Chủ nhật, ngày 20/04/2025 17:00 GMT+7
Dự kiến sáp nhập Phú Thọ: Nơi có 3 người con làm rạng danh cho hậu thế, xứng nghiệp tổ tiên
Tào Nga Chủ nhật, ngày 20/04/2025 17:00 GMT+7
Phú Thọ, vùng đất Tổ linh thiêng của dân tộc Việt Nam, không chỉ nổi tiếng với di tích lịch sử Đền Hùng mà còn là quê hương của nhiều danh nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghệ thuật và khoa bảng.
Dự kiến sáp nhập Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình
Phú Thọ thuộc vùng miền núi trung du Bắc Bộ, là vùng đất cổ, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, nơi có bề dày truyền thống lịch sử và hàng nghìn năm văn hiến từ khi Vua Hùng dựng nước Văn Lang.
Địa giới hành chính của tỉnh tiếp giáp với tỉnh Tuyên Quang về phía Bắc; tỉnh Hòa Bình về phía Nam; tỉnh Vĩnh Phúc về phía Đông; thành phố Hà Nội về phía Đông Nam; tỉnh Sơn La, Yên Bái về phía Tây. Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Theo đó, hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, sẽ thành lập tỉnh Phú Thọ – đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc trung ương.

Phú Thọ là vùng đất giàu truyền thống hiếu học. Thời phong kiến, Phú Thọ có tổng số 26 vị đỗ khoa bảng dưới các triều nhà Trần, Hồ, Lê, nhà Mạc và Lê Trung Hưng. Trong đó có những người đỗ đạt cao như trạng nguyên, bãng nhãn, làm đến các chức Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Lại, bộ Lễ… và rất nhiều nhà khoa bảng khác tham gia điều hành trong bộ máy chính quyền phong kiến, làm sáng danh cho hậu thế, xứng nghiệp tổ tiên.
Bên cạnh đó Phú Thọ còn có nhiều làng quê hiếu học trong đó tiêu biểu nhất là làng Xuân Lũng (hay còn gọi là làng Dòng) có trên 300 tiến sĩ tại các thời đại, có 29 từ đường của dòng họ.
Dưới đây là một số gương mặt người con tiêu biểu ở Phú Thọ:
Trạng nguyên Vũ Duệ
Theo các bậc cao niên trong làng kể lại và những tư liệu còn lưu giữ, Trạng nguyên Vũ Duệ vốn là người làng Trình Xá, tổng Vĩnh Lại, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây (nay là xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Ông sinh ngày mùng 8 tháng Chạp năm Kỷ Mão (năm 1469).
Vũ Duệ thuở nhỏ tên là Vũ Nghĩa Chi, được mệnh danh là “Thần đồng”. 7 tuổi đã đọc thông, viết thạo, biết làm thơ. Năm 20 tuổi, ông đỗ đầu thi Hương. Khoa thi Hội năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (năm 1490), ông đỗ Trạng Nguyên.

Ông làm việc nước từ đời Lê Thánh Tông tới các triều vua: Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục, Tương Mục và Chiêu Tông, trải qua các chức vụ từ tham phủ tới lại bộ thượng thư, đông các đại học sỹ, Trịnh Ý bỉnh văn, Thiếu bảo, tước Trình khê hầu. Thời Chiêu Tông đất nước suy tàn, tướng võ Mạc Đăng Dung thoán quyền, cướp ngôi vua. Ông không chịu nổi, tử tiết ngày 16/8 năm Nhâm Ngọ (năm 1522).
Trạng nguyên Vũ Duệ có 32 năm tận tuỵ làm việc nước giúp vua trị vì đất nước, góp phần đưa đất nước thời Lê Thánh Tông đến phồn vinh, thái bình. Ông là tấm gương sáng về truyền thống hiếu học, thương dân ái quốc, vì nghĩa lớn quên thân, bậc công thần tiết nghĩa thời Lê. Vũ Duệ đứng đầu trong số 13 vị đại quân trung thần tử tiết; là nhà danh nho đứng đầu hàng khoa bảng trong số 26 vị danh nho tỉnh Phú Thọ; là Trạng nguyên duy nhất của tỉnh Phú Thọ. Sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ ông tại quê hương Trình Xá, Vĩnh Lại.
Bảng Nhãn Nguyễn Mẫn Đốc
Quan Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc là một danh nhân lịch sử văn hoá tiêu biểu nửa đầu thế kỷ XVI. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống thi thư, lễ nghĩa thuộc họ Nguyễn Tam Sơn ở làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao. Ông là một trí thức, một vị đại khoa của nền giáo dục Nho học của nước ta.

Trong khoa thi năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3, đời vua Lê Chiêu Tông- 1518, ông đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập Đệ nhị danh (Bảng nhãn). Cuộc đời ông là tấm gương sáng về nghiệp học, về trung thần tiết nghĩa, là nhân vật lịch sử có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội Đại Việt thế kỷ XVI. Ông được Nhà Lê truy phong “Tiết Nghĩa” và cho dựng đền thờ, được khắc vào bia đá số 13 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Ngoài Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, Làng Dòng (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao) cũng được người đời biết đến là một biểu tượng truyền thống hiếu học. Trải qua chiều dài 1.000 năm lịch sử Nho học, làng Dòng đã sản sinh ra 205 người đỗ đạt theo các thứ bậc khác nhau với 4 Đại khoa, 21 Trung khoa, 122 Tiểu khoa, số còn lại là nho sinh.
Bảng nhãn Trần Toại
Trần Toại là một trong hai bảng nhãn của tỉnh Phú Thọ đứng danh sách thứ hai hàng đệ nhất giáp tiến sĩ. Ông điển hình cho tấm gương hiếu học, được gọi là thần đồng vượt khó.
Trần Toại là người xã phượng Lâu huyện Phù Ninh phủ Tam Đái, Trấn Sơn Tây nay là xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Trần Toại vốn tên Trần Tụy, ông là con một gia đình nhà nông nghèo khó, cha làm nghề đốn củi, mẹ mò cua bắt ốc. Thủa nhỏ ông vừa phải đi học vừa phải mò cua bắt ốc.
Ông học bài bằng cách lấy than viết xuống nền nhà, tối bắt đom đóm bỏ vào lọ thủy tinh làm đèn học bài. Bảng nhãn Trần Toại đỗ đạt và làm quan vào đời vua Mạc Đăng Doanh khoa thi thứ 3 năm Mậu Tuất năm 1538. Tại kỳ thi Hội diễn ra vào mùa xuân ông đứng thứ nhì trong danh sách 36 tiến sĩ từ hơn 4.000 sĩ tử. Ông thi đỗ năm 25 tuổi và làm quan tới chức Thị thư tại viện Hàn lâm.
Đặng Minh Khiêm – Vị đại khoa tài đức của Đất Tổ
Đặng Minh Khiêm sinh năm 1456, mất khoảng năm 1522, tự là Trinh Dự, hiệu Thoát Hiên – người xã Mạo Phố, huyện Sơn Vi, nay là thôn Mạo Phổ, xã Lương Lỗ (Thanh Ba, Phú Thọ). Ông thuộc dòng dõi danh tướng Đặng Tất và Đặng Dung trong thời biến loạn hậu Trần.
Sau khi đỗ đạt, Đặng Minh Khiêm được bổ chức quan, tuy nhiên lịch sử lại không chép rõ ông được nhận chức vụ gì. Năm Tân Dậu (1501), ông làm Thị thư Viện hàn lâm, vâng mệnh đi sứ sang nhà Minh. Năm Kỷ Tỵ (1509), ông lại được đi sứ sang nhà Minh lần thứ 2. Khi về, ông được thăng chức Tả thị lang bộ Lại, rồi Thượng thư bộ Lễ kiêm Phó Tổng tài sử quán và coi việc ở cục Chiêu Văn. Trong đời vua Lê Chiêu Tông, Hoàng giáp Đặng Minh Khiêm vâng mệnh sửa lại bộ “Đại Việt lịch đại sử ký”.
Sau ông chạy theo Lê Chiêu Tông vào Thanh Hóa, rồi mất ở Hóa Châu, thọ khoảng 66 tuổi, một số nguồn sử liệu khác ghi ông thọ trên 70 tuổi.
Vì thời loạn lạc nên có lẽ sử sách chép về các nhà khoa bảng nói chung, về Đặng Minh Khiêm khá sơ lược. Ngoài việc đỗ đạt, 2 lần đi sứ, tham gia biên sửa sách sử… thì gần như không có thông tin nào về sự nghiệp làm quan của ông. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn chương, Đặng Minh Khiêm đã để lại những trước tác nổi tiếng, như: “Giang Tây khúc thuyền thi tập” (tập thơ chèo thuyền ở Giang Tây), làm khi đi sứ; “Việt Giám vịnh sử tập” (tập thơ vịnh sử làm tấm gương soi của nước Việt).