Du lịch golf – Mỏ vàng của ngành du lịch Việt Nam
Ngày 9/8, Hội thảo “Hải Phòng – Điểm đến du lịch golf” do báo Tiền Phong phối hợp với Sở Du lịch Hải Phòng tổ chức tại Hải Phòng, có sự tham dự của lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng, lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia, lãnh đạo Sở Du lịch, các nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch, thể thao, văn hóa và nhiều chuyên gia về hàng không, du lịch golf, lữ hành.
Hội thảo nhằm góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hải Phòng nói riêng từ bộ môn thể thao golf. Đặc biệt, phát triển du lịch golf Hải Phòng cũng là định vị thương hiệu, tạo kết nối du lịch liên vùng, lan tỏa hình ảnh, vùng đất con người huyện Đồ Sơn, Hải Phòng.
Đồng thời tại hội thảo, ngoài những tham luận còn có các ý kiến, giải pháp, kiến nghị của các chuyên gia du lịch, văn hóa, chuyên gia golf, các doanh nghiệp lữ hành cũng được chia sẻ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho biết đây là cơ hội đề giới thiệu thế mạnh du lịch của TP.Hải Phòng, bàn các giải pháp xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm, định vị thương hiệu du lịch, tạo kết nối du lịch liên vùng, giữa TP.Hải Phòng với các địa phương vùng duyên hải Bắc Bộ, với TP.HCM các địa phương khác.
“Golf là ngành công nghiệp đem lại doanh thu, có đóng góp quan trong đến kinh tế của nhiều quốc gia. Sân golf trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thường dễ thu hút đầu tư du lịch, tạo thêm việc làm, bù đắp đặc tính theo mùa của du lịch truyền thông.
TP.Hải Phòng có vị trí quan trọng, là một trong những địa phương thu hút đầu tư lớn nhất cả nước với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn. Với 4 sân golf lớn, chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế và 2 dự án sân golf đang triển khai thời gian tới, đã và đang thu hút lượng du khách trong và ngoài nước đến Hải Phòng ổn định quanh năm”, ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay.
Ông Vũ Huy Thưởng – Phó Giám đốc Sở du lịch Hải Phòng thì cho biết, năm 2019, du lịch Hải Phòng đã đón được 9,1 triệu lượt khách, với tổng doanh thu đạt 7.850 tỷ đồng.
Sản phẩm du lịch được phát triển đa dạng và có sự dịch chuyển rõ nét trong cơ cấu, hình thành và phát triển thêm 4 sản phẩm mới gồm: du lịch du thuyền, du lịch thể thao (golf tour), du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch ẩm thực – Hải Phòng Foodtour. Đặc biệt, du lịch thể thao (golf tour) đã trở thành một trong những sản phẩm lợi thế của Hải Phòng.
Du lịch golf được các chuyên gia đánh giá là một sản phẩm tiềm năng, đang phát triển mạnh và đóng góp quan trọng trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và TP.Hải Phòng nói riêng. Việt Nam được đánh giá là thiên đường golf lý tưởng của khu vực Châu Á. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf là một trong những định hướng trọng tâm trong phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Cũng tại hội thảo “Hải Phòng – Điểm đến du lịch golf”, bên cạnh đưa ra những mặt mạnh, tiềm năng phát triển du lịch golf Việt Nam nói chung và du lịch golf Hải Phòng nói riêng, lãnh đạo các ban, ngành, Sở VHTT, Sở du lịch Hải Phòng, các chuyên gia cũng đưa ra những khó khăn, thách thức, và kiến nghị, giải pháp.
Theo đó, ông Vũ Huy Thưởng – Phó Giám đốc Sở du lịch Hải Phòng cho hay, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, du lịch golf Hải Phòng vẫn còn những hạn chế như: Số lượng sân golf còn ít; chi phí của người chơi cao hơn so với các nước trong khu vực và thu nhập của người dân; thiếu các đường bay thẳng phục vụ khách quốc tế đến Hải Phòng chơi golf.
Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với sân golf chưa chặt chẽ, du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như: du lịch MICE, tham quan nghỉ dưỡng, ẩm thực,…; các chương trình golf tour hiện đang khai thác còn hạn chế, chưa phong phú về nội dung do thị trường golf còn khá mới mẻ, các doanh nghiệp lữ hành trong nước thiếu thông tin về thị trường khách. Một số doanh nghiệp lữ hành, du lịch hiện đang khai thác chương trình golf tour còn khá đơn giản, chủ yếu tập trung vào các hoạt động hỗ trợ khách chơi golf…
Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cũng đã đặt ra những vấn đề cốt lõi để du lịch golf Việt Nam nói chung và du lịch golf Hải Phòng nói riêng được phát triển hơn, thu hút và khiến du khách chi tiêu nhiều hơn.
Theo đó, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, hiện nay, việc quảng bá du lịch golf chủ yếu ở cấp doanh nghiệp, chưa có sự tổ chức thực hiện ở cấp điểm đến hoặc cấp quốc gia.
Trang web của Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (http://vtga.vn/), ngoài mục giới thiệu các sân golf, có mục Tin tức – sự kiện, các tour inbound, outbound và nội địa, có chức năng tương tác qua tin nhắn với người truy cập. Tuy nhiên, chưa có chức năng liên kết với các công ty du lịch, các cơ sở lưu trú, ẩm thực…
Vấn đề thứ 2 cần thúc đẩy liên kết vùng trong du lịch golf. Nếu như các sân golf khu vực Duyên hải miền Trung Việt Nam đã có sự liên minh, giới thiệu các sân golf, khu nghỉ dưỡng, điểm đến và công ty du lịch. Phía Bắc cũng có nhiều địa phương phát triển du lịch golf như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình nhưng chưa có sự liên minh. Nếu như các sân golf phía Bắc liên minh, giới thiệu điểm mạnh của mỗi địa phương, đồng thời, gợi ý cho khách những trải nghiệm độc đáo thì sẽ tạo sự thúc đẩy, phát triển du lịch golf.
Vấn đề tiếp theo, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, cần tạo ra sự kiện golf ở Việt Nam. Việc thu hút các sự kiện golf quốc tế, như Giải đấu châu Á hoặc Giải vô địch nghiệp dư châu Á-Thái Bình Dương sẽ thu hút khán giả xem chơi golf đến Việt Nam. Việc đăng cai tổ chức một giải đấu như vậy cũng sẽ làm tăng uy tín của golf Việt Nam và giúp nâng cao nhận biết về chất lượng của các sân golf hiện có tại Việt Nam.
Ngoài ra, du lịch golf cần tăng cường đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp; phát triển du lịch golf bền vững; chính sách thuận lợi để thu hút cho khách golf.
Du lịch golf đang bị “đứt gãy” sự liên kết giữa các vùng
Đồng quan điểm, ông Phùng Công Xưởng – Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, hội viên hội golf chia sẻ, du lịch golf đang bị “đứt gãy” sự liên kết giữa các sân golf tại các địa phương, “đứt gãy” kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành, giữa các golfer tại các địa phương.
Còn với ông Phạm Thành Trí – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam cho biết, Hải Phòng có sân bay quốc tế trong thành phố, các khách sạn, resort 5 sao chất lượng tốt, các hãng hàng không mở nhiều đường bay tới Nhật Bản, Hàn Quốc… các sân golf được đánh giá là chất lượng tốt. Tuy nhiên, du lịch golf Việt Nam, golf Hải Phòng gặp nhiều khó khăn và thách thức và cần được tháo gỡ bằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (20%) để sản phẩm du lịch golf cạnh tranh với các nước Đông Nam Á. Phải đào tạo nguồn nhân lực du lịch golf đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch golf quốc tế và trong nước, cần truyền thông để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân hiểu golf là một môn thể thao và là một ngành kinh tế xuất khẩu dịch vụ như: chơi golf, ăn uống, tham quan…
Ông Vi Quốc Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội golf Hải Phòng kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước nên thay đổi tư duy về golf là môn chơi xa xỉ, nhà giàu mà coi đây là một môn thể thao văn minh, rèn luyện sức khỏe có tính cộng đồng cao. Do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong golf (hiện đang là 20%).
Nhà nước cần có định hướng, chiến lược để hỗ trợ một cách thực chất cho ngành du lịch golf Việt Nam (mỏ vàng của du lịch).
Riêng với giải pháp phát triển du lịch golf ở Hải Phòng, ông Vi Quốc Tuấn cho rằng, Hải Phòng cần xác định du lịch golf là lợi thế và mũi nhọn phát triển cho ngành du lịch Hải Phòng.