Chúng ta thường tự trách mình vì lỡ nhìn ra ngoài cửa sổ. Theo lẽ thường, công việc, học hành hay đánh dấu những việc đã làm trong to-do list mới là việc ta nên làm. Do vậy việc nhìn ra ngoài cửa sổ có thể xem là lãng phí thời gian, bởi vì nó không mang lại chút ích lợi gì mà cũng chẳng vì một mục đích nào cả. Chúng ta đánh đồng việc nhìn ra cửa sổ với sự buồn chán, xao nhãng, vô công rồi nghề. Thông thường, chẳng mấy khi người ta đánh giá cao việc tay chống cằm bên ô cửa kính, phóng tầm mắt ra xa. Chúng ta không hề khoe với mọi người: “Mình có một ngày tuyệt vời, nhất là lúc mình nhìn ra ngoài cửa sổ.” Nhưng sau này, mọi người có thể nói với nhau điều đó trong một xã hội tiến bộ hơn.
Nghịch lý là ta nhìn ra ngoài cửa sổ không phải để biết những gì đang diễn ra ngoài kia, mà là một hành động nhằm khám phá thế giới nội tâm của chính mình. Chúng ta dễ dàng hình dung ra những ý nghĩ, cảm giác của mình và những gì đang diễn ra trong đầu ta. Nhưng chúng ta lại hiếm khi làm việc đó một cách trọn vẹn. Còn nhiều điều góp phần tạo nên con người ta nhưng vẫn chưa được khám phá, chưa được khai thác và phát huy hết tiềm năng. Những phẩm chất đó không xuất hiện khi ta đặt câu hỏi trực tiếp. Nếu ta có thể, việc nhìn ra cửa sổ mang đến cho ta cơ hội nghe thấy những chỉ dẫn và những suy nghĩ yên lặng nhất từ trong sâu thẳm chính mình.
Triết gia Plato đã dùng một hình ảnh ẩn dụ: suy nghĩ của ta giống như những chú chim bay lượn trong không gian bộ não. Nhưng để những chú chim dừng chân đậu lại, Plato hiểu rằng ta cần những khoảng thời gian yên tĩnh không có mục đích gì cả. Việc nhìn ra ngoài cửa sổ mang đến cho ta một cơ hội như thế. Chúng ta nhìn ngắm thế giới đang tiếp diễn: một đám cỏ dại đang căng mình trước gió, một tòa tháp màu xám ẩn hiện trong làn sương tuyết. Nhưng chúng ta không cần phải đáp trả; chúng ta không có mục đích nhất định, và chúng ta có thể nghe thấy những tiếng nói ngập ngừng trong tâm hồn mình, giống như tiếng chuông nhà thờ trong thành phố lúc đường phố đã thưa dần vào ban đêm.
Một xã hội luôn ám ảnh với năng suất lao động không bao giờ công nhận tiềm năng của việc mơ mộng. Nhưng nếu ta ngừng toan tính, mà đề cao khả năng sáng tạo của việc mơ mộng, chúng ta sẽ thấu hiểu những điều tuyệt vời nhất. Mơ mộng bên cửa sổ là một cuộc nổi loạn có chiến lược chống lại những nhu cầu ngày càng lớn với sức ép phải làm ngay lập tức (nhưng lại chẳng mấy quan trọng) và ủng hộ cuộc tìm kiếm dù còn mơ hồ nhưng rất nghiêm túc cái tôi minh triết còn ẩn sâu và chưa được khám phá.
Theo The School of life