Đứa trẻ được sinh ra từ một cuộc hôn nhân cận huyết thì như thế nào? Làm sao mà bạn phát hiện ra được?

Cảm giác của bạn ra sao? Sức khỏe của bạn có ổn không? Làm thế nào để kể với mọi người về cha mẹ của bạn?

—–

TRẢ LỜI: GANESH SATYANARAYANA, LÀM VIỆC TẠI ĐẠI HỌC BANG GEORGIA

Chắc là OP mong muốn một câu trả lời đến từ những người con là kết quả của một cuộc hôn nhân giữa anh-chị-em. Tuy nhiên, trong trường hợp của tôi thì bố tôi đã kết hôn với cháu gái của mình, là đời thứ ba trong bảng quan hệ huyết thống. Nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng trình bày những dị nghị liên quan và cảm giác khi sống chung với điều đó.

Tôi đến từ miền Nam Ấn Độ, ở đó có một cộng đồng nơi mà việc kết hôn với cháu gái của mình (con gái của chị ruột) được chấp nhận nếu không muốn nói là được ủng hộ vào thời đó. Nhưng mọi người cũng đã bắt đầu hiểu những vấn đề mà hậu duệ của họ có thể phải đối mặt vì việc này rồi.

Vào năm 1982, khi bố tôi đang cố lấy bằng thạc sĩ nông nghiệp ở Thiruvananthapuram, Kerala, (nơi mà cách rất xa quê hương của ông – Vijayawada, Andhra Pradesh). Lúc đó, ông ấy hoàn toàn không hề hay biết về những gì đang diễn ra trong chính gia đình của mình, một kế hoạch đang được ấp ủ về cuộc hôn nhân sắp tới của ông.

Người nghĩ ra kế hoạch này là chị gái ông ấy, tức là cô ruột của tôi. Chị của bố tôi nhất quyết bắt con gái của bà ấy, lúc đó mới 14 tuổi, kết hôn với em ruột của bà, 24 tuổi. Đúng vậy.. Cô ruột của tôi cùng với cái đầu tuyệt vời của bà ấy cho rằng thật khôn ngoan khi để đứa con gái tuổi teen kết hôn với thằng em 24 tuổi của mình. Bà ấy có lẽ đã nghĩ, 10 năm nữa rồi tụi nó sẽ hiểu.. Mà thôi lạc đề rồi. Nói chung là khi bố tôi học xong và trở về nhà với cái khái niệm trở thành người chồng lý tưởng của cháu ruột, người cháu mà ông trông coi từ nhỏ đến lớn. Tất nhiên, bố tôi vãi cả cứt. Ông phát điên, um sùm lên rằng cô tôi nghĩ gì mà bắt ông lấy đứa cháu mà ông từng ôm khi mới quấn tã, chơi đùa từ nhỏ đến lớn, đứa cháu mà với ông chẳng khác gì em gái ruột thịt.

Cuối cùng, sau một hồi đưa đẩy gần một năm trời, bọn họ (tất cả mọi người trong gia đình bố tôi theo đúng nghĩa đen) đã hạ gục ông ấy. Bố tôi chấp nhận kết hôn. Trong đám cưới, ông kiên quyết nói với chị gái rằng ông sẽ không có ý định sinh con vì ông biết những vấn đề mà đứa bé có thể sẽ phải đối mặt vì hôn nhân cận huyết. Khi đó, cô tôi vui quá nên cũng đồng ý chuyện này.

Kết hôn được 2 năm, bắt đầu có lời ra tiếng vào về việc có cháu. Bố tôi giữ vững lập trường.

3 năm kết hôn, lời nói nhẹ bắt đầu biến thành lời nói nặng. Bố tôi giữ vững lập trường.

4-5 năm sau khi kết hôn, lời nói nặng lại trở thành lời đe dọa. Bố tôi vẫn giữ vững lập trường.

6-7 năm sau khi kết hôn, cô tôi tới khóc lóc trước mặt ông mỗi ngày.

Năm thứ 8 – bố tôi bỏ cuộc. Mẹ tôi có thai.

Trong suốt thời gian mang thai, bố mẹ tôi đã phải chịu đựng hàng tá cực hình về mặt tinh thần do những vấn đề tiềm ẩn mà con họ có thể gặp phải. Nhưng sau đó, tôi được sinh ra, hoàn toàn khỏe mạnh, không có khiếm khuyết về thể chất, không có khiếm khuyết di truyền hay bộ não bị kém phát triển – một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường.

Họ đã rất xúc động.

20 năm sau, khi tôi trên đường đến London để học đại học. Tôi đã gặp một số người bạn mới, đón nhận những nền văn hóa mới, phát triển những thói quen mới. Và trong số đó, có một cuộc trò chuyện mà tôi mãi ấn tượng.

  • Bạn tôi: Vậy bố mẹ bạn đã gặp nhau như thế nào?
  • Tôi: Mẹ tôi là cháu của bố tôi, vì vậy họ đã gặp nhau ngay từ ngày mà bà ấy được sinh ra.
  • Bạn tôi: *Rớt hàm*
  • Tôi: *Bất ngờ*

Lý do mà tôi bất ngờ là vì cậu ấy cũng là người Nam Ấn, nhưng sinh ra và lớn lên ở London. Tôi cứ thế mà tự động mặc định là cậu ấy có biết chuyện như này tồn tại. Nhưng rõ ràng bạn tôi chưa hề nghe về nó, chưa bao giờ.

Và đó là lúc tôi nhận ra rằng mối quan hệ đặc biệt và được coi là chuẩn mực ở miền Nam Ấn Độ này, không phổ biến với những người Nam Ấn sinh sống ở nơi khác. Rồi sau đó tôi cũng nhận ra rằng ngay cả ở Ấn Độ, quan hệ này không được ủng hộ. Nhiều người bạn của tôi từ miền Bắc Ấn Độ đã lúng túng, kinh ngạc và ở một mức độ nào đó, mặc dù được che giấu khá tốt, tôi vẫn nhận ra sự ghê tởm của họ khi biết rằng tôi là sản phẩm của một mối quan hệ tội lỗi như vậy.

Vì vậy, bất cứ khi nào mọi người chia sẻ những câu chuyện về gia đình, tôi đều tránh né. Tôi chỉ nghe thôi. Tôi giữ lại những câu chuyện tuyệt vời vì sợ rằng tôi sẽ bị phán xét do bố mẹ tôi có họ hàng với nhau.

Tóm lại, người thân của tôi có liên quan đến tôi theo hai cách.

  • Cô của tôi cũng là bà ngoại của tôi
  • Chú của tôi cũng là ông ngoại của tôi
  • Mẹ tôi cũng là chị họ của tôi.

Và đây là cú chót:

Ông và bà tôi cũng là họ hàng.

Tôi là một sản phẩm của thế hệ cận huyết thứ 2.

Nhưng .. Tôi rất vui vì được sinh ra khỏe mạnh và không có sự bất thường nào về di truyền hay chịu khiếm khuyết về thể chất. Chỉ là tôi sẽ phải chịu đựng việc này suốt đời.

Theo: Thanh Tâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *