Các chuyên gia nhận định mặc dù ghi nhận một số tín hiệu hồi phục, đà tăng của ngành thép nói chung vẫn chưa rõ rệt do toàn ngành còn chịu sức ép cầu yếu kéo theo giá bán giảm mạnh.
“Anh cả” HPG đã thấy tín hiệu phục hồi trong bối cảnh khó khăn
Đầu tháng 6, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 5 và lũy kế 5 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, tháng 5/2023, Tập đoàn sản xuất 565.000 tấn thép thô, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với tháng 5/2022 nhưng tăng 16% so với tháng 4/2023. Cụ thể, sản lượng bán hàng thép xây dựng đạt 284.000 tấn, giảm 27% so với tháng 5/2022 nhưng tăng 8% so với tháng trước.
Sản lượng bán HRC đạt 243.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đóng góp 55%, chủ yếu tới thị trường châu Âu, châu Á.
Các sản phẩm thép hạ nguồn HRC như ống thép và tôn mạ đều ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ, với sản lượng bán hàng lần lượt đạt 57.000 tấn và 34.000 tấn.
Tuy chứng kiến tín hiệu phục hồi trong tháng 5 nhưng lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng thép của Hòa Phát vẫn giảm 36% cùng kỳ 2022 (đạt 2,34 triệu tấn thép thô). Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 2,36 triệu tấn, giảm 31% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thép xây dựng đạt 1,36 triệu tấn, giảm 33%. Thép cuộn cán nóng ghi nhận 965.000 tấn, giảm 21% so với 5 tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp 266.000 tấn ống thép và 136.000 tấn tôn mạ các loại ra thị trường, giảm lần lượt 14% và 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tín hiệu sáng cho toàn ngành có thể rõ nét hơn từ đầu năm sau
Các chuyên gia nhận định mặc dù ghi nhận một số tín hiệu hồi phục, đà tăng của ngành thép nói chung vẫn chưa rõ rệt do toàn ngành còn chịu sức ép cầu yếu kéo theo giá bán giảm mạnh.
Theo đó, trả lời tại chương trình “Gõ cửa tháng mới” số ngày 9/6, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu tại SSI Research, cho biết ngành thép sẽ còn đối diện nhiều khó khăn trong năm nay và giai đoạn tăng trưởng có thể đến vào đầu năm 2024.
Ông Châu đánh giá nhu cầu thép vẫn chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, tại thị trường Việt Nam, thông thường cao điểm tiêu thụ sẽ bắt đầu từ tháng 3, nhưng mức tiêu thụ các tháng gần đây đã 20 – 30% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhu cầu xuất khẩu thép chưa cho thấy xu hướng vững chắc trong thời gian tới, dù đã có tín hiệu bật lên trong quý II.
Theo vị chuyên gia, trên thực tế, kinh tế Việt Nam và toàn cầu còn nhiều bấp bênh, bối cảnh vĩ mô chưa có nhiều cải thiện. Trong nước, thị trường bất động sản đình trệ cũng là yếu tố khiến nhu cầu thép ở mức thấp.
Yếu tố thứ 2 cản trở đến tăng trưởng ngành thép là sự sụt giảm về giá thép. Theo đó, giá thép trong và ngoài nước đã đảo chiều giảm mạnh từ tháng 3 năm nay.
Với thị trường Trung Quốc, giá thép đã giảm từ 15 – 20%, cách mức đáy năm ngoái khoảng 5 – 10%. Theo ông Châu, nguyên nhân là do thị trường bất động sản Trung Quốc không hồi phục như dự báo, nhu cầu thép sau khi tăng 3% trong quý I đã giảm trở lại khoảng 2 – 3% trong tháng 4 và tháng 5.
Ở Việt Nam, giá thép xây dựng đã ghi nhận 10 đợt giảm liên tiếp từ tháng 4 và giá thép cuộn cán nóng (HRC) giảm về dưới mức 600 USD/tấn.
“Anh cả” Hòa Phát đã giảm giá bán thép cuộn cán nóng (HRC) thêm 40 USD/tấn khi nhu cầu nội địa vẫn còn yếu. Đây là lần giảm giá thứ 2 trong 1 tháng qua. Cụ thể, Hòa Phát ấn định giá bán thép HRC loại SAE1006/SS400 ở mức 570 USD/tấn, giảm 40 USD/tấn so với tháng trước. Còn Formosa Hà Tĩnh đang chào giá HRC ở mức 580 USD/tấn (giá CIF). Ngoài ra, Formosa còn chiết khấu thêm tùy thuộc vào khối lượng đặt hàng.
Trong khi đó, Trung Quốc nâng giá bán HRC ở Việt Nam vì hợp đồng tương lai thép HRC ở Trung Quốc leo dốc. Các nhà máy nhỏ của Trung Quốc đang chào giá bán ở mức 565 – 570 USD/tấn (giá CFR), trong khi các nhà máy lớn chào giá 595 – 600 USD/tấn.
Những bên bán từ các quốc gia khác đang chào giá 570 USD/tấn (giá CFR). Trước đó, đã có giao dịch khoảng 40.000 tấn HRC từ nhà máy Đài Loan (Trung Quốc) và khoảng 30.000 tấn từ nhà máy Ấn Độ ở mức giá 570 USD/tấn (giá CFR).
Dù đã giảm nhưng nếu so với trước dịch, mức giá khu vực vẫn cao hơn 20%, trong khi giá thép xây dựng Việt Nam còn cao hơn khoảng 40%. “Trong bối cảnh cầu yếu như hiện nay, giá thép sẽ có những đợt tăng/giảm đan xen, nhưng biên độ thấp hơn so với giai đoạn diễn ra dịch COVID-19”, ông Châu nhận định.
Chuyên gia cũng lưu ý đến tác động của Trung Quốc đối với giá thép. “Nếu quốc gia này tăng sản xuất, nguồn cung dư thừa giá giảm, dẫn đến việc các nhà máy đã tăng công suất nhưng chịu lỗ, dẫn đến hành động cắt giảm công suất sau đó. Do đó, tạo ra làn sóng tăng/giảm đan xen của giá thép”, ông Châu cho hay.
Với những yếu tố trên, ông Châu dự báo trong thời gian tới, biên lợi nhuận các doanh nghiệp thép của Việt Nam vẫn ở mức thấp, một số doanh nghiệp nhỏ có thể có những giai đoạn lãi – lỗ đan xen.
Năm 2023, chuyên gia cho rằng các công ty thép vẫn ghi nhận lợi nhuận giảm so với năm ngoái dù mức nền năm trước đã rất thấp. Riêng nửa cuối năm, kết quả kinh doanh sẽ khả quan hơn so với mức lỗ kỷ lục năm 2022.
“Sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sẽ rõ ràng hơn trong giai đoạn đầu năm 2024, giá cổ phiếu thép có thể phản ứng trước đôi chút”, ông Châu chia sẻ.
Thùy Dương
Nguồn Doanh nhân Việt Nam