Nhiều người thường hay nói về luật nhân quả như thế này: điều anh làm với cuộc đời cũng là điều anh làm cho chính anh! Nhưng mình cảm thấy thay vì nghĩ những điều chúng ta làm với thế giới chính là điều chúng ta làm cho bản thân thì hãy nghĩ ngược lại. Cách chúng ta đối xử với bản thân cũng là cách chúng ta đối xử với thế giới.
Thế giới này đầy rẫy những vết tích, những tổn thương mà chúng ta dễ dàng nhận ra qua việc đọc một cuốn sách lịch sử, hoặc đọc một tờ báo mới in vào buổi sáng, hay súc tích hơn là lắng nghe một người kể về cuộc đời của họ.
Con người và thế giới này đầy những tổn thương lớn nhỏ, chúng ta cũng như thế. Vậy mà bằng một cách ngây thơ, chúng ta cứ nghĩ rằng cách chúng ta ghét bỏ, từ chối và giận dữ với những vết thương của mình – dù ở quá khứ hay hiện tại – không hề ảnh hưởng gì tới cách chúng ta đối xử với cuộc đời này.
Cố gắng để yêu thương hay biểu thị lòng trắc ẩn với bất kỳ ai trong khi bản thân còn thiếu sự bao dung sẽ chỉ mang lại sự hỗn độn. Có một bài thơ Haiku như sau: Tôi ăn củ sen, tôi ăn luôn cả khoảng không bên trong củ sen ấy. Yêu một người là yêu cả những sự hỗn mang của họ. Bên trong người mà chúng ta yêu thương cũng có những tổn thương và ngờ vực y hệt chúng ta, mà chúng ta lại nghĩ rằng mình có thể yêu thương và tha thứ được cho những tổn thương của người khác kể cả khi chúng ta không tha thứ cho chính mình? Xin lỗi, nhưng chúng ta không thánh thiện tới mức đó!
Bản thân mình sau một khoảng thời gian chán ghét con người, mình nhận thấy con người bị dằn vặt bởi cả tâm hồn và vật chất, tại sao mình lại phải giận dữ với họ mà không yêu thương? Và mình đến với những ngày tháng yêu quý con người, nỗ lực để hàn gắn những vết thương của người khác và nỗ lực để làm một người bao dung. Nhưng điều đó để lộ ra một khoảng trống to lớn bên trong mình. Bản thân mình vẫn không tha thứ cho sự yếu đuối, nhúc nhát và hoài nghi của chính mình. Trong mắt người khác có thể mình mạnh mẽ hoặc tốt bụng, còn trong mắt mình vẫn là một đứa mình không thể ưa được. Sau những tháng ngày tự mâu thuẫn với mình thì cuối cùng mới có thể nhận ra rằng cái cách mình đối xử với những tổn thương bên trong mình phản ánh cách mình đối xử với mọi thứ bên ngoài. Trừ phi mình yêu được những vết thương của mình thì mới có thể yêu vết thương của người khác một cách chân thành.
Mình không cố để tha thứ cho cuộc đời nữa, mình tập tha thứ cho bản thân nhiều hơn.
Vậy thì làm sao để yêu những vết thương của mình?
Thử tưởng tượng nếu chúng ta lỡ nghịch dại với con dao bếp, chúng ta sẽ chọn đổ lỗi cho con dao, tự giận sự hậu đậu của bản thân, hay chọn cách đơn giản hơn là đi lấy một miếng băng gạc để băng bó nó lại? Vết thương bên ngoài sao thì vết thương bên trong cũng thế. Những lúc nội tâm ngập tràn những sự dằn vặt, hãy gác chúng sang một bên, ngồi lại, mở một bản nhạc thiền, hình dung mình đang băng bó những vết thương rỉ máu rồi nhẹ nhàng ôm lấy bản thân. Chúng ta, làm gì có ai tài giỏi tới mức chưa từng làm đau chính mình? Chỉ là có những người chịu băng bó vết thương lại, có người thì tiếp tục để nó rỉ máu. Bạn chính là thế giới, bằng cách yêu thương những khiếm khuyết của bản thân, bạn cũng đang cho thế giới một sự khoan dung vô bờ bến. Cách bạn đang ôm lấy chính mình cũng là cách bạn ôm lấy người bạn yêu thương…