Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn Du lịch cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” tổ chức tại TP.HCM ngày 7/9.
Diễn đàn là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 17 (ITE HCMC 2023). Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và nhiều nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các doanh nghiệp hàng đầu về du lịch, lữ hành.
Du lịch Việt Nam lọt top đầu tìm kiếm trên thế giới
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, trong 2 tháng vừa qua, du lịch Việt Nam liên tục nhận về những tín hiệu đáng mừng khi lượng khách du lịch quốc tế tăng liên tiếp dù chưa vào mùa cao điểm.
Tháng 7/2023, Việt Nam đón 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tháng 8 đón 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 15,4% so với tháng trước. Khách du lịch nội địa tháng 8 đạt 9,5 triệu lượt. Tính chung, 8 tháng đầu năm 2023, du lịch Việt Nam đạt 7,8 triệu lượt khách quốc tế và 86 triệu lượt khách nội địa.
Ông Hùng cho biết mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng. Năm 2021, du lịch Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 3 quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng cao nhất thế giới.
Cùng với xu thế chung, du lịch đang tiến hành chuyển đổi mạnh mẽ, thường xuyên. Lượng người dùng Internet có ảnh hưởng trực tiếp đến xu thế này. Theo thống kê của We Are Social và Meltwater, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,9 triệu người dùng Internet, tương đương với 79,1% dân số Việt Nam và được đánh giá là một trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới.
Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong top đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay, thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới từ 10-25%.
Việt Nam là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á lọt vào nhóm tăng trưởng lượng tìm kiếm du lịch cao hàng đầu thế giới.
Các chính sách gần đây của Việt Nam, đặc biệt là điều chỉnh nâng thời hạn tạm trú từ 30 ngày lên 45 ngày đối với công dân 13 nước được đơn phương miễn thị thực, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam, cũng sẽ tạo điều kiện thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Du lịch Việt Nam cần tập trung chuyển đổi số
Đại diện các quốc gia, vùng lãnh thổ và doanh nghiệp đều đồng ý rằng chuyển đổi số đang bao trùm các khía cạnh của ngành du lịch. Du lịch Việt Nam và các nước cũng không nằm ngoài xu thế này.
Một trong những lợi thế của chuyển đổi số là khai thác dữ liệu, phân nhóm khách hàng để tìm đến khách hàng mục tiêu. Một khi bắt tay vào chuyển đổi số, buộc phải phát triển các công cụ tìm kiếm, nội dung marketing trên các nền tảng để tương tác với khách hàng.
Bộ trưởng Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia cho biết ngành du lịch nước này đã kiên trì vượt qua Covid-19 để xây dựng và áp dụng chuyển đổi số. Song song đó, ông cho rằng chuyển đổi số trong du lịch đòi hỏi phải có sự hợp tác đa ngành và nhiều tầng mới có thể hiện thực hóa sự phát triển toàn diện của du lịch.
Ông Yamashita Yukio – chuyên gia dự án cấp cao viện nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản, cho rằng với chuyển đổi số, cơ quan quản lý cũng cần phải hình dung trước bối cảnh, những gì xảy ra ở tương lai, sau đó quay lại hiện tại để phân kỳ và lên kế hoạch thực hiện.
Các nền tảng mạng xã hội, công cụ tìm kiếm cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi số. Google là một trong những đơn vị đồng hành phát triển du lịch trên toàn cầu.
Ông Mark Woo – Tổng giám đốc điều hành Google Việt Nam và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết trong nhiều năm qua, Google đã giới thiệu hình ảnh con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.
“Điển hình là Google Doodle on Search thay đổi dựa theo các sự kiện quan trọng. Vào ngày lễ 2/9 vừa qua, hình ảnh Quốc khánh Việt Nam cũng được chia sẻ trên nền tảng này. Ngoài ra, chúng tôi còn có Youtube để người dùng chia sẻ, tương tác với nhau. Người làm du lịch cũng có thể dựa vào nó để nghiên cứu xu hướng người dùng”, ông Mark Woo nói.
Việc bắt tay vào việc chuyển đổi số bắt buộc ngành du lịch phải gắn liền với ứng dụng công nghệ. Điều này cần đến sự hợp tác, hỗ trợ từ những nước cũng như những đơn vị khác.
Ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ kinh tế số và xã hội số (Bộ TT&TT) bày tỏ quan điểm làm du lịch theo hướng mới hơn khi vận dụng chuyển đổi số. “Chúng ta đang đứng trước cơ hội làm du lịch khác biệt, sáng tạo hơn. Ngành du lịch phải chuyển nhanh một số khâu du lịch online, phổ cập hóa trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là các ứng dụng AI đã được Việt hóa, đậm đà bản sắc dân tộc”, ông Tuấn nói.