du-an-do-thi-lan-bien-trong-vung-dem-vinh-ha-long:-cuc-truong-cuc-di-san-van-hoa-len-tieng

Dự án đô thị lấn biển trong vùng đệm vịnh Hạ Long: Cục trưởng Cục Di sản văn hoá lên tiếng

“Dự án đô thị lấn biển trong vùng đệm vịnh Hạ Long có khả năng gây ra những tác động xấu về môi trường”

Thưa bà, liên quan đến dự án đô thị lấn biển trong vùng đệm vịnh Hạ Long, UBND TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để khắc phục một số vấn đề môi trường. Về vấn đề này, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói chung, Cục Di sản Văn hoá nói riêng đã có động thái như thế nào?

Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ nhất năm 1994 theo tiêu chí về vẻ đẹp thẩm mỹ và lần thứ hai năm 2000 theo tiêu chí về địa chất, địa mạo, với diện tích vùng lõi là 43.400ha (bao gồm vùng biển và 775 hòn đảo), và vùng đệm rộng lớn 111.900ha.

Dự án Khu đô thị 10B phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (Khu đô thị 10B) có ranh giới phía Đông giáp biển, phía Tây giáp núi đá vôi, đầm Cây Giang, phía Nam giáp suối Lộ Phong và Vịnh Bái Tử Long, phía Bắc giáp núi đá vôi, được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3787/QĐ-UBND cấp lần đầu ngày 29/10/2021 với tổng diện tích 31,82ha, trong đó có 3,88ha diện tích thuộc vùng đệm Vịnh Hạ Long. Công ty TNHH Đỗ Gia Capital đã trúng thầu là nhà đầu tư.

Dự án đô thị lấn biển trong vùng đệm vịnh Hạ Long: Cục trưởng Cục Di sản văn hoá lên tiếng - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ảnh: NVCC

Hiện trạng khu vực thực hiện dự án bao gồm đất ven núi, đất mặt nước, nuôi thả gà, vịt, đất bờ đầm, bờ thửa, đất đồi núi, đất taluy, phần lớn là đất bãi triều ngập mặn, không có dân cư, không có công trình kiến trúc Quốc gia và di tích lịch sử, an ninh quốc phòng, không có đất du lịch. Khu vực đề xuất thực hiện Dự án nằm ở cuối hạ lưu suối Lộ Phong đổ ra biển Bái Tử Long, đây đồng thời cũng là nơi nước thải từ khu dân cư chảy ra biển.

Ngày 5/11, một số cơ quan báo chí đưa thông tin việc triển khai, thực hiện dự án Khu đô thị 10B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả có việc đổ đất trực tiếp xuống vùng nước vịnh Hạ Long mà không có các giải pháp bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái của khu vực danh thắng vịnh Hạ Long.

Ngay trong ngày 06/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 4773/BVHTTDL-DSVH đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghiêm các nội dung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến tại Công văn số 507/BVHTTDL-KHTC 20/2/2023, trong đó đặc biệt lưu ý quá trình nghiên cứu, triển khai Dự án cần thực hiện đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) – là Cơ quan tư vấn của UNESCO về lĩnh vực Di sản thiên nhiên thế giới.

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban quản lý Vịnh Hạ Long cùng các cơ quan, địa phương liên quan báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo chủ đầu tư tiến hành kiểm tra thực tế tại khu vực dự án, để đề xuất biện pháp xử lý, đồng thời tổ chức thông tin rộng rãi đến các cơ quan thông tin đại chúng về nội dung, quá trình triển khai, thực hiện Dự án, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong ngày 6/11.

Theo bà, việc xây dựng dự án này có thể gây ra những tác động nào tới Di sản thế giới Vịnh Hạ Long?

– Trước đó, theo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Khu đô thị tại khu 10B phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (Quyết định số 1614/QĐ-UBND ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh) đã xác định những nguy cơ khả năng tác động xấu tới môi trường, gồm: Nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, tiếng ồn, độ rung trong giai đoạn thi công xây dựng; giai đoạn vận hành thử nghiệm và giai đoạn hoạt động và một số tác động khác (tác động đến đa dạng sinh học, tác động đến môi trường nước biển ven bờ, tác động đến nuôi trồng thủy sản, môi trường, cảnh quan Vịnh Hạ Long; tác động tích cực đến kinh tế – xã hội khi dự án đi vào hoạt động…). Đồng thời, cũng đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường của dự án ở giai đoạn thi công xây dựng, giai đoạn vận hành thử nghiệm và giai đoạn hoạt động. 

Dự án đô thị lấn biển trong vùng đệm vịnh Hạ Long: Cục trưởng Cục Di sản văn hoá lên tiếng - Ảnh 2.

Việc chủ đầu tư đổ đất lấn biển, quây núi vịnh Hạ Long để làm khu đô thị đang gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: D.X

Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh ngày 6/11, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra thực tế tại khu vực dự án. Tại thời điểm kiểm tra thực địa tại công trường thi công dự án, Chủ đầu tư dự án (Công ty TNHH Đỗ Gia Capital) chưa tuân thủ theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.

Vì vậy, ngay trong ngày 06/11/2023, UBND TP Cẩm Phả đã có Văn bản số 4784/UBND-VP “Yêu cầu Công ty TNHH Đỗ Gia Capital dừng thi công dự án, phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, đơn vị thuộc UBND thành phố Cẩm Phả để thực hiện các nội dung liên quan trong công tác quản lý nhà nước và các quy định của pháp luật”. Ngày 7/11, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền là 125 triệu đồng đối với Công ty TNHH Đỗ Gia Capital vì các hành vi sau: Không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định trong trường hợp quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không thực hiện nội dung Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Việc xử lý của các cơ quan chức năng đối với sự việc này là đúng đắn và cần thiết, phù hợp quy định của pháp luật, với nội dung các Công văn số 1205/DSVH-DT ngày 05/11/2023 của Cục Di sản văn hóa và Công văn số 4773/BVHTTDL-DSVH ngày 06/11/2023 của Bộ VHTTDL.

Trường hợp nào UNESCO loại di sản ra khỏi Danh sách Di sản Thế giới?

Với những di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, trong trường hợp bị xâm phạm thì có ảnh hưởng đến những danh hiệu đó không, thưa bà?

– Các dự án, công trình phát triển kinh tế-xã hội, trước hết phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật: Luật xây dựng, Luật đầu tư… và các pháp luật liên quan. Riêng đối với các dự án, công trình thực hiện ở khu vực bảo vệ II (Điều 32) và thực hiện nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích (Điều 36) còn phải tuân thủ quy định của Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh.

Dự án đô thị lấn biển trong vùng đệm vịnh Hạ Long: Cục trưởng Cục Di sản văn hoá lên tiếng - Ảnh 3.

Việc triển khai thi công Dự án Khu đô thị 10B (phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đang tạm dừng hoạt động. Ảnh: Đ.X

Căn cứ Điều 32 Luật Di sản văn hóa, việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II quy định tại điểm b khoản 1 điều này đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời không được làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. 

Theo đó, kể cả đối với Dự án được Bộ thỏa thuận đồng ý triển khai, một trong những nội dung Cục tham mưu Bộ trong các văn bản luôn đặc biệt lưu ý trong quá trình thực hiện Dự án, đó là phải đánh giá tác động môi trường theo Hướng dẫn của UNESCO đối với di sản thế giới, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; đồng thời, phải cử các cơ quan chuyên môn liên quan giám sát thường xuyên việc triển khai dự án để kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp nhằm tránh tác động tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên và các giá trị của di sản. 

Mặt khác, nội dung quan trọng bên cạnh nguyên tắc bảo tồn di sản, đó là phải công khai nội dung Dự án để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã hội trước khi triển khai theo quy định của pháp luật.

Việc những di sản văn hóa và thiên nhiên đã được UNESCO công nhận trong trường hợp bị xâm phạm thì theo quy định của Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới của UNESCO có thể sẽ được UNESCO đưa ra quyết định khuyến nghị quốc gia thành viên phải có những biện pháp giảm thiểu tác động. Trường hợp, xác định di sản thuộc 1 trong những tiêu chí của một trong hai trường hợp sau, thì UNESCO có thể đưa di sản đó vào Danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa.

Trên thế giới hiện có 57 Di sản Thế giới được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa. Việt Nam từ khi tham gia Công ước Di sản Thế giới vào năm 1987 đến nay đã có 08 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, và từ đó đến nay chưa có Di sản Thế giới nào của Việt Nam bị đưa vào Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa.

Cụ thể, Đoạn 179. Trường hợp các di sản văn hoá: Mối đe doạ đã được xác định – Di sản đứng trước mối đe dọa cụ thể và chắc chắn sẽ xảy ra, chẳng hạn như: Sự xuống cấp nghiêm trọng của vật liệu; sự xuống cấp nghiêm trọng của cấu trúc và/hoặc các đặc điểm trang trí; sự xuống cấp nghiêm trọng về cấu trúc quy hoạch thành phố hay kiến trúc; sự xuống cấp nghiêm trọng về không gian đô thị hoặc nông thôn, hay môi trường thiên nhiên; mất mát lớn về tính xác thực lịch sử; mất mát quan trọng về ý nghĩa văn hóa.

Mối đe doạ tiềm tàng – Di sản đối mặt với các mối đe dọa có thể hủy hoại các đặc tính cố hữu của nó. Những đe dọa này là: Thay đổi về tình trạng pháp lý của di sản làm giảm đi mức độ bảo vệ của nó; thiếu chính sách bảo tồn; các tác động đe dọa của các dự án quy hoạch vùng; các tác động đe dọa của quy hoạch thành phố; sự bùng nổ hoặc đe dọa của xung đột vũ trang; các tác động đe dọa của các yếu tố địa chất, khí hậu hoặc môi trường khác. 

Đoạn 180. Trường hợp các di sản thiên nhiên: Mối đe doạ đã được xác định – Di sản đứng trước mối đe dọa cụ thể và chắc chắn sẽ xảy ra, chẳng hạn như: Sự suy giảm nghiêm trọng của các loài đang bị nguy hiểm hoặc các loài khác thuộc Giá trị Nổi bật Toàn cầu di sản đã được xác lập về pháp lý để bảo vệ, do các yếu tố thiên nhiên như dịch bệnh hay các yếu tố nhân tạo như săn bắn; Sự xuống cấp nghiêm trọng về vẻ đẹp thiên nhiên hoặc giá trị khoa học của di sản, như do cư trú của con người, xây dựng các hồ chứa nước làm ngập nhiều phần quan trọng của di sản, phát triển công nghiệp và nông nghiệp, kể cả việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón, các công trình công cộng lớn, khai mỏ, ô nhiễm, khai thác gỗ, nhặt củi…; Con người xâm phạm ranh giới hoặc ở các khu vực thượng nguồn đe dọa tính toàn vẹn của di sản. 

Mối đe doạ tiềm tàng – Di sản đối mặt với những mối đe dọa lớn có thể có những tác động phá huỷ các đặc tính cố hữu của nó. Các mối đe dọa này gồm: Sự thay đổi về tình trạng bảo vệ hợp pháp của khu vực; Các dự án tái định cư theo quy hoạch hay các dự án phát triển bên trong di sản hoặc ở vị trí có thể đe dọa di sản; Sự bùng nổ hay đe dọa của xung đột vũ trang; Kế hoạch quản lý hoặc hệ thống quản lý thiếu thốn hay chưa đầy đủ, hoặc không được thực hiện đầy đủ; Các tác động đe dọa của các nhân tố địa chất, khí hậu hoặc môi trường khác”. 

Đồng thời, UNESCO cũng đề nghị Quốc gia thành viên xây dựng, thông qua và triển khai kế hoạch sửa chữa, khắc phục.

Theo bà, trường hợp nào UNESCO loại di sản ra khỏi Danh sách Di sản Thế giới?

– Về trường hợp UNESCO loại di sản ra khỏi Danh sách Di sản Thế giới, xảy ra ở trường hợp quy định tại Đoạn 192 Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới: Di sản bị suy thoái tới mức đã mất đi các đặc tính quyết định việc đưa nó vào Danh sách Di sản Thế giới; Các phẩm chất nội tại của Di sản Thế giới đã bị đe dọa tại thời điểm đề cử bởi hành động của con người và các biện pháp khắc phục cần thiết như được Quốc gia thành viên trình bày vào thời điểm đó chưa được thực hiện trong khung thời gian đã đề xuất”.

Trên thế giới, đã từng có 3 di sản bị loại khỏi Danh sách Di sản Thế giới là: Thung lũng Dresden Elbe ở Cộng hòa Liên bang Đức năm 2009, Khu bảo tồn động vật hoang dã ở Oman năm 2017 và Thành phố Liverpool ở Anh năm 2021.

Trên thế giới, đã từng có 3 di sản bị loại khỏi Danh sách Di sản Thế giới là: Thung lũng Dresden Elbe ở Cộng hòa Liên bang Đức năm 2009, Khu bảo tồn động vật hoang dã ở Oman năm 2017 và Thành phố Liverpool ở Anh năm 2021.

Vậy Cục Di sản đã có phương án, đề xuất nào, thưa bà?

– Thời gian qua, Cục Di sản văn hóa đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh Quảng Ninh triển khai lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long. Gần đây nhất, ngày 6/11, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh, Cục Di sản văn hóa đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 4217/BVHTTDL-DSVH góp ý Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, tỉnh Quảng Ninh cần khẩn trương hoàn thiện Nhiệm vụ lập Quy hoạch để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Trong thời gian tới, khi Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt sẽ là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long được bền vững. Đồng thời, trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh cần xây dựng và ban hành quy chế bảo vệ Vịnh Hạ Long, trong đó có nội dung phối hợp cấp phép xây dựng và kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, để thực hiện nghiêm các nội dung của Quy hoạch.

Có thể thấy, từ thực trạng quản lý, những định hướng của UNESCO và trong nước, cũng như những kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới về quản lý Di sản Thế giới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Di sản Thế giới ở Việt Nam, trong thời gian tới cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, như: 

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Di sản Thế giới, đảm bảo sự thống nhất, hạn chế sự chồng chéo trong công tác quản lý Di sản Thế giới, trong đó, bên cạnh việc quy định về bảo vệ và phát huy Di sản Thế giới, cần có những quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, hỗ trợ cộng đồng sinh sống trong di sản; Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực Di sản Thế giới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ Di sản Thế giới.

Kiện toàn bộ máy quản lý Di sản Thế giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm, sự hợp tác chặt chẽ trong bảo vệ, quản lý Di sản Thế giới giữa các cơ quan quản lý Di sản Thế giới ở trung ương và địa phương; 

Nâng cao năng lực thực thi Kế hoạch quản lý, Quy hoạch và tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, đảm bảo bảo vệ bền vững giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của Di sản Thế giới.

Tăng cường lồng ghép các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị Di sản Thế giới gắn với quan điểm phát triển bền vững của UNESCO thông qua việc bảo vệ môi trường, phát triển xã hội, kinh tế bền vững, tăng cường hòa bình và an ninh.

Xây dựng bộ công cụ giám sát về tình trạng bảo tồn Di sản Thế giới đảm bảo tính khả thi, trên cơ sở có sự tham khảo các bộ công cụ giám sát của UNESCO và các nước trên thế giới, phù hợp với thực tiễn quản lý và bối cảnh, điều kiện của Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *