Ẩm thực Hội An: Ăn Cao lầu uống nước Mót và thưởng thức bánh tráng đập
Hội An thành phố rêu phong, cổ kính. Nằm bên dòng sông Hoài yên ả, nơi mà những mảng tường vàng, những mái ngói âm dương phủ màu thời gian, những con ngõ nhỏ ắp đầy ánh sáng lồng đèn rực rỡ về đêm hay những hoa đăng lãng đãng trôi trên bến sông Hoài. Tất cả đem lại cảm giác bình yên cho bất cứ ai đã một lần dừng ghé nơi này.
Bên cạnh cảnh vật nên thơ như níu giữ hồn du khách, thì một đặc trưng không thể thiếu trên hành trình xê dịch của những du khách đam mê du lịch, đấy là khám phá đặc sản ẩm thực của điểm dừng chân. Bên cạnh những món ăn đặc trưng như Cao Lầu, cơm gà thì nhắc đến Hội An không thể không nhắc đến thức uống vô cùng thơm ngon mang cái tên cũng rất đặc biệt – nước Mót.
Ẩm thực Hội An: Mỹ vị Cao Lầu phố Hội
Cao Lầu được xem là mĩ vị đặc trưng của phố cổ Hội An. Đến Hội An mà chưa thưởng thức Cao Lầu được ví như chưa đi Phố Hội. Cao Lầu đặc biệt bởi sợi mì thơm bùi do bột được pha với tro được lấy từ lá đảo của xứ Cù Lao Chàm. Và phải được tỉ mỉ kì công khi nước được dùng xay gạo phải lấy từ nước giếng Bá Lễ tại nơi này.
Theo lời của người dân gốc Hoa sống lâu năm ở Hội An, Cao lầu xuất hiện ở Hội An từ khoảng thế kỷ 17, thời kỳ thương cảng Hội An mới được khai thông, các thương nhân thuyền buôn từ các nước phương Tây và phương Đông, trong đó có Nhật Bản, Trung Hoa vào đây giao thương hàng hóa. Nhưng có lẽ là một món ăn được tổng hợp từ nhiều dân tộc.
Theo người dân Hội An, tên gọi Cao lầu bắt nguồn từ việc khá đơn giản, đó là món ăn này thường được bày bán trên tầng hai và sân thượng ở các quán ăn phố cổ, phía trên có treo đèn lồng, thực khách vừa ngồi ăn thưởng thức mỹ vị đậm đà của món ăn vừa ngắm phố cổ Hội An bình yên, lãng mạn.
Và để nấu được món đặc sản chuẩn vị, công thức chế biến cũng khá cầu kỳ, tỉ mỉ, bắt đầu từ khâu chọn lựa và xử lý nguyên liệu đến thứ nước sốt và rau thơm. Tất cả đã làm nên sự tinh tế, khó quên cho một tô Cao lầu đầy đặn, màu sắc bắt mắt, là linh hồn ẩm thực của phố cổ, chả thế mà vừa qua Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã trao chứng nhận là món Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam.
Theo các đầu bếp ở Hội An, điểm thú vị của món ăn này là ở sợi mì và phần nhân thịt heo xá xíu, quyện với rau sống Trà Quế thơm ngon, tươi rói. Tất cả tạo nên món ăn đặc sắc mà một khi đã thử thì sẽ ấn tượng mãi không thôi.
Quyến rũ nước thảo mộc sả chanh – Mót
Nước Mót tại đây còn được gọi với nhiều cái tên khác như nước thảo mộc sả chanh. Một loại nước đặc biệt được nấu bởi nhiều nguyên liệu thơm ngon, bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe. có lẽ vì kết hợp bởi nhiều loại nguyên liệu khác nhau nên tạo nên một loại thức uống mang mùi hương thơm dịu, vị thì thanh thanh, ngọt nhẹ. Càng nhấm nháp càng cảm nhận những dư vị nồng nàn tạo nên dư âm khó tả cứ phảng phất nơi đầu lưỡi.
Nước Mót còn đặc biệt ở không gian bày bán mang đến sự gần gũi với mô phỏng gánh hàng rong, nằm e ấp bên khung nhà cổ, phía trước rủ nhẹ nhành sử quân tử thoắt hiện như nét đẹp ủy mị cuốn hút ánh nhìn.
Nước thảo mộc chanh sả – Mót còn đặc biệt ở cách bày trí. Mỗi ly nước có một cánh sen trên miệng cốc tạo nên thanh tao quyến rũ. Mót còn chú ý đến việc bảo vệ môi trường khi cốc uống tại quán, ống hút, đến ly mang đi đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường. Qua tìm hiểu thì chủ quán, chàng trai mang nét lãng tử Nguyễn Hữu Xuân là người có tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, môi trường vì thế nước uống thanh thanh tốt cho sức khỏe và cả những vật dụng để chứa đựng thành phẩm độc đáo ấy cũng thân thiện và lợi cho cả người sử dụng và cả hệ sinh thái xung quanh. Chính những chàng trai như Mót đã làm cho phố cổ thêm đẹp, thêm đặc biệt với du khách gần xa.
Chủ quán, anh Nguyễn Hữu Xuân
Ẩm thực Hội An: Bánh tráng đập
Cũng là một món ăn đặc trưng của người Quảng Nam đã được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam vinh danh lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, món bánh tráng đập đã trở thành món ăn gây nhiều thương nhớ cho du khách. Món ăn này không phải là cao lương mỹ vị gì, nhưng lại được vô số thực khách yêu thích vì hương vị dân dã, độc đáo và thơm ngon của nó.
Bánh tráng đập thông thường chỉ gồm 2 phần. Bên ngoài là phần bánh tráng đã được nướng giòn thơm phức, còn bên trong là bánh ướt mềm từ bột gạo.
Đặc trưng của bánh là vì khi ăn, người ta phải dùng tay đập hay mảnh bánh tráng để dính vào bánh ướt. Cú đập nghe rốp một tiếng thật kêu, khiến phần bánh tráng giòn bị vỡ. Bên trong, phần bánh ướt mềm bên dưới có độ dính và mềm nên giữ phần bánh tráng không rơi ra ngoài.
Người dân nơi đây cho biết, chế biến bánh tráng đập cũng đòi hỏi phải có sự công phu trong từng công đoạn. Để nướng bánh tráng gạo cho thật vàng, thật giòn thì đòi hỏi người làm phải thật khéo léo, được đảo liên tục để không bị cháy.
Tiếp đến công đoạn làm phần bánh ướt. Để làm ra món bánh tráng đập thơm ngon, người dân xứ Quảng phải lựa chọn loại gạo ngon, dẻo và thơm. Sau khi ngâm nửa ngày cho gạo nở đủ, thì đem đi nghiền thành bột nước. Sau đó, người ta đem đi ủ 3 tiếng. Bí quyết của người Quảng là khi tráng bánh bỏ thêm chút muối vào bột để bánh đập được phồng và xốp hơn.
Khi tráng, người Quảng Nam dùng gáo dừa để múc bột. Trước khi tráng bánh đập, phải khuấy nhẹ bột đều tay thì khi tráng bánh mới mềm dẻo và không bị hạt cát. Khi nồi tráng bánh đạt tới nhiệt độ thích hợp, người bán sẽ múc bột dàn đều ra vải của nồi hơi. Sau khoảng 2 phút bánh chín, dùng que tre đưa bánh lên ống tre để bánh không bị dính. Sau đó bánh đã hơi nguội, người ta cho bánh lên bánh tráng nướng và cho thêm hành lên trên và như vậy chiếc bánh tráng đập đã hoàn thành.
Khi thưởng thức món bánh tráng đập, du khách có thể ăn kèm với nhiều topping khác nhau như: thịt nướng, thịt luộc hoặc lòng lợn… tuy nhiên để món bánh được ngon, chuẩn vị du khách phải chấm với mắm nêm thì sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị mềm dẻo, giòn tan của bánh đập, vị đậm đà, thơm, ngọt của mắm nêm, tất cả hòa quyện khiến du khách sẽ nhớ mãi không quên.