“Đột nhập” thủ phủ đào quất, xem người dân chọn cây hơn 1 tháng trước Tết. Clip: Trung Hiếu.
Chọn quất cảnh từ đầu tháng 11 âm lịch vì “sợ hết cây đẹp”
Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, trên địa bàn phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) hiện có khoảng 400 hộ trồng quất với diện tích 15ha. Các chủ nhà vườn ở đây chia sẻ, họ dự kiến khoảng thời gian tiêu thụ quất cảnh Tứ Liên mạnh nhất là giữa tháng 12 âm lịch. Tuy nhiên, từ thời điểm này, đã có một số người đến vườn xem và chọn mua quất để chơi Tết.
Có mặt tại một nhà vườn quất cảnh ở phường Tứ Liên, bà Trần Thị Khanh (64 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) vừa chọn cho mình được 1 cây quất bonsai ưng ý. Bà chia sẻ: “Năm nào tôi cũng vào tận các vườn để chọn quất từ khoảng đầu tháng 11 âm lịch. Cây quất hôm nay tôi chọn có giá trên 1 triệu đồng. Tôi đã thanh toán và nhờ nhà vườn chăm sóc đến gần Tết mới sang vận chuyển về”.
Bà Khanh tiếp lời: “Tiêu chí chọn quất bonsai của tôi để chơi Tết là quả phải to, lá phải xanh, cành phải cứng và đặc biệt cây phải có nhiều lộc, với mong muốn sang năm mới gia đình có nhiều lộc, nhiều tài. Sở dĩ tôi phải đi sớm thế này vì muốn chọn được cây quất đẹp chứ nếu để muộn hơn sợ người khác sẽ mua mất”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Anh Dũng (63 tuổi) người gắn bó với nghề trồng quất cảnh tại phường Tứ Liên 40 năm cho biết, năm nay, vườn nhà ông trồng 300 gốc quất. “Tất cả quất tôi trồng tại vườn đều là quất bonsai, ngày xưa tôi trồng cây quất đất, nhưng Tết đến phải chặt rễ, đánh cây quất lên. Nếu năm nào mưa vào lúc cận Tết thì bầu đất sẽ bị bở ra, làm quất không được đẹp. Cho nên từ nhiều năm nay, tôi đã trồng cây quất trong bình”.
Vừa dẫn phóng viên tham quan vườn quất của gia đình, ông Dũng vừa say sưa nói: “Hôm nào tôi cũng có mặt tại vườn từ sáng đến chiều để chăm cây. Hiện tại, quất đã có các lộc chờ, đến Tết sẽ ra hoa. Giá trung bình khoảng 500.000-700.000 đồng/cây, còn loại gốc to, đẹp lại có mức giá khác. Những cây quất nhiều thế hệ, có cả quả chín, quả ương và quả xanh, đại diện cho một gia đình, có già, có trẻ thường được những người sành chơi mua về trưng Tết, có cây có giá lên tới hàng chục triệu đồng”.
Ông Dũng cho rằng, nghề trồng quất rất công phu, không phải cứ có kinh nghiệm là có thể tạo ra các cây quất đẹp. “Kinh nghiệm thì có thể tôi có, nhưng công việc này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm nay rét muộn, còn từ bây giờ đến Tết ấm hay rét mình cũng không tài nào biết được. Nếu thời tiết nắng ấm, không rét sâu thì còn dễ làm, chứ nếu rét quá, thì quả không lớn, lộc không phát, việc làm hoa rất vất vả”.
Tại một vườn khác ở quận Tây Hồ, ông Nguyễn Văn Hưng (60 tuổi) đang tỉ mẩn tay cắt dây thép buộc vào những tán cây quất cảnh. Thấy phóng viên thắc mắc, ông Hưng liền giải đáp: “Nhiều khi chồi quất mọc không đúng ý, mình phải thực hiện thao tác này để tạo dáng cây quất đó cho chuẩn. Ví dụ cành nào ngả ra nhiều quá sẽ dễ bị phá tán, nó lại trở thành cây quất rông. Khi dây thép mới buộc thì trông nó hở, nhưng qua một thời gian, nó bắt đầu xuống màu đi, không ai phát hiện là buộc dây thép ở đó cả, nó trở thành một cây quất nhìn rất tự nhiên”.
Vừa chỉ tay vào những cây quất sai trĩu quả, ông Hưng vừa chia sẻ: “Các cây quất này bây giờ trông như vậy thôi, nhưng mà tôi vẫn phải chăm sóc nó rất kỳ công. Càng sai quả, độ hút nước của nó càng lớn. Thời điểm này, tôi phải rất cẩn thận trong việc phân nước cho cây. Cây yếu quá mà cho nhiều nước vào sẽ hỏng rễ. Còn cây khỏe có thể cho được nước, nhưng chỉ ở mức độ vừa đủ để nuôi cây, nuôi quả, chứ còn nếu cây nào cũng như nhau thì đơn giản rồi”.
Chủ vườn đào Nhật Tân tất bật ủ trấu, trộn đất chờ “đánh đào”
Tới làng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh người làm vườn đang khuân vác những bao lớn, bao nhỏ trấu về để trộn vào đất. Hỏi thăm anh Nguyễn Văn Hải (32 tuổi), chủ một vườn đào khu vực này, anh cho biết đây là một công đoạn được tiến hành trước khi trồng cây vào chậu để bán cho người dân chơi Tết.
“Trước bước ủ trấu là công đoạn mình tuốt lá đào. Cách thời điểm Tết tầm 30 – 40 ngày, là mình bắt đầu tuốt. Sau đó, mình bắt đầu ủ trấu và trộn với đất nhằm giảm thiểu mức độ sâu bệnh của cây. Cuối cùng mới tới công đoạn đánh đào, cho cây vào chậu để trồng cho dịp bán tới”, anh Hải nói.
Vườn nhà anh Hải trồng trên dưới 300 gốc đào, từ nhỏ đến to. Anh chia sẻ: “Giá đào phụ thuộc vào kích cỡ gốc của nó. Mức thấp nhất cũng phải tầm 2 – 3 triệu đồng đối với dòng đào mini, còn đối với những gốc đào to, có những cây lên tới vài chục triệu đồng. So với mọi năm, chắc chắn là năm nay giá bán sẽ có phần nhỉnh hơn, vì giá nhân công, phân bón… đều tăng và cả công sức để chăm ra một cây đào đến bây giờ cũng vất vả hơn”.
Nhận được câu hỏi về giá thuê nhân công năm nay, bà Nguyễn Thị Liên nói khi hai tay đang thoăn thoắt cầm xẻng, trộn từng bao trấu lớn, nhỏ vào đất trồng: “Từ thời điểm này, cứ nhà vườn nào gọi là tôi đi làm. Thường các buổi chiều như thế này thì tôi làm 4 tiếng, từ 13 giờ tới 17 giờ. Giá nhân công được tính theo đầu người, mỗi người dao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng một công, tùy theo công việc của vườn”.
Các gốc đào tại vườn của anh Hải đa số thuộc giống đào Nhật Tân, ngoài ra anh còn trồng thêm một số gốc đào rừng để phục vụ nhu cầu của khách. “Hầu hết khách hàng khi chơi đào Tết xong, họ sẽ gửi gắm lại để mình chăm lại. Nhưng mà rủi ro tương đối cao, có cây mình sẽ phục hồi được, có cây mình cũng phải bỏ đi”.
Anh Hải dự đoán, sức mua của khách hàng sẽ bắt đầu tăng lên từ đầu tháng 12 âm lịch và mạnh nhất vào thời điểm giữa tháng. “Theo xu hướng từ những năm trước, mình cho rằng năm nay người ta đi sắm đào thì sẽ mua luôn chứ không thuê, trừ một số cơ quan có thể họ thuê vào mùa Tết, tầm trên dưới 1 tháng”, anh Hải nói.