Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2: Trao cho các em cơ hội được “tắm” trong môi trường ngôn ngữ
Mới đây, sân chơi trí tuệ Super Tots 2025 đã thu hút tham gia của gần 300 thí sinh tài năng từ 4-6 tuổi đến từ 8 trường Mầm non Maple Bear tại Hà Nội cùng sự đồng hành của hàng trăm phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia giáo dục thủ đô. Nhiều người bất ngờ vì khả năng trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh của các em trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2.
Sân chơi giúp các em phát huy trí tuệ, khả năng tư duy và bản lĩnh thi đấu. Ảnh: Tào Nga
Trao đổi với PV báo Dân Việt, bà Trần Thị Như Loan, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hệ thống Giáo dục Sunshine Maple Bear chia sẻ: “Thời gian gần đây, các cuộc trao đổi, hội đàm liên quan đến giáo dục Việt Nam đều nhắc đến tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2. Đây là mục tiêu phổ rộng tiếng Anh ở nhiều tỉnh thành hơn nữa. Còn đối với những địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM… lâu nay đều chủ động, định hướng lựa chọn cho các con môi trường giáo dục ưu tiên thêm một ngôn ngữ nữa là tiếng Anh”.
Sau nhiều năm nghiên cứu và trải nghiệm, bà Loan cho hay: “Tôi thấy rằng không có cách nào để thực hành, sử dụng ngôn ngữ bằng cách trao cho các em cơ hội được “tắm” trong môi trường ngôn ngữ đó càng sớm càng tốt, với một thời lượng phù hợp theo lứa tuổi.
Ví dụ như với trẻ 12-24, mỗi ngày đều đặn chúng ta cho con làm quen khoảng 30 phút với tiếng Anh thay vì chỉ học 1-2 ngày trong tuần. Tuy nhiên, phải lưu ý chỉ cần một thời lượng vừa đủ với độ tuổi này vì đây là thời điểm vàng để phát triển nên con có nhiệm vụ quan trọng là học ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Từ 24 tháng trở đi, chúng ta sẽ xây dựng với các lộ trình phù hợp với lựa chọn, định hướng và khả năng đầu tư của các gia đình”.
Bà Trần Thị Như Loan cho rằng: “Bố mẹ không cần biết nói tiếng Anh mà cần thời gian ở bên con”. Ảnh: Tào Nga
Bà Loan nhấn mạnh, điều quan trọng của việc học tiếng Anh chính là sự tương tác, trải nghiệm. Do vậy, không chỉ ở trường mà ở nhà các con cũng cần được trao đổi hàng ngày: “Nhiều phụ huynh băn khoăn vì không giỏi tiếng Anh, không sử dụng được tiếng Anh thì “tắm” cho con bằng cách nào? Về bản chất, bố mẹ không cần biết nói tiếng Anh mà cần thời gian ở bên con. Hiện nay có nhiều chương trình, ứng dụng hỗ trợ cho bố mẹ hướng dẫn cho con. Qua việc dạy con học, bố mẹ cũng tự học lại, điều chỉnh cho mình tốt hơn cùng con. Dần dần tiếng Anh sẽ ngấm và các con có thể dùng tiếng Anh một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt, đừng biến tiếng Anh thành một môn học với những điểm số, thành tích mà hãy xem là một ngôn ngữ, kỹ năng để chúng ta có thể sử dụng được trong quá trình phát triển, trưởng thành và nghề nghiệp sau này. Thực tế có những bạn đạt 9-10 điểm môn tiếng Anh nhưng đủ tự tin, kỹ năng để sử dụng trong công việc thì vẫn còn khó khăn”.
Trao quyền cho các con được trải nghiệm
Một chủ đề quan trọng không kém chính là việc trao quyền cho trẻ. Theo bà Loan, trẻ em cần được trải nghiệm, vì vậy bố mẹ nên hướng dẫn các con để hình thành khả năng tự lập, tự phục vụ.
“Bình thường ở bậc mầm non, bố mẹ sẽ hay làm giúp con nhưng bố mẹ cứ trao cho con cơ hội, nhất định các con sẽ làm rất tốt. Các con sẽ biết mình là ai, muốn gì, từ đó sẽ hình thành những hành động cụ thể mặc dù còn nhiều vụng về. Việc này cần nhiều thời gian nên bố mẹ, thầy cô phải kiên nhẫn.
Bản chất của câu khẩu hiệu “Học tập suốt đời” rất hay và ý nghĩa chứ không chỉ là một cái câu khẩu hiệu sáo rỗng. Chúng ta hãy cụ thể hóa trong từng độ tuổi. Ở tuổi mầm non, chúng ta chấp nhận con được sai ở kỹ năng gì, vấn đề gì… thì các con sẽ không sợ học. Ở tuổi tiểu học, chúng ta làm thế nào cho các con thấy hạnh phúc khi đến trường, biết tự phục vụ mình, chịu trách nhiệm với nhiệm vụ được giao trong tâm thế hào hứng. Nếu được như vậy, việc học của các em sẽ mở ra. Còn nếu mình ép con, vô tình sẽ khiến con sợ sách vở, dần dần sẽ đóng lại và đến lúc nào đó sẽ đóng hẳn, không còn thói quen đọc sách hay khám phá nữa. Trong tâm thế như vậy, kiến thức của các con rất hạn chế và cuối cùng đam mê học tập suốt đời không còn nữa.
Chúng ta hãy quan sát những người trưởng thành, những ai trong tâm thế cởi mở để học, cuộc sống của họ sẽ sôi nổi hơn, khí thế, hạnh phúc và năng lượng hơn. Còn những ai từng bị bố mẹ nghiêm khắc, không dám cho làm gì thì họ sẽ rất sợ”, bà Loan nói.