã đi xuống bao nhiêu tầng. Nhưng khi tôi tiếp tục lên tầng 7 thì nó lại không chạy lên đón đầu nữa, có lẽ nó nhận ra được quảng đường mà nó đã đi lên nhiều hơn đáng kể so với quảng đường ban đầu lúc nó đi xuống.
Khi chia sẻ những điều này, tôi muốn nói rằng những nhận định của tôi phần lớn là từ góc nhìn chủ quan của bản thân, chưa hẳn đã là lí do thật sự, thậm chí còn có nguyên lý “sự tự huyễn của chim bồ câu”, dẫn đến việc chúng ta chẳng bao giờ biết được lý do thực sự của một số hành động kì lạ đó.
Nói đơn giản “sự tự huyễn của chim bồ câu” là hiện tượng mà một số loài vật sẽ tự huyễn một hành động đặc biệt nào đó sẽ dẫn đến một sự việc nào đó.
Ví dụ: Một con bồ câu bị nhốt vào một cái lồng. Chiếc lồng hoàn toàn kín, ngoại trừ một cửa sổ nhỏ được đóng lại. Ở bên ngoài cửa sổ này là khay thức ăn. Bên trong lồng có một cái nút bấm, mỗi khi con bồ câu mổ vào nút này, cửa sổ sẽ mở cho bồ câu thò đầu ra ngoài một lúc. Như dự đoán, sau vài lần mở cửa thành công, con bồ câu đã học được cách mổ vào nút bấm mỗi khi muốn mở cửa sổ.
Một ví dụ khác về bọn mèo. Khi đói chúng sẽ dùng một loại âm thanh meo meo nào đó để thu hút sự chú ý của bạn, ngay lúc đó nếu bạn chú ý đến nó và cho nó ăn, nó sẽ cho rằng loại âm thanh meo meo vừa rồi mà nó phát ra sẽ đổi lấy được đồ ăn và sự chú ý của bạn. Vậy nên nếu phân tích riêng lẻ từng loại âm thanh và tìm hiểu vì sao nó lại kêu như vậy, có thể chằng bao giờ chúng ta có được câu trả lời.
Tôi lại bất chợt nghĩ đến một câu chuyện, Có một người tình cờ phát hiện đuỹ mèo của mình đang học cách mở cửa, để ngăn đuỹ mèo này đạt được ý đồ đó, mỗi lần mở cửa anh ta đều đi đường quyền “Giáng Long thập bát chưởng” (hành động rất phức tạp) nhằm khiến cho đuỹ mèo nghĩ rằng đây là một phần của việc mở cửa và khi nó cảm thấy quá khó học nó sẽ từ bỏ ý định đào tẩu của mình, đây thực chất cũng là một dạng tự huyễn ở mèo. Nhưng nếu đuỹ mèo có thể học được “Giáng Long thập bát chưởng” và mở cửa thành công đào tẩu khỏi nhà, sau đó được một người khác nuôi, người chủ mới có lẽ sẽ vừa hoảng sợ vừa mở câu hỏi “Đuỹ mèo nhà bạn có những thói quen kì quái nào?” trên Zhihu và bình luận rằng “Nó có thể đứng trước cửa và biểu diễn võ thuật”.