Đừng để lũ mèo giết chết tính tò mò của bạn!

Tò mò là phải có nỗ lực, chứ không phải chỉ đọc kết quả tìm kiếm đầu tiên trên Google.

Một vài năm trước một người dùng của mạng xã hội Reddit đã đăng một câu hỏi: Nếu có một người từ những năm 50 đột nhiên xuất hiện, điều gì là điều khó nhất để giải thích cho họ về cuộc sống của chúng ta ngày nay?

Câu trả lời phổ biến nhất là: “Tôi đang sở hữu một thiết bị, nó nằm trong túi của tôi, nó có khả năng truy cập gần như toàn bộ thông tin của nhân loại. Tôi dùng nó để xem những  bức ảnh những chú mèo con rồi bàn luận về nó với những người tôi chưa gặp bao giờ”

Thật buồn cười nhưng đây là sự thật. Ngày nay, mỗi người được tiếp cận với một lượng thông tin mới trên khắp thế giới lớn gấp ba lần lượng thông tin được lưu trữ ở một thư viện cổ tại Alexandria. Nơi này đã từng được coi là nơi chứa đựng một kho thông tin của toàn thế giới. Ngày nay gần như tất cả thông tin mới đều có thể đến được với bất cứ ai có mạng Internet. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên vàng của việc khám phá tri thức, một cuộc khai sáng có tính chất toàn cầu. Chúng ta thì chẳng cảm thấy như vậy lắm thì phải?

Khi bạn đi làm, nhìn xung quanh vào những người cùng đi xe buýt với mình sáng nay, bạn thấy tất cả bọn họ đều dán chặt vào màn hình điện thoại, chơi game hoặc nhìn vào những bức hình thú cưng của bạn bè. Tưởng tượng hai mươi năm trước, ít nhất cũng có một nửa trong số những con người này hoặc đọc một cuốn sách hoặc đọc một tờ báo. Những gì họ đọc có thể không phải lúc nào cũng có tính giáo dục nhưng ít nhất thì có vẻ như họ còn có một mối quan tâm với một thế giới nằm ngoài thế giới nhỏ bé của họ.

Chúng ta đều biết sức mạnh giải trí khó cưỡng của Internet có thể cản trở những nỗ lực nhỏ nhoi nhất của chúng ta trong việc mở mang hiểu biết về thế giới xung quanh. Nhưng nó còn ảnh hưởng theo một cách khác khó nhận ra hơn đó là đe dọa đến tinh thần đặt câu hỏi của chúng ta.

 

Bằng việc luôn có sẵn những câu trả lời, Internet sẽ làm suy giảm khả năng đặt câu hỏi của chúng ta.

 

Aristotle gọi sự tò mò là “niềm khao khát được biết”. Sự nóng lòng ở tính tò mò trỗi dậy trong một vùng mà nhà tâm lý học George Loewenstein gọi là “khoảng trống thông tin”: một khoảng trống giữa những điều bạn biết và những điều bạn chưa biết. Nếu bạn không tiếp tục thúc đẩy mối quan tâm cho sự không hiểu biết của mình, bạn sẽ nhanh chóng thành người không có tính tò mò. Rắc rối lại nằm ở chính Google và Wikipedia khi những công cụ này quá hiệu quả, chúng ta chỉ phải dành rất ít thời gian để bù đắp vào cái khoảng trống đó.

Những vấn đề chúng ta hỏi Internet thường không ở lại lâu trong tâm trí chúng ta, và hệ quả là chúng ta đã có quá ít thời gian để phát triển và đào sâu những vấn đề đó. Khi chúng ta có được câu trả lời thì câu hỏi cũng lập tức biến mất theo sự tò mò trước đó. Lãnh đạo phụ trách tìm kiếm của Google, ông Amit Singhal đã được hỏi liệu con người có ngày càng biết cách đặt những câu hỏi rõ ràng hơn không, ông thở dài và nói: “Máy móc càng chính xác bao nhiêu, các câu hỏi càng trở nên “lười biếng” bấy nhiêu”.

Không có điều nào trên đây có hàm ý rằng Internet đang làm chúng ta không còn tò mò nữa. Điều đó không bao giờ xảy ra được vì điều kì diệu nhất về tính tò mò đó là không ai có thể lấy nó đi khỏi bạn. Hơn nữa, Google và Wikipedia là những công cụ tuyệt vời nhất được phát minh để thỏa mãn trí tò mò. Mỗi ngày, chúng mang đến cho chúng ta hàng triệu những chuyến hành trình khám phá tri thức. Nhưng bạn phải quyết định để sử dụng chúng theo một cách nào đó. Tò mò là một sự lựa chọn.

Theo các nhà tâm lý học, nhìn chung có hai dạng tò mò. Tò mò đa dạng đơn giản là sự khát khao cho những điều mới mẻ: nó là những thứ khiến chúng ta nhảy sang một trang mới hoặc click vào thanh lề của trang báo điện tử Daily mail. Những điều này đòi hỏi không nhiều nỗ lực – đúng hơn thì đây là một dạng bản năng. Tò mò trí thức là một dạng đòi hỏi cả kiến thức và một sự hiểu sâu. Nó thực chất là việc tiếp tục theo đuổi những câu hỏi mới. Với những ai mang trong mình dạng tò mò tri thức, một câu trả lời chỉ là một sự gợi mở chứ không thể thỏa mãn được những điều anh ta còn muốn biết.

Internet là một cỗ máy diệu kì để tạo ra dạng tò mò đa dạng. Nhưng tò mò tri thức đòi hỏi một sự nỗ lực có ý thức chẳng hạn đọc cuốn sách đã được trích dẫn trên trang Wikipedia; không hài lòng với những kết quả trả lời đầu tiên có được trên Google. Chúng ta cũng cần những khoảng không gian online để trau dồi nghệ thuật đặt câu hỏi. Quora là một ví dụ, đây là một trang điển hình cho những câu hỏi hay và cũng là một diễn đàn cho các câu trả lời. Kevin Kelly, cha đẻ sáng lập của US WIRED đã từng nói thế này:

 

“Khi các câu trả lời trở nên rẻ tiền thì những câu hỏi hay là những câu hỏi hóc búa và có giá trị hơn.”

 

Vậy nên, hãy để những câu hỏi được ấp ủ trong tâm trí bạn, đừng để sự tò mò bị giết chết bởi chú mèo trên những tấm hình kia.

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Ian Leslie.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *